Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A (Mt 23, 1-12)


CÓ TÔI KHÔNG?

Thật là hả hê! Sau bao nhiêu mánh lới để thử thách Chúa Giêsu, giờ đến lúc đám kinh sư và Pharisiêu bị Chúa Giêsu lật tẩy một cách công khai. Cũng đáng thôi, họ là những người “ngôn hành bất nhất”, chuyên sống trên sự sợ hãi của kẻ khác. Họ đem Kinh Thánh và Lề luật ra đe nẹt thiên hạ nhưng chính bản thân họ lại chẳng làm, chẳng giữ. Trong suốt 3 năm giảng dạy, Chúa Giêsu chưa từng lên án ai; từ một tay thu thuế gian ác như Giakêu, người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cho đến những kẻ đã nhạo báng và hành hình Người… Người chỉ lên án đám kinh sư, biệt phái và Pharisiêu! Người lại còn dùng họ như tấm gương nghịch chiều để ngăn ngừa chúng ta đi theo “vết xe đổ” đó.

Tại sao lại cần phải ngăn ngừa nhỉ? Phải rồi, tuy là “vết xe đổ” nhưng lại rất hấp dẫn người ta đi theo nó. Nó như một thứ “trái cấm” thời hiện đại, vì nó tôn vinh cái “Tôi” và đem lại nhiều đặc quyền đặc lợi! Nó là cách giữ đạo nhẹ nhàng và thoải mái. Nó giúp tôi không phải vác Thánh giá vì đã chất lên vai người khác:
  • Áo quần chỉnh tề, đeo thẻ Ban Tổ Chức để đón Đức Cha nhưng treo băng rôn thì… không có tôi!
  • Đại diện Ban Hành Giáo để đọc lời chào mừng nhưng kê bàn ghế thì… không có tôi!
  • Tham gia đoàn thể để đi giao lưu, hành hương nhưng quét nhà thờ thì… không có tôi!
  • Đóng vai Giuse, Maria trong hoạt cảnh Giáng sinh nhưng thu dọn đạo cụ thì… không có tôi!
  • Hát solo trong ca đoàn nhưng đọc kinh cho kẻ liệt thì… không có tôi!
Cứ như thế, càng lúc tôi càng giống những người Pharisiêu ngày xưa lúc nào không hay. Họ may hộp kinh trên mũ, còn tôi thì sách kinh kè kè trên tay, “thẻ bài” trước ngực, phù hiệu hội đoàn trên ve áo. Họ may tua áo thật dài, còn tôi cũng khăn choàng, cravat, thắt nơ hoặc bất cứ thứ gì tôi nghĩ ra để đánh dấu mình khác mọi người. Họ thích được gọi là “rabbi” thì tôi cũng thích được chào là ông cố, bà cố, ông chánh, cụ trùm, chị trưởng, anh phó… Còn chuyện ngồi cỗ nhất trong bàn tiệc và ghế đầu trong hội đường thì xưa nay vẫn “thế gian sự thường”, có ai làm khác đâu? Tôi tự vạch ra cho mình một vị trí, một thế đứng, một phong cách, một chân dung độc đáo và đóng khung nghiêm cẩn. Chiếc khung sơn son thếp vàng khiến mọi người kính ngưỡng. Tôi không dám bước ra khỏi chiếc khung đó, sợ… đánh mất mình! Tôi đã quá quen với sự kính trọng của người khác đến nỗi không nhận ra mình tầm thường, tội lỗi. Tôi đã quá quen với sự ngưỡng mộ của người khác đến nỗi quên rằng mình dốt nát, hèn kém… Bấy nay tôi sống trong hoang tưởng mà không hề hay biết!

Hai tay thợ may lém lỉnh trong câu chuyện “Hoàng đế ở truồng” của nhà văn Andersen đã biết lợi dụng điều đó để phỉnh cả một triều đình về một thứ vải mà chỉ có người khôn ngoan mới nhìn thấy. Tất cả vua quan trong triều đều chẳng nhìn thấy gì nhưng không dám nói, vì thú nhận điều đó khác nào tự nhận mình ngu. Thế là cứ hết lời ca ngợi bộ long bào “độc nhất vô nhị” kia, cho đến khi một đứa bé reo lên: “Hoàng Đế ở truồng”. Vậy mà, cả đoàn tùy tùng cứ làm như chẳng nghe thấy gì!

