Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM A (Ga 14, 15-21)

Mời xem videoclip

CẶP MẮT CỦA TRÁI TIM

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ
Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

- Nếu tôi chữa cho anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

- Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà tôi xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài. Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói:

- Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?

Thưa anh chị em, yêu mến Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa? trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Trước hết, yêu là thấy. Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Thực thì ngay trong cuộc sống của xã hội con người, chúng ta cũng có thể gặp những trường hợp một người đã ra đi một chuyến đi xa, nhưng những người còn ở lại vẫn cảm thấy người đó như đang hiện diện ở đâu đây, thật gần gũi, nơi từng sự vật, trong từng căn phòng, nơi mỗi lối đi. Chính tình yêu, sự quen thuộc, sự cảm thông đã tạo nên cái điều lạ lùng này. Giữa những người thân yêu, sự vắng mặt không tạo nên sự xa cách: “Xa mặt mà không cách lòng”. Vì vậy, Đức Giêsu đã nói: “Thế gian sẽ không thấy Thầy, còn anh em, anh em sẽ được thấy Thầy”. “Cái thấy” Chúa Giêsu muốn nói ở đây không còn là cái thấy ngang qua cặp mắt của thân xác; cái thấy ấy có những giới hạn nhất định, ở ngoài tầm nhìn thì không thấy được nữa. Còn “cái thấy” ở đây là cái thấy bằng con tim, bằng sự cảm nhận, bằng sự hoà nhập. Tình yêu làm cho người xa cách trở nên gần gũi. Vì yêu mến Thầy, các môn đệ vẫn cảm thấy Thầy hiện diện ở khắp nơi.

Nguyên trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, giữa môn đệ và Thiên Chúa Cha. Yêu mến đưa đến sự hoà nhập: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” và “Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy”.

Thì ra, trái tim cũng có “cặp mắt” của nó. Cặp mắt của trái tim thấy được những cái mà cặp mắt thể xác không thể thấy được. Chính cái thấy bằng cặp mắt của trái tim sẽ giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của một người Kitô hữu và của cộng đoàn. Có yêu mến Chúa, chúng ta mới thấy được sự hiện diện thân thiết của Chúa ở giữa chúng ta.

Yêu còn là tuân giữ: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy. Tình yêu sẽ dẫn tới hành động. Không có hành động, tình yêu chỉ là giả dối. Hành động mới là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Nói rằng: “Tôi yêu mến Chúa” thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nếu không tuân giữ các giới răn của Chúa thì những lời nói đó chỉ là những lời nói dối.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.

Nhưng các giới răn của Chúa là gì, thưa anh chị em?

Các giới răn của Chúa là chính Chúa Giêsu với các giáo huấn, với những chọn lựa của Ngài. Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu trở thành mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu. Giữ các giới răn ở đây là biến đổi chính con người của mình để có thể trung tín với Chúa trong cuộc sống. Như thế, giữ các giới răn là sống trong tình yêu của Chúa.

Chúa Giêsu đã xác định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy”. Giữ các giới răn là ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Kitô giáo là đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao. Vậy mà có nhiều người lại coi Kitô giáo như những giới răn cấm kỵ và trừng phạt, như những gông cùm tròng vào cổ hay những gánh nặng đèn lên vai. Vì vậy cuộc sống đạo của họ trở thành một bài toán khô khan và nghèo nạn, nhiều khi quá máy móc. Họ bóp méo đạo yêu thương thành đạo sợ hãi. Đạo sợ hãi làm người ta mất nhiệt tình và cởi mở, mất nét vui tươi trên khuôn mặt của những người con cái Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim. Tình yêu làm cho cuộc sống đầy sức sáng tạo và năng động. Chính cuộc sống tích cực và đầy sức sáng tạo này mới thực sự là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang tiếp tục hoạt động nơi những kẻ tin ở Ngài, và là bằng chứng của lòng tin nơi sự hiện diện sống động của Ngài. Chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.
(nguồn : tinmung.net)

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM A (Ga 10, 1-10)


