Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG A (Mt 1, 18-24)


TẠI SAO NGƯỜI ĐẾN?

Phố phường Sài Thành đã rộn rã những ánh điện nhấp nháy, không khí giáng sinh theo gió đông ùa về khắp phố phường, như quấn quyện đất với trời. Giáng sinh bắt đầu trở lại, không khí hanh lạnh nhưng ấm áp, yêu thương, rịn réo người với người và với vạn vật.

Lễ hội Giáng sinh, không biết từ bao giờ đã trở thành lễ hội lớn của nhân loại. Người ta trao nhau những lời chúc chân thành, gửi đến những tấm thiệp với lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc. Cảm ơn giáng sinh, mà thế giới biết quan tâm đến nhau. Những quyên góp, chia sẻ quà giáng sinh ngày càng được lưu tâm, chăm chút. Nếu cứ biết sống sẻ chia, trao cho nhau niềm vui, tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc thì có lẽ cuộc đời đã vơi nhiều giọt nước mắt nhọc nhằn, đắng cay, đau khổ.

Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Hài nhi Giêsu bé nhỏ. Sự cho đi, tận hiến và sẻ chia của Ngài cao lớn quá. Nhân loại đến với nhau, nhưng không ai cho đi tất cả, hình như đó là bản năng tự nhiên của nhân loại, cái bản năng thiên phú - bảo tồn sự sống. Vì vậy, hiếm ai dám cho đi đến tận diệt, cho vô điều kiện. Trong cái cho của nhân loại luôn luôn bao hàm cái muốn được nhận lại. Cho dù việc nhận lại phụ thuộc vào ý muốn mỗi cá vị nhưng chúng đều có một điểm chung, là mong muốn có được một cái gì. Người làm phúc thì muốn được trời chúc lành, kẻ làm phúc thì muốn được ghi ơn... chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có khả năng yêu kẻ không hề yêu mình.

Càng nghĩ, càng thấy Thiên Chúa đáng thương, vì có ai thiệt thòi đến tận cùng như Ngài? Sự thật, Thiên Chúa không bao giờ đáng thương mà chỉ có con người mới đáng thương. Nhân loại đáng thương vì họ không có khả năng yêu thương vô tận, và càng thiếu thốn, họ càng cuống cuồng níu kéo đi tìm cho kỳ được tình yêu thương đó. Thực tế, trong nhân loại, ai có khả năng yêu vô tận bằng Thiên Chúa, có chăng họ đang cùng nhau tập sống yêu thương để trở nên giống Thiên Chúa.

Tạo dựng con người, hài lòng, hạnh phúc trong tác phẩm của mình bao nhiêu thì Thiên Chúa càng “đau khổ” bấy nhiêu khi phải chứng kiến con người lầm than, khốn khổ. Động lòng trước cái đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã hy sinh ước mơ, cuộc sống của mình để sống cuộc sống nhân loại. Ngài đón nhận mọi bất trắc đến với mình, mang lấy cả tội lỗi, bệnh tật của họ, không phải để họ không còn đau khổ mà đúng hơn là để dạy cho họ tập biết sống đón nhận và yêu thương. Ngài dư khả năng để xóa bỏ, giải cứu mọi nỗi thống khổ bất công, tiếng kêu gào thống thiết của nhân loại, nhưng Ngài không làm điều ấy, mà muốn nhân loại cùng với Ngài bước vào con đường thập giá, con đường tận diệt hầu tìm ra chân lý hạnh phúc.

Nếu chỉ thắp lên một ngọn nến để mà ước, có lẽ ai trên thế giới này cũng có thể làm được. Nhưng nếu chỉ ước là có ngay điều muốn ước, thì ước muốn ấy cũng tẻ nhạt và chóng tàn. Nhưng nếu tự mình biết thắp lên ước mơ, cái ước mơ ấy mới đáng trân trọng. Cùng với Thiên Chúa bước đi trên con đường thập giá, cùng trải nghiệm đớn đau, mất mát, khổ cực sẽ khiến cho con người dày dạn, trưởng thành và biết trân trọng những điều bình dị nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

Thật ra, không có gì là không quan trọng, từ những bước đi, cử chỉ đơn thường nhất trong cuộc sống, ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui, buồn… trong cái nhìn thần học, tất cả đều mang giá trị tích cực. Chỉ vì con người chạy theo xu hướng thực dụng, xem thường những điều nhỏ nhặt, đề cao những cái cốt yếu, quan trọng theo quan niệm bản thân để rồi bỏ qua biết bao cơ hội. Không vì vậy mà dân gian vẫn thường dạy bảo nhau: “Hạnh phúc ngay trong tầm tay, vụt mất rồi mới hay, để mà hối hận thì đã muộn”. Cơ hội chỉ có thể đến một lần, không chờ đợi con người bao giờ. Nó luôn đi qua và không bao giờ dừng lại, chỉ những ai biết nắm bắt cơ hội mới vẽ nên ước mơ thật sự của đời mình.

