Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C (Lc 14, 1.7-14)


GƯƠNG THẦY KHIÊM HẠ
(Chúa Nhật XXII/C–TN )

Ưa cao trọng thích giàu sang phú qúi
Là nguyện ước thường tình của người đời
Con người ta cũng có nhiều tính tốt
Nhưng kiêu căng họ lại coi khinh người

Họ muốn được chỗ nhất trong xã hội
Nên sinh ra có những cuộc tranh đua
Làm thế nào chứ không chịu bị thua
Tự cho mình hơn người không thua kém

Họ sốt sắng tìm cách lo đánh bóng
Phóng đại lên cái khả năng của mình
Mà không thấy yếu điểm thường phát sinh
Nên khó nhận ra yếu hèn khiếm khuyết

Thái độ đúng nhận ra mình khuyết điểm
Có như thế khai phá được cái tôi
Tốt cũng có nhưng quá nhiều điểm tồi
Nhận chân thế… ta cảm thấy hạnh phúc

Sự khiêm nhường chẳng những Chúa yêu thích
Gương của Ngài xuống thế nhận phận người
Ngài bị nhổ , bị đòn vọt tả tơi
Kết cuộc chết khổ nhục trên Thập giá

Là Thiên Chúa Đấng quyền năng cao cả
Ngài tự hạ làm kiếp người phạm nhân
Qùi rửa chân cho Đồ đệ của mình
Vì yêu thương chết cứu độ nhân thế

Ngài là Đấng bất tử nhưng chịu chết
Ngài tự hạ và chết cách khổ hình
Noi gương Ngài sống tự hạ hy sinh
Vì hạnh phúc cho toàn thể nhân loại

Con lạy Chúa ! giúp con sống quảng đại
Biết cho đi để chia sẻ yêu thương
Sống phục vụ học gương Chúa khiêm nhường
Yêu tha nhân như yêu chính mình vậy …


Cao Trí Dũng

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 23.8

TOÀN THỂ ANH CHỊ EM CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Chị ROSA LIMA LÊ THỊ CẨM VÂN


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C (Lc 13, 22-30)


LỐI NHỎ VÀO TRỜI

Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, nhân loại thật không biết tìm đâu ra cho được con đường hạnh phúc. Cuộc sống mênh mông, không biết đâu là cùng đích, là bến bờ. Con người được “vất” vào thế giới như kẻ lang thang đi tìm sự bất tử mà chả biết đến khi nào mới gặp. Khao khát hạnh phúc, đói khát hạnh phúc và mong mỏi hạnh phúc, con người trầy trụa, vật lộn hằng năm với những kiếm tìm Chân Thiện Mỹ.

Thế nhưng, càng tìm càng mất, nhân loại khốn đốn trong vòng xoáy của cuộc sống, tham vọng bạc tiền, địa vị, tình yêu... con người không có khả năng bảo tồn sự sống. Lăn lộn giữa sóng đời, con người bế tắc, không tìm ra lối giải thoát. Chính tội lỗi đã đẩy con người vào ngõ cụt.

Đức Kytô đến, khai mở con đường giải thoát thật, không hứa hẹn ảo, Ngài rộng ban cho thế giới chính mạng sống của Ngài để đổi lấy vận mạng nhân loại. Không muốn con người diệt vong, Thiên Chúa giải cứu họ bằng chính giá máu Con Một Ngài. Con đường ấy, chính Đức Giêsu đã khai mở và vạch ra, không những thế, Ngài còn đến sống trước điều Ngài hứa, hầu gia tăng niềm xác tín cho nhân loại.

Khao khát giải thoát, mong ước giải thoát nhưng con người lại sợ mất mát, đau khổ. Chính vì sợ, mà nhân loại không thoát nổi tham vọng để sống cho Thiên Chúa. Có con đường nào thập giá hơn con đường của Đức Kytô? Có con đường nào vinh quang hơn con đường thập tự của Ngài. Thế mà, chả mấy ai dám bước vào lối hẹp ấy.

