Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (Ga 20, 19-23)


 
TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN
Sưu tầm
Chúa Thánh Thần làm gì cho chúng ta? Đó là vấn đề chúng ta cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ trong một vài phút ngắn ngủi này.

Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy các môn đệ, mặc dù đã bước theo Chúa, mặc dù đã được lắng nghe những lời khôn ngoan Chúa dạy, mặc dù đã được nhìn thấy những việc lạ lùng Chúa làm, thế nhưng các ông cũng chẳng lĩnh hội được bao nhiêu và đức tin cũng chưa bén thể rễ sâu trong cõi lòng các ông.

Sở dĩ như vậy vì đầu óc các ông còn u mê dốt nát và mang nặng tinh thần thế gian.

Thực vậy, cũng như phần đông những người Do Thái khác, các ông đang trông chờ, mong đợi một đấng cứu thế trong lãnh vực chính trị và xã hội.

Đấng ấy phải hùng mạnh như Đavít với kỵ binh và cbiến mã rợp trời. Đấng ấy phải khôn ngoan như Salômon, khiến cho muôn dân nước phải nể phục. Đấng ấy sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc La Mã, dẫn đưa dân tộc họ bước vào một thời đại hoàng kim.

Và lúc bấy giờ các ông sẽ được làm lớn và giữ những chức vụ quan trọng trong vương quốc của Ngài, cùng với một cuộc sống nhiều đặc ân và bổng lộc, giàu sang và quyền thế, theo kiểu “vinh thân phì gia”.

Chính vì thế, các ông thường tranh cãi xem ai là người cao trọng nhất, đồng thời các ông không thể nào chấp nhận được những khổ đau và cái chết tủi nhục trên thập giá mà Chúa Giêsu đã tiên báo.

Thế nhưng, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đã đổi đời, đã thoát xác, đã trở nên những con người mới, am hiều và thông suốt về giáo lý của Chúa Giêsu, nhất là về màu nhiệm thập giá, để rồi hôm nay, ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô thay mặt cho nhóm mười hai đã lên tiếng rao giảng về chính những điều trước đây ông đã không hiểu cũng như không muốn hiểu.

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn làm gì nữa?

Nhìn vào các tông đồ, chúng ta thấy các ông không phải chỉ là những kẻ u mê và dốt nát, mà còn là nhưng kẻ hèn nhát và sợ sệt. Phúc âm đã ghi lại như sau:

Khi thấy sóng gió nổi lên, các ông đã hoảng sợ đến cuống cuồng, khiến Chúa Giêsu phải lên tiếng trách:

- Hời những kẻ hèn tin, tạo sao các con sợ hãi.

Sự sợ hãi này còn được biểu lộ một cách rõ rệt hơn nữa trong cuộc thương khó. Giuđa đã bán Chúa với giá ba mươi đồng bạc, giá bán một tên nô lệ, và chỉ bằng một phần mười giá bán một chai thuốc thơm, Mađalêna đã dùng để xức vào chân Chúa Giêsu. Phêrô đã chối Chúa ba lần trong sân nhà thầy cả thượng phẩm chỉ vì một câu hỏi vu vơ. Còn các môn đệ khác đều đã bỏ Chúa mà chạy trốn, ngoại trừ Gioan là đã theo Chúa đến cùng và đã có mặt dưới chân cây thập giá. Ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, các ông tụ họp với nhau trong phòng, mà cửa thì đóng kín vì sợ người Do Thái.

Thế nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông đã hoàn toàn đổi mới: từ những kẻ hèn nhất và sợ sệt, các ông đã trờ nên những con người can đảm và hăng say rao giảng Tin mừng.

Hơn thế nữa, các ông còn sẵn sàng chấp nhận cái chết, cũng như đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô.

Thực vậy, trong số mười hai tông đồ, thì đã có tới mười một ông hy sinh mạng sống cho Tin mừng, chỉ trừ một mình Gioan là đã chết già tại cộng đoàn Êphêsô mà thôi.

Còn chúng ta thì sao?

Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ mê muội và dốt nát, chẳng hiểu biết được bao nhiều về giáo lý của Chúa.

Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ hèn nhát và sợ sệt, chúng ta sẵn sàng bán Chúa và chối bỏ Ngài bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ vì lý do gì.

Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong tâm hồn, để biến đổi chúng ta trở thành những con người mới luôn hiểu và sống Tin mừng, cũng như luôn hăng say phục vụ Chúa nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau.
(tinmung.net)

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN NĂM B (Mc 16, 15-20)


 Mời xem videoclip>>
 
RA ĐI
Sưu tầm
Các sân bay là những nơi có nhiều niềm vui cũng như nước mắt. Có những người ngẩng đầu lên để nhìn thoáng qua lần đầu người thân của mình đang đến. Trong khi đó, lại có những người khác với đôi mắt nhòe lệ nhìn lần cuối một người thân ra đi. Ngày lễ hôm nay tưởng niệm việc Chúa Kitô lên trời, nhưng thực chất không phải là một cuộc ra đi. Dĩ nhiên, Chúa Kitô không còn được nhìn thấy bằng mắt thường nữa. Thánh Luca viết: “Chúa Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”.

Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là câu chuyện Chúa ra đi. Ngược lại là đàng khác! Người vẫn tiếp tục hiện diện, nhưng theo một cách mầu nhiệm. Người tiếp tục hoạt động trong thế giới này qua các môn đệ. Và vì thế, chúng ta có thể nói hôm nay là ngày cử hành đại lễ của một kết thúc và cũng là của một khởi đầu. Việc hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu trên trái đất này đã kết thúc. Bây giờ khởi đầu một triều đại mới mà Người là Vua trên các vua. Vì thế, việc cử hành thánh lễ hôm nay không phải là việc tưởng nhớ một người vắng mặt, nhưng là một cử hành tràn đầy niềm vui cùng với Chúa Kitô đang hiện diện giữa chúng ta.

Thiên thần đã nói với các môn đệ đừng đăm đăm nhìn lên trời nữa. Ngài chỉ cho các ông nơi mà Chúa Giêsu đang cần các ông, đó là ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người. Sứ vụ này vẫn tiếp tục, và đó là sứ vụ của chính chúng ta. Một Kitô hữu đích thực không phải là người cứ nhìn lên trời, chờ Chúa Kitô xuất hiện trên đám mây. Nhưng một Kitô hữu đích thực là người đầy lòng nhiệt thành mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Thế giới ngày nay đang khao khát Tin Mừng của Chúa. Qua chúng ta, Chúa Giêsu muốn đem niềm vui và sự bình an vào trong một thế giới đầy những tai ương, chiến tranh và bất công. Qua chúng ta, Chúa Giêsu muốn đem sự hiểu biết, tình yêu và sự cảm thông vào trong một thế giới đầy tranh chấp, cãi cọ và thù hận. Qua chúng ta, Chúa Giêsu muốn biến đổi thế giới này trở nên một nơi chốn tốt lành hơn. Ngày hôm nay, chúng ta cần thức tỉnh về nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần nhìn vào thế giới này với những vấn đề rắc rối của nó, và chúng ta hãy thực hiện việc các tông đồ đã làm sau khi Chúa lên trời đó là chia sẻ Chúa Kitô Cho mọi người.

Lạy Chúa, con tin Chúa vẫn tiếp tục hiện diện trong thế giới này. Xin Chúa ban tràn đầy Thần Khí Chúa xuống trên con để con có thể thi hành nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa đã ủy thác cho con.

(tinmung.net)

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM B (Ga 15, 9-17)



YÊU NHAU LÀ MẾN CHÚA

Lm. Minh Vận, CMC
Cha già "Lựu Đạn", đây là một danh xưng mà Chị Nữ Tu Antoinette thường gọi thế, khi nhắc đến ông lính già khó tính nhất trong bệnh viện Chị đang phục vụ. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có truyện gì không vừa ý, ông la lối rùm beng.

