Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

ĐỜI SỐNG CA VIÊN VÀ CHUẨN MỰC THÁNH NHẠC

CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI NĂM 2022

ĐỜI SỐNG CA VIÊN VÀ CHUẨN MỰC THÁNH NHẠC

Tác giả: Phêrô Phạm Hoàng Tiệp

WGPHN (21.5.2022) - Hôm nay thật là một ngày đáng ghi nhớ và tràn ngập niềm vui đối các ca viên khi được sống trong một giai đoạn lịch sử của Giáo Phận, giai đoạn Công Nghị Tổng Giáo Phận và buổi Hội Thảo Tiền Công Nghi về Thánh Nhạc hôm nay đã quy tụ rất nhiều ca viên tham dự trực tiếp cũng như trực tuyến qua các phương tiện truyền thông. Sự kiện này gợi nhớ lại sự kiện của ngày 28-9-2019 tại đại thính đường Phao-lô VI Roma, ĐTC Phan-xi-cô đã gặp gỡ 3000 ca viên của các ca đoàn đến từ khắp nước Ý. Trong bài nói chuyện với các ca viên, ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc lại những đặc tính căn bản của thánh nhạc được thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đề ra. ĐTC đã khuyến khích các ca viên dùng tiếng hát của mình giúp cho giáo dân tham gia phụng vụ cách ý thức và sống động.

Sự kiện ngày 28-9-2019 tại Roma làm chúng con cảm nghiệm được: Giáo Hội đang rất quan tâm đến ca viên chúng con, những người đóng một vai trò quan trọng trong cử hành phụng vụ của Giáo Hội mà cao điểm là Thánh lễ. Đây cũng là lí do mà hôm nay, Đức Tổng Giuse đã quy tụ các ca viên chúng con về đây, để trong bầu khí Ân Sủng của ngày Hội Thảo Tiền Công Nghị về Thánh Nhạc, chúng con sẽ kín múc được nhiều bài học quý giá về Phụng vụ Thánh Nhạc. Để lời ca tiếng hát của chúng con chạm tới tâm hồn người nghe với một tâm hồn cầu nguyện và một tinh thần đạo đức thánh thiện hết lòng yêu mến Chúa.

A. NỘI DUNG

I. Thực trạng và các mối tương quan


Với cái nhìn từ phía là một người ca viên, con đã có may mắn tham gia các ca đoàn từ rất sớm khi còn là học sinh, sinh viên và cho tới nay, con đã được sống và trải nghiệm nhiều biến cố nơi các ca đoàn mình tham gia và qua các góp nhặt chia sẻ cũng như những khảo sát đến từ nhiều ca viên trong các ca đoàn tại các giáo xứ. Con xin được trình bày về thực trạng của các ca viên hiện nay trong TGP qua các mối tương quan. Các mối tương quan này chúng con xin được lưu tâm đến điểm chính yếu đó là: “ Đời sống ca viên và chuẩn mực Thánh Nhạc”

Đầu tiên, với chúng con mối tương quan trọng nhất là:

1. Ca viên với Giáo Hội

Mặt tích cực

Nhiều ca viên đã ý thức được vai trò và sứ mạng của mình trong việc tham dự cử hành Phụng Vụ của Giáo Hội. Coi đó như một ơn gọi nên đã hy sinh thời giờ, hy sinh công sức, hy sinh ý thích riêng để góp phần vào việc tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu như mục đích thánh nhạc đã đề ra

Có nhiều ca đoàn có các ca trưởng am hiểu về Thánh Nhạc và Phụng Vụ cũng như có khả năng về âm nhạc nên đã hướng dẫn cho ca viên không chỉ hát đúng mà còn hát hay, hát thánh thiện, đạt đến mức độ cầu nguyện, quy hướng ca hát về Thiên Chúa.

Bên cạnh đó nhiều ca viên ý thức việc tham gia ca đoàn là cơ hội trở thành một người tông đồ truyền giáo bằng lời ca tiếng hát.

