Góp ý về các bài ca NHẬP LỄ và HIỆP LỄ
Mấy năm gần đây người viết tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật,đã được nghe các Ca đoàn hát những bài Đáp ca lấy từ 'Sách Lễ Roma' được Giáo Hội chỉ định. Do đó, toàn thể Cộng đoàn có dịp nghe Thánh Vịnh và cảm xúc theo những tâm tình cầu nguyện mà Thánh Vịnh đem lại, như Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô 5,19 đã nói: 'Hãy cùng nhau xướng đáp những bài Thánh Vịnh Thánh Thi và những bài ca do Thánh Thần linh ứng'. Trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu, Đức Thánh Cha Piô XII cũng trích lời Thánh Augustino trong cuốn Tự thuật: 'Con đã hhóc nhiều biết bao khi hát Thánh Thi và Thánh Vịnh của Chúa '. Tuy nhiên,trong phần đầu lễ và hiệp lễ thì chúng chưa được nghe những bài Nhập Lễ và Hiệp Lễ mà tác giả dùng lời trong 'Sách Lễ' như Giáo Hội ấn định cho ngày lễ đó.Như vậy giáo dân vẫn chưa có dịp thông phần trọn vẹn vào 'Lời Chúa' như Giáo Hội mong muốn. Thiết tưởng các nhạc sĩ Công giáo với khả năng và nguồn cảm hứng phong phú, nên sáng tác những bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ dựa trên lời ca trong 'Sách Lễ Roma'.
Xin nêu lên một vài trường hợp điển hình. Mỗi năm chúng ta thường được mời tham dự dăm ba Lễ Cưới, rồi đi dự Tiệc Cưới. Thường thì mở đầu Thánh Lễ, ca đoàn hát những bài như 'Trước bàn thờ của Lm. Kim Long: 'Hôm nay trước bàn thờ, đôi tân hôn đến trao lời ân tình. Ánh nến lung linh,hương thơm ngát cánh hoa tươi xinh…' hoặc bài Diễm Tình ca 3 của Lm. Thành Tâm: 'Chiều hôm nao tiếng hát bay cao…' Một số bài khác ít phổ biến hơn như 'Người vợ hiền' của Bùi đức Hoà: 'Người vợ hiền gia dình hằng hạnh phúc.Đẹp tựa vầng nguyệt lồng lộng giữa đêm thanh..'hay bài 'Nguyện cầu cho nhau' của Phanxicô: 'Con qùy đây dâng Chúa tiếng ca cảm tạ. Chúa cho con người bạn đường sống như bạn đòi. Xin cho nàng như mây trên ngàn,như suối nồng nàn…'
Trên đây là 4 trong 6 bài người viết tìm thấy trong tuyển tập Thánh ca Cộng đồng hiện lưu hành tại hải ngoại. Ngoài ra khi vào 'catruong.com', dưới chủ đề Đám Cưới, người viết đếm được 170 bài, và nếu kể cả những bài về Lễ Cưới không ở trong mạng 'catruong', chắc chắn số lượng sẽ còn nhiều hơn. Bên dưới 170 bài kể trên, có 4 bài được liệt kê ' Hát ngoài Phụng vụ ' gồm: Trước bàn thờ (Oui devant Dieu) lời Việt của Lm.Kim Long – Ave Maria cuả Franz Schubert – Wedding March của Richard Wagner và Một đời có nhau của Cao Minh Thắng.
Nhìn vào số lượng 170 bài được hát trong Phụng Vụ (?),độc giả cũng như người viết hết sức thán phục và hãnh diện về khả năng sáng tác cũng như nguồn cảm hứng vô cùng phong phú của nhạc sĩ Công giáo. Nếu đem so sánh với 'nhạc đời' cùng đề tài này – không kể những ca khúc về tình yêu, người viết không nghĩ rằng tổng số các nhạc phẩm viết về Đám Cưới của tất cả các nhạc sĩ việt Nam có được số lượng như thế. Còn nếu xét về Lời ca, chúng ta lại càng tự hào hơn nữa về sự sáng tạo và những nguồn cảm hứng khác nhau của các nhạc sĩ Công giáo khi viết về Đám Cưới.
