Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (Lc 2, 41-52)


NHỮNG THÁNH GIA NAGIARÉT THỜI ĐẠI MỚI
Lm. Ignatiô Trần Ngà
Có họ đạo nghèo ở vùng duyên hải miền Trung có tên gọi là Thánh Gia. Sở dĩ đặt tên như vậy là vì họ đạo nầy chọn Thánh Gia Nagiarét làm bổn mạng.

Phía bên hông nhà thờ họ đạo có một hang đá khá lớn, có bộ tượng hang đá bằng thạch cao to bằng tầm vóc người trưởng thành.
 
Hằng năm vào dịp lễ Thánh Gia, bổn mạng của giáo xứ, theo một truyền thống đã có từ lâu đời, sau khi lễ tan, các gia đình trong giáo xứ tập trung đông đảo chung quanh hang đá cầu nguyện với thánh gia thất và mỗi gia đình cử ra một vị đại diện tuần tự tiến lên theo hàng đôi đến trước bộ tượng hang đá, dâng lên Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giu-se những bông hoa thắm tươi và thơm ngát để tỏ lòng tôn kính mến yêu của mình.

Thế rồi một biến cố đau lòng xảy ra trong dịp trước giáng sinh năm ấy, một nhóm trẻ tinh nghịch từ làng bên vì có thù hận với nhóm trẻ trong xóm đạo, đã kéo đến vào ban đêm đập phá bộ tượng hang đá vỡ ra nhiều mảnh.

Sự việc nầy khiến cho nhiều người hoang mang và bối rối!

Biết làm sao bây giờ, khi ngày lễ thánh gia đã gần kề? Tìm đâu ra bộ tượng ba Đấng mới thế vào bộ tượng đã bị phá tan? Nghi lễ dâng hoa cho ba Đấng vào mỗi dịp lễ Thánh Gia là một nghi lễ truyền thống đã được thực hiện xuyên suốt từ hơn trăm năm qua, không có năm nào bỏ qua, lẽ nào năm nay không tổ chức được?

Vì giáo dân trong xứ quá nghèo, Cha xứ và hội đồng mục vụ không thể huy động đủ tiền để đặt làm bộ tượng mới và dù có huy động đủ tiền cũng không thể đặt một bộ mới trong khi thời gian đã cận kề.

Trước tình thế đó, Cha Xứ có một sáng kiến táo bạo: Ngài cho mời đôi vợ chồng mới sinh đứa con trai đầu lòng được chừng tháng tuổi và mới được rửa tội mấy ngày trước, mặc y phục truyền thống thật chỉnh tề, đóng vai Đức Mẹ, thánh Giu-se và Chúa Giêsu thay cho bộ tượng hang đá bằng thạch cao đã bị hư hại. Ngài sắp xếp cho cặp vợ chồng quỳ bên trong hang đá, chầu hai bên đứa con thơ ở giữa họ và kêu mời đại diện các gia đình trong giáo xứ tiến lên theo hàng đôi dâng hoa cho ba vị nầy.


Sáng kiến nầy đã làm cho một số người trong họ đạo cảm thấy bị sốc. Họ cho rằng làm như vậy là quá đề cao gia đình người tín hữu và xúc phạm đến ba Đấng thánh.

Cha Sở cố gắng diễn giảng cho họ như sau:

Khi đề nghị gia đình anh chị Năm đóng vai Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giêsu thế chỗ cho bộ tượng ba Đấng bằng thạch cao bị hư, chúng ta không làm gì xúc phạm đến ba Đấng thánh, nhưng chúng ta xem gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh rất trung thực và cao quý về Thánh Gia của Chúa Giêsu.

Lâu nay, chúng ta quen nhìn hình tượng ba Đấng bằng thạch cao, bằng xi măng hay bằng nhựa dẻo, và chưa quen nhìn hình tượng ba Đấng bằng xương bằng thịt có sự sống, có linh hồn, có lương tri, có trí tuệ như anh chị Năm đây, nên chúng ta cảm thấy bị sốc.

Nhưng xin quý ông bà hiểu điều nầy:

Thứ nhất: mỗi một người tín hữu đều có phẩm giá rất cao và được gọi là thánh. Thánh Phaolô gọi các tín hữu thuộc các giáo đoàn (nay gọi là giáo xứ) là thánh. Họ được hiến thánh nhờ bí tích thánh tẩy. Nhờ bí tích nầy họ trở thành chi thể, thành thân mình Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô nói: "Nào Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?" (1Cr 6,15)

Ngoài ra, các tín hữu còn được Chúa Giêsu cho trở nên cùng một xương thịt với Người, được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa nhờ đón nhận bí tích Thánh Thể.