Ngày kia, đang mải mê phục vụ, Chị Antoinette nghe tiếng cha già Lựu Đạn hét lớn: "Đem cho tôi vài quả trứng luộc". Chị Antoinette vui vẻ đem đến.

- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem tới à? Chị Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.

- Trứng chín quá. Luộc gì mà kỹ quá vậy? Chị Antoinette chẳng biết làm sao hơn được. Chị đi lấy một cái bếp đem đến kê ở cạnh giường và trao cho ông cha già Lựu Đạn vài quả trứng để ông tự luộc lấy cho vừa ý. Ông thấy thế, liền nổi cơn lôi đình, đạp đổ bếp, quang xoong nước và trứng xuống nền nhà, miệng quát lớn: "Sơ không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?"

Chị Antoinette chẳng nói nửa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu dọn, quét tước, lau lọt... Một lát sau, Chị lại đem đến cho ông già vài quả trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc vừa chín tới thôi"... Tỉnh ngộ, ông lính già tỏ vẻ cảm động vì khâm phục trước tấm lòng bác ái, nhịn nhục của Chị Dòng khiêm nhu dễ thương, miệng lắp bắp nghẹn ngào nói: "Cảm ơn Sơ, tôi ăn trái trứng mà cũng là ăn cả tấm lòng tốt của Sơ nữa".

I. CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc lại lệnh Chúa truyền: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con". Sách Tông Đồ Công Vụ nêu lên một Đức Bác Ái đại đồng. Nhân loại được Chúa tạo dựng với mục đích là để tôn thờ, phụng sự, kính mến Chúa và để được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa trên Quê Trời. Như thế, tất cả nhân loại đều là anh chị em với nhau, là con một Cha Chung trên trời.

Hồi Giáo Hội sơ khai, các Tín Hữu gốc Do Thái lầm tưởng rằng: Dân ngoại muốn tòng giáo, đều phải chịu phép cắt bì theo luật Maisen. Hôm nay, tất cả mọi người hiện diện tại nhà ông Cornelio dự tòng, những người hiện diện đều mục kích một sự việc tỏ rõ thánh ý Chúa. Thánh Phêrô đã tuyên bố: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng, Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành công lý, đều được Người đón nhận". Các Tín Hữu gốc Do Thái đều ngạc nhiên tự hỏi: "Phải chăng Thánh Linh đã xác nhận lời Phêrô là đúng? Tất cả là con cái Chúa, là anh chị em với nhau sao?" Thánh Phêrô lại quả quyết: "Ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước mà thanh tẩy những người này, khi họ đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?"

Cha ông chúng ta cũng thường nói rất đúng rằng: "Tứ hải giai huynh đệ". Lời đó quả quyết cho chúng ta thấy: Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, đã là enh chị em, chúng ta không còn được phân biệt mầu da tiếng nói, đẳng cấp xã hội, nô lệ hay tự do, Dân Chúa hay dân ngoại. Vì, "Bốn bể đều là anh chị em", là con một Cha Chung trên trời, nên chúng ta phải thương yêu nhau. Thánh Gioan trong bài đọc hai đã nêu rõ, Bác Ái bắt nguồn từ Tình Yêu Thiên Chúa: "Anh chị em thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì: Thiên Chúa là Tình Yêu". Cùng một tình yêu kết hợp chúng ta với Chúa và liên kết chúng ta với nhau. Càng mến Chúa, tấm lòng và đôi tay càng mở rộng ra đón tiếp người anh chị em cần đến mình.

II. NHƯ CHÚA ĐÃ THƯƠNG YÊU CHÚNG TA

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã long trọng ban huấn lệnh: "Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

Để thực thi huấn lệnh đó, Chúa đã đặt cho chúng ta một mẫu gương để chúng ta noi theo bắt chước: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu thương của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu thương của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha, nên Thầy ở lại trong tình yêu thương của Người". Chúa kết luận: "Thầy nói điều đó, để niềm vui của các con được nên trọn" (Jn 15:9-11).