Khi phân tích một số nhạc phẩm, người viết thấy có nhạc sĩ khơi nguồn cảm hứng từ sách 'Sáng Thế' như bài 'Nỗi lòng Adam': Trong muôn loài Gia-vê chỉ cho con, bao nhiêu năm qua con tìm kiếm, nhưng con nào đâu thấy một loài làm cho con ấm lòng lúc đêm về khi tâm hồn tê tái…. 'Nhạc sĩ khác thì tìm cảm hứng trong tiệc cưới Cana với bài 'Hoa nở Cana' Chúa nâng ly rượu mừng…Ngài say theo men của cuộc đời…' Thật là tuyệt diệu khi nói lên sự đồng cảm và hoà nhập của Chúa trong tiệc cưới Cana. Có hai nhạc sĩ tìm cảm hứng trong sách Diễm ca, lấy ý từ các câu DC2,8-17 và DC 2,8-14 để viết hai bản thiệt hay là 'Nhã ca' và 'Dậy đi bạn tình'. Riêng về Thánh Vịnh 127 được dùng làm Đáp ca trong lễ Hôn phối, chúng tôi thấy các nhạc sĩ, kể cả Lm.Kim Long, đã khai thác nguồn cảm hứng, viết được 11 bài rất thành công.
Đặc biệt một số nhạc sĩ lại khai thác những nét văn hoá Việt Nam và đem tình tự dân tộc vào vào các bài Phụng ca viết cho Hôn Lễ. Trong bài 'Chung kết trầu cau', tác giả đã vận dụng rất khéo sự tích 'Trầu cau' và ý nghĩa câu ca dao: 'Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua'
Hãy nghe tác giả đặt lời rất khéo: 'Trong vôi nồng là duyên son thắm, xe tơ hồng thành dây chung mối, nối câu vuông tròn, dìu nhau cho dù cách trở mấy cầu, non cao mấy cao, biển sâu ( ư ) mấy sâu…' Theo tôi nghĩ các thi sĩ nổi tiếng cũng chỉ dệt ý thơ một cách đắc địa như thế mà thôi. Một nhạc sĩ khác lại rất tài tình khi đem hầu như trọn vẹn một câu thơ Kiều của Nguyễn Du vào nhạc phẩm: 'Nhiều khi xem hoa nở chờ trăng lên'. Khi nghe hát câu này trong Lễ Cưới,c hắc nhiều người trong chúng ta liên tưởng tới mối tình lãng mạn 'về chiều' của chàng Kim-cô Thúy trong đoạn 'Kim-Kiều tái hợp' từ câu 3221 đến 3226 trong truyện Kiều:
Hai tình vẹn vẻ hoà hai,
Chẳng trong chăn gối,cũng ngoài cầm thơ.
Khi chén rượu,khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở,khi chờ trăng lên.
Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy…
Một nhạc sĩ tài ba khác đã dùng 4 câu ca dao để viết một bài Phụng ca rất công phu:
Sao Rua chin cái nằm kề,
Thương nhau là thương từ thủa mẹ về với cha.
Sao Rua chin cái nằm ngang,
Thương nhau từ thủa mẹ mang trong lòng.
Nói chung tất cả những bài trích dẫn nêu trên, về nhạc cũng như về lời, thật là tuyệt vời, và ai trong chúng ta cũng đều hãnh diện về kho tàng Thánh nhạc phong phú, cũng như vườn hoa muôn màu muôn sắc của Thánh nhạc Việt nam.Tuy nhiên, nếu sử dụng một số trong 170 bài trên cho Lễ Cưới thì thiết tưởng không mấy thích hợp.
