Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 38-43.45.47-48)



THUẬN HAY CHỐNG

Antôn Lê Ngọc Sinh Nhật
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết câu chuyện xảy ra trong khung cảnh truyền giáo của các Tông đồ và có thể cuộc sống của cộng đoàn tín hữu Thánh Marcô.

Bối cảnh xảy ra đó là sau khi các Tông đồ đi truyền giáo : rao giảng, trừ quỷ, chữa bệnh nhân danh Chúa Giêsu. Các Ngài đã thấy có người không thuộc nhóm Tông đồ của Chúa Giêsu mà dám kêu danh Ngài để trừ quỷ. Các Tông đồ đã ngăn cấm và Thánh Gioan còn trình bày sự việc này cho Chúa Giêsu phân xử. Chúa đã trả lời ông: “Ðừng ngăn cấm họ, vì không ai nhân danh Thầy làm phép lạ rồi sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Vì ai không chống lại Ta là ủng hộ Ta”.

Theo các Tông đồ thì quyền trừ quỷ, quyền ban ơn, quyền rao giảng chỉ dành cho những môn đệ được Chúa gọi rõ ràng, người khác không có quyền đó. Nhưng ơn Chúa không bao giờ bị hạn chế, không dành đặc quyền cho người nào, nhóm nào cả. Bất cứ ai tin tưởng và cầu xin, hoặc kêu cầu danh Chúa để làm việc tốt, Chúa đều nhậm lời. Chúa Giêsu còn mở rộng thêm: ngay cả những người yên lặng, kẻ không chống đối đạo Chúa, cũng phải xem họ như những cảm tình viên, như những người thuận với mình.

Nếu ai ra mặt ủng hộ sứ mạng truyền giáo, dầu bằng một việc cỏn con như cho nhà truyền giáo, dầu một bát nước, kẻ đó không mất phần thưởng đâu. Còn kẻ nào nên cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé nhỏ đã tin này thì thà cột cối đá dìm xuống biển còn hơn. Lý do dễ hiểu vì người mới trở lại, Ðức tin còn non nớt giống như mầm non mới mọc đang cần bám đất màu mỡ là gương lành, gương tốt của người tín hữu, của công đoàn giúp phát triển, thế mà người Kitô hữu tạo ra gương mờ, gương xấu làm họ sa ngã hoặc không còn tin tưởng vào đạo Chúa nữa. Như câu chuyện về nhà ái quốc Ghandi chẳng hạn (chuyện Ghandi vào nhà thờ).

Ngày nay cũng có thể xảy ra. Một người tìm đạo, thấy người công giáo sống xấu quá, họ không cần tìm hiểu đạo nữa. Một người mới gia nhập đạo bị người có đạo lôi cuốn họ vào con đường tội lỗi (tội ác). Một bạn học cùng lớp, có thiện cảm với đạo Chúa, một em có đạo gây gỗ, đánh đập bạn bè trong giờ chơi khiến bạn đó thấy người Công giáo sao dữ quá, không dám học đạo…

Tội làm gương xấu cản trở việc truyền giáo là tội hết sức lớn, Chúa ra lệnh phải trừ tận gốc rễ, trừ tuyệt, trừ hoàn toàn. Tin Mừng ghi lại những lời quyết liệt sau: “Nếu tay người làm ngươi vấp phạm thì chặt phăng đi, nếu chân người làm dịp tội cho ngươi thì chặt bỏ đi, nếu mắt ngươi làm ngươi vấp phạm thì móc vất đi vì thà mất tay, mất chân, chột mắt mà vào nước Thiên Chúa còn hơn có hai tay, hai chân, hai mắt mà vào hỏa ngục”. Ở đây, Chúa dạy ta theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa đen, vì có kẻ thì bỏ beer, bỏ gái, bỏ thuốc lá rồi chặt ngón tay, ngón chân xin thề mà vẫn không chừa. Nghĩa bóng ở đây dạy phải từ bỏ ngay, từ bỏ hẳn mọi gương xấu, không được chần chừ, không được khất lần khất lựa, vì đó là cớ làm ta mất lòng Chúa và bị đày trong hoả ngục.