Lối hẹp đầy gai, đầy chết chóc, đau khổ và mất mát, vậy mà phía cuối con đường lại là triều thiên vinh hiển sáng lạn. Còn đường thênh thang thì mang đến diệt vong, vì đường đầy tự do, đường hưởng thụ. Thế nhưng, ai cũng chọn đường rộng, chả ai muốn chọn cho mình lối đi chật hẹp, gò ép, cào xước bản thân. Ai mà chả thích thoải mái, tận hưởng mọi khoái cảm cuộc đời. Vậy đấy, nên suốt đời nhân loại chỉ có khóc, nước mắt chảy dài đời mẹ đến đời con, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Người ta khóc vì bất hạnh, vì tranh chấp, bất công, chém giết, sát hại, vậy mà người người đua nhau cứ tuốn vào đó. Cơn lốc đam mê hưởng thụ đã cuốn nhân loại vào quỹ đạo tội ác là vậy.

Tự nhiên, chẳng ai có thể sống chính trực, bất kể ai muốn nên hoàn thiện, đều phải gắng sức chiến đấu vượt thắng chính mình. Không có chiến thắng nào huy hoàng cho bằng chiến thắng bản thân. Thế nhưng, thắng thua để làm gì, nếu không phải là sống cho Thiên Chúa và thuộc trọn về Ngài. Không ai trong đời có thể giúp bạn thoát mọi vấn vương trần thế, nếu bạn không biết hãm mình ép xác hy sinh, không biết cậy nhờ vào Đấng làm chủ đời bạn. Phải vào qua cửa hẹp, bỏ mình là vì vậy, thì mới có thể sống hạnh phúc.

Nhân loại ngộ lắm, ngại gian khổ nhưng thích hưởng vinh quang, chỉ thích tự do, thoải mái mà e dè lề luật. Thực ra, luật lệ cũng là để bảo vệ con người, chứ không phải án phạt. Trớ trêu cũng bắt đầu từ đó, không giữ nổi lề luật, con người phớt tỉnh lề luật, chà đạp lên lề luật để tìm kiếm tham vọng, không cần biết đến Thiên Chúa là ai. Chính bởi vậy, mà cổng nào Nước Trời mở cho họ được.

Lạy Chúa, lối vào trời nhỏ quá, con chẳng thể vào lọt, mặc dầu con đã cố gắng giảm hãm sự lớn lên của mình mỗi ngày. Không biết bao lần con đặt chân lên ngưỡng cửa Nước Trời mà vẫn loay hoay chả sao vào được. Có lẽ bởi thân hình con lớn quá, cồng kềnh quá vì những mớ hành lý danh vọng nặng nề, trái tim bệnh hoạn của con rối rem quá với những mớ bòng bong rối nhùi quấn chặt đam mê trần thế. Con muốn được giải thoát nhưng càng trốn chạy con càng lao vào cơn lốc ích kỉ. Hiện con đang ở trước cửa trời, con đã đứng ngoài ấy rất lâu nhưng chả thể vào được. Xin Ngài mở cửa giúp con, dắt con vào với trái tim yêu thương nhân hậu, để con vĩnh viễn thuộc trọn về Ngài. Xin Ngài nên như lối nhỏ cho con quảng đại bước theo, mà vào tới quê trời vinh phúc.

M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

CÁC CA ĐOÀN CỦA TGP.TPHCM

WGPSG - Năm thánh 2010 sẽ diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có một ngày dành cho ca đoàn, nghệ sĩ và ca sĩ Công giáo. Ngày hội này dự định sẽ diễn ra ra vào ngày 09/09/2010, nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập 2 Giáo phận Tông toà Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Hướng đến ngày hội ấy, Ban Thánh Nhạc Giáo phận lần lượt giới thiệu khuôn mặt các ca đoàn đang phục vụ tại các giáo xứ để kết chặt mối dây HIỆP THÔNG và THAM GIA của một trong những thành phần không thể thiếu trong cộng đoàn giáo xứ.

Đồng thời qua việc giới thiệu này, Ban Mục vụ Thánh nhạc Giáo phận muốn bày tỏ tâm tình tri ân đến quý cha chính xứ và quý cha phụ tá cùng cộng đoàn giáo xứ đã luôn quan tâm đến các ca đoàn hầu góp phần làm thăng tiến nền Thánh nhạc Việt Nam.

