Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM B - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ (Ga 18, 33b-37)


 
PHỤC VỤ  
Sưu tầm
 Thế nào là một ông vua?

Dưới chế độ quân chủ thì nhà vua là người nắm giữ mọi quyền hành trong một nước. Với quyền hành lớn lao như thế, nhà vua dễ trở thành độc tài, bắt thần dân phải cung phụng cho mình với nếp sống xa xỉ và phóng túng.

Ngày nay, mặc dù chế độ quân chủ đã cáo chung tại hầu hết các nước, thế nhưng người ta vẫn tiếp tục dùng danh từ vua để chỉ một người thành công vượt bực trong một phạm vi nào đó, chẳng hạn như vua bóng đá, vua dầu lửa, vua xe hơi, vua leo núi…

Những ông vua thần tượng này thường được quần chúng ngưỡng mộ vì tài năng, vì giàu có, nhưng lắm khi đời sống luân lý của họ lại khiến chúng ta phải vỡ mộng.

Đành rằng trong lịch sử có những bậc minh quân, thương dân như thương con. Thế nhưng, có nên gọi Đức Kitô là vua khi nhân loại đã bước qua thiên niên kỷ thứ ba hay không?

Lần kia, sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng định tôn Ngài lên làm vua, để Ngài phất cờ giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc La mã, nhưng Ngài đã trốn lên núi một mình.

Còn đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, khi bị Philatô tra hỏi:

- Vậy ông là vua ư?

Đức Kitô đã không từ chối và cũng chẳng xác nhận. Ngài chỉ bảo:

- Chính quan nói rằng tôi là vua.

Thế nhưng rất nhiều lần Ngài đã đề cập đến nước Ngài. Nếu như chúng ta có gọi Ngài là vua, thì chắc chắn Ngài sẽ là một vị vua rất đặc biệt, không giống với bất kỳ vua chúa trần gian nào.

Thực vậy, sinh ra nơi máng cỏ Bêlem, hoạt động thì nay đây mai đó, không có lấy được một hòn đá tựa đầu và sau cùng chết đi trên thập giá. Và như thế Ngài là một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội, không vương trượng. Quả thực Ngài là một vị vua không giống ai.

Nét đặc sắc của vương quyền nơi Ngài chính là tinh thần phục vụ:

- Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Nơi khác Ngài cũng xác quyết:

- Thày sống giữa anh em như kẻ hầu bàn.

Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ. Và hành động phục vụ cao cả nhất chính là cái chết trên thập giá. Nhưng cũng chính nhờ cái chết này mà Ngài được tôn vinh:

- Ngày nào Thày bị treo lên khỏi đất, Thày sẽ kéo mọi sự lên cùng Thày.

Và thánh Phaolô đã xác quyết:

- Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên, tặng ban một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Với chúng ta thì sao? Một khi tuyên xưng Đức Kitô là vua, chúng ta cũng phải thực thi tinh thần phục vụ của Ngài. Đây cũng chính là điều Ngài mong muốn:

- Nếu các con gọi Ta là Thày và là Chúa mà Ta còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Nơi khác Ngài cũng xác quyết:

- Vua chúa trần gian thì lấy quyền hành mà thống trị họ. Còn các con thì không như thế, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy trở nên rốt hết và làm tôi tớ cho mọi người.

Chính nhờ tinh thần phục vụ này mà chúng ta trở nên ánh sáng, trở nên muối mặn, trở nên men bột, hầu góp phần làm cho nước Chúa được trị đến. 

(tinmung.net)

