Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A (Mt 21, 28-32)



ĐIỀU THIÊN CHÚA MUỐN

Một trong những tài khéo của Đức Giêsu trong nghệ thuật giảng dạy đó chính là việc dùng dụ ngôn, với những hình ảnh gần gũi, thiết thực với đời sống con người, phù hợp với văn hóa, phong tục nhân loại nhằm thông tin được truyền đạt dễ hiểu, dễ thực hiện.
 
Hơn thế nữa, nhìn lại trong suốt hành trình rao giảng của Đức Giêsu, dụ ngôn nào Ngài dùng cũng đầy súc tích, không chỉ hợp tình hợp lý mà còn diễn tả đến tận cùng khía cạnh tinh tế nhất trong chiều sâu tâm linh nhân loại. Mới nghe qua tưởng chừng như đơn giản bởi nó quá gần gũi với đời thường, nhưng nhìn lại là cả một quá trình diễn tả sự biến đổi của chiều sâu tâm linh.
 
Cái thế giới mà Đức Giêsu xuống thế làm người muốn thiết lập không phải là vũ trụ. Điều đó Ba Ngôi Thiên Chúa đã hoạt động ngay từ thuở đầu tạo dựng. Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian chính là để thiết lập thế giới tâm linh trong tâm hồn nhân loại.
 
Thiên Chúa ở trong tâm hồn con người. Ngài thấu hiểu mọi điều kín nhiệm ở đó với những vui buồn, sướng khổ, thánh thiện hay tội lỗi. Chính vì thấu biết mọi điều kín nhiệm cho nên Thiên Chúa đã đồng hóa với họ, để mà chia sẻ cho đến tận cùng mọi khắc khoải kiếp người.
 
Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá theo lăng kính nhân loại, có lẽ chẳng mấy ai nhận ra được cái mánh khóe, trá hình của sự ác. Bề ngoài là thân thiện, tốt lành nhưng phía sau tấm màn sơn son thiếp vàng ấy chính là những trò tráo trở với đủ mọi thủ đoạn đê hèn. Phải nói không có gì đáng sợ bằng cuộc sống, không gì nguy hiểm bằng con người. Ai cũng biết mình được sinh ra để sống với nhau, cho nhau, nhưng chỉ vì cơm áo gạo tiền, chỉ vì cuộc sống mà con người không ngừng chém giết, sát hại lẫn nhau. Càng nói về thế giới, càng đề cập đến con người, càng cảm nhận sự khiếp đảm từ đó. Người lành thì ít mà kẻ dữ quá nhiều. Thế giới này chắc chắn không là một thiên đường yêu thương vì nhân loại không có tình thương yêu.
 
Sự trá hình trà trộn vào cuộc sống với đủ mọi mánh khóe dã man tàn nhẫn nhất mà con người có thể tạo ra. Cho nên, biện phân thiện ác không phải là điều dễ. Cái nhìn thiển cận của nhân loại làm sao tránh khỏi sai lầm. Người bề ngoài tưởng chừng thật tốt, ai nào ngờ lại là chính kẻ ác tày trời với thủ đoạn dã man, tàn bạo.
 
Cứ theo thói thường, mấy ai biết lên án người con thứ trong dụ ngôn hôm nay vì sự nhanh nhảu đáng khen của nó. Mẫu mực của con người hoàn hảo ấy chứ, được gọi là vâng dạ, đon đả: “Thưa Ngài, con đây!” (Mt 21, 30). Vậy mà nào có ai ngờ sự mau mắn của nó đã khiến cho mọi người tuyệt vọng vì chỉ có ở trên môi miệng chứ không thực hiện bằng hành động. Thái độ của người con thứ nhất có lẽ chẳng mấy ai đồng tình, vì sự biếng nhác, không vâng lời, ngỗ nghịch: “Con không muốn đâu!” (Mt 21, 29). Nhưng anh đã được mọi người yêu mến, vì biết hối hận và đi làm!
 
