Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6, 60-69)



CHỌN LỰA

Sưu tầm 
Cả chúng con nữa, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi hay không?

Câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra đòi buộc các môn đệ phải chọn lựa, phải dứt khoát lập trường. Đây không phải là một việc dễ dàng, vì ngay trước đó đã có nhiều môn đệ rút lui, bởi điều Ngài xác quyết một cách mạnh mẽ về thứ lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn, thật là chói tai không thể nào chấp nhận được theo lẽ tự nhiên: Thịt Ngài là của ăn và Máu Ngài là của uống mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Với lời tuyên bố ấy, chúng ta có thể nghĩ tới bí tích Thánh Thể, chúng ta đã cử hành trong suốt cả cuộc đời người công giáo, mà chẳng có lấy một chút băn khoăn hay do dự. Chúng ta cũng đã từng đón nhận Mình và Máu thánh Ngài một cách quen thuộc theo nghi lễ và chúng ta không còn nhận ra tính cách chói tai và những khó khăn mà các môn đệ đã găp phải.

Sự tuyên xưng của các ông chính là một sự dấn thân, một hành đông liên quan tới vận mạng của một con người. Tuy nhiên, điều đáng cho chúng ta suy nghĩ hơn cả, đó là mặc dầu chúng ta tin tưởng vững chắc vào lời xác quyết của Chúa: Thịt Máu Ngài chính là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn và đem đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, nhưng trong thực tế, chúng ta lại sống, lại hành động trái ngược với niềm tin tưởng ấy.

Đúng thế, có những người công giáo vốn tự xưng là đạo dòng, đạo gốc…Thế mà cả chục năm không rước Chúa lấy được một lần. Có những người khác, ngày Chúa nhật cũng đến nhà thờ nhưng cho qua lần đoạn lượt mà thôi. Họ đứng ở ngoài sân, vừa nói chuyện, vừa phì phèo điếu thuốc lá và vừa tham dự thánh lễ. Mình không tham dự đã đành, mà còn cả trở và làm cho người khác lo ra, chia trí.

Hơn thế nữa, phần đông chúng ta lại tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc sống. 

Chúng ta giữ đạo ở trong nhà thờ như một người công chức tới giờ đến sở làm việc. Có nghĩa là khi đến nhà thờ, chúng ta trang nghiêm sốt sắng. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, cửa nhà thờ đóng lại và chúng ta trở về với cuộc sống thường ngày. Lúc bấy giờ chúng ta lại vội vã gian than, độc ác và bất công. Trong nhà thờ chúng ta là những con chiên ngoan, nhưng giữa lòng cuộc đời, chúng ta lại hoá kiếp thành một loài sói dữ. Như vậy, thánh lễ cũng chỉ là một chiếc ngăn kéo rất nhỏ bé giữa những ngăn kéo biệt lập khác của cuộc sống.

Thế nhưng, với những người có đức tin thì khác, cuộc sống phải trờ thành thánh lễ, hay nói cách khác, tinh thần thánh lễ phải thấm sâu vào cuộc sống của họ. Có nghĩa là chúng ta phải biến đổi đời sống chúng ta thành một thánh lễ nối dài, bằng cách thực thi tinh thần yêu thương và hợp nhất, giúp đỡ những người chung quanh, như một bài hát quen thuộc: Ta về thôi khi thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để làm chứng nhân.

Hãy góp nhặt những hy sinh rải rắc trong đời thường, để làm nên tấm bánh và chén rượu, như những của lễ chúng ta dâng lên Chúa. Từ đó chúng ta đi đến một câu hỏi, một kết luận, đó là chúng ta đã thực sự sống tinh thần thánh lễ giữa lòng cuộc đời của chúng ta hay chưa?
 
(tinmung.net)

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6, 51-58)




HIỆP THÔNG

Sưu tầm  
Sự hiện diện thể chất là một điều cao cả. Chúng ta thường không nhận ra điều đó cho đến khi một người thân yêu của chúng ta vắng mặt. Và cả nhà phải sững sờ nhiều hơn khi một người thân yêu qua đời, để lại một khoảng trống to lớn.

