PHỤC VỤ KHIÊM TỐN
Lm Raphael Xuân Nguyên
Mang thân phận con người, không ít thì nhiều, chúng ta cũng thường hay đo các giá trị hoặc đánh giá người khác dựa trên những vẻ bề ngoài hơn là thực chất trong tâm hồn, nhất là những giá trị đích thực của họ trước mặt Thiên Chúa. Không lạ gì khi các môn đệ Chúa Giêsu mới chỉ vỏn vẹn có mười hai người, mà cũng tranh luận xem ai sẽ là người làm lớn nhất trong họ. Chắc chắn các đánh giá về con người của các ông khác xa với điều Chúa Giêsu truyền dạy, nên Người đã tụ họp cả mười hai vị lại và phán: Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.'' Mức thang giá trị mà Chúa Giêsu đưa ra để đánh giá một người lãnh đạo: đó là sự khiêm tốn phục vụ anh chị em mình như người đầy tớ.
Thoáng lướt qua nguyên tắc này, chúng ta cảm nhận dễ dàng trong lời nói; nhưng nếu đem áp dụng vào thực tế cuộc sống trong tiến trình phục vụ thực sự một cách khiêm tốn thì không phải dễ. Nguyên việc phục vụ anh chị em mình mà thôi thì đã tốt lắm. Tuy nhiên nguyên nhân và động lực của việc phục vụ trong tâm thức của con người có thể đổi thay tuỳ theo tâm trạng và mục đích của họ. Có người thích phục vụ vì bản tính tự nhiên; có người thích phục vụ vì muốn được tha nhân để ý, nhất là trước đám đông hay tập thể; có người thích phục vụ vì muốn có quyền lợi và danh dự hơn người; lại có người muốn phục vụ để lợi dụng người khác đạt đến mục tiêu của riêng mình,vv... Nguyên tắc của Chúa Giêsu muốn làm lớn thì hãy tự làm người rốt hết'' trực tiếp nhấn mạnh đến việc phục vụ trong khiêm tốn. Bản chất của nguyên tắc này tự nó xóa đi cái ý định 'làm lớn' của người phục vụ. Làm người rốt hết là để có thể phục vụ hết mọi người một cách hiệu qủa. Sự phục vụ ấy xóa đi khoảng cách và mặc cảm giữa tha nhân và chính mình. Làm kẻ rốt hết để phục vụ cũng nói lên ý chí từ bỏ chính mình để làm theo ý và lợi ích của tha nhân. Nó hình như xóa hết cái tôi của kẻ phục vụ. Điều này rất đúng khi Thánh Phao Lô viết cho giáo hữu ở Philipphê về thân phận tôi tớ của Đức Kitô trong việc phục vu: Chúa Kitô vì chúng ta đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Phi 2:8-9)
Như thế, việc phục vụ tha nhân trong khiêm tốn như Chúa dạy đòi hỏi con người phải thực sự từ bỏ chính mình; nó cũng đồng nghĩa với việc đóng đinh mình vào thập giá. Từ bỏ cái tôi và nhân cách trong việc phục vụ không có nghĩa nhục mạ nhân phẩm, nhưng chính là bước vào con đường cứu độ của thập gía Đức Kitô.
(tinmung.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.