(tinmung.net)


Lời Chúa dạy trong bài Tin mừng hôm nay còn nóng hổi trong Giáo Hội, trong Giáo xứ, trong cộng đoàn và nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta thường cho mình độc quyền về chức vụ, về ơn Chúa để ganh tỵ với người khác, lên án người không hợp ý mình. Nhưng còn lối sống của chúng ta, sống bê bối, đối xử bất công với người khác (có đạo cũng như không có đạo) khiến họ sợ hãi khi nghe đến tôn giáo. Qua bài Tin mừng hôm nay xin cho mọi người trong chúng ta ý thức hơn về chức vụ Tông đồ của mỗi người chúng ta.

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 30-37)



PHỤC VỤ KHIÊM TỐN

Lm Raphael Xuân Nguyên
Mang thân phận con người, không ít thì nhiều, chúng ta cũng thường hay đo các giá trị hoặc đánh giá người khác dựa trên những vẻ bề ngoài hơn là thực chất trong tâm hồn, nhất là những giá trị đích thực của họ trước mặt Thiên Chúa. Không lạ gì khi các môn đệ Chúa Giêsu mới chỉ vỏn vẹn có mười hai người, mà cũng tranh luận xem ai sẽ là người làm lớn nhất trong họ. Chắc chắn các đánh giá về con người của các ông khác xa với điều Chúa Giêsu truyền dạy, nên Người đã tụ họp cả mười hai vị lại và phán: Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.'' Mức thang giá trị mà Chúa Giêsu đưa ra để đánh giá một người lãnh đạo: đó là sự khiêm tốn phục vụ anh chị em mình như người đầy tớ.

Thoáng lướt qua nguyên tắc này, chúng ta cảm nhận dễ dàng trong lời nói; nhưng nếu đem áp dụng vào thực tế cuộc sống trong tiến trình phục vụ thực sự một cách khiêm tốn thì không phải dễ. Nguyên việc phục vụ anh chị em mình mà thôi thì đã tốt lắm. Tuy nhiên nguyên nhân và động lực của việc phục vụ trong tâm thức của con người có thể đổi thay tuỳ theo tâm trạng và mục đích của họ. Có người thích phục vụ vì bản tính tự nhiên; có người thích phục vụ vì muốn được tha nhân để ý, nhất là trước đám đông hay tập thể; có người thích phục vụ vì muốn có quyền lợi và danh dự hơn người; lại có người muốn phục vụ để lợi dụng người khác đạt đến mục tiêu của riêng mình,vv... Nguyên tắc của Chúa Giêsu muốn làm lớn thì hãy tự làm người rốt hết'' trực tiếp nhấn mạnh đến việc phục vụ trong khiêm tốn. Bản chất của nguyên tắc này tự nó xóa đi cái ý định 'làm lớn' của người phục vụ. Làm người rốt hết là để có thể phục vụ hết mọi người một cách hiệu qủa. Sự phục vụ ấy xóa đi khoảng cách và mặc cảm giữa tha nhân và chính mình. Làm kẻ rốt hết để phục vụ cũng nói lên ý chí từ bỏ chính mình để làm theo ý và lợi ích của tha nhân. Nó hình như xóa hết cái tôi của kẻ phục vụ. Điều này rất đúng khi Thánh Phao Lô viết cho giáo hữu ở Philipphê về thân phận tôi tớ của Đức Kitô trong việc phục vu: Chúa Kitô vì chúng ta đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Phi 2:8-9)

Như thế, việc phục vụ tha nhân trong khiêm tốn như Chúa dạy đòi hỏi con người phải thực sự từ bỏ chính mình; nó cũng đồng nghĩa với việc đóng đinh mình vào thập giá. Từ bỏ cái tôi và nhân cách trong việc phục vụ không có nghĩa nhục mạ nhân phẩm, nhưng chính là bước vào con đường cứu độ của thập gía Đức Kitô.   