Cuối cùng, Ban Thánh nhạc Giáo phận rất cám ơn quý ca trưởng, quý anh chị em trưởng bè, các ca viên, các anh chị em đệm đàn... đã đang thể hiện tài năng âm nhạc của mình để góp phần "tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tâm hồn".

Hân hạnh giới thiệu,
Lm. Rôcô Nguyễn Duy
Trưởng ban Thánh nhạc TGP.TPHCM
CÁC CA ĐOÀN từ 033-048

(nguồn : tgpsaigon.net)

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CN20TNC - ĐỨC MẸ LÊN TRỜI (Lc 1, 39-56)



MẸ VỀ TRỜI

Ma-ri-a Mẹ về trời,
Chúng con còn sống chơi vơi ở đời.
Nhìn lên trời thẳm cao vời,
Tin rằng Mẹ vẫn tiếp lời van xin.

Chúa Cha yêu Mẹ thắm tình,
Con người khiêm nhựơng hết mình Chúa thương.
Cuộc đời của Mẹ ngát hương,
Hoan ca tiếng hát bốn phương reo mừng.

Mười lăm tháng Tám tưng bừng,
Giáo Hội, ghi nhớ vang lừng khắp nơi.
Dâng lên lòng mến thấm lời,
Yêu thời tưởng nhớ vâng lời bảo khuyên.

Mẹ đà hiện xuống hàn huyên,
Các con cố gắng trung chuyên nguyện cầu.
Nhìn lên ánh mắt Mẹ sầu,
Từ từ buồn thảm lệ châu chảy dài.

Đoàn con của Mẹ mãi hoài,
Chạy theo quỷ sứ miệt mài bỏ Cha.
Biết rằng yếu đuối ngã sa,
Nhưng mà tình Chúa bao la mong chờ.

Con ơi! đừng có dại khờ,
Cây sồi năm xưa còn đó khắc ghi,
Ăn năn thống hối thực thi,
Tay cầm tràng hạt quỷ thì chạy xa.

Hãy nghe lời Chúa phán ra,
Giê-su tại thế xót xa trông chờ.
Mong con đừng có hững hờ,
Đến nơi Nhà Tạm tôn thờ tình yêu.

Bao lần Mẹ đến ban điều,
Chúa Cha thương tiếc yêu kiều chúng sinh.
Loài người qủa thật điêu linh,
Được làm con Chúa thiêng linh cửu trùng.

Không ai quét sạch lá rừng,
Quỷ ma la hét bảo đừng nhớ Cha.
Nghe theo phú qúy xa hoa,
Con Ta xuống thế làm Ta đau lòng.

Tự do qùa tặng mênh mông,
Cha không đoài lại chỉ trông quay về.
Con ơi! hãy sống chỉnh tề,
Cha chờ Mẹ đợi trên quê Thiên đàng.

Nam Giao

(thanhlinh.net)

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

NGHE LẠI BÀI HÁT

Mời các anh chị tìm đến mục VIDEOCLIP HÁT LỄ ở bên phải trang blog để nghe lại các bài hát trong các thánh lễ có thu hình.
Các anh chị bấm chuột vào tên Thánh Lễ, chương trình sẽ tự động phát lại tất cả các bài hát trong Thánh Lễ đó.
Xin hãy chịu khó nghe và rút kinh nghiệm : điểm nào tốt chúng ta phát huy, chỗ nào chưa tốt chúng ta khắc phục để lần sau tốt lên.

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C (Lc 12, 32-48)


TỈNH THỨC
(Lc 12, 32-48)

Câu truyện đời thường

Có dịp ra thành thị, đêm đến, ông giật mình vì tiếng trống khua ầm ĩ. Ông tò mò hỏi vì sao lại như vậy.

Người khách được trả lời: vì có lửa cháy, nên đáng trống báo hiệu cho mọi người biết.

Về đến bộ tộc, anh liền giới thiệu với mọi người về tiếng trống thần kỳ ở trong thành, tiếng trống này có thể dập tắt lửa. Và thế rồi, bộ tộc này quyết định đi mua những chiếc trống giống như trong thành để bảo vệ khỏi cháy.