Sự hiện diện thể chất là một điều cao cả. Nhưng nó không phải là tất cả. Sự hiện diện thể chất thường không tạo ra sự thân mật mà chúng ta mong ước. Thật vậy, người ta có thể ngồi cạnh nhau mà không thật sự hiện diện cho nhau. Có thể không có sự giao tiếp và ít có sự hiệp thông giữa họ. Và căn cứ vào tất cả những gì xảy ra giữa họ, họ như thể xa nhau ngàn dặm. Nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Người ta có thể xa nhau một khoảng cách lớn nhưng hiện diện cho nhau rất nhiều.

Chúng ta tin rằng Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể nhưng Người không hiện diện một cách thể chất. Tuy nhiên, Người hiện diện chính xác và chân thật. Cách thức hiện diện của Người bên ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Chúng ta gọi đó là “hiện diện thật” bởi vì đó là sự hiện diện với ý nghĩa đầy đủ nhất. Đón nhận quà tặng Thánh Thể là đón nhận chính Chúa.

Dĩ nhiên, người ta được yêu cầu phải có một hành động đức tin. Nhưng đối với những người tin rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi vật ở mọi nơi, thì sự hiện diện duy nhất và đặc biệt của Người trong Thánh Thể không phải là một vấn đề lớn. Ngoài ra, chúng ta còn có lời của Đức Giêsu: “Đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy”, Thánh Xirilô nói: “Đừng nghi ngờ đó là sự thật, nhưng tốt hơn nên đón nhận Lời của Đấng Cứu Thế trong đức tin, vì Người không thể nói dối”.

Các cách diễn tả “Ăn thịt” và “uống máu” không nên hiểu theo nghĩa đen và từng chữ một. “Mình và Máu” phải được hiểu như con người toàn diện. Khi chúng ta ăn bánh và uống rượu nho của Thánh Thể, chúng ta không tiếp nhận mình và máu. Chúng ta tiếp nhận một con người, một ngôi vị hằng sống.

Trong Thánh Thể, Đức Giêsu đến với chúng ta, không phải dưới hình thức một vật như một cái đài thu thanh, hoặc một cái áo, hoặc thuốc men. Người đến dưới hình thức của một vật nền tảng hơn, và thiết yếu cho đời sống, đó là lương thực. Đặc biệt hơn Người đến dưới hình thức của bánh. Bánh nuôi dưỡng chúng ta và cho chúng ta sự sống. Nhưng bánh cũng là một vật mà chúng ta có thể đưa vào trong cơ thể chúng ta và làm thành một phần của chính chúng ta. Qua lương thực Thánh Thể Đức Giêsu nuôi dưỡng trong chúng ta sự sống trường sinh bất tử của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh trong phép Rửa tội. Đó là lý do Người nói: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

Khi chúng ta tiếp nhận Thánh Thể, Đức Giêsu đến với mỗi người chúng ta một cách cá nhân, như thể mỗi người chúng ta là một người duy nhất trong thế giới này ở giây phút đó. Chúng ta có thể bước vào sự thân mật sâu xa với Người hơn cả khi Người hiện diện bằng thể chất. Chúng ta hầu như không giao tiếp với Người nhưng trong sự hiệp thông với Người, một sự hiệp thông thánh thiện. Qua phép Thánh thể một sự liên kết tâm linh được củng cố giữa chúng ta với Đức Giêsu. Thánh Thể cho chúng ta khả năng lớn lên trong sự thân mật và trong tình bạn hữu với Chúa.

Và qua việc chúng ta chia sẻ sự thân mật với Đức Giêsu, chúng ta cũng hiệp nhất với nhau trong sự hiệp thông, điều mà chúng ta phải cố gắng sống trong đời sống thường ngày bằng sự yêu thương, tha thứ và hòa hợp với nhau.