Thật giả ngày nay trà trộn khắp nơi trên thế giới, nếu cứ xét theo góc độ của con người thì chẳng biết đâu lành đâu dữ. Nhưng chỉ có Thiên Chúa là Đấng hiểu thấu mọi bí mật trong đời sống tâm linh nhân loại. Ngài biết và Ngài đón nhận, chờ đợi và tha thứ.
 
Đừng chủ quan nhìn vào tội lỗi, khiếm khuyết của người khác để rồi khinh miệt, lánh xa họ hay tự cao, tự đại cho mình thánh thiện, tốt lành hơn người. Việc sống chết của người, việc lành dữ của tha nhân thuộc quyền Thiên Chúa. Người xấu, kẻ ác cũng đã có Thiên Chúa của họ, việc của bản thân là sống tốt chứ không là đoán xét, kết án. Cũng không phải nhìn vào bất toàn của họ để tự hào về mình. Hãy cầu nguyện cho kẻ ác, cho kẻ làm hại mình, đó chẳng phải là điều Thiên Chúa muốn hay sao.
 
Tội của con người là hay đoán xét và loại bỏ, kết án, khinh miệt. Cái hạn hẹp của thế giới chính là nhìn con người, hình ảnh của Thiên Chúa theo lăng kính phàm trần, với con mắt thiện cận, nông nổi chỉ loại bỏ mà không cứu vớt, không có yêu thương.
 
Dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta sự cẩn trọng với chính mình, đừng vội vàng huênh hoang tự đắc bởi sự công chính thánh thiện bản thân mà khinh chê người khác. Cái Thiên Chúa cần không phải là lời nói nhưng bằng hành động. Nói yêu Chúa thôi chưa đủ mà cần phải sống lời yêu. Cái đáng sợ chính là sự chủ quan tự tin, tự mãn vào tài cán bản thân để rồi đến ngày chung cuộc lại trở thành kẻ trá hình phản bội, đến trước tòa Chúa với những lời hứa suông và những ngôn từ yêu trống rỗng.
          
Lạy Chúa, ngày nào Chúa cũng mời gọi con vào làm việc trong vườn nho của Chúa, có lúc con vâng dạ đi ngay nhưng lại thoái thác vì sức nặng của đam mê danh vọng bạc tiền, con đã thối lui, bỏ cuộc. Nhưng cũng không hiếm khi lương tâm bứt rứt bất an, con hối hận quay trở về, mong mỏi được sống dưới bóng cánh của Chúa. Đời sống tâm linh con người là cả một hành trình với những biến đổi lạ kỳ của nó. Chỉ cần con biết ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, chịu tác động dưới quyền năng biến đổi của Ngài để rồi can đảm thực thi. Xin cho con ngoan ngùy lắng nghe và thực hành điều Chúa muốn chứ không chỉ hứa suông trên môi trên miệng, đừng để con thất hứa điều gì với Chúa, nhưng hãy giúp con biết hối hận vì tội lỗi của mình để được tha thứ. Xin giúp con biết vâng phục, can đảm vào đời, miệt mài làm việc, chu toàn bổn phận  với ý thức đó là điều Ngài muốn.
 
M. Hoàng Thị Thùy Trang.
(thanhlinh.net)


Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A (Mt 20, 1-16a)



ĐỪNG GANH TỊ

Vườn nho Hội Thánh chính Thầy,
Chúa Cha đưa xuống chốn đầy gian nan.
Theo Thầy phải sống hiên ngang,
Với nguồn ơn Thánh đổ tràn trong tâm.
 
Tuyệt vời chính thật hồng ân,
Phải chăm lắng đọng Thánh Thần bảo ban.
Lời Thầy soi sáng tâm can,
Đong đưa yêu mến bình an phúc lành

Đức Tin, Đức Ái song hành
Vững bền Đức Cậy lòng thành hân hoan
Không còn sầu muộn lo toan,
Không còn ganh tỵ, thở than, kiêu kỳ.
 