Họ bắt đầu ỷ lại rằng giờ ta đã có loại trống thần kỳ để bảo vệ, nên chẳng ai cẩn thận trong việc sử dụng lửa.

Thế rồi một ngày kia, đã có hỏa hoạn. Người trong thành thị có dịp đi vào bộ tộc này, thấy những đám cháy lớn, còn những người dân thì bu chung quanh những chiếc trống và đua nhau đánh để đuổi lửa.

Người khách lúc này mới nói: các ông làm như vậy không được. Đánh trống không dập được lửa. Mà chỉ là tiếng báo hiệu để mọi người đến, rồi cùng nhau dập lửa bằng nước… mà thôi.

Câu truyện Lời Chúa

Thánh Luca thuật lại câu truyện về thái độ của người khôn ngoan là phải sẵn sàng và tỉnh thức để bất cứ lúc nào chủ trở về thì cũng luôn nhanh chóng ra mở cửa, đón vào nhà. Khi chủ trở về mà thấy mọi người đểu có tinh thần trách nhiệm, công việc trôi chảy thì có phúc cho họ. Và ông chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.

Còn những người bê trễ, lười biếng, nghĩ rằng chủ còn lâu mới về, rồi bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Vậy anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
(Lc 12,32-48).

Câu truyện của chúng ta

Có những lý do khiến con người thiếu sẵn sàng và tỉnh thức.

Ỷ lại. Những người trong bộ tộc đã ỷ lại một cách máy móc và sai lầm vào chiếc trống thần kỳ, nên không cẩn thận và chu đáo trong việc dùng lửa, để xảy ra cháy lớn. Lại còn thiếu hiểu biết khi coi những chiếc trống là thần hộ mệnh cho mình.

Người tín hữu cũng thế, nhiều khi quá ỷ lại vào Giáo hội, vào Thiên Chúa, và thụ động trong đời sống đạo. Thói ỷ lại ấy, là dựa vào việc đã lãnh một số bí tích, có mặt trong giờ đọc kinh cầu nguyện, có xưng tội rước lễ theo luật buộc, có giữ ngày Chúa Nhật, và coi đó là bảo đảm, là đương nhiên được vào nước trời.

Tinh thần thiếu năng động và cảnh giác này là miếng mồi ngon cho ma quỷ. Vì ma quỷ như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, ta không kịp đề phòng, sẽ không kịp thoát thân.
Con Người sẽ đến vào ngày giờ anh em không ngờ. Vậy anh em hãy sẵn sàng và tỉnh thức.

Lạm dụng lòng nhân từ của Chúa

Chuyện kể rằng: có một chàng trai ăn chơi trác táng, tứ đổ tường, cuối cùng anh ta chết. Anh trèo lên chiếc thang để vào thiên đàng. Dù thiên đàng lúc nào cũng mở cửa, nhưng rất tiếc là chiếc thang lại ngắn, nên anh không thể vào được. Anh liền kêu cứu và hỏi tại sao sao như thế. Thánh Phêrô nói: vì suốt đời con, con có chịu làm thang đâu mà có để trèo. Anh trả lời. Thưa Ngài, lúc sắp chết, con có được lãnh những bí tích sau cùng rồi mà. Thánh Phêrô trả lời: Thì đó chẳng phải là chiếc thang con đang có là gì.
Có những người cho rằng Thiên Chúa đâu hẹp hòi ích kỷ hay chấp nhất như con người, Ngài nhân hậu từ bi vô cùng, nên Ngài sẽ không hủy diệt con người.

Vì thế, có nhiều người ra sức ăn chơi thoải thích, sống trái lương tâm và lề luật. Sống bê tha tội lỗi. Và nghĩ rằng, khi sắp chết, lúc hấp hối, ta chạy đến linh mục xin lãnh những bí tích sau cùng. Như vậy là được.

Con Người sẽ đến vào ngày giờ anh em không ngờ. Vậy anh em hãy sẵn sàng và tỉnh thức.