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

ĐỨC THÁNH CHA CỔ VÕ CÁC CA ĐOÀN

Đức Thánh Cha cỗ võ các ca đoàn
Lm. Trần Đức Anh OP
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao vai trò của thánh nhạc trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và khích lệ các ca đoàn tích cực cộng tác vào công trình này.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 10-11-2012, dành cho 6 ngàn tham dự viên cuộc gặp gỡ do hiệp hội Italia các ca đoàn Cecilia tổ chức.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến vai trò của thánh nhạc, với kinh nghiệm và chứng từ của thánh Augustino, kể lại sự xúc động đến rơi lệ của Người khi được nghe thánh ca tại Milano lúc mới tìm được đức tin. ĐTC nói: ”Cảm nghiệm về các bài thánh ca Ambroxio mạnh mẽ đến độ thánh Augustino ghi khắc những thánh ca ấy trong ký ức và thường trưng dẫn trong các tác phẩm của Người, và thánh nhân cũng đã viết tác phẩm De Musica về âm nhạc. Thánh Augustino xác quyết rằng âm nhạc và bài ca hay có thể giúp đón nhận Lời Chúa và cảm thấy một sự xúc động lành mạnh. Chứng từ của thánh Augustino giúp chúng ta hiểu điều mà Hiến chế “Sacrosanctum Concilium” của Công đồng chung Vatican 2, theo truyền thống của Giáo Hội, dạy rằng ”Thánh ca, cùng với lời nhạc, là thành phần cần thiết và đích thực của phụng vụ trọng thể” (n.112).

ĐTC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thánh nhạc trong việc truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài nhắc lại kinh nghiệm của văn hào Paul Claudel người Pháp, Ông đã trở lại nhờ nghe thánh ca Magnificat trong buổi hát Kinh Chiều lễ Giáng Sinh tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris. Ông kể lại: ”Trong lúc ấy, xảy ra một biến cố ảnh hưởng trọn cuộc sống của tôi. Trong khoảnh khắc, tâm hồn tôi được đánh động và tôi đã tin. Tôi tin với một sức mạnh gắn bó mạnh mẽ, với một sự nâng bổng trọn con người của tôi, với một xác tín vững mạnh, chắc chắn, đến độ không còn chỗ nào cho sự nghi ngờ, và trong cuộc sống sau đó của tội, không một lý luận nào, không một hoàn cảnh nào trong cuộc đời chao đảo của tôi có thể làm lay chuyển đức tin hoặc động chạm được đến đức tin ấy”.

Và ĐTC nhắn nhủ thành viên các ca đoàn rằng: ”Anh chị em có một vai trò quan trọng: hãy dấn thân cải tiến chất lượng thánh ca phụng vụ, đừng sợ phục hồi và đề cao giá trị đại truyền thống âm nhạc của Giáo Hội. Truyền thống này được biểu lộ ở mức độ cao nhất trong nhạc bình ca và đa âm, như chính Công đồng chung Vatican 2 đã quả quyết” (S.C. 116) (SD 10-11-2012) 


(VietCatholic News)

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 12, 38-44)



CHO  
Sưu tầm
Có một cặp vợ chồng trở về quê thăm họ hàng. Họ xuống xe, đi bộ được một quãng thì trời đổ mưa tầm tã. Đêm đã khuya mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Thế là họ bèn gõ cửa một căn nhà có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống.


Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ đặt mấy chục ngàn lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ. Còn mình thì phải nằm ngủ dưới đất.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng sáng hôm nay, và chúng ta nhận thấy: giống như bà góa, đôi vợ chồng già không phải cho đi phần thừa thãi, mà cho đi chính nguồn sống ít ỏi của mình. Họ cho đi một cách quảng đại, vui vẻ và thực lòng. Nếu suy nghĩ, chúng ta thấy có ba cách cho đi.

Cách thứ nhất là cho đi một cách bất đắc dĩ. Những người này thường nói: Tôi bực bội vì phải cho đi. Tôi miễn cưỡng phải cho đi.

Cách thứ hai là cho đi vì bổn phận. Những người này thường bảo: Tôi buộc phải cho. Họ cho đi mà lòng nặng trĩu vì bổn phận trói buộc.

Sau cùng cách thứ ba đó là cho đi với tình yêu thương. Những người này thường vui vẻ nói: Tôi muốn cho đi. Họ cho đi với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Không phải vì ép buộc, cũng không phải vì bổn phận thúc đẩy.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã cho đi như thế nào? Chúng ta thường nói: của cho không quan trọng bằng cách cho. Vậy chúng ta sẽ cho đi những gì? Chúng ta không chỉ nói đến tiền bạc mà còn nói đến việc ban tặng chính bản thân và thời giờ của mình.

Chẳng hạn chúng ta đã dâng cho Chúa bản thân và thời gian của chúng ta vào việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật như thế nào? Chúng ta đã trao tặng chính bản thân và thời giờ của chúng ta cho những người thân yêu trong gia đình, cũng như cho bà con lối xóm ra làm sao?