Thiên Chúa trọn vẹn hạnh phúc, không phải chỉ vì Ngài được nhân loại yêu thương, nhưng chính là Ngài biết sống yêu thương cho hạnh phúc của nhân loại. Hạnh phúc đích thực, hạnh phúc cao cả nhất, hạnh phúc đúng nghĩa chính là dám sống cho người mình yêu thương mà không cần đáp trả, vô điều kiện!

Khác với nhân loại, con người trao cho nhau hạnh phúc, nhưng sự trao đi luôn luôn đính kèm điều kiện. Ngài có thể yêu và tha thứ cho người không hề yêu mình, thậm chí còn phản bội, quay lưng lại với Ngài nữa. Tại sao vậy, tại vì Ngài luôn có, luôn dư dật và luôn muốn trao đi, ban phát. Nhân loại vì sao trong cái cho luôn tiềm ẩn cái muốn nhận lại, chính vì bản thân họ là kẻ giới hạn, biết cho sẽ mất và sẽ hết, cho nên cái khao khát, thèm muốn được nhận lại luôn giằng xéo tâm hồn họ. Nhìn sự thiếu thốn, bất toàn đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã đến để cho họ được sung mãn.

Thiên Chúa giàu có và hạnh phúc quá, con luôn là kẻ bất hạnh vì bao giờ con cũng thiếu thốn. Thiếu tình yêu, thiếu niềm tin. Dẫu biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài đã đặt con vào trong thế giới luôn luôn biến động, bất ổn khiến niềm tin con chao đảo, bất an. Ở tận đáy lòng, con luôn cảm ơn Thiên Chúa, ghi ơn tình thương cao cả của Ngài, chỉ vì con quá yếu đuối mỏng dòn, không có khả năng nắm giữ ân huệ Thiên Chúa, hết lần này đến lần khác, con đã buông bỏ biết bao đặc ân của Ngài. Xin tha thứ cho con, lạy Thiên Chúa. Cúi xin Ngài tha thứ cho con, cho con được sống trong lòng thương xót và ơn cứu độ. Chỉ cần con biết phụng thờ và tôn kính Ngài. Yêu thương, phục vụ tha nhân, cùng với tha nhân đi hết con đường Thiên Chúa muốn, với con là hạnh phúc. Chính tình yêu thương đã cho nhân loại những con đường để họ đến với nhau. Trên chính con đường này, Ngài đã đến với nhân loại, thì con không thể đi trên đường khác mà về với Thiên Chúa được. Ngài muốn con đến thế gian, hiện diện với nhân loại vì muốn con hạnh phúc. Con bất toàn không thể tận diệt cho Thiên Chúa, nhưng có thể tận diệt cho người mình yêu thương trong Thiên Chúa. Xin giúp con tin vững như vậy, để từ nay không còn mãi gạn hỏi: tại sao Người đến?

M. Hoàng Thị Thùy Trang.
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A (Mt 11, 2-11)


DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ
(Mt 11, 2-11)


Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy cảnh Gioan Tẩy Giả phải đối mặt với sự dữ, với bất công, với áp bức bóc lột, với cảnh giam cầm tù tội, với chết chóc. Nên ông nóng lòng mong đợi Đấng cứu thế đến để giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ, được sống trong tự do, thực thi công bình bác ái. Vì vậy, ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Gioan, bởi vì Chúa biết, tuy dân chúng đang tha thiết mong đợi Đấng cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban. Nhưng quan niệm của họ về Đấng cứu thế hoàn toàn ngược với ý định của Thiên Chúa. Họ mong đợi một Ðấng Cứu Thế uy quyền, sang trọng, oai phong lẫm liệt, có đầy đủ quân lính với vũ khí, đánh đông dẹp bắc để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang, làm cho đất nước họ độc lập về chính trị, giàu mạnh về kinh tế… Trước những quan niệm đó, nếu Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng cứu thế, thì dân chúng sẽ đòi hỏi Ngài hành động theo ý muốn của họ. Vì thế, Chúa Giêsu đã trả lời cách gián tiếp. Ngài yêu cầu các sứ giả thuật lại cho ông Gioan biết những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5).