Khi ta làm nô lệ cho cái “Tôi” cũng chính là lúc ta chối bỏ chân lý. Tôi cũng muốn được cứu rỗi nhưng theo cách của tôi chứ không phải theo cách của Chúa. Tôi muốn làm lãnh đạo nhưng hầu hạ anh em thì… bần tiện quá, không xứng đáng với phẩm cách của tôi, làm sao tôi có thể làm việc lâu dài? Trong thời đại mà mọi người sẵn sàng dẫm đạp nhau để ngoi lên thì việc hạ mình xuống để chờ người khác nâng lên rõ là… ảo tưởng! Không khéo còn bị đạp mất xác nữa chứ. Tôi quên mất rằng chính Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn đệ, chứ không phải Chúa chỉ dạy suông và áp đặt chúng ta noi theo. Từ thân phận một vì Thiên Chúa tối cao vô thượng, Chúa đã chấp nhận thân phận con người rồi chịu sỉ nhục, cực hình, chết treo Thập giá thảm thương để tha thứ và cứu rỗi tội lỗi của toàn nhân loại. Bản thân tôi không thể đoái công chuộc tội cho mình, Chúa chỉ cần tôi cúi mình một chút để đón nhận ơn Cứu Chuộc đó cho chính tôi mà tôi còn nặng lòng cân nhắc sao? 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi khắc điều Chúa truyền dạy trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Ga. 13: 14-15) Chúa không mong chúng con dạy dỗ lề luật cho bằng sống yêu thương và phục vụ anh em. Xin cho chúng con biết phân biệt được đâu là cốt lõi trong đời sống Đức Tin để ngày sau chúng con được thực sự hưởng ơn Cứu Độ của Chúa. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo
(thanhlinh.net)

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

MỜI HỌP MẶT

Thưa tất cả anh chị em

Trong Niềm Hân Hoan 
Mừng Năm Thánh 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ 
Mừng Kính Thánh Cécilia, Bổn Mạng Ca Đoàn
Mừng Kỷ Niệm 36 Năm Thành Lập Ca Đoàn
1975 - 2011

được Cha Chánh Xứ cho phép và khuyến khích, Ca Đoàn sẽ tổ chức Mừng Lễ Bổn Mạng và Họp Mặt Thân Hữu (gồm tất cả các anh chị em đã và đang sinh hoạt trong ca đoàn kể từ ngày thành lập đến nay) vào ngày lễ Thánh Cécilia, Thứ Ba 22 tháng 11 năm 2011. Tại Nhà Thờ giáo xứ.

CHƯƠNG TRÌNH
Thứ Ba 22.11.2011
  • 16g30 : Đón tiếp Quý Cha, Quý Khách và các anh chị cựu ca trưởng, cựu ca viên.
  • 17g30 : Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Cécilia - Chụp ảnh lưu niệm
  • 18g30 : Họp mặt liên hoan, văn nghệ tại khuôn viên nhà thờ.
Thân mời tất cả các anh chị em đã có thời gian (không kể ngắn dài) sinh hoạt trong ca đoàn vui lòng dành thời giờ về họp mặt gặp gỡ chung vui để phát huy truyền thống và động viên tinh thần các thế hệ kế thừa.

Riêng các anh chị em hiện đang định cư tại hải ngoại :
  1. Trần Thị Sen (Nouméa, New Caledonia)
  2. Nguyễn Xuân Thiều (Canada)
  3. Phạm Sỹ Thuỵ và Trần Thị Hoa (USA)
  4. Nguyễn Thị Lan (USA)
  5. Nguyễn Thị Tuyết Dung (USA)
  6. Trần Thị Hảo (Canada)
  7. Mai Anh (Canada)
  8. Mai Tiến Quang (Canada) 
  9. Tống Thị Bích Liên
  10. ......và còn ai nữa (xin lỗi) nếu có vì quên hoặc chưa biết.
 vì xa xôi cách trở nên xin thân mời trước qua trang blog này để các anh chị em có thời gian sắp xếp công việc về cho kịp ngày lễ hội. 