Mặt chưa tích cực

Không ít ca viên còn chưa ý thức được trách nhiệm của mình, tham gia ca đoàn còn vì những lý do con người chưa siêu nhiên như:
  • Khỏi bị lạc lõng vì không ở trong một hội đoàn nào
  • Thích vào ca đoàn để được mặc đồng phục, được ngồi chỗ dành riêng
  • Không chú tâm trong lời ca tiếng hát của mình khi phục vụ thánh lễ
  • Không đi tập hát đều, không phục vụ Thánh lễ một cách thường xuyên
  • Không tham gia các buổi bồi dưỡng về kỹ năng hát cũng như những buổi hướng dẫn về thánh nhạc khi có dịp.
– Hoạt động của Giáo Hội cho các ca viên, ca đoàn còn hạn chế, như chưa có nhiều các lớp đào tạo cho các ca viên cũng như ca trưởng hiểu về Phụng Vụ cũng như Thánh nhạc, hay kỹ năng ca hát.

Tiếp đến con xin được chuyển qua mối tương quan giữa ca viên với cha xứ. Ca viên trong các ca đoàn tại giáo xứ được ví như cánh tay nối dài của các cha xứ trong việc cử hành phụng vụ.

2. Ca viên với cha xứ

Tại nhiều giáo xứ các viên, ca đoàn đã được quý cha xứ quan tâm động viên khích và hướng dẫn về Phụng Vụ, về Thánh nhạc giúp các ca viên trong các ca đoàn hiểu thêm về vai trò và trách nhiệm của mình trong phụng thánh.

Cha xứ và ca đoàn cộng tác ăn khớp tạo nên những buổi cử hành phụng vụ đạt đến tinh thần cầu nguyện giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên với Chúa khi tham dự thánh lễ.

Tuy nhiên, cũng có những ca đoàn chưa có tương quan tốt với cha xứ. Nhiều ca đoàn chưa lắng nghe góp ý hướng dẫn của cha xứ về Phụng vụ hoặc Thánh Nhạc. Còn chọn những bài thánh ca chưa phù hợp với Phụng Vụ, chưa được kiểm duyệt. Hoặc cũng có khi ca đoàn chưa được cha xứ quan tâm hướng dẫn. Từ đó dẫn đến buổi cử hành Phụng Vụ còn chưa được sốt sắng, loạc choạc, gây chia trí cộng đoàn.

3. Ca viên với gia đình

Mỗi ca viên khi tham gia ca đoàn cũng rất cần sự động viên khích lệ và tạo điều kiện của người thân. Đặc biệt vào những dịp lễ lớn khi ca đoàn phải tập hát thường xuyên và nhiều hơn, thì người thân lại là người gánh đỡ công việc cho các ca viên để họ có thời gian đến nhà thờ tập hát.

Có rất nhiều ca viên được gia đình khuyến khích động viên đi tập hát

Bên cạnh đó có nhiều ca viên còn phải bỏ tập hát nhiều vì bị chi phối bởi công việc gia đình, chưa được sự ủng hộ và động viên của người thân.

Trên đây là những thực trạng của các ca viên trong Tổng Giáo Phận mà con vừa trình bày qua 3 tương quan. Với tất cả niềm khát khao và nguyện ước khi tham gia ca đoàn để được Phục vụ, để nên thánh, nêu gương sống đạo và để làm việc tông đồ truyền giáo bằng lời ca tiếng hát của mình, con xin được nói lên những thao thức của ca viên.

II. Thao thức của ca viên

1. Là một người ca viên nhưng chúng con lại biết ít về Phụng Vụ và Thánh Nhạc:
 
Chúng con ước mong được sự quan tâm của từ Giáo Hội, xin tạo cơ hội cho chúng con được trau dồi những kiến thức về Phụng Vụ và Thánh Nhạc để chúng con có thể phục vụ Giáo Hội một cách tốt hơn theo những chuẩn mực của Thánh Nhạc.

2. Một ca trưởng am hiểu về thánh nhạc về phụng vụ, giỏi về kiến thức âm nhạc sẽ giúp cho các viên của mình hát đúng chuẩn thánh nhạc, đúng phụng vụ:

Chúng con ước mong trong Tổng Giáo Phận có những lớp huấn luyện ca trưởng và đệm đàn phụng vụ vào dịp hè, hướng tới đào tạo cho học sinh sinh viên công giáo để tương lai ngày càng có nhiều người trẻ phục vụ Giáo Hội.