Lời Thầy nhỏ nhẹ yêu vì,
Con ơi ! Đừng có so bì ghen tương.
Tình thương Thiên Chúa là hương,
Đời ta phải biết, yêu thương như Thầy.

Nam Giao
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A (Mt 18, 21-35)



THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
 
Con người là một hữu thể sống cùng sống với người khác. Và khi biết sống cùng sống với người khác, ta càng trở nên “là người” hơn. Lời bài hát “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi” diễn tả chân lý đó. Song thực tế cũng vì cuộc sống chung đụng, nên không thể tránh khỏi những điều va vấp, xúc phạm làm tổn thương đến nhau. Trong đời sống cộng đoàn, các môn đệ ngày xưa cũng đối mặt với vấn đề khó khăn tương tự. Điều quan trọng là phải biết thứ tha. Nhưng tha thứ có giới hạn không ? Bao nhiêu lần thì đủ ? Tha thứ để được gì ? Tại sao phải tha thứ ? v.v….

Ông bà ta vẫn thường nói : “Qúa tam ba bận”. Ba lần đã là quá để cảm thông cho người lầm lỗi, để tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình. Thánh Phêrô muốn nâng con số lên cao hơn thế. Và số 7 là con số giới hạn cao nhất mà thánh nhân muốn đặt ra cho Chúa Giêsu, khi phải tha thứ cho người anh em.

Đối với Chúa Giêsu, tha thứ không chỉ có “ba bận”, hay “bảy bận”, mà phải tha thứ luôn luôn, tha thứ không giới hạn. Giả như nếu có giới hạn thì đó là giới hạn từ phía người lỗi phạm đến ta, khi họ không hối hận, hay không cần đến sự tha thứ của ta. Thử tưởng tượng, một người làm việc ngày 8 tiếng mà lỗi phạm đến ta 7 lần như thế, ta lại phải tha thứ, tha thứ không giới hạn : khó biết chừng nào ! Hành động tha thứ như thế chỉ xuất phát từ một con tim “đại bồ tát”, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, một con tim nhân hậu như Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho cả những kẻ xỉ báng, nhục mạ và đóng đinh Ngài trên thập giá.

Nhưng tại sao lại phải tha thứ luôn luôn cả khi người xúc phạm không tỏ ra hối cải hay nói lời xin lỗi? Có phải vì để tỏ ra mình là người có lòng quảng đại bao dung, đại từ đại bi không?

Trên bình diện siêu nhiên, tha thứ là để được Thiên Chúa thứ tha. Ta đã mắc nợ Chúa nhiều vô kể, 5 ngàn nén vàng (48 triệu đồng/1 cây, nhân lên thì không biết bao nhiêu mà kể), nhưng đã được Ngài “xá miễn” hoàn toàn. Chẳng phải mỗi lần vào toà giải tội, ta đều được “trắng án” hay sao ! Dụ ngôn hôm nay nói lên điều đó. Như vậy tha thứ là đòi hỏi của Tin Mừng, trước tình thương bao la hải hà của Thiên Chúa. Hơn nữa vì ta cũng cần anh em tha thứ cho những lỗi phạm của mình. Không biết tha thứ cho anh em, ta sẽ trở thành kẻ độc ác, như Chúa Giêsu gọi (x. Mt 18,32). Đồng thời ta cũng không nhận được sự thứ tha của Chúa. Đức công bằng đối với nhau đòi buộc điều kiện này (x. Mt 18,35).

Tuy nhiên trong đời sống hằng ngày, nhiều khi có người nào đó xúc phạm đến ta dù chỉ một lần thôi, thì ta ghim gút mãi và không bao giờ tha thứ cho họ. Hoặc là tha thì tha, nhưng tuyên bố là không thèm nói chuyện, thậm chí không thèm nhìn mặt nữa.
 