Như vậy, không có một sản phẩm nào do tay người phàm làm ra dù bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng đá hay bằng kim loại quý như bạc như vàng... xứng đáng được chọn làm hình ảnh của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của thánh Giu-se cho bằng chính mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Thứ hai: Hội Thánh công giáo xưa nay vẫn nhìn nhận gia đình của Kitô hữu là gia đình thánh nên Giáo Hội quen gọi đó là những hội thánh tại gia.

Chúa Giêsu còn lập bí tích hôn nhân để thánh hiến đời sống vợ chồng. Thế nên không gì thích hợp cho bằng chọn gia đình Kitô hữu làm biểu tượng cho thánh gia Nagiarét.

Sau khi hiểu được những điều cha xứ giải thích, mọi người vui vẻ dâng những đoá hoa thật đẹp thật tươi cho anh chị Năm được cử đóng vai thánh gia Nagiarét.

Rồi qua những năm sau, nhiều người trong giáo xứ đều thấy thật là thích hợp và đầy ý nghĩa khi chọn một gia đình công giáo trong họ đạo đóng vai thánh gia Nagiarét thay vì dùng bộ tượng thạch cao, nên cộng đồng giáo xứ thoả thuận với nhau rằng: đôi vợ chồng nào mới sinh con và được rửa tội sớm nhất trong tháng 12 dương lịch thì sẽ được chọn đóng vai thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giêsu để cho giáo dân kính viếng. Và cũng từ lúc đó, thay vì dâng hoa cho ba Đấng như trước đây, người ta dâng cho em bé trong vai Giêsu những hộp sữa; dâng cho người mẹ trong vai Maria những cuộn chỉ, những chiếc kim, chiếc kéo; dâng cho người cha trong vai Giu-se những dụng cụ làm việc nho nhỏ như những chiếc kìm, chiếc búa, cái đục, cái bào...

Từ sự kiện nầy, các gia đình tín hữu trong xứ đạo đều ý thức mình là những thánh gia Nagiarét thời mới. Các đôi vợ chồng trong các gia đình luôn trân trọng và yêu quý nhau như tương quan giữa Mẹ Maria và thánh Giu-se. Cha mẹ biết chăm lo giáo dục con cái như Mẹ Maria và thánh Giu-se đã thực hiện với Chúa Giêsu năm xưa. Con cái luôn vâng phục và thảo hiếu với mẹ cha như Chúa Giêsu đã làm đối với thánh Giu-se và Đức Mẹ. Niềm vui, hạnh phúc và đời sống thánh thiện chan hoà trong các gia đình.

Ngoài ra, tương quan giữa các gia đình trong giáo xứ được cải thiện đáng kể vì ai nấy đều biết tôn trọng những gia đình khác vì xác tín rằng đó thực sự là những thánh gia.
(tinmung.net) 

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

CHUC MUNG GIANG SINH

GIÁNG SINH VỀ.
KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ THẦY, QUÝ SƠ
VÀ TOÀN THỂ GIA ĐÌNH ANH CHỊ EM,BẠN HỮU, CON CHÁU
MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY ƠN THÁNH CỦA CHÚA HÀI ĐỒNG
VÀ MỘT NĂM MỚI AN BÌNH, HẠNH PHÚC.
THỤY AN
 
 

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1, 1-18)


MỪNG CHÚA GIÁNG SINH


Kính Chúc
Quý Ân Nhân - Quý Thân Hữu
Quý Anh Chị gia đình Cécilia.TP (cựu và tân)
và toàn Quý Quyến
Mùa Giáng Sinh An Lành
Đầy Tràn Hồng Ân Chúa Hài Đồng

Jos. Trần Anh Tuấn

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG (Lc 2, 15-20)




Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ ĐÊM (Lc 2, 1-14)


DẤN THÂN

Góp nhặt
Trong triết học hiện sinh, có một động từ thường hay được xử dụng, đó là dấn thân. Nhìn theo khía cạnh này, thì Đức Kitô quả là một người đi tiên phong cho chủ thuyết hiện sinh.

