Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

CHUC MUNG GIANG SINH

GIANG SINH VE
KINH CHUC QUY CHA, QUY THAY,QUY SO
VA QUY ANH CHI EM, BAN HUU, CON CHAU MOT MUA GIANG SINH
TRAN DAY ON THANH CUA CHUA HAI DONG VA MOT NAM MOI
AN BINH HANH PHUC
THUY AN

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

MỪNG BỔN MẠNG

 THÁNH XÊ-XI-LI-A

Hát là cầu nguyện hai lần
Hát bằng lý trí, tinh thần của ta
Kính mừng Thánh Xi-li-a
Đồng trinh tử đạo, danh ca Nước trời.


Rô-ma nước Ý quê Người
Gia đình quý tộc một thời hiển vinh.
Mình Người được phúc trường sinh
Tôn thờ Thiên Chúa hiển linh muôn đời.
Sách xưa khi chép về Người
Có phong phú hoá theo thời văn chương.
Chuyện rằng đến tuổi yêu đương
Gia đình đã quyết một đường trao duyên
Gả người cho một thanh niên
Va-lê quý tộc – nghe tên sáng ngời.

Xê-xi yêu mến Chúa Trời
Đêm ngày tha thiết khấn đời đồng trinh,
Luôn mang Kinh Thánh trên mình,
Một đời cầu nguyện thắm tình thiết tha.
Chính ngày hoan chúc nguyệt hoa,
Người hằng xin Chúa tránh xa tục trần.
Tiếng Người hoà tiếng Thiên Thần.
Ca vang danh Chúa những vần Thánh ca.
Dưới làn áo cưới hào hoa
Là manh áo nhặm xây da hãm mình.
Khuê phòng đêm ấy tự tình
Xê-xi tỏ đức đồng trinh của mình:
“Va-lê đây có Thần linh
Thiên Thần gìn giữ đức trinh vẹn toàn.
Không gì phàm tục thế gian
Có quyền chiếm hữu dung nhan trước Ngài”
Va-lê thiện chí khẩn nài
Cho xem thần sứ thiên sai hộ phù.
“Anh không thấy được nếu như
Chưa hề hiểu Chúa Giêsu cứu đời
Chưa mang áo trắng trên người
Tức qua Thánh tẩy, Nước trời tái sinh”
Va-lê thuận ý, thoả tình
Xin theo thờ Chúa quyền linh vũ hoàn.
U-ba-nô thánh Giáo hoàng
Dạy ông phép Đạo và làm phép cho
Trở về gặp Xi-li-a.
Thấy Thiên Thần Chúa chan hoà ánh quang,
Hai triều thiên rất huy hoàng
Một bằng hồng đỏ, một bằng huệ tươi,
Kết từ vườn phúc Nước Trời,
Thưởng công nhân đức sáng ngời khiết trinh.
Va-lê thuyết phục em mình
Ti-bu-cô bỏ thần linh trở về.
Hai ngành vạn tuế sát kề
Đón chờ tử đạo nguyện thề trung kiên.
Nguyên quan Tổng trấn trong miền
Được tin tức giận bắt liền hai ông.
Hai ông trước đã có công
Cất chôn giáo hữu ở trong vườn nhà.
Giờ đây khi đến trước toà
Đức tin, lòng mến càng hoà thắm tô.
Làm cho chính Ma-xi-mô
Lý hình trở lại, tông đồ sáng gương,
Sau cùng đổ máu pháp trường
Triều thiên tử đạo thẳng đường vinh quang !
Đến lần thánh nữ bị giam
Bị quan tra xét, hỏi han tên bà:
“Tôi là Xê-xi-li-a
Nhưng kitô hữu mới là chính tên”
Xê-xi bị kết án riêng
Nhốt trong phòng tắm kín liền ngạt hơi.
Nhưng nhờ ơn Đức Chúa Trời
Người quỳ bình tĩnh không ngơi nguyện cầu.
Quan truyền cho lính chém đầu,
Ba lần lính chém vẫn hầu không sao.
Ba ngày trong vũng máu đào
Người còn khuyên giảng ai vào viếng thăm.
Cuối cùng thoả nỗi khát mong
Chịu ơn Đức Thánh Cha xong, sinh thì.
Hai ngàn năm đã qua đi,
Một năm chín chín (1599) sử ghi rõ ràng:
Người ta khai mộ trong hang
Xác vì trinh nữ vẫn đang nguyên tuyền.
Ba trăm năm nữa đào lên
Dưới gầm Nhà nguyện xây riêng kính Người.
Người ta còn thấy đồng thời
Ngôi nhà Người ở với đôi vật dung.
Có nhiều bia đá tạc cùng
Để thêm bảo chứng, thêm cung kính Người.