Đức Cha Phêrô Khảm, lúc còn là linh mục, kể rằng một lần nọ ngài được mời đi giúp một ông cụ hòa giải với đứa con trai. Vì ông cụ rất cố chấp, nên các đoàn thể đã khuyên hết cách rồi mà ông vẫn không nghe. Giải pháp sau cùng là nhờ đến ngài. Ông cụ đã biết là có một linh mục sẽ được mời đến, nên khi ngài vừa vào nhà, ông đã lên tiếng trước :

- “Thưa cha, con đã tha thứ cho thằng con trai con rồi, nhưng nó muốn đi đâu thì đi, miễn là đừng có vác cái mặt về đây nữa là được”.
 
Nghe ông cụ tuyên bố như thế, ngài chẳng biết khuyên sao nữa, thành thử ngài mới kể cho ông nghe câu chuyện :
 
- “Có bà lão kia khi chết lên trình diện Chúa. Chúa bảo bà rằng tội bà nhiều lắm, nhưng Ta tha thứ tất cả. Có điều bà muốn đi đâu thì đi, miễn sao đừng để Ta thấy mặt là được”.
 
Nghe đến đây thì ông cụ bắt đầu thấy lo. Ông hỏi lại :
 
- “Thế bà đi đâu vậy cha ?”
 
Ngài trả lời rằng : “Còn đi đâu nữa! Có nước vào hỏa ngục thì mới không thấy Chúa”.
 
Và ngài cho biết là mấy tuần sau ông cụ nghĩ lại, ông cho thằng con trai về. Thế mới thấy con người ta khó tha thứ biết chừng nào. Tình cha con mà còn như vậy, huống chi với người ngoài. Có khi tha mà không thứ, tức không quên được lỗi lầm của người lầm lỗi, thậm chí không muốn thấy mặt người đó như ông cụ trong câu chuyện trên. Hoặc nữa có khi tha, nhưng đặt điều kiện này điều kiện nọ.
 
Trong một cuộc đối thoại ngắn giữa một linh mục và một thanh niên, người ta nghe được rằng :
 
- Anh hãy tha thứ cho cô ta đi.
 
- Vâng, lần này thì con tha. Nhưng nếu cô ta tái phạm lần nữa thì đừng hòng. Có chết, con cũng không tha đâu.
 
Vị linh mục hỏi lại :
 
- Vậy anh có muốn Chúa cũng nói với anh như thế, khi anh đi xưng tội không ?
 
Anh ta im lặng…..
Chắc chắn anh ta không muốn, và có lẽ cũng không ai trong chúng ta muốn Chúa nói với mình câu đó khi đến với Bí tích Giải Tội. Thế nhưng, chính chúng ta lại thường sử dụng câu nói này đối với anh chị em mình, như anh thanh niên kia.

Dĩ nhiên, là con người, mang trong mình cái tôi ích kỷ hẹp hòi và cái tự ái cố chấp lớn lao, nên thực hành việc tha thứ là điều không dễ chút nào, nếu không muốn nói là rất khó, nhất là khi lỗi phạm càng lớn thì càng khó thứ tha.

Trên hết và trước hết tha thứ là một nhân đức siêu nhiên, hơn là một đức tính nhân bản. Mà đã là nhân đức siêu nhiên thì cần có ơn trợ giúp của Chúa, ta mới có thể nói lời tha thứ được. Nói cách khác, tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm với lời cầu nguyện.
 
Ngoài ra cũng rất cần có sự cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình nữa. Càng cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng dễ thứ tha cho anh chị em mình bấy nhiêu.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết mặc lấy tâm tình của Chúa và cảm nhận được lòng bao dung tha thứ của Chúa trước vô vàn lỗi phạm của chính chúng ta để chúng ta cũng biết mau mắn tha thứ cho anh chị em mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
(nguồn : thanhlinh.net)