Thực vậy, Giáng sinh, hay nói đúng hơn theo ngôn ngữ thần học, nhập thể là gì nếu không phải là việc Con Thiên Chúa dấn thân và sống cuộc đời con người chúng ta.

Đức Kitô đã không xuống thăm trái đất này như là một ông đại sứ của Chúa Cha, đến để công bố những giới luật, những nguyên tắc của cuộc chơi trong kiếp sống làm người. Đến để loan báo phần thưởng cho những người tuân giữ, và hình phạt cho những kẻ chối từ. Một ông đại sứ luôn đứng bên lề cuộc phiêu lưu của nhân loại. Con Thiên Chúa không đến để chỉ cho chúng ta biết phải chơi như thế nào, nhưng Ngài đã nhập cuộc, đã tham dự trò chơi. Ngài đã dấn thân, đã làm người. Và theo ngôn ngữ của thánh Gioan thì Ngài đã hóa thành nhục thể.

Vào thời bấy giờ, người ta không thể nào tin nhận một chân lý như vậy. Đối với họ, thể xác là nguyên nhân sinh ra tội lỗi. Họ chủ trương: Đức Kitô chỉ có cái vóc dáng bên ngoài của con người, chỉ đeo một cái mặt nạ của thể xác. Trong khi đó, thánh Gioan mạnh mẽ chống lại quan niệm này khi công bố: Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, Ngài đã chấp nhận cuộc chơi như lời thánh Phaolô: Chúa đã không nhận của lễ toàn thiêu, đã không ưng chiên bò hy tế, thì nay con đến để làm theo ý Cha. Bốn chữ:thì nay con đến” mang một ý nghĩa sâu xa, muốn nói lên rằng: Ngài đã bước vào cuộc chơi.

Đức Kitô không phải chỉ là một Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là một con người, đã sống một cuộc đời như chúng ta. Thánh Phaolô đã viết: Bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Ngài, Ngài cũng giống như vậy. Ngài đến không phải để giúp đỡ các thiên thần, nhưng đến để giúp đỡ dòng dõi Abraham. Do đó, trong mọi sự, Ngài đã nên giống anh em mình. Để nên giống chúng ta, Ngài đã mặc lấy những yếu hèn, ngoại trừ tội lỗi. Phận Ngài là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vụ đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình đi, mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm…

Thực vậy, Đức Kitô đã bước vào đời sống thể xác. Thánh Gioan đã nhấn mạnh: Gioan Tiền hô đến không ăn không uống, nhưng Đức Kitô đến, Ngài đã ăn và đã uống. Ngài đã mệt mỏi vì đường xa, vì ánh nắng gay gắt, nên đã ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacob. Trên thập giá Ngài đã cảm thấy một cơn khát như xé cổ họng và đã chịu đựng những đớn đau ghê sợ nhất.

Tiếp đến, Ngài đã bước vào đời sống tâm lý. Ngài đã say mê vẻ đẹp thiên nhiên, đã yêu thích sự đơn sơ trong trắng của trẻ thơ. Ngài đã tỏ dấu yêu thương đối với Gioan và Lagiarô, Martha và Mađalêna… Ngài đã buồn, đã khóc. Ngài đã tức giận xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ.

Sau cùng, Ngài đã bước vào đời sống xã hội. Ngài đã nói với người nghèo hèn cũng như kẻ quyền thế, kẻ tội lỗi cũng như người thiếu phụ ngoại tình, bọn Biệt phái giả hình cũng như con cáo già Hêrôđê. Ngài đã sống trong một gia đình cũng như đã sống giữa các môn đệ, Đức Kitô đã muốn là một người như chúng ta. Và đó là một chân lý nền tảng của Kitô giáo.

Thực vậy, Đức Kitô là một con người cụ thể, đã sống vào một thời đại nhất định, đã thuộc về một giai cấp nhất định. Từ đó chúng ta đi tới một kết luận, đó là việc thánh hóa con người không thể nào được thực hiện bên ngoài cuộc sống thường ngày.