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6, 41-51)



NGUỒN SINH LỰC
Sưu tầm
Ngày kia, tiên tri Elia phải lìa bỏ kinh thành mà chạy trốn vì hoàng hậu Zézabel muốn tìm giết ông. Tiên tri vội vã lên đường, không kịp mang theo đồ ăn và thức uống, rồi chính ông cũng chẳng biết mình sẽ phải về đâu.

Sau nhiều ngày lang thang trong sa mạc cát nóng, vừa mệt mỏi lại vừa tuyệt vọng, ông bèn nằm dưới một bóng cây chờ chết và thiếp vào một giấc ngủ nặng nề.

Lúc sau có một thiên thần đánh thức ông, đưa cho ông bánh và nói:

- Nào hãy chỗi dậy, cầm lấy mà ăn vì đường còn xa.

Elia chỗi dậy, ăn bánh và cơ thể ông lấy lại được sức khỏe, ông trở nên một con người mới, hăm hở băng qua sa mạc, đi cho đến tận đỉnh Horb là núi thánh của Chúa.


Hình ảnh tiên tri Elia cũng chính là hình ảnh chúng ta. Và cuộc hành trình đầy gian khổ tiến lên núi thánh cũng chính là hình ảnh cuộc đời của mỗi người.

Thực vậy, sống trong cuộc đời, chúng ta đều gặp phải những đau khổ đắng cay, những đớn đau buồn phiền. Làm sao chúng ta có đủ sức chịu đựng nổi.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài mong muốn cho tất cả chúng ta đều được hưởng niềm hạnh phúc nước trời. Nhưng để xứng đáng với niềm hạnh phúc ấy, chúng ta phải trở nên thánh thiện.

Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta hay, trở nên thánh không phải là một việc dễ dàng. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã dốc quyết điều nọ điều kia, nhưng rồi chỉ trong vòng ba bảy hai mươi mốt ngày, chúng ta lại vội vã quên đi, để rồi vẫn chứng nào tật ấy, mèo vẫn hoàn mèo mà thôi.

Hay như lời thánh Phaolô đã diễn tả:

- Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm.

Trên đường tiến tới quê hương nước trời, chúng ta phải chống cự với biết bao nhiêu kẻ thù, chúng ta phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn.

Như tiên tri Elia đã lấy lại được sức khỏe do bánh mà sứ thần đem tới, thì chúng ta cũng có được một thứ bánh bởi trời, một thứ lương thực thần linh, bồi bổ cho tâm hồn đó là Mình Máu Thánh Chúa.

Ý thức được những lợi ích to lớn ấy, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta phải rước lễ. Để cho chúng ta được sống và không phải chết, Chúa Giêsu đã phán:

- Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống…

Đồng thời Ngài cũng cảnh giác:

- Nếu các con không ăn thịt Ta và không uống máu Ta, các con sẽ không có sự sống.

Hơn thế nữa, Ngài còn hứa:

- Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có được sự sống đời đời và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.

Thế nhưng nhiều người trong chúng ta đã coi thường lệnh truyền của Chúa. Họ giống như những người được nhà vua mời tới tham dự tiệc cưới, nhưng đã viện lý do nọ lý do kia: nào là tôi mới mua nhà, nào là tôi mới tậu bò, nào là tôi mới cưới vợ… để rồi tất cả đã từ chối không đến tham dự. Họ có đủ thời giờ làm mọi việc, chỉ trừ có một việc là không đáp trả lời mời gọi của nhà vua.

Với chúng ta cũng thế. Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc, là một bữa ăn. Chúa Giêsu đã lên tiếng kêu mời chúng ta. Phải chăng chúng ta đã đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, không đếm xỉa gì tới lời mời gọi ấy, bởi vì có khi cả năm chúng ta không rước lễ lấy được một lần?

Để đáp trả tình thương của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ và nhất là hãy sốt sắng rước lễ, mỗi khi có thể, vì việc rước lễ chính là một giới luật, chính là một lệnh truyền, chính là một lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa.
(tinmung.net)

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6, 24-35)



THÁNH LỄ
Sưu tầm
Thánh lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình Máu Thánh Đức Kitô, là nơi lặp lại hy tế Núi Sọ.