Thư từ liên lạc xin gởi : ceciliathuanphat@gmail.com

Thuận Phát ngày 23 tháng 10 năm 2011
Thân Mời
Trần Anh Tuấn

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO NĂM A (Mt 28, 16-20)


CHỨNG NHÂN 
TRONG SỰ HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG

Lm Tạ Duy Tuyền
Thế giới ngày hôm qua cũng như hôm nay luôn ngưỡng mộ những chứng nhân cho tình yêu. Một Tê-rê-sa thành Calcutta nhỏ bé nhưng có một trái tim lớn lao đã làm cho cả thế giới kính phục. Ở Việt Nam, người Công giáo hay không Công giáo họ vẫn nói với nhau về một vị giám mục dám bỏ ngai tòa để đến ở cùng những người cùi tại trại cùi Di linh. Đó chính là Đức Giám mục Cassien. Ngài đã dùng tình yêu để xoa dịu những những đau đớn cho người cùng khổ. Ngài đã chết cho tình yêu, nên tình yêu của Ngài mãi ở lại nơi dương thế qua mọi thời đại.

Hôm nay ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, thiết tưởng là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn lại tinh thần chứng nhân Tin Mừng của Giáo hội sơ khai. Một Giáo hội non trẻ nhưng có sức mạnh biến đổi trần gian. Một Giáo hội bị cấm đoán nhưng vẫn lan tỏa đến tận cùng thế giới. Một Giáo hội nhỏ bé nhưng ai cũng có tinh thần truyền giáo, khiến thánh Phaolô đã từng nói rằng: "Tôi trồng, Apolo tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên". Vậy đâu là điểm son để Giáo hội có thể vượt qua mọi trở ngại để phát triển và canh tân bộ mặt trái đất? Thưa đó chính là tinh thần hiệp nhất yêu thương.


Theo sách Tông đồ Công vụ, thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu "sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự là của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (Tđcv 2, 44). Họ hợp nhất với nhau không chỉ về niềm tin mà còn hiệp nhất trong tình liên đới chia sẻ của cải vật chất cho nhau. Sự liên đới này tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương, trong đó mỗi người đều được cộng đồng quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu của từng người.


Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo hội sơ khai đã được toàn dân thương mến. Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa. Sự thương mến đó cũng là nơi bảo vệ các tín hữu khỏi những cuộc tàn sát của bạo chúa hung tàn. Vâng, nếu ngày xưa cộng đoàn Giáo hội sơ khai đã được "toàn dân thương mến" (Tđcv 2,47a), thì đời sống của xứ đạo chúng ta hôm nay, cũng phải là một cộng đoàn được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến thân thương. Đó cũng là cách chúng ta ca tụng Chúa và giúp cho "càng ngày càng có nhiều người gia nhập Giáo hội" (Tđcv 2, 47b).


Thế nên, tinh thần truyền giáo mời gọi chúng ta hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất, không chỉ là những người có đạo mà còn cả những người lương dân. Đồng thời sự chia sẻ này cũng nói lên sự xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét trong cộng đoàn để đón nhận nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Lấy "dĩ hòa vi quý" để sống hài hòa, nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau tạo nên một cộng đoàn chan hòa yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu, là chứng nhân của Tin mừng giữa lòng dân tộc Việt Nam.