3. Hát là hai lần cầu nguyện:

Chúng con ước mong trong Tổng Giáo Phận có những buổi thánh ca cầu nguyện giao lưu các ca đoàn giữa các giáo xứ với nhau. Hoặc các cuộc thi tiếng hát giáo đường để như một cách thức giới thiệu Chúa cho tôn giáo bạn qua các phương tiện truyền thông.

4. Ca đoàn luôn luôn thuộc về giáo xứ:

Chúng con ước ao quý cha xứ luôn nâng đỡ, quan tâm hướng dẫn chúng con về Phụng vụ về Thánh Nhạc để chúng con có thể làm tốt hơn. Nếu chúng con sai xót do thiếu hiểu biết, xin quý cha thương chỉ dạy cho chúng con bằng tấm lòng Mục Tử.

5. Để có thời gian tham gia vào ca đoàn tại các giáo xứ, chúng con cũng phải hy sinh nỗ lực vượt qua những khó khăn của bản thân vì thế:

Chúng con rất cần sự cảm thông, hy sinh chia sẻ từ phía gia đình dành cho chúng con để chúng con có thời gian đi tập hát, hát lễ và phục vụ Giáo xứ khi Giáo xứ cần.

Chúng con mong ước những thao thức trên đây của ca viên chúng con được lưu tâm đến.

B. KẾT LUẬN:

“Hát tốt là cầu nguyện hai lần” đó cũng là điều mà mỗi ca viên chúng con cần nỗ lực vươn tới, hát tốt ở đây bao hàm sự chuẩn mực về Thánh nhạc và Phụng vụ. Tuy nhiên, không ít ca viên chúng con lại không biết cả về thánh nhạc và phụng vụ, nếu có biết thì cũng còn rất giới hạn. Ước mong sao sau buổi Hội Thảo Tiền Công Nghị về Thánh nhạc hôm nay, mỗi ca viên chúng con hiểu hơn về Thánh nhạc về Phụng vụ và biết hiểu đúng về vai trò và trách nhiệm của mình trong cử hành phụng vụ, luôn mang trong mình sứ mạng đem Chúa đến cho mọi người qua lời ca tiếng hát của mình. Luôn biết hiệp hành cùng cha xứ, giáo xứ và Giáo hội trong sứ mạng của mình. Để lời ca tiếng hát của chúng con chạm tới tâm hồn người nghe với một tâm hồn cầu nguyện và một tinh thần đạo đức thánh thiện hết lòng yêu mến Chúa.

Một lần nữa con xin đại diện cho tất cả các ca viên trong Tổng Giáo Phận Hà Nội xin hết lòng tạ ơn Chúa, tri ân Đức Tổng Giuse, quý cha đặc trách về Thánh Nhạc, quý cha trong Tổng Giáo Phận đã yêu thương qui tụ chúng con về tham dự Hội Thảo Tiền Công Nghị về Thánh Nhạc rất thiết thực và ý nghĩa này. Chúng con xin hết lòng tri ân.

(WHĐ)

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

ỦY BAN THÁNH NHẠC HỘI THẢO THÁNH NHẠC LẦN THỨ 48 THÁNH LỄ VÀ THÁNH NHẠC


ỦY BAN THÁNH NHẠC 
HỘI THẢO THÁNH NHẠC LẦN THỨ 48  
THÁNH LỄ VÀ THÁNH NHẠC
 
Bài viết: Tóc Ngắn (TGPSG)
Hình ảnh: Ban Truyền thông TGP Sài Gòn

WHĐ (05.5.2022) - Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 48 tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) TGP Sài Gòn lúc 8g30 thứ Ba ngày 3-5-2022, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục (ĐGM) Aloisiô Nguyễn Hùng Vị - Chủ tịch UBTN và linh mục (Lm) Rôcô Nguyễn Duy - Thư ký UBTN.


Tham dự Hội Thảo có 180 vị, gồm: Ban thường vụ UBTN toàn quốc, Thư ký của một số Ủy ban Giám mục liên hệ, các Trưởng Ban Thánh nhạc của 27 Giáo phận và các thành viên, các linh mục đặc trách Thánh nhạc của các chủng viện, các vị đặc trách Thánh nhạc của các hội dòng, các linh mục là cộng tác viên của UBTN toàn quốc cùng các nhạc sĩ (Ns), ca trưởng Thánh nhạc, các giảng viên Thánh nhạc tại TTMV TGPSG.
 