Đúng thế, cuộc sống của người Kitô hữu không hệ tại việc đứng bên lề những thực tại trần thế như ăn uống, yêu thương, làm việc, cầu nguyện. Trái lại, chính những công việc tầm thường này đã dệt nên cuộc đời chúng ta. Bởi đó hãy bắt chước Đức Kitô làm những công việc của đời thường này một cách siêu nhiên, bởi vì Ngài đã đến để giúp chúng ta thánh hóa, biến những công việc đời thường này trở nên công nghiệp cho chúng ta.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng: Đức Kitô không phải chỉ cứu chuộc chúng ta với tâm hồn của Ngài, mà còn với thân xác của Ngài nữa. Sở dĩ như vậy vì Ngài đã nối kết thân xác Ngài với bản tính Thiên Chúa. Nhờ đó, đã trở nên dụng cụ thực hiện chương trình yêu thương mà Ngài đã từng ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước. Với những đau khổ, Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Thân xác là như chiếc dây đàn, cho người nghệ sĩ tâm hồn gẩy lên bản tình ca chúc tụng Thiên Chúa.

Để thánh hóa, để đạt tới Nước Trời, chúng ta không cần phải chạy trốn những thực tại trần gian. Nếu một người nào đó hy sinh chỉ vì khinh bỉ thức ăn, vào rừng sống ẩn dật chỉ vì khinh bỉ anh em đồng loại, từ chối hôn nhân chỉ vì khinh bỉ đàn bà, khắc khổ chỉ vì khinh bỉ những niềm vui… thì người ấy đã phạm phải một sai lầm to lớn. Người ấy đã khinh bỉ chính những thụ tạo của Thiên Chúa. Người ấy tưởng mình tiến lại gần Thiên Chúa, nhưng thực sự, người ấy đã xa lìa Ngài.

Sở dĩ các thánh hãm mình, không phải vì khinh bỉ, nhưng vì được thúc đẩy đừng đánh giá quá cao những thực tại trần gian, biết chế ngự và dùng tinh thần vượt lên trên chúng. Thánh Phaolô đã diễn tả: Nơi Ngài, bản tính Thiên Chúa đã ở trong thân xác. Cũng vậy, chúng ta có thể nói về những Kitô hữu: đời sống của họ hệ tại thân xác, bởi vì những hành động của thân xác làm nên cuộc sống họ. Từ đó, chúng ta khám phá ra rằng: Thiên Chúa đã muốn sống bản tính Thiên Chúa một cách nhân loại, để chúng ta có thể sống bản tính nhân loại một cách Thiên Chúa. Hay như các thánh giáo phụ đã nói: Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa. Ơn thánh chúng ta lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội, được phát triển nhờ các bí tích, sẽ làm cho những công việc đời thường có một giá trị siêu nhiên. Nỗi băn khoăn của chúng ta không phải là chạy trốn thế gian, mà là nhập cuộc, là dấn thân, là làm tất cả những công việc đời thường như Đức Kitô đã làm.

Với Mầu nhiệm Giáng sinh, bản tính Thiên Chúa đã kết hôn với bản tính nhân loại nơi Hài nhi Giêsu, nhờ đó mà Ngài cứu chuộc chúng ta, thì giờ đây, để đời thường của chúng ta có một giá trị, chúng ta hãy quy hướng mọi hành động của thân xác về với Đức Kitô như lời thánh Phaolô: Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì Đức Kitô. Đó là một cách giúp chúng ta thánh hóa bản thân cũng như giúp chúng ta sống mầu nhiệm Giáng sinh giữa lòng cuộc đời.

(tinmung.net) 

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C (Lc 1, 39-45)



MARIA DÁM TIN
Góp nhặt
Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: Ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang sống. Đại khái nội dung của bích chương loan báo: Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.

Đúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến. Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.

Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Đức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.

Tin là để cho chương trình cứu độ của Chúa đảo lộn chương trình sống của chúng ta.

Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.

Trước khi thưa lời: “Xin Vâng”, Đức Maria đã có chương trình riêng của Mẹ, và qua lời “Xin Vâng”, Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Chúa đảo lộn chương trình sống, và cùng Chúa bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.

Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa.

Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác: Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Capharnaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá.

Mẹ đã “suy đi nghĩ lại trong lòng” vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.

Mẹ xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu Thế vì Mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người.

Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Đền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.

Chính vì Mẹ là Đền Thánh nên Đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh.

Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.

Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat.

Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm của thiên đàng.

Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Đức Maria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Đấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.

Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ: Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen.   