Thực ra, Thánh nhạc đã được Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia số 4a định nghĩa như sau: 'Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác cho việc cử hành Phụng Vụ, gồm tính Thánh thiện (sanctitas) và hình thức Tốt đẹp (bonitas formae). Và số 4b trong Huấn thị nêu trên đã phân loại Thánh nhạc như sau:
- Phụng ca: Những bài dùng trong Phụng vụ và lời là bản văn Phụng vụ.
- Thánh ca: Những bài ca lời không phải là bản văn Phụng vụ, nhưng đã được Giáo quyền cho phép hát trong khi cử hành Phụng vụ.
- Giáo ca: Những bài ca tôn giáo, sử dụng cho các sinh hoạt tôn giáo khác ngoài Phụng vụ, như trong các công tác và hoạt động truyền giáo, các lớp giáo lý…
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới tính 'Thánh thiện' trong lời ca, còn về 'hình thức tốt đẹp', sẽ được bàn tới trong bài 'Phân tích một bài hát để chọn cho ca đoàn hoặc cho tuyển tập Thánh ca'. Để bảo đảm tính 'Thánh thiện' trong lời ca. Hiến chế về Phụng vụ số 121 nêu rõ: 'Lời Thánh ca phải phù hợp với Giáo lý Công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh kinh và các nguồn mạch Phụng vụ… Mặt khác, nếu trong cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò hết sức quan trọng, thì Thánh ca kèm theo Phụng vụ cũng phải song hành, nghĩa là nên dùng lời Thánh Kinh hoặc các bản văn Phụng vụ để viết nhạc. Hiến chế về Phụng vụ nhấn mạnh: 'Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thật vậy, người ta trích những bài từ Thánh Kinh để đọc cũng như những Ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng về sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh nguyện và những bài Phụng ca. Cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động. Hơn nữa, nếu Lời Chúa từ bản chất có sức mạnh thánh hoá mọi tâm hồn thì những bài ca lấy chính Thánh Kinh để dệt nhạc, mới đáp ứng đúng mục đích của Thánh nhạc là 'Thánh hoá các tín hữu'.
Trở lại với chủ đề Lễ Cưới. Theo thiển ý người viết, mọi cuộc tụ họp đều có mục đích riêng của nó. Chúng ta đến nhà thờ dự Lễ Cưới để cầu nguyện cho đôi Tân hôn., xin Thiên Chúa chúc phúc và tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội thánh và Cộng đoàn… Câu truyện ông Tobia đã để lại cho chúng ta một ấn tượng thật sâu sắc về tầm mức quan trọng phải cầu nguyện trong Hôn nhân. -Cô Sarah đã lần lượt được gả cho 7 chàng thanh niên tuấn tú, nhưng tất cả đều bị ác qủi At-mô-đai-ô (có lẽ là quỉ dâm dục ? Xin nhờ các nhà chú giải Thánh Kinh khai trí cho) giết chết trước khi thành sự vì thiếu cầu nguyện. Chỉ có Tobia là 'người đến sau' cưới được nàng Sarah xinh đẹp, như Thiên sứ Ra-pha-en mô tả 'khôn ngoan, can đảm và xinh đẹp' và còn căn dặn Tobia: 'Trước khi gần gũi nhau, cả hai hãy đứng lên cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời rủ lòng thương và ban ơn cứu độ cho các em'. Tobia đã thực thi điều Thiên sứ dạy: trước khi hợp cẩn, cả hai đã đứng lên bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được giải thoát. Đặc biệt Tobia đã thưa vói Chúa: 'Giờ đây không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già'
Cách đây mấy năm, người viết có cô gái Út bước lên xe hoa. Để chuẩn bị cho Lễ Cưới, người viết đã mở 'Sách Lễ Giáo Dân' để xem lời ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ Lễ Cưới. Sau đó đã ghé qua các nhà thờ Việt Nam trong vùng Dallas để tìm những bài hát phù hợp cho Lễ Cưới. Lúc đó người viết chưa có PC và cũng chưa biết vào' net' hay 'com'. Sau 1 tuần tìm kiếm và hỏi thăm bạn bè đi trước có các cháu đã thành hôn. Kết quả không tìm được bài nào có ý nghĩa dành cho Lễ Cưới. May nắn có một Linh mục từ VN gửi cho tập Phụng ca được 'Imprimatur'- 'Imprimi potest' ngày 27/6/97 do Đức Giám Mục địa phận Sàigòn. Người đọc đã tìm thấy các bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ của Lễ Cưới và nhiều bài Nhập lễ và Hiệp Lễ Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, các Lễ Trọng và Chúa Nhật quanh năm, mà các tác giả đã dựa vào 'Lời ca trong sách Lễ Roma' để sáng tác.
