Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C (Ga 2, 1-11)


Mời xem videoclip>>

THIẾU RƯỢU  
Sưu tầm
Điều đã xảy ra ở tiệc cưới Cana sớm muộn gì cũng xảy ra trong mỗi cuộc hôn nhân – người ta thiếu rượu. Qua đó chúng ta muốn nói điều gì? Một cuộc hôn nhân mẫu mực bắt đầu bằng một bữa tiệc vui và nồng nhiệt. Đôi tân hôn được bạn hữu vây quanh và những người đến mừng cùng với quà cưới không ngớt lời chúc tụng họ. Hy vọng và mơ ước tràn đầy, họ lên kế hoạch cho tuần trăng mật. Rượu uống thỏa thuê.

Rồi sau tuần trăng mật họ trở về và công việc làm ăn thật sự bắt đầu – sắp xếp nhà cửa và học cách sống chung với một người khác. Lúc ban đầu họ tìm thấy niềm vui to lớn được sống bên nhau. Họ tin rằng tình yêu của họ đã được tiền định trên trời và có ý nghĩa là sẽ kéo dài muôn thuở. Rượu vẫn còn dồi dào.

Nhưng khi con người ở cận kề với một người khác, sẽ có những vấn đề nảy sinh. Căng thẳng xuất hiện. Họ khám phá rằng họ đã không cưới một thiên thần, nhưng một con người đã bị tội lỗi và vị kỷ làm tổn thương. Họ ngạc nhiên về sự nghèo nàn mà họ khám phá nơi người kia. Tuần trăng mật đã hết. Người ta thiếu rượu. Tất cả những gì còn lại là “nước” của một tiềm năng còm cõi.

Những sự việc như thế cũng xảy ra trong chuyên môn, nghề nghiệp và cả trong những ơn gọi như đời sống linh mục hoặc đời sống tu trì. Ở đây cũng hết rượu. Niềm vui, còn lại là nước của thói quen, của sự tẻ nhạt và có thể là sự vỡ mộng. Nhưng chúng ta hãy trở lại với vấn đề hôn nhân.

Giờ đây rượu ban đầu đã cạn, họ phải làm gì? Có những người bị cám dỗ “cạn” theo với rượu: “Không còn gì cho tôi nữa”. Thái độ này tưởng chừng có lý nhưng nó bao hàm một tính vị kỷ đáng sợ. Đối với những con người như thế, hôn nhân chỉ là một sự liên kết của hai con người vị kỷ vì thế, trong lúc họ lợi dụng lẫn nhau, họ bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác những hoa quả mà người ta có thể hái và ăn mà không vất vả và bỏ công sức.

Nhưng một cặp vợ chồng phải làm gì? Họ phải biết rằng rượu ban đầu đã cạn. Trong một lúc, họ phải tìm cách xoay xở với nước. Nhưng họ không nên sợ hãi hay thất vọng khi điều đó xảy ra. Họ phải chống trả cơn cám dỗ bỏ rơi mối tương quan và đánh mất chính mình trong một nghề nghiệp hoặc một đời sống xã hội cuồng nhiệt. Điều họ phải làm là phải nỗ lực cải thiện tương quan giữa họ qua đó, họ có thể trưởng thành như những con người khám phá ý nghĩa thật sự của tình yêu. Khủng hoảng ấy có thể trở thành một cơ hội.

Và đây là một điều làm người ta ngạc nhiên: rượu ban đầu cần phải cạn. Nếu không rượu mới không thể đến được tình yêu lúc ban đầu cho dù đẹp và lãng mạn không thể kéo dài được. Chắc chắn nó phải trôi qua. Nhưng trôi qua không phải là một điều xấu. Thật vậy, nó phải trôi qua để một tình yêu mới mẻ và sâu đậm hơn được sinh ra. Tình yêu mới này chủ yếu là đặt người khác đứng trước mình. Người ta phải quên chính mình và tìm thấy niềm vui khi mình yêu thương hơn là khi mình được yêu thương, khi mình cho hơn là khi mình nhận.

Tình yêu là một cuộc phiêu lưu khó khăn. Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học tình yêu ở đó mọi người đều là những học viên chậm chạp. Chính vì thế, chúng ta cần có sự hiện diện của Đức Kitô.

Rượu mới không chỉ có ý nghĩa đối với cặp hôn phối mà còn có ý nghĩa đối với mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi. Đức Kitô phải cảm hóa tâm hồn chúng ta và giúp đỡ chúng ta yêu thương vô vị lợi. Đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ của Người thì phép lạ Cana vẫn còn xảy ra – nước của lòng vị kỷ được biến đổi thành rượu của tình yêu chân chính. Và điều kỳ lạ là rượu nho mới lại ngon hơn rượu nho cũ. 

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (Lc 3,15-16.21-22)


Mời xem videoclip>>

TÌNH YÊU CỨU THẾ
Thiên Phúc
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.

Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.

Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.

Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.

Đấng xóa tội trần gian, lại hòa mình trong đoàn người tội lỗi.

Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông sám hối.

Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.

Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.

Chính thái độ tự hủy tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.

Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hóa thân làm kiếp phàm nhân:

Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.

Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.

Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.

Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,

Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.

Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta”.

Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu: Một tình yêu vui lòng tự hủy để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một tình yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một tình yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em trỗi dậy cùng bước về nhà Cha.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế là cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giocđan, chúng ta hiểu được thế nào là hiệp thông: Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

Ngày nay, chúng ta đã chịu phép rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi hiệp thông thân mật với Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một tình yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tinh yêu cứu thế!

Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. 

(timung.net)

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH NĂM C (Mt 2, 1-12)



ẢNH HƯỞNG CỦA THẦN TƯỢNG 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Những năm vừa qua, làn sóng hâm mộ Hàn Quốc đang rầm rộ và ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt cơn sốt mang tên “Hàn Quốc” liên tiếp bùng nổ trong một bộ phận người Việt trẻ như: ăn mặc theo phong cách Hàn, ăn đồ ăn Hàn, sử dụng mỹ phẩm Hàn, xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn…

Ảnh hưởng rõ ràng nhất và nhiều nhất của “Làn sóng Hàn Quốc” chính là phim ảnh, âm nhạc… Các trang web phim Hàn tràn lan trên mạng. Fan hâm mộ của các ngôi sao Hàn, ca sĩ Hàn có mặt ở khắp mọi nơi.

Có những fan khi xem một bộ phim Hàn Quốc nào đó đã cất công lùng sục cho bằng được chiếc áo sơ-mi, chiếc váy hay chiếc quần tây giống như các ngôi sao Kim Hee Sun, Yoon Eun Hye, Kim Hyun Joo, Choi Ji Woo.... diện trên phim. Không chỉ bắt chước về ngoại hình bên ngoài, nhiều bạn trẻ còn học theo cách suy nghĩ, hành xử của thần tượng trong phim. Những câu chuyện tình lãng mạn trên phim Hàn đã trở thành niềm mơ ước của nhiều đôi bạn trẻ.

Liệu có thể cấm giới trẻ thần tượng một ai đó? Theo các nhà giáo dục, điều này là không thể bởi nếu bị ngăn cản giới trẻ sẽ chống đối và có hành vi tiêu cực. Vì thế, tốt nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, trong đó giáo dục gia đình rất quan trọng.

Một chuyên viên giáo dục đã nói: Khi con “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Nhưng, giá trị đó không phải là toàn bộ thần tượng. Micheal Jackson được nhiều bạn trẻ thần tượng vì giọng hát nhưng mặt khác, ông lại nghiện rượu, ma túy bởi đơn giản ông không hoàn hảo mà là “con người”.

Thần tượng một ai đó là lẽ thường tình. Vì con người dễ rập khuôn theo người khác. Những người càng xuất hiện nhiều trước công chúng càng có nhiều fan hâm mộ rập khuôn theo mình. Nhưng, con người luôn bất toàn, khiếm khuyết, chúng ta không thể rập khuôn theo thần tượng hoàn toàn mà phải thanh lọc những cái hay cái đẹp nơi thần tượng của mình.

Hôm nay, lễ hiển linh. Lễ kỷ niệm ba vua theo ánh sao dẫn tới hang đá Belem. Ba Vua đã có cơ hội đến tôn thờ Chúa nhờ ánh sao, phải chăng để cho lương dân nhận biết Chúa, cũng cần những con người là ánh sao để dẫn dắt anh chị em mình? Hay có thể nói, chính chúng ta cũng phải là thần tượng cho anh em mình. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ muốn đến với Chúa. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ nhận ra Chúa đang làm chủ trong cuộc đời chúng ta.

Cuộc sống của người ky-tô hữu phải là khuôn mẫu của tình yêu, của lòng bác ái bao dung. Đó chính là cách chúng ta lôi cuốn người khác đến với Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống chúng ta đã nhiều lần chúng ta chưa phản chiến tình yêu Chúa ra bên ngoài. Chúng ta đã sống thiếu tình yêu, thiếu lòng bác ái, bao dung khi vẫn còn mang thù hận, ghen tương với nhau. Nhiều người vẫn chưa có thiện cảm với đạo Công giáo khi chúng ta chưa sống tin mừng qua việc xây dựng tình hiệp nhất, công lý và bình an. Chúng ta vẫn sống chia rẽ, lỗi công bình, gây mất bình an qua lời nói châm chọc, kết án, bỏ vạ cáo gian anh em mình.

Đời sống của chúng ta dù ít dù nhiều luôn có ảnh hưởng trên người khác. Nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô luôn tác động mạnh trên lối sống của con trẻ. Có biết bao gương lành của người lớn đã làm nên những con người phi thường cho nhân thế. Nhưng cũng có biết bao gương xấu của cha mẹ hay các nhà giáo dục đã làm cho biết bao con người sa đoạ hay lạc lối.

Xã hội luôn cần gương sáng để đẩy lùi bóng tối. Xã hội luôn cần những ánh sao sáng cho bầu trời thêm trong xanh. Xin cho đời sống chúng ta luôn là ánh sao dẫn về chân thiện mỹ tình thương. Xin đừng để những lối sống tội lỗi của chúng ta trở thành gương mù cho anh em. Amen.

(tinmung.net)