Khai mạc – Gặp gỡ

Buổi Hội thảo được bắt đầu với giây phút cầu nguyện để xin Chúa thánh hóa. Sau đó, Ns Phanxicô đã giới thiệu thành phần tham dự và mời Lm Giuse Phạm Đình Ái, SSS thuyết trình đề tài Thánh lễ và Thánh nhạc”.


Các điểm nhấn của bài thuyết trình:
  • Phân biệt các bài Phụng Vụ và các bài hát trong Thánh lễ
  • Phần riêng của Thánh lễ gồm: ca nhập lễ (CNL), ca tiến lễ (CTL) -trước gọi là ca dâng lễ - ca hiệp lễ (CHL): Không nên chọn CNL buồn, dài lê thê, đặc tính của CNL là hân hoan, vui tươi. CTL có thể hát chủ đề ngày lễ và phụng vụ, nên lựa bài thích hợp chủ đề không chỉ là bánh rượu và dâng tiến. CTL trong Thứ 5 Tuần Thánh, Giáo Hội đề nghị nên hát bài “Đâu có tình yêu thương”. Ưu tiên các bài hát Hội Thánh chỉ định. Quy chế nói rằng khi Lm chủ tế đang rước lễ nên hát CHL. Tất cả nên dựa vào sách hát của Giáo Hội hoàn vũ: Không hát về Đức Mẹ, các Thánh, không theo ngày lễ. Nên hát khi đang rước lễ. (x. HDMVTN, các số 178-185)
Các lưu ý:
  • Kinh Thương Xót không thuộc hành động thống hối, mà là lời tung hô. Trong lễ an táng không mặc định là bộ lễ Mồ, mà có thể là bộ lễ Seraphim, hoặc bộ lễ của Lm Kim Long. Kinh Thương Xót là quy về Chúa Kitô.
  • Kinh Vinh Danh không thay thế bộ lễ khác. Không hát Kinh Vinh Danh vào các Chúa nhật mùa Chay và Mùa Vọng (các lễ linh mục mặc phẩm phục màu tím, trừ những lễ có phẩm phục khác, như Lễ kính thánh cả Giuse [19-3], lễ Truyền Tin [25-3], Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội [8-12], v.. v...
  • Kinh Tin Kính nên đọc hơn là hát.
  • Sanctus được toàn thể cộng đoàn hát [Nếu không thể hát thì đọc rõ tiếng – Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, Ấn bản mẫu thứ ba 2002[=SLR], số 31 ở cuối].
  • Kinh Lạy Cha là lời kinh chuẩn bị rước lễ cao nhất nên hát trong dịp lễ long trọng. Chỉ có vị tư tế đang dâng Thánh lễ giang tay cầu nguyện và cộng đoàn không giơ cao tay hay nắm tay nhau.
  • Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa nên được hát vào Chúa nhật và lễ trọng.
  • Nên hát bản văn Phụng vụ đã được Hội Thánh hoàn vũ quy định.
Tiếp lời Lm Giuse, cha Rôcô nói về các cuốn sách gởi tặng tham dự viên:

(1) Hương Trầm 33 viết về Thánh Nhạc.
(2) Niệm Suy Lời Chúa 3 do cha giáo Kim Long gởi tặng.
(3) Hòa Tiếng Hát Ngợi Khen do Ns Việt Khôi gởi tặng.

3. Phần hỏi đáp – Lắng nghe nhau

Ban Thánh nhạc đã dành nhiều thời gian để lắng nghe những ý kiến và giải đáp thắc mắc của tham dự viên. Lm Rôcô và Lm Giuse đã trả lời và giải thích thỏa đáng để mọi người cùng học hỏi và thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của Giáo hội.

- Phần Ca Tiến lễ có thể áp dụng ba cách:

+ Lm đọc nhỏ tiếng mẫu thức trong SLR
+ Nếu không hát ca tiến lễ, linh mục đọc lớn tiếng mẫu thức trong SLR (x. số 23, 24, 25).
+ Hoặc Dạo đàn.