Theo Công đồng Vatican II, hy tế này là cội nguồn và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Là cội nguồn vì tất cả đời sống Kitô hữu đều phát sinh từ đó. Là chóp đỉnh vì tất cả đời sống Kitô hữu đều phải qui về đó.

Thế nhưng, một số người đã coi việc tham dự thánh lễ như chuyện miễn cưỡng phải tuân giữ. Họ cảm thấy thánh lễ không liên quan gì đến cuộc sống của họ. Rốt cuộc thánh lễ bị bỏ rơi. Nhà thờ ngày Chúa nhật cũng vắng bóng người. Đó là điều đã và đang xảy ra tại các nước Phương Tây, nhưng rồi cũng sẽ là điều xảy ra cho chúng ta.

Khi đi tham dự thánh lễ, chúng ta mang theo thế giới mình đang sống như một hành trang, như một lễ vật. Rồi từ thánh lễ bước vào lại thế giới, để biến thế giới, biến cuộc đời thành một thánh lễ nối dài.

Nhiều khi vì nghĩ rằng cử hành thánh lễ là chuyện của linh mục, còn lễ vật dâng lên là hy tế của Đức Kitô, nên nhiều người đã đi tham dự lễ với hai bàn tay trắng.

Thực ra, thánh lễ đòi hỏi con người nhiều nỗ lực cả trước lẫn sau thánh lễ. Những nỗ lực đụng chạm đến cuộc sống thâm sâu của con người. Tham dự thánh lễ một cách nghiêm chỉnh, không dễ như chúng ta lầm tưởng. Càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thánh lễ càng sinh nhiều hiệu quả.

Cha Teilhard de Chardin đã dùng lễ vật của trái đất để dâng lễ khi viết:

“Tôi là linh mục của Ngài, trên bàn thờ là toàn thể trái đất, tôi sẽ dâng lên Ngài những lao công vất vả cùng với nỗi đau thương của thế giới. Tôi sẽ đặt trên đĩa thánh mùa gặt được đợi chờ từ những cố gắng mới. Tôi sẽ rót vào chén thánh nước cốt của tất cả những hoa trái sẽ được nghiền nát trong ngày hôm nay. Chén thánh và đĩa thánh của tôi là những phần thâm sâu nhất của một tâm hồn được mở rộng để đón nhận tất cả mọi năng lực, trong chốc lát, sẽ dâng lên từ muôn phương của địa cầu và sẽ qui tụ về thần linh”.

Việc dâng lễ sẽ trở nên xa lạ nếu thực sự bánh và rượu không tượng trưng cho chút đóng góp của người đến tham dự.

Công đồng Vatican II cũng đã nói nhiều đến việc dâng lễ. Lễ vật là bản thân tôi, là cuộc đời tôi, là mọi hoạt động của tôi. Như thế, việc dâng hy tế của Đức Kitô không loại bỏ việc chúng ta dâng hy tế đời mình lên cho Thiên Chúa.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta đi tới hai kết luận.

Kết luận thứ nhất, đó là thánh lễ giúp chúng ta đón nhận thập giá đời thường. Bởi vì tất cả những khổ đau và bất hạnh, những đắng cay và buồn phiền sẽ được chúng ta góp lại, trở thành lễ vật của chúng ta, kết hiệp với lễ vật của Đức Kitô mà dâng lên Thiên Chúa.

Kết luận thứ hai, đó là thánh lễ dạy chúng ta biết bẻ bánh cho nhau, có nghĩa là biết yêu thương nhau trong đời thường. Bởi vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Một số tín hữu ở Corinthô, khi tham dự nghi thức bẻ bánh, chỉ biết lo cho bữa ăn riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói khát, người thì lại no say. Thái độ ích kỷ này hoàn toàn trái ngược với tinh thần hiệp thông và chia sẻ của thánh lễ.

Sống tinh thần hiệp thông và chia sẻ với người khác, chính là dấu chỉ cho thấy chúng ta đã thực sự tham dự thánh lễ và đã biến cuộc sống chúng ta thành một thánh lễ nối dài.

(tinmung.net)