Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG
Anh chị em ca đoàn thân mến,
Ban Điều Hành mới nhận được tin :



Ông Cố PHÊRÔ
TRẦN CÔNG DỤNG
Sinh năm 1915 tại Ninh Bình 

Nhạc Phụ
Anh Phanxicô Assisi Phạm Sỹ Thuỵ
Cựu Ca Trưởng

đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 06g58 
ngày Thứ Bảy 30.7.2011 (giờ California, USA)
tại tư gia : Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
Hưởng thọ : 96 tuổi

Thánh Lễ Cầu Hồn (tại Việt Nam)
cử hành tại Nhà Thờ Thuận Phát, Quận 7, TP.HCM
lúc 09g00 ngày Thứ Sáu 05.8.2011

Thánh Lễ An Táng tại Thánh Đường Saint Columban 
10801 Stanford Garden Grove, CA 92840. 
lúc 10g00 ngày Thứ Bảy 06.8.2011

Sau đó linh cữu sẽ an táng tại
GOOD SHEPHERD CEMETERY (Nghĩa trang Chúa Chiên Lành)
8301 Talbert Ave. Huntington beach, CA 92646.


Xin anh chị em hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Cụ Cố PHÊRÔ sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Ban Điều Hành
Ca Đoàn Cécilia
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A (Mt 14, 13-21)



KHAO KHÁT THIÊN CHÚA
 
“Ăn mặc” ! Một nhu cầu hết sức bình thường của con người. Có thể mặc thiếu một chút, có thể cũ một chút, có thể rách rưới một chút nhưng cái ăn thiếu một chút là có vấn đề. Nếu thiếu từ ngày này sang ngày khác có thể dẫn đến tình trạng chết đói. Đất nước của chúng ta đã trải qua một thời gian con người phải đối diện với cái chết vì đói khát. Con người, chẳng ai có thể sống mà không ăn không uống cả.

“Có thực mới vực được đạo”. Câu nói hết sức bình thường của người Việt Nam. Và như vậy, chúng ta thấy dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn con người cần phải có lương thực để mà ăn. Dù sống trong chế độ nào, giai cấp nào, hoàn cảnh nào, nhu cầu thiết yếu nhất của con người vẫn là cái ăn. 

Thiên Chúa, Ngài luôn yêu thương và quan phòng cho con người. Thuở ban đầu trong vườn địa đàng, Ngài cho con người được no đủ. Sau khi phản nghịch, giận thì có giận nhưng Thiên Chúa vẫn còn cho con người cơ hội để đi tìm của ăn chứ không nỡ để con người phải rơi vào cảnh chết đói. Từ ngày phản bội, con người phải vất vả hơn trước chứ không phải rơi vào nghịch cảnh của sự đói khát.

Thiên Chúa luôn yêu thương bao bọc dân Ngài, khi thời gian lưu đầy ở Babylon sắp hết, tiên tri Isaia được sai đến kêu gọi toàn dân (-540) khi thoát cảnh lưu đầy trở về xây dựng lại đất nước, hãy “lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì sẽ được sống”.  Thiên Chúa mời gọi người ta đến dự một bữa tiệc do Người khoản đãi. Bữa tiệc sẽ có những cao lương mỹ vị, hoàn toàn miễn phí, không phải trả đồng xu nào.

Thiên Chúa là như vậy nhưng con người đối với Thiên Chúa như thế nào thì chúng ta đã biết. Khi được no đủ thì Chúa Chúa con con, khi đói khát một chút thì lại ngoảnh mặt đi và đi tìm thần khác. Thần khác mà con người đi tìm không làm thỏa mãn được sự đói khát của con người. 

Chuyện mà Thiên Chúa muốn, chuyện mà Thiên Chúa mời gọi khác với con người muốn, con người nghĩ. Thiên Chúa mời gọi con người hướng đến ơn cứu độ, hướng đến một Thiên Chúa giàu tình thương và lòng nhân hậu.

Trang Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe Thánh Matthêu thuật lại gửi cho chúng ta tấm lòng chạnh thương của Thiên Chúa dành cho con người.

Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa làm người đến để cứu độ con người. Chúa Giêsu trong hành trình cõi tạm của mình, Ngài luôn luôn công bố một Tin Mừng của Nước Thiên Chúa, Ngài luôn công bố một Thiên Chúa giàu tình thương. Ngài đi rao giảng và rồi đám đông dân chúng đi theo Ngài để nghe được lời của Ngài. Sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị giết, Chúa Giêsu có lẽ cũng buồn. Không buồn sao được khi nghe tin người đã làm phép rửa cho mình, người dọn đường cho mình bị giết một cách oan uổng. Một người đi nói lời Thiên Chúa, minh chứng lời Thiên Chúa cho con người, nói lên sự thật thì bị lòng dạ đen tối của con người giết chết. Nghĩ đến phận mình mai ngày rồi cũng thế nên Chúa Giêsu cũng buồn. Ngài lánh ra một nơi hoang vắng để kết hợp với Cha mình, để cầu nguyện cho những kẻ lòng chai dạ đá. Tưởng chừng lánh được đám đông nhưng đám đông lại đi theo Ngài. Lại biểu lộ tình thương bằng cách chữa lành bệnh cho những kẻ bệnh hoạn đi theo mình.

Chúa Giêsu lo chữa bệnh, các môn đệ có lẽ lúc đó cũng ở gần bên để chứng kiến những phép lạ thầy mình làm. Chúa Giêsu vì lo chữa bệnh nên cũng chẳng nghĩ gì đến thời gian, sức khỏe và con người. Các môn đệ quá lo lắng khi thấy số người đến với Chúa Giêsu đông quá ! Người thì đông mà trời thì lại tối dân. Các môn đệ cảm thấy đói đói rồi nên “nhắc nhở” Thầy mình : "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn".

Chúa Giêsu tin tưởng vào quyền năng mà Thiên Chúa trao ban để rồi Ngài nói với các môn đệ : "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". Nghe lời ấy, các môn đệ hoảng hốt và thưa ngay : "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!". 

Lo lắm chứ, chỉ có vỏn vẹn 5 cái bánh và 2 con cá ! Chưa chắc bằng ấy lo đủ cho Thầy và anh em chứ đừng nói gì đến đám đông đang bu quanh Thầy. Nghe lời Thầy, các môn đệ không ngần ngại chuyển đến ngay cho Thầy 5 cái bánh và 2 con cá. Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng và rồi cứ lần lượt lần lược bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ cứ thế lại trao cho dân chúng. 

Một con số thật kinh khủng : 5000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ mà còn dư cả 12 giỏ đầy ! Thật kinh khủng ! Thật kinh ngạc ! Với con người thì không thể nhưng Thiên Chúa thì có thể ! Không phải là có thể mà là chắc chắn !  
     
Tấm lòng, tình thương của Thiên Chúa được gợi lại trong Thánh Vịnh đáp ca mà chúng ta vừa đọc với nhau :

Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê. 

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.

Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn.

Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê. 

Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Chuyện quan trọng là con người có cảm nhận được cái tình thương đó hay không ? Chuyện quan trọng là con người cầu khẩn Thiên Chúa hay khước từ Thiên Chúa.

Đám đông ngày hôm nay được hưởng tình thương và lòng nhân hậu của Chúa phải nói là quá ít so với những người dân cư thời ấy. Chuyện cũng buồn cười nữa, những người được hưởng lòng nhân từ của Chúa lại là những người bơ vơ vất vưởng đi theo nghe lời Chúa, bám theo Chúa để được Ngài chữa cho bệnh hoạn tật nguyền. Trong khi đó, những người tự cao tự đại có ăn có học, những người tự cho mình là công chính, những người Pharisêu, Luật sĩ và Biệt phái lại là những người khước từ Thiên Chúa, khước từ lời của Ngài.

Nếu như đám đông ngày hôm nay không khao khát Thiên Chúa, không nghe lời Chúa Giêsu thì họ sẽ không được hưởng ân lộc mà Thiên Chúa ban qua phép lạ Chúa Giêsu làm.
Chúng ta, ngày hôm nay cũng được mời gọi sống trong tâm tình khát Thiên Chúa hay khước từ Ngài. Nếu chúng ta khao khát Thiên Chúa, chúng ta chạy theo Ngài thì điều chắc chắn là Ngài không bỏ chúng ta bơ vơ vất vưởng.

Trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, Thiên Chúa luôn thành tín và yêu thương : 

Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người. 

Chúng ta hãy khiêm tốn chạy đến với Chúa, cầu khẩn Chúa, Ngài sẽ không để chúng ta phải vất vả lầm than.  

Anmai, CSsR
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN A (Mt 13, 44-52)


GIÁ TRỊ CỦA NƯỚC TRỜI 
 
Cuộc sống trần gian, con người không ngừng tìm kiếm của cải vật chất: tiền, bạc, vàng, ngọc, đá quý... thấy nói ở đâu có vàng, hay những vật quý có giá trị thì mọi người đua nhau đi tìm, có người cả đời đi tìm kiếm, có người bỏ lại quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ cha mẹ, vợ con, thậm chí có người còn liều cả mạng sống mình để tìm kiếm.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn “kho báu và ngọc quý” mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Như “kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44). Thái độ vui mừng, vội vã bán đi mọi thứ mình có để mua lấy thửa ruộng chôn giấu kho báu hoặc viên ngọc quý, chứng tỏ cho ta thấy người tìm được đã nhận ra giá trị đích thực của những thứ mà họ tìm thấy, bằng mọi giá và mọi khả năng mình có để chiếm được kho tàng và viên ngọc quý. Đó là sự khôn ngoan của người tìm ra kho tàng, cũng như thương gia đi tìm được viên ngọc quý. 

Chúa Giêsu khéo léo mượn hình ảnh kho tàng và viên ngọc quý, vốn là những thứ có giá trị ở trần gian, mà ai ai cũng muốn có, để hướng con người đến một kho tàng, một viên ngọc quý giá khác, đó chính là Nước Thiên Chúa. Thật vậy, Nước Chúa là kho báu, là viên ngọc quý mà mọi người đều mong ước và tìm mọi cách để “chiếm hữu”. Mọi sự trên trần gian này so sánh với Nước Trời đều vô nghĩa. Các tông đồ nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời, nên đã sẵn sàng từ bỏ mọi sự, bán tất cả gia nghiệp để mua thửa ruộng có chôn giấu kho tàng Nước Trời. Các ngài đã từ bỏ mọi sự, chọn Chúa làm gia nghiệp, nên các ngài đã được phần thưởng xứng đáng là hạnh phúc Nước Trời. 

Trong dụ ngôn này, để mua được kho báu hay viên ngọc quý, người mua “vui mừng bán đi tất cả những gì mình có” thì mới mua được kho báu hay viên ngọc quý. Với dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta: để đạt được sự sống đời đời trong Nước Trời, con người cũng phải sẵn sàng, vui mừng từ bỏ tất cả những gì mình có thì mới xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Điều chính yếu trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự sống đời đời là thái độ “vui mừng” và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, không giữ lại cho riêng mình một thứ gì, dù cha mẹ, anh em ruột thịt, vợ con, bạn bè hay danh vọng địa vị, tiền của vật chất, tiện nghi, sự hưởng thụ...

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta hãy khôn ngoan trong việc kiếm tìm và lựa chọn: Hãy tìm kiếm những gì có giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu, hãy chọn lựa và chiếm hữu kho tàng cao quý là hạnh phúc Nước Trời. 

Nước Trời chính là kho tàng, là viên ngọc quý mà ta luôn mơ uớc. ta phải nỗ lực tìm kiếm và chiếm hữu. Khi tìm kiếm Nước Thiên Chúa với nỗ lực và tâm hồn vui tươi, dù phải vất vả, dù có khó khăn, gian khổ, dù gặp phong ba bão táp… ta phải quyết tâm “bán tất cả”, từ bỏ và cho đi tất cả, hy sinh tất cả để đổi lấy Nước Trời. Đó chính là thái độ khôn ngoan và cần thiết cho mỗi người kitô hữu chúng ta hôm nay.