Vì chưng, giới luật quan trọng nhất của Kitô giáo chính là Mến Chúa - yêu người, thì người người Kitô hữu chúng ta phải thể hiện điều đó qua từng lời nói, từng việc làm, luôn được cân nhắc cho vừa ý Trời và phù hợp với luân thường đạo lý làm người. Vì vậy, một đời sống chứng nhân Tin Mừng cũng phải thể hiện bằng một đời sống hòa hợp với cộng đồng, với tha nhân. Nhất là biết thể hiện sự tương thân tương ái nơi cộng đồng giáo xứ, sự hiệp nhất yêu thương trong tình huynh đệ với tha nhân, nhờ đó mà Tin Mừng mới nở hoa trên từng môi trường sống của người tín hữu. Chúng ta không thể là một người Kitô hữu tốt mà lại đối xử thật tồi tệ với anh chị em chung quanh. Lối sống này không chỉ là lỗi luật Chúa mà còn là cớ vấp phạm cho những người chưa biết Chúa. Nhà lãnh tụ Gandi của Ấn Độ đã từng nói: "Nếu những người Kitô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ, tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại". Chúng ta không thể truyền giáo mà còn mang nặng tính bè phái, tỵ hiềm, chia rẽ. Lối sống này đã không thu góp về cho Giáo hội những tín đồ mới mà còn đẩy biết bao người ra khỏi Giáo hội bởi lối sống ích kỷ, độc đoán của chúng ta. Thực tế đã có rất nhiều những cộng đoàn, những xứ đạo đổ vỡ vì sự bè phái đã phá đổ tình hiệp nhất yêu thương. Đã có rất nhiều người bỏ đạo, chối đạo vì sự bất khoan dung của chúng ta đã đẩy họ ra khỏi Giáo hội, khỏi cộng đoàn. Và cũng có rất nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của anh em lương dân nhìn đến chúng ta, chỉ vì chúng ta sống thiếu công bình, thiếu lòng bác ái, thiếu lòng bao dung.


Thế nên mỗi người tín hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta mến Chúa nên chúng ta hăng say truyền giáo. Chúng ta yêu mến tha nhân nên chúng ta muốn chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta đi đến với tha nhân bằng một tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau.


Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã từ trời xuống để gieo Tin Mừng yêu thương vào cho nhân thế, nâng đỡ và giúp chúng ta sống ơn gọi truyền giáo bằng một tình yêu mến nồng nàn. Ước gì đời sống chúng ta cũng trở thành một lời chứng sống động cho Tin Mừng khi chúng ta dám sống triệt để theo những đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.

(tinmung.net)

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A (Mt 22, 34-40)



HỒNG THẬP TỰ 

Cả thế giới – không phân biệt sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo – đều lấy hình ảnh chữ thập làm biểu tượng cho tình yêu thương, lòng bác ái. Tổ chức “Hồng thập tự” (chữ thập đỏ) đã nói lên điều đó. Còn trong toán học thì chữ thập biểu thị sự gom lại, tập hợp lại (tính cộng). Khi quân dữ kết án tử Đức Giêsu, chúng cũng dùng cây thập tự để treo Người lên như những tội nhân phạm trọng tội khác. Có lẽ cổ nhân dùng thập tự để treo tội nhân cũng chỉ nhằm phơi bày hết hình hài của họ để bêu riếu, nhục mạ, mà cách phơi bày tiện dụng nhất chỉ có thể là treo tội nhân thẳng đứng lên cho mọi người thấy rõ. Muốn vậy, phải dùng thanh gỗ ngang để cột (hoặc đóng đinh) hai tay và dùng cây gỗ dọc chôn xuống đất để đỡ cho thanh gỗ ngang. Thế là người đứng gần cũng như kẻ đứng xa đều có thể nhìn rõ tội nhân để mà chế nhạo, phỉ báng. 

Hai cây gỗ đóng hình chữ thập trở thành cái giá (thập giá) treo tội nhân cho đến chết, nó đã thành một hình cụ giết người, một biểu tượng của tội ác do con người tạo ra (ngày xưa ở Việt Nam, các cụ vẫn gọi cây thập tự treo Chúa Giêsu là cây thập ác). Không ai có thể ngờ được một dụng ý độc ác của con người lại được Thiên Chúa mạc khải thánh ý của Người: Đức Giêsu bị treo lên như vậy là Người vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (cây gỗ đứng) dang rộng hai tay kéo mọi người lên (thanh gỗ ngang). Cũng giống như tấm bảng viết INRI (Giêsu Nadaret – vua Do Thái) quân dữ đóng phía trên đầu Chúa Giêsu nhằm chế nhạo Người, thì lại cho mọi người biết chính dân Do Thái đã giết Vua của dân tộc họ, nói cách khác Vua Do Thái đã chết vì tội lỗi của dân mình. Trở lại với hình ảnh thập tự trong toán học biểu thị sự gom lại, cũng có nghĩa là tập hợp các phần tử lại thành một mối, và nếu các phần tử đó là con người thì chẳng phải đây là dấu chỉ sự đoàn kết yêu thương nhau đó sao? Rõ ràng từ một biểu tượng của tội ác, cây thập tự treo Chúa trên Núi Sọ năm xưa đã trở nên biểu tượng của Tình Yêu mà tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế đã lấy làm biểu tượng cho mục đích và hoạt động của mình.