Xin đối chiếu lời trong 'Sách lễ và lời trong ca Nhập lễ và Hiệp Lễ trích trong cuốn 'Phụng ca'.
Ca Nhập Lễ: Tv.19,3-5 ( Sách Lễ Giáo dân ):
'Xin Chúa từ đền thánh ban ơn phù trợ cho các ngươi,và từ Sion Chúa gìn giữ các ngươi. Xin Chúa ban cho các ngươi những điều lòng các ngươi ao ước.và hoàn tất mọi dự tính của các ngươi'.
Lời ca Nhập Lễ trong cuốn 'Phụng ca ':
ĐK: Từ Thánh điện cầu Chúa thương phù gíúp,
Từ Sion nguyện Chúa thương an bài,
Nâng đỡ hai người suốt đời trong hạnh phúc,
Ban xuông như lòng mong ước cho ngày mai.
PK-1 ( Tv.89,14-17 ):
Xin cho con được no say tình Người,
Để mỗi ngày là khúc hát vui tươi.
Xin chiếu soi ánh huy hoàng của Chúa,
Trên chúng con và trong suốt cuộc đời.
PK-2 ( Tv.144,2-9 ):
Xin cho con được hát ca ngày ngày,
Chúc tụng Ngài là Chúa rất khoan nhân.
Đã xót thương hết mọi người dương thế,
Và muôn loài bàn tay Chúa tạo thành.
Ca Hiệp Lễ; Ep.5,25-27 (Sách lễ Giáo Dân) : Chúa Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh và đã phó mình vì Hội Thánh, để Hội Thánh được trở nên người bạn thánh thiện và vẹn tuyền của Chúa.
Lời ca Hiệp Lễ trong cuốn Phụng ca:
ĐK: Đức Ki-tô, Người đã yêu thương Giáo Hội,yêu thương ngàn đời.
Đức Ki-tô, Người đã hy sinh mạng sống vị tình tha thiết.
Cho Giáo Hội Người trở thành hiền thê, tinh tuyền thanh khiết.
Cho Giáo Hội Người trở thành hiền thê thánh thiện mọi nơi.
PK-1: Xin cho đôi tân hôn này tình yêu thắm thiết mọi ngày
Xin ban ơn trung thành như lời răn truyền của Chúa.
Luôn noi gương Đức Ki-tô hợp nhất với Giáo Hội Người
Xin thương ban muôn ơn lành, kết hợp đôi lứa trọn đời.
PK-2: Trong lo âu hãy vui mừng, xin nhớ lúc kết giao này.
Trong hân hoan hay u buồn, một lòng trung thành mãi mãi.
Luôn noi gương Đức Ki-tô yêu mến thánh hoá Giáo Hội.
Luôn noi gương Giáo Hội Người vâng lời trung tín trọn đời.
PK-3: Xin cho Tân lang trung thành, cương quyết giữ vững gia đình.
Xin cho Tân nương dịu hiền, vâng phục trong tình thương mến.
Luôn theo gương Đức Ki-tô họp nhất với Giáo Hội Người
Luôn noi gương Giáo Hội Người trung thành mãi mãi trọn đời.
