Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A (Mt 11, 2-11)


DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ
(Mt 11, 2-11)


Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy cảnh Gioan Tẩy Giả phải đối mặt với sự dữ, với bất công, với áp bức bóc lột, với cảnh giam cầm tù tội, với chết chóc. Nên ông nóng lòng mong đợi Đấng cứu thế đến để giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ, được sống trong tự do, thực thi công bình bác ái. Vì vậy, ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Gioan, bởi vì Chúa biết, tuy dân chúng đang tha thiết mong đợi Đấng cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban. Nhưng quan niệm của họ về Đấng cứu thế hoàn toàn ngược với ý định của Thiên Chúa. Họ mong đợi một Ðấng Cứu Thế uy quyền, sang trọng, oai phong lẫm liệt, có đầy đủ quân lính với vũ khí, đánh đông dẹp bắc để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang, làm cho đất nước họ độc lập về chính trị, giàu mạnh về kinh tế… Trước những quan niệm đó, nếu Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng cứu thế, thì dân chúng sẽ đòi hỏi Ngài hành động theo ý muốn của họ. Vì thế, Chúa Giêsu đã trả lời cách gián tiếp. Ngài yêu cầu các sứ giả thuật lại cho ông Gioan biết những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5).

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người biết một Đấng cứu thế đến trần gian cứu độ con người theo chương trình của Thiên Chúa. Một Đấng cứu thế bình dị, sống trong nghèo khó, không nhà cao cửa rộng. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8, 20). Luôn khiêm nhu và âm thầm lao động. Một Đấng cứu thế thương yêu, đầy lòng từ bi nhân ái, Ngài đến để chữa trị bệnh tật phần hồn phần xác cho con người. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, giúp kẻ tội lỗi ăn năn sám hối, cho người nghèo khó được nghe giảng Tin mừng…

Đức Giêsu biết rằng, dân chúng không chấp nhận một Đấng cứu thế bình dị, nghèo hèn, âm thầm lao động, làm việc như mọi người. Nên Chúa Giêsu nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”
(Mt 11, 6). Quả thật, nhiều người đã thất vọng vì Chúa Giêsu không làm theo ý của họ, không đứng lên đánh đuổi quân thù để giải phóng cho dân tộc của họ, đem đến cho họ được tự do và cơm no áo ấm, làm cho đất nước họ được hùng mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị… Người đã không đáp ứng nhu cầu và những mong ước của dân chúng. Ngài không giải phóng dân chúng theo kiểu thế gian. Nên nhiều người đã vấp ngã vì Chúa, họ kinh bỉ, lên án, tố cáo, tra tấn và giết Người cách tàn nhẫn.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người cũng hỏi chúng ta ông (bà), anh (chị) có phải là Kitô hữu không? Là người Kitô hữu chúng ta không cần vỗ ngực tôi là “Kitô hữu” đây. Chúng ta hãy bằng chính đời sống, bằng việc làm của ta. Chúng ta hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người, noi theo cách sống, lời nói và việc làm của Người. Sống như Chúa sống bằng một cuộc đời giản dị, âm thầm, không tham tiền bạc, không háo danh. Làm như Chúa làm, làm để giúp đỡ mọi người, nhất là những người tàn tật, nghèo khó khổ đau. Nói như Chúa nói, nói những lời thân thương, những lời ủi an, động viên khích lệ. Yêu như Chúa yêu, yêu bằng cả con tim, yêu cả kẻ thù, yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Như vậy, Chúa cũng chúc phúc cho chúng ta vì đã không vấp ngã vì Người.

Có câu chuyện kể rằng: Một nhóm thương gia đi họp vào ngày cuối tuần. Ai cũng mong mỏi cuộc họp kết thúc sớm để về nhà ăn tối cùng gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài quá dự định. Tan họp, ai nấy chạy vội để kịp chuyến xe. Một người đã xô vào quầy bán táo của cậu bé mù, táo rơi tứ tung. Nhưng vì vội nên không ai giúp em nhặt số táo lăn ra đường. Mọi người đã lên xe và thở phào nhẹ nhõm. Duy có một người, dù ông không va vào quầy hàng của cậu bé, nhưng vẫn không được bình an, lương tâm cắn rứt. Xe chạy được một đoạn ngắn, ông đã làm hiệu cho lái xe dừng lại, ông xuống khỏi xe, quay trở lại quầy bán táo của cậu bé. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để nhặt lại. Thì ra cậu bị mù! Mọi người đi qua cũng phớt lờ không một ai tra tay giúp cậu. Ông kết luận mọi người đi qua đó đều “bị mù”. Ông quyết định làm “đôi mắt” cho cậu bé, ông cúi xuống nhặt lại từng quả táo cho đến hết. Một số quả bị giập, ông moi trong túi một số tiền và đặt vào tay cậu bé, chào tạm biệt cậu rồi ra về. Cậu bé ngỡ ngàng hỏi với theo: “Ông có phải là người Kitô hữu không?”. Ông không trả lời, nhưng qua việc ông làm, cậu bé đã nhận ra ông là người Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô.

Muốn nhận ra dung mạo của Đấng Messia, chúng ta hãy xem việc Người làm là: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5). Đó là dấu chỉ chắc chắn để nhận biết Người. Mỗi Kitô hữu cũng hãy mặc lấy dung mạo của Đấng Cứu thế: làm đôi mắt của người mù, giúp họ được thấy; làm đôi chân cho người què, giúp họ đi được; làm thầy thuốc, giúp người cùi lành sạch; làm đôi tai cho người điếc, giúp họ được nghe; đem sự sống thần linh, giúp cho người đã chết về phần hồn được sống lại; làm ngôn sứ, giúp cho những người nghèo được nghe Tin Mừng nước Thiên Chúa… Như câu truyện trên, chúng ta không phô trương, không cần quảng cáo, qua những việc tốt đẹp chúng ta làm là mọi người sẽ nhận biết chúng ta là Kitô hữu và là môn đệ Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra dung mạo Đấng cứu thế nghèo hèn, bình dị, sống âm thầm. Để chúng con đón nhận Ngài với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, biết mặc lấy dung mạo của Đấng cứu thế, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, sống công bình bác ái, an ủi những người phiền muộn, đem niềm vui cho những người sầu khổ, mang Tin Mừng cho những người nghèo khó.


Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.