Cho rằng chết chết là hết. Là hết, nên không ăn chơi là thiệt thòi, không hưởng thụ là ngu ngốc. Đàng nào cũng chết. Chết có đem theo được gì đâu. Chết bỏ lại cho ai. Làm gì có chuyện đời sau mà phải lo nghĩ, vất vả làm chi, thôi ta cứ vui chơi thỏa thích, đời có thế mà thôi.

Tin vào thuyết định mệnh. Có người lập luận rằng không cần phải xin lễ cho các linh hồn, cho ông bà tổ tiên, vì nếu lên thiên đàng thì đã lên rồi, xuống hỏa ngục rồi thì xin cũng chẳng được, còn nếu ở lửa luyện tội thì cũng sẽ có ngày lên. Sống hay chết, mỗi người đều có số cả rồi.

Vì mỗi người đều được an bài sẵn cho số phận của mình, nên ta không thể làm khác được, không thể thay đổi được định mệnh của ta. Dù có cố gắng cũng sẽ vô ích mà thôi.

Tin vào thuyết luân hồi. Họ tin rằng cuộc sống là một vòng luân chuyển, kiếp này qua đi, kiếp khác lại đến. Nên không cần phải lo lắng băn khoăn. Cứ sống cho sung sướng, kiếp này chưa phúc thì kiếp sau làm lại, có gì đâu mà sợ. Thái độ của người tín hữu. Có người thức nhưng không tỉnh. Còn người tỉnh thì dù thức hay ngủ họ đều luôn chu đáo trong trách nhiệm, cẩn thận trong bổn phận, sẵn sàng để trả lẽ về mọi hành vi cuộc sống của mình trước Đấng Tối Cao. Họ không hổ với trời cao, không thẹn với đất thấp, cũng không hối hận cho thời gian sống của mình. Họ ngẩng cao đầu, hãnh diện tiến về phía trước một cách an bình, tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói với mọi người rằng hãy sẵn sàng và tỉnh thức. Có như vậy mới xứng đáng ra đón chàng rể đến, và được cùng chàng dự tiệc cưới.

Thiên Chúa ban cho ta những nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ và mọi phương tiện trong cuộc sống để ta làm giàu thêm mọi vinh quang của Chúa trong đời.

Nhờ thời gian, ta trau dồi nhân đức, tiến dần đến sự toàn thiện như lòng Chúa mong ước.

Nhờ sức khỏe, ta có thể chu toàn các trách nhiệm được giao liên quan đến đời mình, đến gia đình, Giáo hội và xã hội. Nhờ ta tích cực cộng tác mà công trình sáng tạo của Thiên Chúa luôn được xanh, sạch, đẹp. Nhờ tích cực phấn đấu mà công trình cứu chuộc được tỏ bày rõ nét trong cuộc sống. Nhờ hiệp thông gắn bó, trái đất được canh tân, tâm hồn được đổi mới, nhờ Chúa Thánh Thần.

Nhờ trí tuệ, ta dần nhận ra Thiên Chúa, nhận ra sự lành thánh cũng như biết được sức mạnh và cám dỗ của sự dữ. Từ đó, ta luôn can đảm đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt, đúng lúc, kịp thời, hợp với lương tâm và ý Chúa.

Vì thế, thời gian hiện tại luôn mang tính quyết định sự sống còn của từng người. Thời gian không bao giờ qua trở lại. Vì thế, mọi cơ hội ta có, đều là dịp thể hiện sự mau mắn và trung thành cộng tác với Chúa của mình. Thời gian hiện tại là lúc ta gieo mầm tin yêu hy vọng, gieo mầm sự sống vĩnh cửu. Nếu bỏ qua, ta sẽ bị thất bại.

Ta hãy cẩn thận khi sử dụng của cải chóng qua đời này, kẻo nó làm hư hoại cuộc đời.

Ta hãy khéo léo sử dụng của cải đời này để sinh ích lợi cho sự sống vĩnh cửu mai sau.

Ta hãy làm giàu kho tàng ơn cứu độ của Chúa ở đời này, và làm giàu kho tàng không bao giờ bị mất vì trộm cắp hay hư hỏng vì mối mọt.

Ta hãy thể hiện thái độ sẵn sàng và tỉnh thức, đó cũng là cách nói lên lòng trung thành của mình vào Thiên Chúa độc nhất, quyền năng, công minh và giàu lòng thương xót.