Chúa còn trịnh trọng nhắc lại: "Đây là lệnh truyền của Thầy là: Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con". Yêu thương anh chị em như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đó là mẫu mực chúng ta phải noi theo, phải đạt tới. Chúa đã yêu thương chúng ta đến hiến mạng sống mình, chịu chết vì chúng ta; chúng ta cũng phải hy sinh, chịu thiệt thòi, chịu nếp vế, phải nhường bước... và nếu cần còn phải hy hiến cả chính bản thân mình để mưu lợi ích thiêng liêng, tìm cầu phần rỗi cho anh chị em nữa.

Chúa đã phán: "Không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình yêu thương của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu, mà chính các con là bạn hữu của Thầy" (Jn 15:13). Chúa cũng đòi chúng ta phải hiến mạng sống mình vì phần rỗi anh chị em chúng ta như vậy.

III. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

Để thực thi Đức Bái Ái trong cuộc sống hằng ngày, Đức Phaolô VI đã đặt một dấu chỉ để chúng ta kiểm xét: "Dấu chỉ của Bái Ái Huynh Đệ chân thật gặp thấy trong sự đơn sơ, vui tươi; nhờ đó, mỗi người đều cố gắng tìm hiểu xem mỗi người ước ao điều gì hơn cả" (C.T.P.A. # 39). Để đạt được lợi ích đó, Ngài còn khuyên nhủ: "Chúng con đừng quên rằng, Đức Ái Huynh Đệ phải là niềm hy vọng linh hoạt, làm cho tha nhân có thể đạt được mục đích họ mong muốn, nhờ sự giúp đỡ huynh đệ của chúng con" (C.T.P.A. # 39).

Để dễ thực thi giáo huấn của vị Đại Diện tối cao của Chúa, chúng ta cần:

1. Trong đời sống gia đình: Cha mẹ, vợ chồng, con cái cần có lòng thương cảm biết yêu đương, đùm bọc, bù trừ, nhường nhịn, hy sinh cho nhau.

2. Trong đời sống xã hội: Mọi người cần biết tha thứ, không chấp nhất, không bủn xỉn, nhưng quảng đại cao thượng, tương trợ lẫn nhau.

3. Trong đời sống cộng đồng: Các phần tử cần có lòng hợp nhất, mỗi người phải biết xả kỷ vị tha, để cùng nhau xây dựng công ích.

Kết Luận

Nếu mỗi người chúng ta noi theo gương Chúa, biết hy sinh chính bản thân mình, chịu thiệt thòi, nép vế, thua thiệt vì tha nhân, chắc chắn chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau. Chính lòng Bác Ái đó sẽ biến đổi gia đình chúng ta trở thành tổ ấm yêu đương; đoàn thể chúng ta sẽ trở thành cộng đồng hạnh phúc; Giáo Hội chúng ta sẽ trở thành Thiên Đàng nơi Chúa hiển ngự. Đạt được ước nguyện đó, tất cả chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân của tình thương yêu Thiên Chúa, sẽ chinh phục nhân loại về với Chúa, làm nên một Đoàn Chiên duy nhất, một đại gia đình yêu thương của Chúa Kitô trên trần gian.

Vì: "Yêu là tự hy hiến chính mình", luôn luôn cố gắng làm hài lòng tha nhân vì Chúa. Như Chị Nữ Tu Antoinette chỉ muốn cho bệnh nhân là "Cha Già Lựu Đạn" được vui lòng, nên Chị đã cảm hóa được ông cho Chúa. Chính Mẹ Maria đã nêu cho chúng ta mẫu gương Bác Ái cao cả tại tiệc cưới Cana và Mẹ cũng đã dạy chúng ta, các con ngoan thảo của Mẹ một bài học: "Mỗi người chúng con hãy cố làm cho người khác được sung sướng, được hạnh phúc".

Xin Mẹ giúp chúng con biết thương yêu nhau như dấu chứng lòng chúng con yêu mến Chúa và là con ngoan thảo của Mẹ.

(tinmung.net)