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người biết một Đấng cứu thế đến trần gian cứu độ con người theo chương trình của Thiên Chúa. Một Đấng cứu thế bình dị, sống trong nghèo khó, không nhà cao cửa rộng. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8, 20). Luôn khiêm nhu và âm thầm lao động. Một Đấng cứu thế thương yêu, đầy lòng từ bi nhân ái, Ngài đến để chữa trị bệnh tật phần hồn phần xác cho con người. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, giúp kẻ tội lỗi ăn năn sám hối, cho người nghèo khó được nghe giảng Tin mừng…

Đức Giêsu biết rằng, dân chúng không chấp nhận một Đấng cứu thế bình dị, nghèo hèn, âm thầm lao động, làm việc như mọi người. Nên Chúa Giêsu nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”
(Mt 11, 6). Quả thật, nhiều người đã thất vọng vì Chúa Giêsu không làm theo ý của họ, không đứng lên đánh đuổi quân thù để giải phóng cho dân tộc của họ, đem đến cho họ được tự do và cơm no áo ấm, làm cho đất nước họ được hùng mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị… Người đã không đáp ứng nhu cầu và những mong ước của dân chúng. Ngài không giải phóng dân chúng theo kiểu thế gian. Nên nhiều người đã vấp ngã vì Chúa, họ kinh bỉ, lên án, tố cáo, tra tấn và giết Người cách tàn nhẫn.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người cũng hỏi chúng ta ông (bà), anh (chị) có phải là Kitô hữu không? Là người Kitô hữu chúng ta không cần vỗ ngực tôi là “Kitô hữu” đây. Chúng ta hãy bằng chính đời sống, bằng việc làm của ta. Chúng ta hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người, noi theo cách sống, lời nói và việc làm của Người. Sống như Chúa sống bằng một cuộc đời giản dị, âm thầm, không tham tiền bạc, không háo danh. Làm như Chúa làm, làm để giúp đỡ mọi người, nhất là những người tàn tật, nghèo khó khổ đau. Nói như Chúa nói, nói những lời thân thương, những lời ủi an, động viên khích lệ. Yêu như Chúa yêu, yêu bằng cả con tim, yêu cả kẻ thù, yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Như vậy, Chúa cũng chúc phúc cho chúng ta vì đã không vấp ngã vì Người.

Có câu chuyện kể rằng: Một nhóm thương gia đi họp vào ngày cuối tuần. Ai cũng mong mỏi cuộc họp kết thúc sớm để về nhà ăn tối cùng gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài quá dự định. Tan họp, ai nấy chạy vội để kịp chuyến xe. Một người đã xô vào quầy bán táo của cậu bé mù, táo rơi tứ tung. Nhưng vì vội nên không ai giúp em nhặt số táo lăn ra đường. Mọi người đã lên xe và thở phào nhẹ nhõm. Duy có một người, dù ông không va vào quầy hàng của cậu bé, nhưng vẫn không được bình an, lương tâm cắn rứt. Xe chạy được một đoạn ngắn, ông đã làm hiệu cho lái xe dừng lại, ông xuống khỏi xe, quay trở lại quầy bán táo của cậu bé. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để nhặt lại. Thì ra cậu bị mù! Mọi người đi qua cũng phớt lờ không một ai tra tay giúp cậu. Ông kết luận mọi người đi qua đó đều “bị mù”. Ông quyết định làm “đôi mắt” cho cậu bé, ông cúi xuống nhặt lại từng quả táo cho đến hết. Một số quả bị giập, ông moi trong túi một số tiền và đặt vào tay cậu bé, chào tạm biệt cậu rồi ra về. Cậu bé ngỡ ngàng hỏi với theo: “Ông có phải là người Kitô hữu không?”. Ông không trả lời, nhưng qua việc ông làm, cậu bé đã nhận ra ông là người Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô.