Cũng xin nói thêm là sau Lễ Cưới, một số thân hữu đến gặp người viết và tỏ ra hết sức hài lòng về những bài hát trong thánh lễ. Nhiều vị nói đã từng dự nhiều hôn lễ, nhưng chưa bao giờ được nghe những bài hợp với Phụng vụ để cùng được chia sẻ Lời Chúa về ý nghĩa hôn nhân và sốt sáng cầu nguyện cho đôi tân hôn.
Có vị còn xin những bài này để tổ chức Lễ Cưới cho con cháu mai sau. Tất cả đều đồng ý rằng Lễ Cưới là nơi họ hàng và thân hữu cầu nguyện cho đôi Tân hôn, còn tiệc cưới mới là nơi trao đổi những lời chúc mừng cho cô Dâu chú Rể như 'sống lâu trăm tuổi, bách niên giai lão, răng long đầu bạc, trăm năm hạnh phúc, như chim liền cánh như cây liền cành…' Dù sao đây cũng là phản ảnh chân thành của giáo dân khi tham dự Thánh lễ, muốn được nghe những bài hát hợp với Phụng Vụ..
Một trường hợp điển hình khác về Lễ Chúa Lên Trời (Lễ Thăng Thiên). Người viết còn nhớ cách đây hơn nửa thế kỷ, mỗi năm mừng Lễ Chúa Lên Trời, cả nhà thờ đều hát bài 'Ánh muôn tia bình minh, trời lấp lánh chiếu muôn ánh quang huy hoàng…' Và mới năm ngoái khi đi dự Lễ Chúa Lên Trời, người viết được nghe một bài hát mới, bài hát duy nhất mừng Chúa Lên Trời trong tập 'Thánh ca Cộng đồng': 'Chúa đã lên trời, núi đồi đưa mắt nhìn theo, chia ly đôi ngả ngàn dâu xanh ngắt một màu… Chúa đã lên trời, bóng Người xa khuất mù khơi. Con mong được đổi làm mây theo gót chân Người… Con nhìn lên thao thức với ngàn vì sao….'
Ý tưởng bài hát thật hay và lời thơ thật đẹp, trí tưởng tượng rất phong phú, lại khéo sử dụng 'nhân cách hoá' ngay phần mở đầu bài hát. Tuy nhiên người viết rất ngạc nhiên không thấy 2 bài trên nhắc đến sự kiện Chúa Lên Tròi như Thánh Kinh nói tới. Sáng tác bài hát để mừng Chúa Lên Trời mà không nêu lên 'biến cố vĩ đại', chỉ 'tả cảnh' thì theo thiển ý người viết thì 'chưa đạt', và không gíup gì cho giáo dân nhớ về các sự kiện liên quan đến việc Chúa Lên Trời.
Như chúng ta đã biết, Chúa Lên Trời là một sự kiện phi thường, vĩ đại, có một không hai trong lịch sử nhân loại, đã được các Thánh sử đề cập đến như:
Mt.28,16-20 –Mc.16,19-20 –Lc.24,50-51 và sách Công vụ Tông Đồ, chương 1, câu 9-11, mô tả rất chi tiết. Chính Chúa Giê-su khi thày cả Thượng Tế hỏi Người (Mt 26, 63-64): 'Ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?', Người đã trả lời rõ ràng: 'Tôi nói cho các ông hay, từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.'
Trong tập Phụng ca đã đề cập ở trên, có 2 bài về Lễ Chúa Lên Trời mà tác giả sử dụng những chi tiết trong Thánh Kinh để viết. Một lần nũa xin đối chiếu lời trong 'Sách Lễ' và lời ca trong bài Nhập Lễ và Hiiệp Lễ Chúa Lên Trời.
Lòi ca Nhập Lễ trong 'Sách Lễ' (Cv.1,11):
Này các bạn miền Ga-li-lê,
Sao còn đứng nhìn trời như vậy ?
Đức Giê-su Đấng được rước lên trời,
Sẽ ngự giá quang lâm,
Y như các bạn vừa chứng kiến – Ha-lê-lui-a !