Lạy ơn vị thánh sáng ngời
Giờ đang ca hát trên trời cao quang.
Xin thương nhìn xuống trần gian
Lưu đầy, khổ ải, than van nguyện cầu.
Xin Người cầu Chúa nhiệm mầu
Cho đoàn con cái vực sâu ơn lành:
Người xưa theo Chúa trung thành
Cho đoàn con cái thực hành kính tin.
Người xưa giữ đức đồng trinh,
Cho đoàn con cái biết khinh sự đời.
Người xưa tử đạo sáng ngời,
Cho đoàn con cái xứng người kitô.
Người xưa ca hát say sưa,
Cho đoàn con cái sớm trưa nguyện cầu.
Cậy trông hoà với khổ sầu,
Mến yêu hoà với chiều sâu cuộc đời.
Lời ca vang vọng yêu người
Tiếng đàn trầm bổng, Nước trời ưu tiên.
Xê-xi xin giúp ơn riêng
Cho toàn giới trẻ ngày thêm trưởng thành:
Công bằng, bác ái thực hành,
Bảo vệ sự sống, màu xanh môi trường.
Vang âm từ giữa Thánh đường
Bài ca hiệp nhất bốn phương một nhà.
Ơn trời ban xuống chan hòa
Nhờ lời bầu cử thiết tha mỗi ngày.



Xê-xi tình sử đẹp thay
Cầu bầu cho thế giới này hoan ca. Alêlluia.


Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
(VietCatholic News) 

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

PHÂN ƯU

PHÂN ƯU

  Ca Đoàn Cécilia 
Gx.THUẬN PHÁT TGP.SAIGON nhận được tin : 


Cụ Ông PHÊRÔ 
NGUYỄN ĐỨC TÂM
Sinh năm 1927 tại Nam Định

Thân Phụ 
Thầy Nguyễn Đức Nam Thuỵ
Thầy Dạy Lớp Đệm Đàn Nhà Thờ
Giáo Xứ Thuận Phát

đã an nghỉ trong Chúa lúc 09g45,
Thứ Tư, ngày 28.8.2013, 
tại tư gia : 63/10 Lê Văn Sĩ, P.13, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.

 
Hưởng thọ 87 tuổi.

Nghi thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
lúc 09g00
Thứ Năm, ngày 29.8.2013.

Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia
lúc 16g00 Thứ Sáu, ngày 30.8.2013.


Thánh lễ an táng cử hành tại Nhà thờ Giáo Xứ Bùi Phát,
Giáo Hạt Tân Định, Giáo Phận Saigon,
lúc 05g00, Thứ Bảy, ngày 31.8.2013.


Sau đó di quan đi hoả táng tại Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TP.HCM.

Xin được chia sẻ nỗi niềm bùi ngùi, thương nhớ Cụ Cố PHÊRÔ cùng Thầy Nam Thuỵ và gia đình cùng quý tang quyến. 
 
Nguyện xin Thiên Chúa sớm đón nhận Linh Hồn Cụ Cố PHÊRÔ vào quê Thiên Đàng.
 
Ca Đoàn Cécilia
Giáo Xứ Thuận Phát
TGP. Saigon
 

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

VIDEO : HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG

HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất

Hàng chục ngàn người đã chờ đợi dưới trời mưa để hy vọng là những người đầu tiên biết tin chúng ta có Tân Giáo Hoàng. Họ đã được trả công xứng đáng.
Đúng 19:09 (giờ Roma) ngày thứ Tư 13/3/2013, khói trắng đã bốc lên.
Chuông Đền thờ Thánh Phêrô dồn dập đổ.
Chúng ta đã có Giáo Hoàng rồi!

Đặng Tự Do
Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C (Lc 9, 28b-36)


Mời xem videoclip>>

QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG  

Niềm Vui Chia Sẻ
Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhêt làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhêt đã bị ung thư nặng.

Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này. Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu:

- Lẽ ra chỉ phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi. Im một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc:

- Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.

Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhêt chẳng muốn cầm bút để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.

Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ:

- Ông Giovani Pêrikhêt à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông mà. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.

Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu:

- Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá nầy để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.

Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu. Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông. Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại. Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khoẻ hẳn. Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.

Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thánh phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như kẻ yếu đau đến kính viếng thường xuyên.


Anh chị em thân mến,

Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhêt tưởng rằng cây thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng. Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết. Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhêt đã được Chúa thương cách đặc biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư. Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại. Chính vì để củng cố niềm tin của chúng ta vào ơn cứu độ và niềm hy vọng vào sự sống vinh quang ngang qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, mà hằng năm, vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội cho nghe bài đọc Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu, nhờ đó người Kitô hữu ý thức rằng sự Chết và Phục Sinh, thập giá và vinh quang là hai mặt của cùng một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau. Vinh quang mà không có khổ nạn chỉ là vinh quang của thế tục, sẽ nhạt nhoà theo năm tháng; ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang thì vô nghĩa và là một thất bại hoàn toàn. Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ và tội lỗi, chết đi cho con người đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Bđ. 2)/

Đây chính là một quá trình lột xác đầy gian khổ nhưng cũng tràn ngập vinh quang mà sự kiện Chúa biến hình được gợi lại trong Chúa nhật hôm nay, đã trở nên như một lời loan báo và một lời động viên khích lệ tín hữu. Loan báo điểm tới là Phục Sinh đang ở phía trước, đồng thời động viên khích lệ người Kitô hữu hãy can đảm tiếp tục cuộc hành trình dù lắm gian nan.

Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang; được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình. Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người Kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống mà chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.

Anh chị em thân mến,

Một khi đã chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô trên núi biến hình như Phêrô, Giacôbê và Gioan rồi, thì việc còn phải làm là đi theo Ngài trên con đường khiêm tốn phục vụ anh em và không vắng mặt trên các nẻo đường tiến lên đỉnh Golgotha, những nẻo đường đau thương và tử nạn thập giá với Ngài, với niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh sẽ chia sẻ vinh quang cho các tín hữu trung thành.

Ước gì Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận trong thánh lễ hôm nay sẽ bổ sức, giúp chúng ta mạnh mẽ bước vào lòng đời để sống cho Chúa và hiến mạng vì anh em trong một cuộc sống lắm hy sinh gian khổ, nhưng cũng không kém vinh quang, vinh quang thấp thoáng hôm nay sẽ bộc lộ trọn vẹn mai sau. 

(tinmung.net)

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

HÌNH ẢNH NGÀY HAI CA VIÊN ANH TIẾN VÀ XUÂN PHƯƠNG THÀNH HÔN

  • Hình Hôn Lễ sáng Chúa Nhật 27.01.2013

Xem hình khổ lớn mời VÀO ĐÂY>>
 
  • Hình Tiệc Cưới chiều Chúa Nhật 27.01.2013

Xem hình khổ lớn mời VÀO ĐÂY>>

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C (Ga 2, 1-11)


Mời xem videoclip>>

THIẾU RƯỢU  
Sưu tầm
Điều đã xảy ra ở tiệc cưới Cana sớm muộn gì cũng xảy ra trong mỗi cuộc hôn nhân – người ta thiếu rượu. Qua đó chúng ta muốn nói điều gì? Một cuộc hôn nhân mẫu mực bắt đầu bằng một bữa tiệc vui và nồng nhiệt. Đôi tân hôn được bạn hữu vây quanh và những người đến mừng cùng với quà cưới không ngớt lời chúc tụng họ. Hy vọng và mơ ước tràn đầy, họ lên kế hoạch cho tuần trăng mật. Rượu uống thỏa thuê.

Rồi sau tuần trăng mật họ trở về và công việc làm ăn thật sự bắt đầu – sắp xếp nhà cửa và học cách sống chung với một người khác. Lúc ban đầu họ tìm thấy niềm vui to lớn được sống bên nhau. Họ tin rằng tình yêu của họ đã được tiền định trên trời và có ý nghĩa là sẽ kéo dài muôn thuở. Rượu vẫn còn dồi dào.

Nhưng khi con người ở cận kề với một người khác, sẽ có những vấn đề nảy sinh. Căng thẳng xuất hiện. Họ khám phá rằng họ đã không cưới một thiên thần, nhưng một con người đã bị tội lỗi và vị kỷ làm tổn thương. Họ ngạc nhiên về sự nghèo nàn mà họ khám phá nơi người kia. Tuần trăng mật đã hết. Người ta thiếu rượu. Tất cả những gì còn lại là “nước” của một tiềm năng còm cõi.