Mời xem videoclip

CHÚA CHIÊN CỦA TÔI
Lm John Vũ Nghi, CMC

Mấy năm trước đây, một bé gái 5 tuổi được đưa vào viện mồ côi. Mấy ngày trước đó, bố mẹ của em đã cãi vã với nhau, bố em đã bắn chết mẹ em, rồi quay súng lại mà tự vẫn. Tất cả xảy ra trước sự chứng kiến của em. Đến ngày Chúa Nhật sau đó, em được đưa đến Nhà thờ Công Giáo để tham dự thánh lễ và sau đó, dự lớp Giáo lý. Vì sợ cô giáo không hiểu hoàn cảnh của em, người coi sóc viện mồ côi đã phải căn dặn cô giáo: Bố mẹ của em là người vô thần, nên chắc chưa bao giờ bé được nghe về Thiên Chúa, vì vậy, xin cô giáo nhẫn nại với em. Trong buổi học đầu, cô giáo đã giơ cao một bức hình Chúa Giêsu và hỏi cả lớp: "Có em nào biết đây là ai không?" Cô bé giơ tay trả lời: "Em biết, đó là người đã ôm em vào lòng sau khi ba má em chết."

Câu chuyện của em bé trên đây chỉ là một trong ngàn vạn câu chuyện thương tâm khác đang xảy ra trong xã hội ngày nay. Chồng giết vợ, mẹ giết con, con giết bố mẹ, bạn bè thanh toán nhau, nhân công ám hại nhau, là những mẩu tin chúng ta thường đọc thấy trong báo hằng ngày. Trong những ngày tháng gần đây, nạn khủng bố đã gây tang tóc thương đau cho biết bao gia đình. Những lá thư hăm dọa đã khiến cho con người sống trong lo sợ. Quân khủng bố đã bất chấp thủ đoạn khi hành động. Tháng Giêng vừa qua tại Do Thái, lần đầu tiên một phụ nữ đã nổ bom tự sát để giết người. Sau đó, người ta tìm ra chị ta là một trong những nhân viên cứu thương của thành phố. Hôm trước cứu người; hôm sau giết người. Thật là khó hiểu. Hơn nữa, họ còn coi đây là thánh chiến. Lắm lúc nghĩ cũng thấy buồn. Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, thế mà đã mười mấy thế kỷ chém giết nhau. Con cháu tổ phụ Abraham ngày nay đã đông như sao trên trời như cát dưới biển, đúng như Lời Chúa đã hứa, nhưng tiếc thay con cháu tổ phụ lại cắn xé nhau, để rồi gây tan tác cho đoàn chiên của Chúa.

Khi xưa, Chúa Giêsu sống trong một xã hội tuy không hận thù khủng bố, nhưng cũng mang đầy những thù ghét, chia rẽ, kỳ thị và bất công. Những người Samaritanô, tuy cũng mang giòng máu Do thái, nhưng lại bị người Do thái coi là dân ngoại; những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, nên tuyệt đối bị những người "ngoan đạo" xa tránh; những người phong cùi bị đuổi ra sống bên ngoài xã hội. Đứng trước thảm trạng đó, Chúa Giêsu đã đến và đã ví mình như gà mẹ túc con dưới cánh để bảo vệ và vỗ về. Chúa đã tỏ tình thương và mối quan tâm đặc biệt đối với những người tội lỗi, nghèo khó, bệnh tật, những người sống bên lề của xã hội. Chúa cũng ví mình như một Chủ Chiên đến để qui tụ đoàn chiên đã bị chia ly phân tán, và để đem lại sức sống và niềm hy vọng cho đoàn chiên: "Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào."

Với hiện trạng của thế giới, Lời Chúa vẫn còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho con người ngày nay. Thật vậy, Chúa Giêsu, Chúa Chiên của chúng ta, đã đến để chúng ta được sống, nhưng không phải sống trong chán chường tẻ lạnh, một cuộc sống vô nghĩa. Chúa đến là để chiên của Ngài được sống một cách dồi dào, nghĩa là một cuộc sống đầy yên vui, an bình, và yêu thương. Đó là điều Chúa đã hứa ban cho mỗi người chúng ta, và Ngài đã và đang thực hiện lời hứa của Ngài nơi những con chiên đáp lại lời mời gọi của Ngài và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài. Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp. Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống. Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời. Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta. Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài. Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài. Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an. Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được. "Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi" (Tv 23).


NS Trái Tim Đức Mẹ

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

MỪNG PHỤC SINH 2011




Chúa Nhật 08.5.2011, lúc 11g30 ca đoàn Cécilia giáo xứ Thuận Phát đã họp mặt liên hoan Mừng Lễ Phục Sinh 2011. Rất tiếc Cha Chánh xứ đã không thể chung vui với ca đoàn được do ngài đang bị bệnh. Ngoài ra còn có hai vị thân hữu do bận việc gia đình đã cáo từ. Về phần ca đoàn vắng mặt 7 ca viên.