- Mùa Chay tuyệt đối không hát, không đọc Alleluia, nhưng có 8 mẫu thay thế cho Alleluia, có 2 mẫu đã được dịch, một mẫu là: Lạy Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa (Hướng dẫn GH trong sách Mục lục Thánh lễ).

Lm Rôcô trình bày những khó khăn phức tạp trong việc Imprimatur các bài hát, nhiều người phải ngồi với nhau để chỉnh sửa từng chút một.


Cha giáo Kim Long chia sẻ: Từ sau canh tân Công đồng Vaticanô II, khi dâng lễ những bài nào không thích hợp thì bỏ. Cứ hát những bài hợp với tâm tình dâng lễ. Cao điểm là Dâng bánh rượu để trở thành Mình Máu Chúa, không nên kéo dài quá.


Sau giờ giải lao, các tham dự viên tiếp tục có những câu hỏi và được giải đáp thỏa đáng.

Một số ý kiến đã đánh giá cao việc làm của Ban Thánh Nhạc (BTN):

(1) Tất cả nên hiệp hành với GH để làm sao đi càng đúng càng tốt.

(2) Trong việc hiệp hành nên cân bằng, có những Lm khắt khe quá, có những vị khác lại không quan tâm.

(3) Các Nhạc sĩ cũng nên hiệp hành với toàn quốc và BTN Việt Nam, nên khiêm tốn lắng nghe và đồng ý sửa đổi bài mình sáng tác.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích đã được Ủy ban TN cảm ơn và ghi nhận.


Đúc kết của ĐGM Aloisiô – Chủ tịch UBTN

Trong buổi hội thảo hôm nay, chúng ta được nghe đề tài quan trọng là Thánh lễ. Phụng Vụ (PV) thì bao la, Lm Giuse chỉ thuyết trình riêng phần Thánh lễ thôi mà đã có nhiều góp ý. Thánh nhạc hôm nay vẫn còn lấn cấn trong hát PV và hát trong PV. Sách lễ Rôma hiện xong rồi nhưng ĐTC Phanxicô còn xem coi cho phù hợp với các địa phương nên tới ngày hôm nay chúng ta vẫn còn đang chờ sách lễ Rôma để có những bài hát chính thức của VN trong PV. Trong các ý kiến, vấn đề khác đụng chạm tới các giáo xứ chứ không riêng Thánh nhạc. Vấn đề thay đổi một thói quen [không đúng từ trước đến nay] không dễ, cái khó là làm sao dung hòa được với nhau. Nghệ thuật trong PV giúp chúng ta hướng dẫn cộng đoàn nâng tâm hồn lên với Chúa mới là quan trọng. Các ca đoàn, các anh chị hát solo và người đánh đàn thích thể hiện để người ta khen mình, như vậy sai với lời ca tiếng hát trong PV. Đàn hát cho rõ lời để người ta hiểu mới đúng.


Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tham dự viên, cùng những ý kiến đóng góp trong Hội thảo. Chắc chắn BTN sẽ đúc kết và phổ biến để mọi người biết.

Cuối cùng, ngài cho biết lần Hội thảo tiếp theo sẽ vào ngày 18-10-2022 tại TTMV.

Lm Thư ký tóm tắt: Trong Thánh nhạc, yếu tố Thánh là quan trọng, nên loại bỏ mọi yếu tố trần tục, nên cố gắng viết theo Thánh kinh và Thánh Vịnh, nguồn Phụng vụ. Giáo Hội không ngừng cổ võ những sáng kiến khi sáng tác Thánh nhạc để làm giàu kho tàng Thánh Nhạc VN.


Sau khi ĐGM, Chủ tịch UBTN ban phép lành cho các tham dự viên, nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đã dâng lời cầu nguyện: “Chúng con cảm tạ Chúa vì được gặp nhau, lắng nghe, trao đổi và phân định để tham gia với Giáo Hội. Xin cho chúng con thấu hiểu nhau và hiệp nhất để làm sáng danh Chúa.”


Buổi Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 48 kết thúc lúc 11g30 bằng bài hát “Đâu có tình yêu thương...”


(Cập nhật lúc 17h00, ngày 05.5.2022)

(WGPSG)