Người Kitô hữu phải ý thức khi chiêm ngắm Thánh Giá thì cũng chính lá lúc được trực diện với hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giêsu Kitô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Một cách cụ thể, Người đang muốn nói với tất cả chúng ta: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39). Cây Thánh Giá hình chữ thập chính là biểu tượng cho hai điều răn quan trọng nhất ấy: Cây gỗ dọc là thân mình của mỗi Kitô hữu đang đứng thẳng vươn tới Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là hai cánh tay dang rộng ôm lấy anh em trong yêu thương đùm bọc nhau. Nói khác đi, Đạo (con đường) Kitô chỉ có 2 chiều: chiều thẳng đứng chỉ sự công minh chính trực của Thiên Chúa là điều phải vươn tới và chiều nằm ngang chỉ tình cảm thương yêu đối với tha nhân là điều phải thực hiện trong cuộc sống. 

Rõ ràng 2 điều răn đã liên kết chặt chẽ với nhau trở nên một điều răn quan trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”, cũng như 2 thanh gỗ đóng hình chữ thập nhuộm đỏ máu Chúa Kitô đã trở nên một Biểu-Tượng-Tinh-Yêu: HỒNG THẬP TỰ. Vâng, quả thực là Đạo Công Giáo chỉ sống và thực hành duy nhất một điều răn bao trùm lên tất cả: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Muốn “mến Chúa” thì tiên vàn phải biết “yêu người” (“đói cho ăn, khát cho uống, rách cho mặc, tiếp rước khi là khách lạ, viếng thăm khi bị cầm tù…), vì chỉ có “yêu người” mới thực là “mến Chúa”, bởi "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40)

Cũng vì thế, nên ngay từ hồi những hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo trên mảnh đất chữ S này, những anh em không cùng tín ngưỡng, kể cả những người không tín ngưỡng (vô thần) đều gọi Kitô Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Ngày nay, chúng ta hãnh dịên vì điều đó, thì lại càng  phải làm sao cho điều đó trường tồn và phát triển đến thiên thu vạn đại. Muốn được như vậy, hẳn nhiên là phải thực sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cũng tức là phải làm thế nào cho mình trở nên một THẬP-TỰ-GIÊSU giữa đời. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện một phóng viên ngoại quốc sau khi xem cuốn phim Việt Nam “Chuyện tử tế” (đạo diễn Trần Văn Thuỷ) trình chiếu trong liên hoan phim Đại Dương (Pháp), đã hỏi: “Người Kitô hữu Việt Nam có thể làm gì cho dân tộc mình?” Nhà đạo diễn đã trả lời: “Với tôi điều người ta mong đợi ở các Kitô hữu là niềm tin của họ và cách họ sống điều họ tin”. Chính điều này cho thấy tin Đạo là một chuyện, nhưng còn phải biến niềm tin ấy thành hành động sống Đạo giữa đời, đem đến cho đời những điều tốt lành của Đạo, hay nói cách khác là sống tốt Đạo đẹp đời. Chỉ có như thế mới xứng đáng với “Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa” ở ngay chính con người của mình: Kitô hữu.

Là Kitô hữu, tức là một Thập-tự-Kitô, phải chăng là đang thi hành sứ mệnh "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20). “Vì sứ mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Ðấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội. Nhiều khi máu các Kitô hữu còn là hạt giống nữa” (SL Truyền Giáo, số 5). 