Chúng ta có biết cho đi với cõi lòng đầy hân hoan, với trái tim đầy quảng đại như bà góa trong Phúc âm hay không? Với một chút tế nhị và nhạy cảm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Chúng ta có rất nhiều thứ để mà cho đi, như một bài thơ đã diễn tả: Quà tặng đẹp nhất cho kẻ thù, chính là sự tha thứ. Cho bạn bè chính là sự trung thành. Cho các em nhỏ chính là gương sáng. Cho người cha chính là lòng tôn kính. Cho người mẹ chính là tình yêu. Và cho người chung quanh chính là đôi tay của chúng ta.

Hãy cứ cho đi một cách quảng đại, chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ chịu thua trước sự rộng rãi của chúng ta. Bởi vì, khi tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó. Khi tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương. Khi tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả sa mạc. Và khi tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả thịt máu Ngài.  
 
(tinmung.net) 

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 12, 28b-34)



YÊU NGƯỜI
Sưu tầm
Những ngày cuối cùng cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu ở Giêrusalem, Ngài luôn bị giới lãnh đạo Do Thái thay phiên nhau chất vấn để gài bẫy Ngài. Họ đã hạch hỏi Chúa lấy quyền gì mà xua đuổi những người buôn bán ở đền thờ? Có nên nộp thuế cho hoàng đế Xêda không? Bài Tin Mừng hôm nay lại cho biết: một ông kinh sư hỏi Chúa điều răn nào đứng đầu? Sở dĩ ông ta hỏi Chúa câu này, là vì luật của Do Thái lúc ấy gồm 613 điều, chia ra 248 điều tích cực buộc phải làm, và 365 điều tiêu cực cấm không được làm. Nhưng giới lãnh đạo không đồng ý với nhau điều nào đứng đầu, tức là điều nào quan trọng nhất, mỗi nhóm đặt nặng một điều. Vì thế, ông kinh sư này muốn hỏi Chúa để biết quan điểm của Chúa ra sao. Chúa đã trả lời ngay bằng cách trưng ra một điều trong sách Đệ Nhị Luật: “Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức”, và một điều nữa trong sách Lêvi: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Câu trả lời của Chúa hay quá, đúng quá, khiến mọi người hết sức kinh ngạc, và Tin Mừng cho biết: “Từ lúc ấy không ai dám chất vấn Chúa thêm điều gì nữa”.

Như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết: điều quan trọng nhất của đạo Chúa là mến Chúa và yêu người. Đây là hai mặt của một tình yêu, cả hai chỉ là một, bỏ một tức là bỏ cả hai. Nói khác đi, nếu chúng ta muốn dùng một chữ thôi để diễn tả đạo Chúa, thì không chữ nào thích hợp hơn là chữ “yêu”: yêu Chúa và yêu người.

Yêu Chúa thì chắc chắn tất cả chúng ta đều có thể quả quyết dễ dàng chúng ta yêu Chúa. Nhưng lấy gì làm bằng chứng? đó là lòng yêu người, nghĩa là căn cứ vào tình yêu của chúng ta đối với tha nhân mà người ta biết chúng ta có lòng yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu đã có lần nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Vậy chỉ còn một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu là chúng ta phải thực hiện lòng yêu người như thế nào.

Trước hết, chúng ta phải yêu thương bằng lời nói: yêu ai, người ta ca tụng họ, yêu mọi sự của họ, yêu cả nết xấu của họ nữa: “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Nhưng ghét ai, người ta dùng ba tấc lưỡi để hành tỏi, nói xấu họ hết lời: “ghét ai ghét cả đường đi lối về”, “ghét cả tông chi họ hàng”. Cho nên, một thứ thước đo chính xác để biết mình có yêu thương người khác hay không là mình có nói tốt hay nói hành nói xấu họ. Người ta nói xấu nhau vì ghét nhau, vì không ưa nhau, vì thù oán nhau. Càng có nhiều liên hệ với nhau, người ta càng dễ nói hành nhau, mà cũng vậy, không gì đau khổ hơn và gương mù hơn khi những người thân thuộc nói xấu nhau.