Người khôn ngoan biết bán tất cả những gì mình có, từ bỏ những gì mình gắn bó như: tiền của vật chất, danh vọng địa vị, tiện nghi hay từ bỏ chính cái tôi trong con người mình. Cần phải “bán tất cả” mới đủ sức để mua thửa ruộng có chôn giấu kho tàng và viên ngọc quý. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tâm hồn, tài năng, trí tuệ, sức lực, thời giờ, tiền của vật chất mới mong chiếm đoạt được kho tàng và viên ngọc quý Nước Trời. 

Từ xưa tới nay, có biết bao nhiêu người đã sẵn sàng “bán tất cả” của cải vật chất, danh vọng địa vị, hy sinh tất cả để đổi lấy kho tàng, lấy viên ngọc quý Nước Trời, như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8-9). Nước Trời mới thật là kho báu, là viên ngọc quý mà con người đáng bỏ công tìm kiếm và sẵn sàng từ bỏ tất cả, bán tất cả gia nghiệp để chiếm lấy. Đây mới là sự khôn ngoan đích thực đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người (x. 1V 3, 4-14). 

Nếu ở trần gian ta có đủ mọi thứ, chức quyền, tiền bạc, nhà lầu xe hơi, mà ta giữ khư khư mọi thứ, cho đó là gia nghiệp bảo đảm cho cuộc sống của mình và gia đình mình, coi những thứ đó là hạnh phúc, mà không mua được kho tàng hoặc viên ngọc quý Nước Trời thì cũng chỉ là con số không mà thôi. Vì “được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì được ích gì?”. Nhưng làm sao chúng ta có thể tìm thấy Nước Trời là kho báu, là ngọc quý khi chúng ta vẫn bị giam hãm trong cái thế giới luôn coi trọng tiền bạc, luôn chạy theo danh vọng, địa vị, mà không biết đến Thiên Chúa, một thế giới chỉ biết hưởng thụ mà không biết phục vụ. Trong cuộc sống vì chúng ta quá gắn bó với ngôi nhà của ta, với mảnh vườn, miếng đất, với cây cảnh, với chim cảnh, chó cảnh, với phương tiện. Hơn thế nữa, chúng ta còn lo kiếm tiền để mua xe, đổi xe đẹp, điện thoại sành điệu, máy tính đắt tiền... làm sao có thời giờ để đi tìm kho tàng và viên ngọc Nước Trời, có tìm được thì làm sao dám “bán tất cả”, dám từ bỏ tất cả, những thứ từng gắn bó với ta, từ bỏ gia nghiệp của ta, làm sao để từ bỏ cách ăn chơi đua đòi, lối sống hưởng thụ... để mua hạnh phúc Nước Trời.

Là Kitô hữu, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa Giêsu dạy, cần phải khôn ngoan trong việc tìm kiếm và lựa chọn những gì có giá trị, nhất là tìm kiếm, lựa chọn kho tàng  và viên ngọc quý là Nước Trời, chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp, vì Thiên Chúa và Nước của Ngài có giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu. Một khi đã tìm thấy kho tàng Nước Trời và Thiên Chúa, chúng ta cũng phải vui mừng, bán tất cả gia tài và những gì chúng ta đang có để được chính Chúa là gia nghiệp đời đời, được Nước Trời là nơi ta cư ngụ vĩnh viễn, được sống mãi mãi và hạnh phúc vô biên.

Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A (Mt 13, 24-43)





CỎ LÙNG - LÚA TỐT
 
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu : cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích : người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hỏa ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt : cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.


Đối với con người thì không như vậy : bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành : “Nhân chi sơ tính bản thiện” : khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào : cỏ lùng hay lúa tốt ? Đó là trách nhiệm của mỗi người.


Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang là lúa tốt.


Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng : lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu hủy. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau : người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói : “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng : chúng ta có đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.


Tóm lại, trong cánh đồng màu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu … luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta : “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

(nguồn : tinmung.net)

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A (Mt 13, 1-23)





NGHE GIẢNG
Sưu tầm
Benjamin Franklin là một vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ. Ngày kia, ông nhận được món quà, đó là một cái chổi từ Ấn Độ. Ông nhìn thấy mấy hạt giống còn dính vào cái chổi, và thế là ông bứt ra và đem gieo những hạt giống ấy.