“Máu các Kitô hữu còn là hạt giống nữa” ư? Vậy thì máu Kitô hữu đổ ra nhuộm đỏ thân mình trở thành một Hồng Thập Tự Kitô, há chẳng phải là ”hat giống Tin Mừng” đó sao? Chính những hạt giống Tin Mừng ấy sẽ trưởng thành và đơm bông kết trái trên cánh đồng TRUYỀN GIÁO vậy. Ôi! Lạy Chúa, xin soi sáng và thêm sức cho con nên một cành nho trổ sinh nhiều hoa trái, để con thực sự trở thành một HỒNG-THẬP-TỰ-KITÔ-HỮU giữa đời thường, Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
(thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A (Mt 22, 15-21)



CỦA THIÊN CHÚA TRẢ VỀ CHO THIÊN CHÚA

Biết lấy gì cảm mến,
biết lấy chi báo đền Hồng ân Chúa cao vời,

Chúa đã làm cho con.

Thương con từ ngàn xưa, một tình yêu chan chứa,

và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian,

cho con say tình mến, và này con xin đến,

một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời…

(Oanh Sông Lam, Tâm Tình Hiến Dâng)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã hóa giải rất ngoạn mục cái bẫy tinh vi của nhóm Pharisiêu, hòng bắt lỗi Ngài. Không những Chúa Giêsu khôn khéo đối đáp, mà còn muốn dạy chúng ta nghĩa vụ sống ở đời.

Ngoài nghĩa vụ đời, như đóng thuế cho chính quyền, chúng ta còn nghĩa vụ Đạo với Thiên Chúa. Rõ ràng đời và Đạo hoàn toàn tách biệt, tuy nhiên, nhiều lúc vẫn đan xen vào nhau, liên quan đến nhau, buộc chúng ta phải dứt khoát chọn lựa. Dù khó khăn thế nào, thách đố thế nào, chúng ta cũng không thể không ưu tiên cho nghĩa vụ Đạo. Vì nghĩa vụ đời chỉ nhắm vào vật chất, tiền bạc, của cải phù phiếm, còn nghĩa vụ Đạo có tầm mức cao hơn, nhắm vào tinh thần, vào tâm hồn linh thiêng.

Như thế, lời ca trong Tâm Tình Hiến Dâng của nhạc sĩ Oanh Sông Lam phía trên, đã phần nào nhắc đến nghĩa vụ thiêng liêng cao cả này. Chúa đã dạy:“Của Xêda trả cho Xêda. Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”(Mt 22, 21)

Vậy của Thiên Chúa là chi đây? Nếu không phải một Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta tự do chọn lựa cách sống. Khi thấy chúng ta tội lỗi, phản nghịch, Ngài ban Chúa Giêsu nhập thế, cứu chuộc chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giê su còn ở lại cùng chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể nhiệm mầu, hầu dưỡng nuôi chúng ta, luôn kết hợp với Ngài.

Như thế, nghĩa vụ đời đóng thuế thì luôn có định mức thuế cụ thể, có thể tăng giảm tùy hoàn cảnh, tùy tình hình thu nhập, tùy giai cấp, hay chế độ. Nhưng nghĩa vụ Đạo lại không thể nào định mức được. Làm sao thống kê, làm sao đo lường được Tình Yêu. Nhất là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho loài thọ tạo chúng ta?

Cụ thể, làm sao báo hiếu cho đủ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ? Làm sao báo đáp đủ công lao giáo huấn thầy cô? Làm sao đền đáp cho vừa tình yêu lứa đôi? Huống chi đây là Tình Yêu tuyệt đối, bao la của Thiên Chúa, thì  “biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền Hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con.”

Lạy Chúa, chúng con phàm hèn, chẳng thể nào báo đáp nổi bao nhiêu Hồng ân Chúa ban. Chúng con chỉ biết cảm tạ, ngợi khen và cố gắng làm sao trở nên thực sự là chứng nhân Tình Yêu vĩ đại của Chúa. Amen.

BomBo

(thanhlinh.net)

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

HỘI THẢO THÁNH NHẠC TOÀN QUỐC LẦN THỨ 29


 
Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 29 của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam đã được tổ chức vào sáng thứ Ba, ngày 11/10/2011 tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM. Ngoài các công việc thường lệ, Hội thảo lần này tiếp tục tập trung vào việc góp ý để hoàn thiện văn kiện hướng dẫn mục vụ thánh nhạc toàn quốc đã được dự thảo...
 