Ta đừng bao giờ coi mọi sự là của ta, vì tất cả những thứ đã có, đang có và sẽ có, chỉ là những phương tiện Chúa ban cho ta quản lý và sử dụng để sinh ích cho cuộc đời, làm giàu cho cuộc sống mà thôi.

Ta hãy biết sẵn sàng chờ đợi Chúa, để bất cứ lúc nào Ngài gọi, ta đều có thể trả lời ngay được là lạy Chúa con đây.

Ta cũng hãy biết rằng, chờ đợi không có nghĩa là ngồi không chờ kết quả, mà chờ đợi là đầu tư. Đầu tư cho tương lai bằng chính giây phút hiện tại lúc này và ở đây.

Ta cũng hãy tỉnh thức. Vì tỉnh thức là thái độ khôn ngoan của người tôi tớ đối với chủ. Nếu luôn ý thức rằng mình chỉ là tôi tớ, là người quản lý, còn Thiên Chúa là chủ, thì ta sẽ khiêm nhường và chu đáo hơn trong trách nhiệm và bổn phận được giao phó. Còn nếu quên đi thân phận, cho mình là chủ thì thái độ của ta sẽ khác, có thể là hống hách, kiêu căng, độc ác, tàn nhẫn, bất công đối với anh em của mình.

Anh em hãy sẵn sàng và tỉnh thức, vì chính lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.

THANH THANH
(nguồn :niemvuimoi.org)

DU LỊCH VATICAN

Mời các anh chị tham gia chuyến du lịch đi tham quan Toà Thánh Vatican miễn phí hoàn toàn :
  1. Hãy tìm đến chuyên mục TOÀ THÁNH VATICAN và bấm chuột vào địa danh muốn tham quan, trong tích tắc các anh chị sẽ được đưa đến đó.
  2. Trong khi tham quan cần chú ý :
  • Dùng chuột bấm vào 1 trong 2 ô vuông màu đen ở góc trái màn hình để xem cận cảnh hoặc toàn cảnh (1 nút xem cận cảnh, nút kia xem toàn cảnh).
  • Sử dụng các phím mũi tên trên bàn phím để xem "tứ phương tám hướng". Các anh chị có thể xem mọi ngóc ngách, trên trần, dưới nền... ở nơi các anh chị đang tham quan.
Hãy dành chút thời giờ để tham quan Toà Thánh Vatican, các anh chị sẽ được tận mắt chứng kiến những công trình vĩ đại nhất thế giới về nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc lẫn kiến trúc...

Chúc các anh chị một chuyến du lịch lý thú và bổ ích nhưng không tốn tiền. Hãy thực hiện ngay đi nhé.

Thân ái
Anh Tuấn

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

THƯ GIÃN

Mời các anh chị xem hình ảnh sinh hoạt trong thời gian vừa qua :

H1 - Với Cha Phêrô Cựu Chánh Xứ


H2 - Góp vui trong tiệc Mừng Cha Gioakim Tân Chánh Xứ


H3 - Với Cha Gioakim Tân Chánh Xứ

H4 - Hát lễ Mừng Bổn Mạng Cha Tân Chánh Xứ

Xem tiếp...


Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C (Lc 12, 13-21)


CUỘC ĐỜI LÀ PHÙ VÂN

Cuộc đời là phù vân. Đó là một chân lý mà mỗi người chúng ta đều nhìn nhận. Không có gì trong cuộc đời là bền vững, là vĩnh cửu. Tất cả đều tàn phai theo thời gian. Tiền tài, danh vọng và sắc đẹp rồi cũng sẽ có một ngày vuột ra khỏi tầm tay của chúng ta. Thế nhưng, mỗi người lại sống cuộc đời gọi là phù vân này rất khác nhau. Có người nghĩ cuộc đời quá ngắn nên tranh thủ hưởng thụ bằng cuộc sống ăn chơi sa đoạ. Có người lại “tối mày tối mặt” để tích lũy cho mình thật giầu có. Có người tìm công danh. Có người trau truốt cho sắc đẹp. Có người đi tìm tình bạn. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách sống khác nhau.

