Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A (Mt 18, 21-35)



THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
 
Con người là một hữu thể sống cùng sống với người khác. Và khi biết sống cùng sống với người khác, ta càng trở nên “là người” hơn. Lời bài hát “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi” diễn tả chân lý đó. Song thực tế cũng vì cuộc sống chung đụng, nên không thể tránh khỏi những điều va vấp, xúc phạm làm tổn thương đến nhau. Trong đời sống cộng đoàn, các môn đệ ngày xưa cũng đối mặt với vấn đề khó khăn tương tự. Điều quan trọng là phải biết thứ tha. Nhưng tha thứ có giới hạn không ? Bao nhiêu lần thì đủ ? Tha thứ để được gì ? Tại sao phải tha thứ ? v.v….

Ông bà ta vẫn thường nói : “Qúa tam ba bận”. Ba lần đã là quá để cảm thông cho người lầm lỗi, để tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình. Thánh Phêrô muốn nâng con số lên cao hơn thế. Và số 7 là con số giới hạn cao nhất mà thánh nhân muốn đặt ra cho Chúa Giêsu, khi phải tha thứ cho người anh em.

Đối với Chúa Giêsu, tha thứ không chỉ có “ba bận”, hay “bảy bận”, mà phải tha thứ luôn luôn, tha thứ không giới hạn. Giả như nếu có giới hạn thì đó là giới hạn từ phía người lỗi phạm đến ta, khi họ không hối hận, hay không cần đến sự tha thứ của ta. Thử tưởng tượng, một người làm việc ngày 8 tiếng mà lỗi phạm đến ta 7 lần như thế, ta lại phải tha thứ, tha thứ không giới hạn : khó biết chừng nào ! Hành động tha thứ như thế chỉ xuất phát từ một con tim “đại bồ tát”, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, một con tim nhân hậu như Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho cả những kẻ xỉ báng, nhục mạ và đóng đinh Ngài trên thập giá.

Nhưng tại sao lại phải tha thứ luôn luôn cả khi người xúc phạm không tỏ ra hối cải hay nói lời xin lỗi? Có phải vì để tỏ ra mình là người có lòng quảng đại bao dung, đại từ đại bi không?

Trên bình diện siêu nhiên, tha thứ là để được Thiên Chúa thứ tha. Ta đã mắc nợ Chúa nhiều vô kể, 5 ngàn nén vàng (48 triệu đồng/1 cây, nhân lên thì không biết bao nhiêu mà kể), nhưng đã được Ngài “xá miễn” hoàn toàn. Chẳng phải mỗi lần vào toà giải tội, ta đều được “trắng án” hay sao ! Dụ ngôn hôm nay nói lên điều đó. Như vậy tha thứ là đòi hỏi của Tin Mừng, trước tình thương bao la hải hà của Thiên Chúa. Hơn nữa vì ta cũng cần anh em tha thứ cho những lỗi phạm của mình. Không biết tha thứ cho anh em, ta sẽ trở thành kẻ độc ác, như Chúa Giêsu gọi (x. Mt 18,32). Đồng thời ta cũng không nhận được sự thứ tha của Chúa. Đức công bằng đối với nhau đòi buộc điều kiện này (x. Mt 18,35).

Tuy nhiên trong đời sống hằng ngày, nhiều khi có người nào đó xúc phạm đến ta dù chỉ một lần thôi, thì ta ghim gút mãi và không bao giờ tha thứ cho họ. Hoặc là tha thì tha, nhưng tuyên bố là không thèm nói chuyện, thậm chí không thèm nhìn mặt nữa.
 
Đức Cha Phêrô Khảm, lúc còn là linh mục, kể rằng một lần nọ ngài được mời đi giúp một ông cụ hòa giải với đứa con trai. Vì ông cụ rất cố chấp, nên các đoàn thể đã khuyên hết cách rồi mà ông vẫn không nghe. Giải pháp sau cùng là nhờ đến ngài. Ông cụ đã biết là có một linh mục sẽ được mời đến, nên khi ngài vừa vào nhà, ông đã lên tiếng trước :

- “Thưa cha, con đã tha thứ cho thằng con trai con rồi, nhưng nó muốn đi đâu thì đi, miễn là đừng có vác cái mặt về đây nữa là được”.
 
Nghe ông cụ tuyên bố như thế, ngài chẳng biết khuyên sao nữa, thành thử ngài mới kể cho ông nghe câu chuyện :
 
- “Có bà lão kia khi chết lên trình diện Chúa. Chúa bảo bà rằng tội bà nhiều lắm, nhưng Ta tha thứ tất cả. Có điều bà muốn đi đâu thì đi, miễn sao đừng để Ta thấy mặt là được”.
 
Nghe đến đây thì ông cụ bắt đầu thấy lo. Ông hỏi lại :
 
- “Thế bà đi đâu vậy cha ?”
 
Ngài trả lời rằng : “Còn đi đâu nữa! Có nước vào hỏa ngục thì mới không thấy Chúa”.
 
Và ngài cho biết là mấy tuần sau ông cụ nghĩ lại, ông cho thằng con trai về. Thế mới thấy con người ta khó tha thứ biết chừng nào. Tình cha con mà còn như vậy, huống chi với người ngoài. Có khi tha mà không thứ, tức không quên được lỗi lầm của người lầm lỗi, thậm chí không muốn thấy mặt người đó như ông cụ trong câu chuyện trên. Hoặc nữa có khi tha, nhưng đặt điều kiện này điều kiện nọ.
 
Trong một cuộc đối thoại ngắn giữa một linh mục và một thanh niên, người ta nghe được rằng :
 
- Anh hãy tha thứ cho cô ta đi.
 
- Vâng, lần này thì con tha. Nhưng nếu cô ta tái phạm lần nữa thì đừng hòng. Có chết, con cũng không tha đâu.
 
Vị linh mục hỏi lại :
 
- Vậy anh có muốn Chúa cũng nói với anh như thế, khi anh đi xưng tội không ?
 
Anh ta im lặng…..
Chắc chắn anh ta không muốn, và có lẽ cũng không ai trong chúng ta muốn Chúa nói với mình câu đó khi đến với Bí tích Giải Tội. Thế nhưng, chính chúng ta lại thường sử dụng câu nói này đối với anh chị em mình, như anh thanh niên kia.

Dĩ nhiên, là con người, mang trong mình cái tôi ích kỷ hẹp hòi và cái tự ái cố chấp lớn lao, nên thực hành việc tha thứ là điều không dễ chút nào, nếu không muốn nói là rất khó, nhất là khi lỗi phạm càng lớn thì càng khó thứ tha.

Trên hết và trước hết tha thứ là một nhân đức siêu nhiên, hơn là một đức tính nhân bản. Mà đã là nhân đức siêu nhiên thì cần có ơn trợ giúp của Chúa, ta mới có thể nói lời tha thứ được. Nói cách khác, tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm với lời cầu nguyện.
 
Ngoài ra cũng rất cần có sự cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình nữa. Càng cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng dễ thứ tha cho anh chị em mình bấy nhiêu.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết mặc lấy tâm tình của Chúa và cảm nhận được lòng bao dung tha thứ của Chúa trước vô vàn lỗi phạm của chính chúng ta để chúng ta cũng biết mau mắn tha thứ cho anh chị em mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
(nguồn : thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.