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 8, 27-35)



CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B

Nếu có dịp theo dõi các game shows trên đài truyền hình, cách riêng là chương trình “Nốt nhạc xanh”, có lẽ chúng ta cũng thầm cảm phục các thí sinh tham dự cuộc thi. Chỉ cần vài ba note nhạc. Thậm chí chỉ cần một note nhạc vang lên, cùng với một vài gợi ý là họ có thể nói chính xác tên và tác giả của bài hát. Và không chỉ trong lãnh vực âm nhạc, nhiều người trong chúng ta còn biết rất nhiều thứ: nào là giá cả hàng hóa trên thị trường, nào là tên của các minh tinh điện ảnh, nào là tên của các siêu sao bóng đá nước ngoài (với những cái tên hoàn toàn xa lạ)… ví dụ nếu nói “ngon từ thịt, ngọt từ xương” chúng ta biết ngay đó là bọt nêm Knorr. Nếu được hỏi ngôi sao nào đóng phim võ thuật hay nhất, có lẽ chúng ta sẽ trả lời ngay rằng đó là Lý Tiểu Long, nếu được hỏi ai là Vua bóng đá chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội trả lời đó là Pêlê… Sở dĩ chúng ta có được những câu trả lời nhanh và chính xác như thế, vì đó là những điều chúng ta đang quan tâm. Thế nhưng, nếu ngay bây giờ có ai đó đột nhiên hỏi chúng ta: “Đức Kitô là ai vậy? “Chúa Giêsu là ai vậy?”, thì không biết chúng ta sẽ trả lời như thế nào?


Cách đây hơn 2000 năm. Lúc đó, sau một thời gian rao giảng, Đức Giêsu cùng các môn đệ đến miền Cêsarê – Philípphê, thuộc miền Đông Bắc nước Do thái, tại đây, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Trước mắt của dân chúng thời bấy giờ, Chúa Giêsu tuy là một con người đặc biệt, nhưng cũng chỉ là một vị ngôn sứ, cùng lắm là một vị đại ngôn sứ như Giêrêmia, Êlia hoặc Gioan Tẩy Giả, hay nói cho cùng, Ngài cũng chỉ là một con người đến dọn đường cho Đấng Messia mà thôi. Trong bối cảnh đó, chúng ta mới thấy câu trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của Nhóm Mười Hai mà Phêrô đại diện thưa lên là một câu trả lời mang tính đột phá. Bởi, khi tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nghĩa là các ông chấp nhận chàng thanh niên thợ mộc miền Nazareth, con ông Giuse và bà Maria, có tên là Giêsu, đang sống giữa các ông, thực sự là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban. Lời tuyên xưng này đòi các tông đồ, không những phải tôn kính Đức Giêsu như một vị Thầy, mà còn phải tôn thờ Ngài như một vị Thiên Chúa. Không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, mà là một xác tín sâu thẳm từ bên trong, hướng dẫn toàn bộ đời sống của các tông đồ. Chính câu trả lời này sẽ xoay chuyển cuộc đời của các ông sang một hướng mới. Các tông đồ, đã sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, bắt bớ, giam cầm, đòn vọt để rao giảng và làm chứng về sự chết và sống lại của Đức Kitô, người Thầy và cũng là Cứu Chúa của đời họ,


Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta bày tỏ nhận định ta có về Ngài: “Về phần con, Thầy là ai đối với con?”(mỗi người phải tự trả lời không ai trả lời thế cho ai, cũng không có quyền trợ giúp….) chúng ta sẽ trả lời như thế nào đây???