- Mời xem thêm hình

- Mời xem videoclip

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A (Lc 24, 13-35


ĐỂ NHẬN RA
SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA


Lm Trần Bình Trọng
Mặc dầu đã theo Chúa 3 năm, nghe Lời Chúa giảng dạy, và chứng kiến phép lạ Chúa làm, các tông đồ vẫn còn mang quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế. Họ nuôi hy vọng là Đấng Cứu Thế sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, hùng mạnh, khả dĩ có thể đánh đuổi quân La Mã đang cai trị họ thời bấy giờ, và đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Cũng vì mang quan niệm đó mà bà mẹ hai Tông đồ Giacôbê và Gioan đã xin Chúa cho hai con mình được ngồi một bên tả và một bên hữu Chúa.

Cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên thập giá đã khiến cho các môn đệ vỡ mộng, làm tiêu tan mọi mối hy vọng của các ông. Do đó hai môn đệ đã bỏ thành Giêrusalem trở về Em-mau quê quán mình. Nói cách khác, họ quyết định bỏ cuộc. Mặc dầu Chúa đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Người, các môn đệ vẫn không hiểu.


Hai môn đệ bỏ cuộc hôm nay cố gắng tìm kiếm trong Thánh Kinh những lời lẽ để cắt nghĩa về cuộc khổ nạn của Thầy mình. Và dọc đường Chúa đã hiện ra với các ông, đàm đạo với các ông và nói: "Chớ thì Đức Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy thì mới được vào vinh quang sao? Đoạn Người bắt đầu từ Môisen đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh thánh chỉ về Người "
(Lc 24, 26-27). Nhờ đó mắt họ được mở ra và họ nhận ra Chúa lúc Người bẻ bánh. Khi hai môn đệ nhận ra Người khách lạ, không là ai khác ngoài Thầy mình, họ liền vội vả trở về Giêrusalem để báo tin cho các tông đồ. Và họ được biết rằng, các tông đồ cũng đã xác tín về việc Chúa Phục sinh, vì Simon Phêrô đã nhìn thấy Chúa. Trong khi họ bàn luận với nhau về những sự việc mới xẩy ra, thì Chúa lại hiện ra giữa họ.

Hai môn đệ trên Em-mau cùng đồng hành với Chúa, đàm đạo với Chúa mà không nhận ra Người. Sở dĩ có trạng huống đó, là vì họ đã tự đóng khung trong cái tư tưởng và quan niệm của họ về Đấng Cứu Thế. Có lẽ họ chỉ nghĩ thôi, từ nay sẽ không còn hi vọng địa vị nọ địa vị kia trong vương quốc Chúa. Họ để cho mình bị chìm đắm và chôn vùi trong cái buồn khổ của cảnh tử nạn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cái nỗi buồn chán thất vọng đã đè nặng trên con người họ, khiến họ không thể vươn lên trên và vượt ra ngoài cái khung của con người họ, cho tới khi họ mời người khách lạ vào nhà, vì khách cần chỗ nghỉ, họ mới nhận ra Chúa.


Ta biết Chúa hiện diện khắp mọi nơi, Chúa ở chung quanh ta, nhưng ta không nhận ra Người. Hàng ngày và xung quanh ta, đều có ghi khắc những dấu vết của Chúa, và công trình của việc Chúa tạo dựng. Tuy nhiên ít khi ta cố gắng tìm kiếm hầu có thế khám phá ra những dấu vết của Chúa, để ý thức về sự hiện diện của Người. Có lẽ bởi vì ta tự đóng khung trong cái vỏ ốc của mình. Ta để cho những phiền muộn thái quá đè nặng trên con người ta, khiến ta không vượt ra khỏi mình, làm cho tư tưởng, ý nghĩ của mình, làm cho tư tưởng, ý nghỉ và cảm tình của ta bị giới hạn trong thân xác. Thêm vào đó, những bận tâm về sự việc trần thế cũng làm cản trở cho việc đến với Chúa. Vậy để khám phá ra sự hiện diện của Chúa, để có thể cảm nghiệm được việc Chúa hiện diện quanh mình, người ta phải loại bỏ những chướng ngại vật trong đời sống: những bận tâm, lo lắng, những tham vọng hão huyền....


Các môn đệ không nhận ra người khách lạ, nếu họ không mời Chúa vào nhà. Ta cũng sẽ không nhận ra Chúa hiện diện quanh mình, nếu ta không mời Chúa vào nhà tâm hồn. Nếu ta tự đóng cửa nhà tâm hồn thì Chúa cũng đành bó tay, vì Chúa đã cho loài người tự do lựa chọn và Chúa tôn trọng tự do của loài người.