Những sự việc như thế cũng xảy ra trong chuyên môn, nghề nghiệp và cả trong những ơn gọi như đời sống linh mục hoặc đời sống tu trì. Ở đây cũng hết rượu. Niềm vui, còn lại là nước của thói quen, của sự tẻ nhạt và có thể là sự vỡ mộng. Nhưng chúng ta hãy trở lại với vấn đề hôn nhân.

Giờ đây rượu ban đầu đã cạn, họ phải làm gì? Có những người bị cám dỗ “cạn” theo với rượu: “Không còn gì cho tôi nữa”. Thái độ này tưởng chừng có lý nhưng nó bao hàm một tính vị kỷ đáng sợ. Đối với những con người như thế, hôn nhân chỉ là một sự liên kết của hai con người vị kỷ vì thế, trong lúc họ lợi dụng lẫn nhau, họ bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác những hoa quả mà người ta có thể hái và ăn mà không vất vả và bỏ công sức.

Nhưng một cặp vợ chồng phải làm gì? Họ phải biết rằng rượu ban đầu đã cạn. Trong một lúc, họ phải tìm cách xoay xở với nước. Nhưng họ không nên sợ hãi hay thất vọng khi điều đó xảy ra. Họ phải chống trả cơn cám dỗ bỏ rơi mối tương quan và đánh mất chính mình trong một nghề nghiệp hoặc một đời sống xã hội cuồng nhiệt. Điều họ phải làm là phải nỗ lực cải thiện tương quan giữa họ qua đó, họ có thể trưởng thành như những con người khám phá ý nghĩa thật sự của tình yêu. Khủng hoảng ấy có thể trở thành một cơ hội.

Và đây là một điều làm người ta ngạc nhiên: rượu ban đầu cần phải cạn. Nếu không rượu mới không thể đến được tình yêu lúc ban đầu cho dù đẹp và lãng mạn không thể kéo dài được. Chắc chắn nó phải trôi qua. Nhưng trôi qua không phải là một điều xấu. Thật vậy, nó phải trôi qua để một tình yêu mới mẻ và sâu đậm hơn được sinh ra. Tình yêu mới này chủ yếu là đặt người khác đứng trước mình. Người ta phải quên chính mình và tìm thấy niềm vui khi mình yêu thương hơn là khi mình được yêu thương, khi mình cho hơn là khi mình nhận.

Tình yêu là một cuộc phiêu lưu khó khăn. Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học tình yêu ở đó mọi người đều là những học viên chậm chạp. Chính vì thế, chúng ta cần có sự hiện diện của Đức Kitô.

Rượu mới không chỉ có ý nghĩa đối với cặp hôn phối mà còn có ý nghĩa đối với mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi. Đức Kitô phải cảm hóa tâm hồn chúng ta và giúp đỡ chúng ta yêu thương vô vị lợi. Đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ của Người thì phép lạ Cana vẫn còn xảy ra – nước của lòng vị kỷ được biến đổi thành rượu của tình yêu chân chính. Và điều kỳ lạ là rượu nho mới lại ngon hơn rượu nho cũ. 

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (Lc 3,15-16.21-22)


Mời xem videoclip>>

TÌNH YÊU CỨU THẾ
Thiên Phúc
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.

Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.

Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.

Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.

Đấng xóa tội trần gian, lại hòa mình trong đoàn người tội lỗi.

Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông sám hối.

Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.

Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.

Chính thái độ tự hủy tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.

Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hóa thân làm kiếp phàm nhân:

Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.

Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.

Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.

Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,

Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.

Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta”.

Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu: Một tình yêu vui lòng tự hủy để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một tình yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một tình yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em trỗi dậy cùng bước về nhà Cha.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế là cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giocđan, chúng ta hiểu được thế nào là hiệp thông: Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

Ngày nay, chúng ta đã chịu phép rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi hiệp thông thân mật với Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một tình yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tinh yêu cứu thế!

Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. 