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 10-18)



HÃY VUI LÊN

Vào mỗi dịp cuối năm, qua các phương tiện truyền thông xã hội: báo chí, truyền thanh, truyền hình… người ta thường đưa ra những bản tổng kết những gì đã diễn ra trong suốt một năm qua. Và qua đó, ta thấy cuộc sống xã hội quanh ta là cả một hãng thông tấn chỉ tung ra đầy dẫy những tin buồn: tin buồn của dối trá lường gạt; tin buồn của phản bội xâu xé; tin buồn của buông xuôi bỏ cuộc; tin buồn của không biết bao nhiêu đói khổ, chiến tranh, thiên tai, chết chóc…

Thế mà hôm nay, Giáo hội công giáo khắp hoàn cầu lại kêu gọi con cái mình “hãy vui lên”. Vui làm sao được khi đông đảo dân chúng đang nghèo đói, khổ đau? Vui làm sao được vì, hơn bao giờ hết, lúc này đây, vấn đề cơm áo, phát triển, quyền con người đang là những vấn đề nóng bỏng trên hành tinh này cũng như trong xã hội hiện tại của chúng ta.

“Hãy vui lên” - Lời đó có an ủi được chúng ta hay không, khi mỗi ngày tai chúng ta nghe sang sảng từ trong cuộc sống những tin tức bi đát của một thế giới đang còn nhiều điểm nóng chiến tranh, còn những cuộc tranh chấp vì bất công, vì đói khổ; khi mắt chúng ta còn thấy nhan nhản những chiếc khăn sô chít trên đầu những đàn con mất cha mất mẹ; còn chứng kiến biết bao bệnh nhân trong các bệnh viện rên la đau đớn, bao cha mẹ phải khóc thầm đêm ngày vì những đứa con hư hỏng, bao người vợ phải âm thầm chịu đựng thói trăng hoa vũ phu của người chồng, bao người chồng phải chịu cảnh ô nhục vì người vợ trắc nết…

Khi nghe, khi nhìn các điều đó, có phải chúng ta là người ngoài cuộc không? xã hội, thế giới này ra sao mặc kệ, tôi chỉ biết bản thân tôi mà thôi. Thưa không phải như vậy, mà “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai hoạ nữa”.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, Vui vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính; bằng cách sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo; sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, Vui vì là người kitô hữu, chúng ta vẫn có thể mỉm cười trong đau khổ và trong thử thách, vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Nhưng làm sao để nhận thấy “Đấng đang đến” gần kề? Làm thế nào để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi?” đó mới là điều quan trọng. Chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng: Gioan đã chỉ cho cách cụ thể: “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” – “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”. Như vậy, Gioan không bảo người dân, người lính, anh thu thuế đổi nghề nghiệp, đổi chổ ở mà là thay đổi cách đối xử, cách sống, cách suy nghĩ đối với anh chị em của mình. Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình.

Hôm nay, Giáo hội cũng mượn lời Gioan để mời gọi chúng ta: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người xung quanh. Tắt một lời là chúng ta phải biết thực thi Công bình và Bác ái. Công bình không chỉ là tôn trọng của cải vật chất mà còn phải để ý đến phẩm giá, danh dự của tha nhân. Tránh gièm pha, nói hành nói xấu và biết vui mừng ca ngợi việc tốt của tha nhân. Cũng vậy, lòng bác ái không là bố thí chút tiền dư bạc lẻ, mà là chia sẻ của cải tinh thần như niềm tin, tình yêu, hy vọng và niềm vui. Cái quan trọng không là chúng ta chia sẻ nhiều hay ít, mà với tấm lòng yêu thương thế nào. Giữa xã hội với bao lọc lừa, dối trá và ích kỷ ngày nay, hai đức tính này thật thiết thực để tỏ rõ phẩm chất Kitô và xây dựng một gia đình, giáo xứ hiệp nhất yêu thương, nhất là mang nhiều thuyết phục cho người khác tin Chúa. Nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong những ngày còn lại của mùa vọng này, để chúng ta can đảm làm một cuộc đổi mới bản thân theo như Thánh ý Ngài. Amen.
 
Lm Nguyễn Nguyên
 
(thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6)



HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Sưu tầm
Người ta kể lại rằng, một khoa học gia và cũng là họa sĩ nổi danh Leonardo da Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly, bức tranh được rất nhiều người khen ngợi cho đến ngày hôm nay. Ông có một tranh chấp mạnh mẽ với người láng giềng, tâm tình thù hận trong tâm hồn không cho phép ông vẽ một chân dung nhân từ dịu dàng của Chúa Giêsu. Ngồi trong phòng vẽ hàng giờ, nhưng Leonardo da Vinci không thể nào tập trung tinh thần để vẽ chân dung. Cuối cùng, ông quyết định đi tìm để làm hòa với người đang có tranh chấp, rồi với tâm hồn an bình thư thái, ông đã vẽ được dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly, và dung mạo của Chúa Giêsu do ông vẽ ra đó thể hiện tuyệt vời đặc sắc tinh thần của Chúa Giêsu mà cho đến ngày hôm nay chưa có hay ít có họa sĩ nào theo kịp.