Khi câu hỏi nầy được đặt ra với một nhóm thanh niên đang ngồi tận ngoài cổng nhà thờ sáng chúa nhật, vừa hút thuốc vừa dự lễ, thì họ trả lời qua khói thuốc: “Đối với chúng tôi, Chúa Giêsu là một vị Thẩm Phán khắt khe, hay bắt bẻ những người phạm luật. Dù chẳng yêu mến gì Ngài, nhưng vì sợ bị ghép vào tội bỏ lễ chúa nhật, nên chúng tôi miễn cưỡng đến ngồi đây dự lễ.”

Khi câu hỏi nầy được nêu ra với một số doanh nhân tất bật với việc làm ăn buôn bán, thì họ trả lời rằng: “Đối với chúng tôi, Chúa Giêsu là một ông Thần Tài. Dù chẳng yêu mến gì ổng, nhưng chúng tôi biết đối xử sòng phẳng với ổng. Nếu ổng phù hộ chúng tôi ăn nên làm ra, thì chúng tôi còn đặt ổng lên bàn thờ, có nhang đèn hẳn hoi. Nếu ổng không giúp chúng tôi phát đạt, chúng tôi mời ổng đi chỗ khác.”

Khi câu hỏi nầy được nêu lên với một nhóm người khác đang theo đuổi lạc thú, họ đáp: “Chúa Giêsu là ai ư? Thật tình chẳng mấy khi chúng tôi nghĩ đến. Điều đó chẳng đáng quan tâm. Có lẽ khi nào chúng tôi già yếu, lâm bệnh nguy kịch, hoặc gặp gian nan khốn đốn trong cuộc đời, chúng tôi sẽ tìm đến với Ngài… sẽ thành khẩn kêu cầu Ngài như những người đi biển gặp nạn cần đến tấm phao cứu sinh!”.

Thiên Chúa sẽ đau buồn biết bao khi đoàn con yêu dấu của Ngài nhận định về Ngài như thế. Khi chúng ta trả lời với Ngài như thế.

Còn nếu như chúng ta đồng ý với lời tuyên xưng của thánh Phêrô trong Tin mừng hôm nay: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì chúng ta cũng hãy can đảm sống niềm tin đó như các tông đồ đã sống khi xưa.

Tuy nhiên, để sống được điều này, không phải chỉ bằng một lời nói, hay một quyết tâm là đủ, nhưng đó là một chọn lựa, một cố gắng liên lỷ, trường kỳ trong từng phút giây của cuộc sống. Chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức khỏe, kể cả những thiệt thòi về vật chất. Do đó, chúng ta rất cần sự nâng đỡ của ơn Chúa. Ước gì trong thánh lễ hôm nay, không người nào trong chúng ta bỏ lỡ cơ hội được hiệp nhất với Đức Kitô trong phần hiệp lễ, để nhờ Ngài nâng đỡ, chúng ta có thể sống trọn vẹn niềm tin mà giờ đây mời cộng đoàn đứng chúng ta cùng tuyên xưng. Amen.

Lm. Paul NGUYỄN NGUYÊN 

(thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 7, 31-37)



HÃY MỞ RA
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Khi ở nước ngoài, có dịp gặp những người Việt sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi họ: "Sống ở nước ngoài, điều gì khiến ông bà buồn khổ nhất". Họ trả lời: "Khổ nhất là chúng con sống như những người điếc và ngọng. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, nói chẳng nên lời, thành ra không làm cho người ta hiểu được mình. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, thật y như người điếc".

Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. Nghe là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.

Nếu điếc và ngọng thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì điếc và ngọng tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.

Có nhiều thứ điếc.

Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.

Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu, ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chỉ vào những phần xấu.

Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.

Sau cùng, có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng, còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, có nhiều thứ ngọng.

Có thứ ngọng do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta không hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.

Có thứ ngọng do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngọng nghịu, anh em nghe mà không hiểu.

Có thứ ngọng do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có thứ ngọng do lười biếng. Vì lười biếng, ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng, ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng, ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng, ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.

Những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi ta ngọng.

Hôm nay, Đức Giê-su cũng đến nói với ta: "Ephata". Hãy mở ra.

Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Hãy kể ra những thứ ngọng và nói lý do của những thứ ngọng đó.

2) Hãy kể ra những thứ điếc và nói lý do của những thứ điếc đó.

3) Khi gặp người khác bạn thích nói hay thích nghe. Hoặc bạn không muốn nói cũng chẳng muốn nghe?

4) Lắng nghe có dễ không? Bạn có để ý lắng nghe Chúa và nghe nhau không?

5) Nói những điều tốt đẹp rất có ích lợi. Bạn đã có kinh nghiệm gì về điều này chưa?

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 7, 1-8a.14-15.21-23)



NGHI THỨC BÊN NGOÀI
Sưu tầm
Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị cầm tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua và ông ta yếu dần. Cuối cùng người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng: cơ thể ông ta bị thiếu nước. Thế nhưng đám lính canh lại thắc mắc không hiểu vì sao vị Rabbi này lại có thể thiếu nước, vì khẩu phần nước tương đối đầy đủ.

Và thế là họ kín đáo quan sát ông ta. Cuối cùng họ đã khám phá ra lý do. Sở dĩ cơ thể ông ta thiếu nước vì ông ta đã dùng phần lớn số nước được cung cấp để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và dùng bữa.
Câu chuyện trên cho thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bực bội như thế nào, khi các môn đệ Chúa ăn uống mà chẳng chịu rửa tay theo đúng tập tục tiền nhân.

Ngược dòng thời gian chúng ta thấy người Do Thái có hai thứ luật. Luật thành văn và luật truyền khẩu. Luật thành văn vừa cổ lại vừa quan trọng vì nó căn cứ trên những sách của Cựu ước và đôi khi còn được gọi là luật Maisen. Một số luật này mang tính cách cụ thể và đặc thù, còn lại thì rất chung chung giống như những kiểu mẫu phải theo hơn là lề luật. Trong một thời gian dài, người Do Thái bằng lòng với những kiểu mẫu này và họ áp dụng vào đời sống vì thấy nó thích hợp.

Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, một nhóm chuyên nghiên cứu về luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân. Họ thấy những điều luật tổng quát quá sơ sài, mơ hồ cần phải được soạn thảo lại. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, gồm những luật truyền khẩu. Rất nhiều người Do Thái muốn bắt chước các tư tế về sự thánh thiện bên ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn: theo luật thành văn thì mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ, mục đích là tẩy rửa đi những gì ô uế để xứng đáng thờ phượng Chúa. Dần dần dân chúng cũng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện và khi dùng bữa.

Vào thời Chúa Giêsu, họ tuân giữ cặn kẽ thứ luật truyền khẩu này, để rồi tôn giáo dần dần thái hóa và biến thành một hoạt động đơn thuần chỉ là chu toàn những nghi thức bên ngoài. Theo họ, tuân giữ nghi thức bên ngoài là đẹp lòng Chúa, bằng không thì phạm tội và những kẻ tuân giữ được coi là người đạo đức. Họ có thể căm ghét kẻ khác nhưng lại chẳng hề áy náy bao lâu còn tuân giữ việc rửa tay và những nghi thức khác về sự thanh tẩy.

Họ giống như một người Hồi giáo đang phi ngựa rượt theo kẻ thù, chợt nghe chuông báo giờ cầu nguyện. Thế là anh ta xuống ngựa, quì gối cầu nguyện theo luật định, rồi sau đó lên ngựa tiếp tục đuổi theo kẻ thù.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận: đừng đồng hóa tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài như đi lễ, đọc kinh, xưng tội… Tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta đã thánh thiện đâu. Lý do rất đơn giản là chúng ta có thể làm tất cả những việc này vì lý do không mấy ngay thẳng, hay làm không phải vì yêu thương. Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã quở trách người Do Thái: dân này thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta.

Tóm lại, điều cốt lõi trong tôn giáo không phải là làm việc này việc kia, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người, thì mới thực sự có giá trị. 

(tinmung.net)