 
(WGPSG)

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A (Mt 22, 1-14)



ÁO CƯỚI YÊU THƯƠNG

Một câu chuyện giả tưởng rất quen thuộc mà có lẽ mọi người đã từng nghe. Câu chuyện kể về một phóng viên xin Chúa cho vào thiên đàng và hỏa ngục để viết bài phóng sự. Trước hết anh được dẫn vào hỏa ngục, đúng lúc mọi người đang ăn uống. Anh nhìn thấy trên bàn tiệc ê hề món ngon vật lạ, nhưng bầu khí buồn rũ rượi, vì trên tay mọi người đều buộc một đôi đũa rất dài, họ không thể gắp thức ăn đưa vào miệng của mình. Chính vì không ăn được nên họ buồn, tức bực, rồi dùng đôi đũa đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Sau đó, anh được dẫn vào thiên đàng, cũng đúng lúc mọi người đang ăn uống. Anh nhìn thấy trên bàn cũng những món ngon vật lạ và đôi tay mọi người cũng buộc một đôi đũa rất dài không khác gì dưới hỏa ngục. Tuy nhiên, bầu khí bữa tiệc thì khác hẳn: rất vui vẻ, rất thư thái bình an, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Mỗi người không gắp thức ăn đưa vào miệng của mình, nhưng đưa vào miệng người đối diện hoặc người bên cạnh, nên ai nấy đều được ăn no, ăn thoải mái. Dường như họ rất hiểu ý nhau, gắp cho nhau những món ăn mà người ấy thích. Họ nói chuyện ca hát thật vui vẻ và hạnh phúc. Người phóng viên ấy đưa ra một nhận định: thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau một đều căn bản, đó là tình thương. Thiên đàng là bàn tiệc của những người quảng đại luôn yêu thương quan tâm đến người khác; còn hỏa ngục là bàn tiệc của những người ích kỷ chỉ biết lo lắng cho cái tôi của mình.

Ba bài đọc phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta: hãy mặc lấy áo cưới yêu thương để vào dự tiệc cưới Nước Trời.


Bài đọc 1, tiên tri Isaia loan báo về ngày cánh chung “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon … Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ”. Thiên Chúa yêu thương sẽ cứu độ tất cả mọi người.


Bài đọc 2
, thánh Phaolô khẳng định với giáo đoàn Philipphê: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu”. Mà Thiên Chúa giàu sang dư dật điều gì ngoài tình yêu?

Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Tiệc Cưới để nói với các Thượng Tế và Kỳ Mục. “Nước Trời giống như chuyện một vị vua kia mở tiệc cưới cho con mình…”. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.


Dụ ngôn Tiệc Cưới trong trang Tin Mừng hôm nay có hai thắt nút khó hiểu và cũng là hai điều mà mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ và thức tỉnh.


Thứ nhất, nhà vua sai quân đi tru diệt và phá hủy thành phố của bọn sát nhân là nhóm khách được mời trước tiên. “Tiệc cưới đã sẵn rồi mà những kẻ được mời lại không xứng đáng”. Sự tru diệt và phá hủy là hệ quả tất yếu sẽ đến đối với những kẻ khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa Tình Yêu. Không chỉ khước từ mà họ còn chống lại Thiên Chúa khi hành hạ và sát hại những kẻ đi mời. Nguyên nhân khiến họ khước từ và chống lại Thiên Chúa là bởi họ đã chọn của cải vật chất thế gian làm vị chúa của mình. “Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…”. Tiền tài, địa vị, danh vọng, hưởng thụ … quan trọng hơn lòng kính mến Chúa và yêu tha nhân. Họ mù quáng không thấy đâu là điều chính yếu, đâu là cái phụ tùy. Họ sống theo thước đo và thang giá trị của cõi lòng ích kỷ, vun vén cá nhân. Họ đáng phạt trong ngày cánh chung.