Hơn Leonardo da Vinci, mỗi người chúng ta được mời gọi không phải chỉ vẽ chân dung Chúa Giêsu trên trang giấy trong bức họa mà thể hiện chính Chúa Giêsu, trở thành một Chúa Giêsu Kitô thứ hai. Chúng ta không thể nào thành công làm công việc này, nếu tâm hồn chúng ta còn tích chứa những tật xấu, những tội lỗi, những tâm tình thù hận, ganh tị với anh chị em. Mỗi người chúng ta cần thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ gọi là lớn lên trong đức bác ái: “Lòng bác ái của anh em càng ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô ngự đến”. Đây có thể nói là mục tiêu chính của Mùa vọng chúng ta đang cử hành, mùa chuẩn bị tâm hồn của chúng ta hay đúng hơn tẩy sạch tâm hồn chúng ta khỏi những gì là tiêu cực xấu xa, nghịch lại sự thật của Chúa, để chúng ta có thể không phải là họa lại mà là trở thành chính Chúa Giêsu, đón nhận hoàn toàn ân sủng cứu rỗi của Ngài. Đây cũng là điều mà Gioan tiền hô trong bài Phúc âm hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do thái thời Ngài đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối, thay đổi nội tâm đã được Gioan rao giảng. Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.

Ước chi trong Mùa vọng này giúp chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Gioan tẩy giả và nhất là lời mời gọi của chính Chúa đang đứng ngoài gõ cửa chờ ta để trở nên hiện ảnh, hiện thân của Chúa Giêsu giữa anh chị em, làm vinh danh Thiên Chúa và cũng vừa xây dựng được một xã hội tốt đẹp xứng đáng với con người mỗi ngày một hơn.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết hoán cải, canh tân đời sống trở về với Chúa mỗi ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn. Amen.

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C (Lc 21, 25-28, 34-36)




TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và Ðức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người Ðức đang bị bắt làm tù binh. Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.

Chị y tá nữ tu Dòng Nữ Tử Bác ái Vinh Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.

Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói:

- Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa.

Viên sĩ quan mỉa mai:

- Chỉ cực nhọc vô ích mà thôi

Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục:

- Thú thật với ông, đã "16 năm" nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa.

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

- 16 năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện chắc "phải là ân nhân của nhà Dòng?
Chị nữ tu trả lời:

- Cách đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Ðức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà. Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực. Ðã 16 năm qua, tôi và cả Nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh.

Người sĩ quan gặng hỏi:

- Thế mẹ của chị có phải là bà Béate không?

Chị nữ tu vô càng ngạc nhiên:

- Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi?

Ðến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận:

- Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước mà mẹ chị đã tận tuỵ hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã cầu nguyện cho suốt 16 năm qua.

Có nhiều người sống như không bao giờ phải chết. Có nhiều người sống như thể thế giới sẽ vô tận. Có nhiều người sống như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim họ "ra nặng nề, vì chè chén say sưa".

Họ bị Chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật.

Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến.
Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây là một điển hình.

Cuộc sống con người không thiếu những bất ngờ:

Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng ta vui sướng khôn nguôi.

Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta đau khổ tột cùng.

Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất" (Lc 21,35). Giữa hai lần ấy có biết bao lần Người bất ngờ đến. Ðó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.

Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức

Nếu chúng ta luôn "Tỉnh thức và cầu nguyện" (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải "lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét" (Lc 21,25), chúng ta sẽ không "sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc" (Lc 21,26), nhưng sẽ "đứng thẳng và ngẩng đầu lên" (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.

***
Lạy Ðức Ki tô, ngày Chúa đến như vị Thẩm Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa, nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính là xáo trộn trong cõi lòng.

Xin cho chúng con biết "tỉnh thức và cầu nguyện, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát. hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương. Amen.
 
 Thiên Phúc
(thanhlinh.net)