(timung.net)

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH NĂM C (Mt 2, 1-12)



ẢNH HƯỞNG CỦA THẦN TƯỢNG 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Những năm vừa qua, làn sóng hâm mộ Hàn Quốc đang rầm rộ và ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt cơn sốt mang tên “Hàn Quốc” liên tiếp bùng nổ trong một bộ phận người Việt trẻ như: ăn mặc theo phong cách Hàn, ăn đồ ăn Hàn, sử dụng mỹ phẩm Hàn, xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn…

Ảnh hưởng rõ ràng nhất và nhiều nhất của “Làn sóng Hàn Quốc” chính là phim ảnh, âm nhạc… Các trang web phim Hàn tràn lan trên mạng. Fan hâm mộ của các ngôi sao Hàn, ca sĩ Hàn có mặt ở khắp mọi nơi.

Có những fan khi xem một bộ phim Hàn Quốc nào đó đã cất công lùng sục cho bằng được chiếc áo sơ-mi, chiếc váy hay chiếc quần tây giống như các ngôi sao Kim Hee Sun, Yoon Eun Hye, Kim Hyun Joo, Choi Ji Woo.... diện trên phim. Không chỉ bắt chước về ngoại hình bên ngoài, nhiều bạn trẻ còn học theo cách suy nghĩ, hành xử của thần tượng trong phim. Những câu chuyện tình lãng mạn trên phim Hàn đã trở thành niềm mơ ước của nhiều đôi bạn trẻ.

Liệu có thể cấm giới trẻ thần tượng một ai đó? Theo các nhà giáo dục, điều này là không thể bởi nếu bị ngăn cản giới trẻ sẽ chống đối và có hành vi tiêu cực. Vì thế, tốt nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, trong đó giáo dục gia đình rất quan trọng.

Một chuyên viên giáo dục đã nói: Khi con “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Nhưng, giá trị đó không phải là toàn bộ thần tượng. Micheal Jackson được nhiều bạn trẻ thần tượng vì giọng hát nhưng mặt khác, ông lại nghiện rượu, ma túy bởi đơn giản ông không hoàn hảo mà là “con người”.

Thần tượng một ai đó là lẽ thường tình. Vì con người dễ rập khuôn theo người khác. Những người càng xuất hiện nhiều trước công chúng càng có nhiều fan hâm mộ rập khuôn theo mình. Nhưng, con người luôn bất toàn, khiếm khuyết, chúng ta không thể rập khuôn theo thần tượng hoàn toàn mà phải thanh lọc những cái hay cái đẹp nơi thần tượng của mình.

Hôm nay, lễ hiển linh. Lễ kỷ niệm ba vua theo ánh sao dẫn tới hang đá Belem. Ba Vua đã có cơ hội đến tôn thờ Chúa nhờ ánh sao, phải chăng để cho lương dân nhận biết Chúa, cũng cần những con người là ánh sao để dẫn dắt anh chị em mình? Hay có thể nói, chính chúng ta cũng phải là thần tượng cho anh em mình. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ muốn đến với Chúa. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ nhận ra Chúa đang làm chủ trong cuộc đời chúng ta.

Cuộc sống của người ky-tô hữu phải là khuôn mẫu của tình yêu, của lòng bác ái bao dung. Đó chính là cách chúng ta lôi cuốn người khác đến với Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống chúng ta đã nhiều lần chúng ta chưa phản chiến tình yêu Chúa ra bên ngoài. Chúng ta đã sống thiếu tình yêu, thiếu lòng bác ái, bao dung khi vẫn còn mang thù hận, ghen tương với nhau. Nhiều người vẫn chưa có thiện cảm với đạo Công giáo khi chúng ta chưa sống tin mừng qua việc xây dựng tình hiệp nhất, công lý và bình an. Chúng ta vẫn sống chia rẽ, lỗi công bình, gây mất bình an qua lời nói châm chọc, kết án, bỏ vạ cáo gian anh em mình.

Đời sống của chúng ta dù ít dù nhiều luôn có ảnh hưởng trên người khác. Nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô luôn tác động mạnh trên lối sống của con trẻ. Có biết bao gương lành của người lớn đã làm nên những con người phi thường cho nhân thế. Nhưng cũng có biết bao gương xấu của cha mẹ hay các nhà giáo dục đã làm cho biết bao con người sa đoạ hay lạc lối.

Xã hội luôn cần gương sáng để đẩy lùi bóng tối. Xã hội luôn cần những ánh sao sáng cho bầu trời thêm trong xanh. Xin cho đời sống chúng ta luôn là ánh sao dẫn về chân thiện mỹ tình thương. Xin đừng để những lối sống tội lỗi của chúng ta trở thành gương mù cho anh em. Amen.

(tinmung.net)