Dường như mỗi người chúng ta cũng thấy bóng dáng mình nơi nhóm người được mời trước tiên. Đã bao lần chúng ta cũng như họ, đã chạy theo những cám dỗ đam mê vụ lợi cá nhân mà khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa; đã chọn của cải vật chất và giá trị trần gian hơn Tiệc Cưới Tình yêu, hơn Tin Mừng cứu độ, hơn phần thưởng Nước Trời.


Thứ hai, những người đang ở ngoài đường bất ngờ được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn y phục cưới mà mặc. Thế mà nhà vua lại bảo: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!”. Tiệc cưới diễn tả tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Áo cưới diễn tả tâm tình, thái độ và lối hành xử nơi bàn tiệc mừng vui hạnh phúc. Cho dù là kẻ “vô công rồi nghề” đang đứng “đầu đường xó chợ”, nhưng khi được mời, bước vào dự tiệc cưới thì phải mang tâm tình và thái độ của người đi ăn cưới. Tức phải mang lấy tâm tình và thái độ yêu thương, vui tươi và hạnh phúc.


Khi gia nhập Nước Trời mà Chúa Giêsu đã khởi sự nơi trần gian qua cái chết và phục sinh của Ngài; nghĩa là khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta được mặc lấy lối sống của Tin Mừng, lối sống tình yêu mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Chính thánh Phaolô đã từng mời gọi: "Anh em hãy mặc lấy con người mới" (Ep 4, 24), "Hãy mặc lấy Đức Kitô" (Gl 3, 27).


Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn để mỗi người chúng ta tự kiểm điểm lại đời sống hằng ngày của chính mình. Chúng ta có giữ tinh tuyền chiếc áo trắng ngày được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ngày chúng ta bước vào tiệc cưới Nước Trời đã được khởi sự nơi trần gian hay không? Có mặc lấy áo cưới yêu thương là tâm tình người con cái Chúa sống Tin Mừng hằng ngày hay không?


Rất mong mọi người chúng ta mạnh mẽ tuyên bố như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Amen.

Nguyễn Hiệp
(thanhlinh.net)

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A (Mt 21, 33-43)

LỜI CHÚA LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1, 26-38)


 Mời xem videoclip
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA KINH MÂN CÔI

TẠI ĐÂY

HƯƠNG HOA DÂNG MẸ

Tháng Mười dâng Mẹ ngàn hoa,
Tiếng lòng thao thức hài hòa yêu thương.
Lời kinh đậm nét vấn vương,
Vâng lời Mẹ dạy can trường chăm ngoan.

MÂN CÔI chuỗi ngọc liên hoàn,

Gẫm đời Con Chúa quyền năng cao vời.
Mối tình Thập tự Con Trời,
Cô đơn tất tưởi không lời than van.

Nằm trên Thập giá nguyện thầm,

Đàn em con dại âm thầm xót xa.
Cúi nhìn Mẹ thánh tình ca,
Dẫn đàn con Mẹ vào ra nguyện cầu.

Giêsu Anh Cả - chiếc cầu,

Nắm bàn tay Mẹ qua cầu bình an.
Hồng ân Thiên Chúa tràn lan,
Mẹ là bóng mát Ngọc Lan gọi mời.

Lòng con xao xuyến bồi hồi,

Nhớ ngày lạc Mẹ, con rơi trần đời.
Bóng hình quỷ dữ gọi mời,
Con đà quỵ ngã, con rơi xuống bùn.

Ưu tư còn đọng vẫy vùng,

Nắm tà áo Mẹ anh hùng tiến lên.
Giã từ lối cũ bình yên,
Tay cầm Tràng Hạt vững niềm cậy tin.

Bướm hoa cuối nẻo đường tình,

Dốc đời không đẹp ta xin giã từ.
Không còn sống kiếp hư từ,
Trở về bên Chúa nhân từ yêu thương.

Ngắm nhìn Đức Mẹ ngàn thương,

Cầu thay nguyện giúp hướng dương Nước Trời.
Ngày đời ôm Chúa Ngôi Lời,
Sống trong tình mến một đời an vui.
Nam Giao
(thanhlinh.net)