Vua Salomon đã hiểu ý nghĩa cuộc đời là phù vân, nên ông đã thốt lên rằng: “Phù vân rất mực phù vân, khó nhọc vất vả thế rồi phải trao lại cho kẻ không vất vả hưởng”.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu cho hai hạng người: tham quyền và tham tiền. Kẻ tham quyền thì dùng quyền bính để ăn chận tài sản người khác. Kẻ tham tiền thì lo vun quén cho đầy kho. Mẫu số chung của cả hai loại người này là ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và không màng tới tha nhân, cho dù đó là người thân của mình. Người anh đã dùng quyền bính để khước từ việc chia gia sản cho người em. Người phú hộ vì tham tiền nên chỉ lo nghĩ đến việc tích góp của cải đến nỗi không còn thời giờ dành cho tha nhân. Xem ra cuộc đời của họ không có hạnh phúc vì họ không có tình bạn. Họ coi tha nhân là kẻ thù, là kẻ đang tranh giành địa vị và tiền tài với mình. Họ không cần tình bạn, họ chỉ cần tiền. Họ không cần người thân, họ chỉ cần lợi dụng người khác cho tham vọng của mình. Sống không có tình bạn như cây xanh thiếu lá, chỉ trơ trụi và khô cần. Cuộc đời của họ sẽ không có niềm vui và hạnh phúc. Cuộc đời của họ càng không có hậu. Vì họ không có gia sản để dành cho đời sau là những việc lành phúc đức trong cuộc đời hôm nay.

Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay vẫn còn đó những con người như thế. Tiền và quyền luôn làm xa lìa tình người. Tiền và quyền luôn làm cho con người biến chất đến tha hoá không còn tính người. Xã hội vẫn đầy dẫy những bất công và bất nhân. Bất công vì kẻ đổ mồ hôi lao nhọc mà vẫn đói nghèo xác xơ trong khi đó lại có kẻ “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Các quan tham từ nông thôn đến thành thị đều rủng rỉnh bạc vàng còn dân lành lại lầm than cơ cực. Bất nhân vì thiếu tôn trọng lẫn nhau, đến nỗi coi mạng người như phương tiện để khai thác trục lợi. Xã hội hôm nay cho rằng sống là để tranh đấu. Tranh đấu nên có kẻ được người thua. Tranh đấu nên phải giành giựt lẫn nhau, nhanh thì được chậm thì mất. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Kẻ thắng thì cười. Người thua thì khóc. Tất cả như những con thiêu thân đang lao vào cuộc chơi mà không hề biết nguy hiểm đang chờ trước mắt, cái chết gần kề mà Lời Chúa hôm nay nhắc nhở: “Hỡi kẻ dại khờ, nội trong đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẽ thuộc về ai?”.

Có ai đó đã ví von về cách tìm kiếm và sử dụng của cải đời này như sau:

“Người công nhân thì đổ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó đi vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giầu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó”.

Về phần tôi thì dùng nó, có lẽ đó là sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Hãy làm giầu trước mặt Chúa”. Hãy sử dụng tiền bạc và quyền bính để mang lại lợi ích cho xã hội và cho con người. Đừng dùng nó cho bản thân của mình. Cũng đừng xem nó như cứu cánh đời mình. Của cải và danh vọng không thể sánh với con người nên đừng vì nó mà bán rẻ lương tri, đừng vì nó mà đánh mất tình người, đừng vì nó mà lãng quên tình Chúa. Tất cả chỉ là phù vân. Sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Và sự sống vĩnh hằng không thể mua bằng tiền bạc, càng không thể tìm kiếm bằng vũ lực mà bằng lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa đối với đồng loại bao hàm tinh thần yêu thương và phục vụ. Yêu thương nên sẵn lòng dấn thân và phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Yêu thương nên sẵn lòng nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Yêu thương nên sẵn lòng hy sinh bản thân mình để tìm niềm vui trong phục vụ tha nhân.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dùng gia sản là tài năng và khả năng của mình để mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Amen


Lm.Jos Tạ duy Tuyền
(nguồn : thanhlinh.net)