Sau lần thu hoạch đầu tiên, ông đem phân phát tất cả những hạt giống mình có cho bà con lối xóm. Và vu thu hoạch của họ cũng thành công tốt đẹp. Bằng cách này, ông trở nên người đầu tiên đưa rơm vào Hoa Kỳ và khởi đầu cho kỹ nghệ sản xuất chổi.


Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Thực vậy, tất cả chúng ta đều được mời gọi phải hành động như thế. Chúa Giêsu ban cho chúng ta những chân lý của Người, đó là như những hạt giống chúng ta cần phải gieo trồng trong tâm trí chúng ta đã đành, mà còn phải đem gieo trồng trong tâm trí những người khác nữa.


Những hạt giống này, những chân lý này, Người ban cho chúng ta qua Thánh Kinh, qua sự giáo huấn của Hội Thánh, cụ thể là qua sự giảng dạy của các linh mục.


Như vị tổng thống nước Mỹ, chúng ta hãy đón nhận những chân lý ấy, hãy gieo trồng trong cõi lòng chúng ta, đồng thời cũng hãy chia sẻ những chân lý ấy cho những người chung quanh.


Bổn phận của tôi là nói nói về những chân lý ấy cho anh chị em. Còn bổn phận của anh chị em là lắng nghe và làm cho những chân lý ấy được nảy mầm và lớn lên, như lời Chúa Giêsu đã phán: Ai có tai để nghe, thì hãy nghe.


Tôi xin đưa ra một vài việc gợi ý cần làm ngay để chúng ta thâu lượm được những thành quả tốt đẹp khi nghe giảng.


Như một bác nông phu, trước khi xạ lúa cần phải chuẩn bị ruộng đất. Chúng ta cũng thế. Thật là hữu ích nếu như trên đường tới nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta biết tự chuẩn bị đón nhận chân lý. Chúng ta đừng nói: Lạy Chúa, hôm nay xin đừng để cha giảng quá dài. Trái lại hãy thân thưa: Lạy Chúa, xin giúp con đón nhận những chân lý để nuôi sống đời sống thiêng liêng của con. Chính người giảng cũng phải cầu nguyện như thế, để những người nghe mình giảng sẽ lợi dụng được những điều mình trình bày, và sẽ cung cấp được những mảnh đất phì nhiêu cho những chân lý mình đang cố gắng gieo trồng. Chúng ta không phải chỉ cầu nguyện cho mình, mà còn phải cầu nguyện cho người giảng nữa. Đó quả thực là một việc làm quí giá biết bao.


Tiếp đến, khi bước chân vào trong nhà thờ, chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá trên mình, như để rũ sạch những lo âu trần thế và mở rộng tâm hồn cho hạt giống chân lý. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe những lời cầu nguyện, những bài đọc Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, đồng thời cũng hãy chú ý tới bài giảng, bằng cách cố gắng hiểu và nhớ.


Đức Kitô nói với chúng ta qua môi miệng của vị linh mục, thế nhưng, vị linh mục cũng chỉ là một con người, nên cũng có những giới hạn của mình. Con người đứng trên bục giảng có thể là một dụng cụ hữu hiệu, nhưng cũng có thể là một dụng cụ vô tích sự. Sứ điệp có thể được quảng diễn một cách trong sáng hay mù mờ, thế nhưng, nội dung của sứ điệp mới là điều quan trọng, còn cách diễn tả chỉ là điều thứ yếu.


Hãy lắng nghe và thực thi trong cuộc sống những điều đã đón nhận, để Lời Chúa thực sự nảy mầm, đâm bông và kết trái trong cuộc sống chúng ta.

(nguồn : tinmung.net)
 

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

MƯNG BỔN MẠNG ANH ÚT

luôn có mặt các anh chị lớn hỗ trợ tinh thần
 Hủ tiếu ngon và quá đông khách
 Sự thú vị gần gũi của Cafe lề đường