Muốn nhận ra dung mạo của Đấng Messia, chúng ta hãy xem việc Người làm là: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5). Đó là dấu chỉ chắc chắn để nhận biết Người. Mỗi Kitô hữu cũng hãy mặc lấy dung mạo của Đấng Cứu thế: làm đôi mắt của người mù, giúp họ được thấy; làm đôi chân cho người què, giúp họ đi được; làm thầy thuốc, giúp người cùi lành sạch; làm đôi tai cho người điếc, giúp họ được nghe; đem sự sống thần linh, giúp cho người đã chết về phần hồn được sống lại; làm ngôn sứ, giúp cho những người nghèo được nghe Tin Mừng nước Thiên Chúa… Như câu truyện trên, chúng ta không phô trương, không cần quảng cáo, qua những việc tốt đẹp chúng ta làm là mọi người sẽ nhận biết chúng ta là Kitô hữu và là môn đệ Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra dung mạo Đấng cứu thế nghèo hèn, bình dị, sống âm thầm. Để chúng con đón nhận Ngài với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, biết mặc lấy dung mạo của Đấng cứu thế, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, sống công bình bác ái, an ủi những người phiền muộn, đem niềm vui cho những người sầu khổ, mang Tin Mừng cho những người nghèo khó.


Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 08.12

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG



Các Chị
MARIA HUỲNH THỊ NGUYỆN
MARIA DOÃN THỊ ÁNH TUYẾT
MARIA TRẦN THỊ THU NGA
MARIA TRẦN THỊ THU HÂN

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A (Mt 3, 1-12)


ANH EM HÃY SÁM HỐI

Mt 3,1-12 : “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”

Mỗi lần mùa vọng đến, ta lại gặp hình ảnh của Gioan .

Một cuộc sinh ra thật kỳ lạ, một đời sống khác thường nơi hoang địa.Nhưng những lời giảng dạy của Ông thật thức thời và thực tế để kêu gọi mọi người phải cải thiện, phải đổi đời, phải nắn lại cách sống để có thể sẵn sàng đón nhận Tin Mừng cứu rỗi.

Gioan mời dân chúng sám hối, không thể tiếp tục sống như xưa nữa :

Có bao tính toan lệch lạc, có bao lối nghĩ quanh co, không trung thục cần phải nắn lại cho ngay thẳng.

Có bao lũng sâu của tham vọng, ích kỷ và bon chen…thiếu vắng ánh sáng tình yêu cần phải lấp đầy bằng những tâm hồn quảng đại và vô vị lợi .

Có những núi đồi của ngạo nghễ kiêu căng , tự mãn..cần phải san cho bằng với tâm hồn khiêm nhường và phục vụ…

Sám hối là dọn con đường của lòng mình.

Sám hối là tìm cách sống thật ý nghĩa để có một kết quả thật mỹ mãn.

Sám hối là tìm thực hiện những việc lành để đổi mới chính mình hầu xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa trao tặng.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, sám hối thật không dễ khi chúng con không đủ khiêm nhường và can đảm bắt đầu lại.

“Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây”, thời gian như thúc bách chúng con hãy sinh hoa trái tốt, để ngày Chúa đến thực sự là niềm vui và hạnh phúc của chúng con. Amen.

Lm Phan Kế Sự
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 03.12

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Anh PHANXICÔ XAVIÊ
VŨ VĂN MỸ

MỪNG THÔI NÔI

BLOG CA ĐOÀN CÉCILIA
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
HÂN HOAN MỪNG NGÀY THÔI NÔI
01.12.2009 - 01.12.2010


Nhân dịp Mừng Thôi Nôi
Blog Ca Đoàn Cécilia Giáo Xứ Thuận Phát
Xin Chân Thành Cám Ơn
Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ
Quý Anh Chị Em
và Quý Độc Giả Khắp Nơi
đã ghé thăm trang blog của Ca Đoàn
trong một năm vừa qua.


Do còn quá non trẻ trên trường mạng nên chắc chắn Blog Cécilia Thuận Phát chưa đáp lại được lòng kỳ vọng của Quý Cha, và Quý Vị. Kính xin Quý Cha và Quý Vị cầu nguyện cho chúng con ngày càng phát triển, phong phú hơn hầu có thể phần nào đáp lại sự ưu ái mà Quý Cha và Quý Vị đã dành cho chúng con.

Nguyện xin Thiên Chúa ban dồi dào Hồng Ân trên Quý Cha và Quý vị.


ceciliathuanphat2009.blogspot.com