Cũng như hai môn đệ làng Em-mau đã mời Chúa vào nhà, hôm nay ta cũng hãy mời Chúa vào nhà tâm hồn, và mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và ơn Chúa, để quyền năng Chúa tác động tâm hồn và đời sống.


(tinmung.net)

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

HỘI THẢO THÁNH NHẠC TOÀN QUỐC

Hội thảo Thánh Nhạc
toàn quốc lần thứ 28


Vào lúc 08g00 sáng ngày 03-05-2011 tại hội trường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thuộc Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Tp.HCM, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc và linh mục Roco Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh Nhạc, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, với sự hiện diện của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa cùng 86 hội thảo viên gồm: các linh mục, tu sĩ, nhạc sĩ trong các ban Thánh Nhạc của 26 Giáo phận đã diễn ra cuộc hội thảo Thánh Nhạc Toàn Quốc lần thứ 28 với chủ đề: “Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc”.

Sau phần khai mạc, linh mục Roco Nguyễn Duy đã phát biểu những điểm nhấn trong bản dự thảo Hướng dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, như cẩn thận trong việc chọn bài hát. Khi chọn phải có 3 thẩm định là: Phụng vụ, mục vụ và âm nhạc hay trong các Thánh lễ có nghi thức riêng thì nên chọn những bài có trong Thánh Vịnh theo nghi thức Phụng vụ.

Linh mục nhạc sĩ Kim Long phát biểu: Cần phải tôn trọng bản văn trong phụng tự của những đáp ca đã có Imprimatur (được phép sử dụng) trước đây, vì bản văn mới chưa có, còn các bản văn Giờ Kinh chỉ tạm, chưa phải chính thức trong Thánh lễ.

Đến 09g45 sau khi giải lao, các hội thảo viên được chia thành 3 nhóm thảo luận. Sau phần thảo luận của từng nhóm, 10g35 các nhóm đã tập trung lại hội trường đóng góp ý kiến chung. Gồm có:

- Nên có thông báo chính thức về các bậc lễ.
- Đưa bản dự thảo Hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc ra thử nghiệm.
- Làm sao biết được bài hát nào có Imprimatur?
- Dùng nhạc nền thu âm sẵn hát lễ có được không?
- Dùng nhạc thu sẵn để Chầu Thánh Thể có được không?
- Bài Hiệp lễ thường hát về các Thánh, chọn theo tác giả, tác phẩm mà không theo Phụng vụ.

Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa phát biểu: Nhạc là để cầu nguyện nên đưa vào máy là không được, đây không là chuyện hay dở mà là tâm tình.

ĐGM Vinh Sơn trả lời: Nếu dùng ghi âm trong Phụng vụ thì nó đã thay thế cho chúng ta, mở băng trong Phụng vụ là không được phép làm, trong Phụng vụ không thể thay thế, ngoại trừ giờ tĩnh tâm riêng có thể sử dụng trong lúc thinh lặng suy niệm, nhưng phải biết rõ cái nào là Phụng vụ và ngoài Phụng vụ.

Linh mục Roco cho biết về vấn đề Imprimatur, mỗi Giáo phận đều có ban Thánh Nhạc nếu có yêu cầu xin gửi cho ban Thánh Nhạc và khi sử dụng phải có chữ ký của Đức Giám mục, nhưng nên chú ý về lời và nhạc nền nên gần với bình ca, tất cả các bài trong Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam đều được sử dụng trong Phụng vụ.

Kết thúc, ĐGM Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cám ơn sự góp ý chân thành của các hội thảo viên, tiếp tục nhận ý kiến đóng góp trong 3 tháng cho đến đại hội kế tiếp. ĐGM cũng đề cử linh mục Trương Huy Hoàng, Giáo phận Phú Cường giữ chức Chủ tịch Câu Lạc Bộ Sáng Tác thay thế Linh mục Mi Trầm xin nghỉ vì lý do sức khỏe. ĐGM nói thêm: Người ta có thể phê bình hát hay, đàn hay hoặc không hay thì không sao, nhưng không chấp nhận không đúng Phụng vụ.

Sau khi nhận phép lành của 2 ĐGM Vinh Sơn và Phaolô, mọi người ra về trong tâm tình hân hoan, hẹn gặp lại nhau trong Hội Thảo lần thứ 29.


Nghe Audio tại đây

Xem hình tại đây

(nguồn : WGPS)