Lời ca Nhập Lễ trong tập 'Phụng ca':
ĐK: Này các bạn miền Ga-li-lê, sao còn đứng mãi trông lên trời?
Này các bạn miền Ga-li-lê, sao còn đứng mãi trông lên trời?
( Để kết): Ha-lê-lui-a !
PK.1: Người đã lên trời, Đức Ki-tô đã lên trời trong vinh quang Thiên Chúa. Người đã lên trời, đã lên trời, ngự bên hữu Đấng Toàn Năng.
PK.2: Mai này Người sẽ ngự giá quang lâm.
Mai này Ngừoi sẽ ngự giá quang lâm.
Người sẽ ngự đến, Người sẽ ngự đến, trên mây trời vinh hiển.
Người sẽ ngự đến, người sẽ ngự đến, y như các bạn vừa chứng kiến.
Lời ca Hiệp Lễ trong 'Sách Lễ' ( Mt.28,20):
Này đây, Thày ở lại với anh em;
Mọi ngày cho đến tận thế - Ha-lê-lui-a !
Lời ca Hiệp Lễ trong tập'Phụng ca'.
Đầu bài tác giả dựa theo Tin Mừng Thánh Ma-thêu, chương 28,16-20: 11 môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Chúa Giê-su đã truyền cho các ông đến (tương truyền là núi Ô-li-vê-tê) và truyền cho các ông 'Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giũ những điều Thày đã truyền dạy cho anh em. Và đây Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế'.
Solo: Đường lên Ô-li-vê-tê, Gập ghềnh dốc đá mà đoàn lữ khách một niềm vui bao la. Đường lên Ô-li-vê-tê, Núi ấy ngày nào Chúa đã hẹn gặp các Tông đồ xưa.
ĐK.: Và Chúa đến, ánh vinh quang chiếu soi rạng ngời.
Và Chúa đến, ánh vinh quang Phục sinh sáng chói.
Người công bố sứ điệp Ô-li-vê-tê,
Và Người sai Tông đồ ra đi muôn nơi.
Duo: Ra đi, ra đi muôn phương đem theo Tin mừng.
Ra đi muôn nơi loan tin Nước Trời cùng khắp thế giới.
Ra đi nhân danh Ba Ngôi thắm thiết kêu mời.
Muôn dân ăn năn lãnh phép Rửa tội,
Và sống Tin mừng Nước Trời.
PK: Này đây,Thày ở với anh em mọi ngày cho đế tận thế.
Này đây,Thày ở với anh em mọi ngày. Ha-lê-lui-a !
Để kết luận, người viết chỉ muốn nêu lên một điều là nếu muốn, các nhạc sĩ Công giáo với khả năng và nguồn cảm hứng dồi dào như đã trình bày trên, có thể dùng lời trong 'Sách Lễ' cùng với những Thánh vịnh và các nguồn Thánh Kinh để sáng tác những bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ rất hay, gíúp cộng đoàn giáo dân thông phần trọn vẹn vào Lời Chúa khi tham dự Thánh lễ. Đây là tâm nguyện duy nhất của người viết khi nêu lên vấn đề này. Người viết đã có dịp chia sẻ điều ước mong này với nhiều Vị có uy tín trong lãnh vực Thánh nhạc và tất cả cũng có cùng quan điểm.
Hy vọng trong tương lai gần đây, với sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhạc sĩ Công giáo, Thánh nhạc VN sẽ có hàng ngàn bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ viết theo bản văn Phụng vụ. Và chúng ta đi dự Thánh lễ sẽ sốt sáng hơn, sẽ thông phần trọn vẹn vào Lời Chúa trong Thánh Lễ, và Lời Chúa sẽ thánh hoá chúng ta qua vai trò của Thánh nhạc.
Mong thay
Trần văn Huyến
Giáng Sinh 2009
Windows Live Hotmail: Your friends can get your Facebook updates, right from Hotmail®.