Thể hiện tình yêu thương bằng lời nói, dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là yêu thương bằng việc làm. Việc làm đây là sự giúp đỡ bằng tay chân hành động, bằng sức khỏe, bằng thời giờ, bằng đời sống phục vụ… Đây là một cách thể hiện tình yêu thương rõ ràng và cụ thể nhất. Bởi vì yêu thương trong lòng, bằng ước muốn tốt, bằng thông cảm… thì vô hình không kiểm chứng được; yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là lý thuyết suông, đầu môi chót lưỡi. Nhưng yêu thương bằng sự tận tâm giúp đỡ, bằng sự chấp nhận những hy sinh phiền toái của phục vụ… thì mới là yêu thương thực sự và dễ gây được kết quả tốt. Chẳng hạn: khi làm việc, biết nhận lấy phần trách nhiệm nặng hơn, không dừa cho người khác, sẵn sàng cho vay mượn khi cần thiết, khi có khả năng, khi có dịp; coi công việc của người khác cũng là của mình. Có những người chỉ cần chúng ta giúp một quyết định, một an ủi, một khích lệ, một lời cầu xin, một sự thông cảm, một lòng tôn trọng, một sự tha thứ… Có biết bao nhiêu dịp và biết bao nhiêu cách chúng ta có thể làm để giúp ích người khác.

Sau hết, yêu người, yêu thương nhau là chứng tích cho người ta nhìn nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ đến nhà thờ để nghe nói đến tình yêu của Thiên Chúa, có nhiều người không bao giờ được thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, nhưng người ta xem thấy cách chúng ta yêu thương nhau thật mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương nhau thì không ai đánh giá sai lầm về đạo của chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy sống điều răn yêu thương Chúa dạy từ trong gia đình và với những người chung quanh. Có những người sống yêu thương trong gia đình rất tốt nhưng lại thiếu sót đối với những người ngoài. Ngược lại, có những người sống lịch sự, vui vẻ, yêu thương rất tốt đối với những người khác nhưng trong gia đình lại rất thiếu sót. Hơn nữa, tình yêu thương của chúng ta có phải chỉ là những tình cảm hời hợt. Ích kỷ, bề ngoài hoặc vụ lợi không? Tình yêu thương thật là biết dùng những lời nói tốt để an ủi nhau, giúp ý kiến xây dựng cho nhau, nhất là sẵn sàng giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau, và yêu người là trắc nghiệm chắc chắn nhất về lòng yêu Chúa của chúng ta.  

(tinmung.net)

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI 02.11.2012 (Ga 6, 37-40)


Giờ Lễ :
  • Sáng : 05g00
  • Chiều : 17g30
  • Tối : 19g00
08g00 : Đi viếng mộ Cha Cố Antôn



CUỘC ĐỜI CHÓNG QUA

Pt GB Nguyễn Văn Định

Cuộc sống ở trần gian đuợc kinh Thánh mô tả như là một làn sương, một hơi thở và một làn khói: “Cuộc đời chúng ta trên dương thế, chẳng khác gì bóng câu." (Gióp 8, 9)

Đế thấy cuộc đời chóng qua: bạn nên nhớ hai sự kiện này: 1/ Cuộc sống cực kỳ ngắn ngủi, nếu so với chốn đời đời. 2/ Trần gian chỉ là nơi cư trú tạm thời mà thôi. Vì bạn không ở trần gian lâu, nên đừng gắn bó với nó. Hãy cầu nguyện như Đavít xưa: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết. đời sống con chung cuộ thế nào, ngày tháng con đếm được mấ mươi, để hiểu được kiếp phù du là thế.” (Tv 39,5) 2-

Sông tạm quê người: Trần gian không phải là căn nhà vĩnh viễn hay đích cuối cùng của bạn, bạn chỉ đi ngang qua, ghé qua trái đất mà thôi. Kinh Thánh dùng những chữ như người lữ khách, kẻ đi đường, người hành hương để mô tả cuộc sống ngắn ngủi của bạn trên đất: “Nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộ đời lữ khách này.” (1Phêrô 1,17)

Công dân Nước Trời: Chúa muốn bạn luôn mong chờ trở về quê hương của mình: “Còn quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ Trời đến cứu chúng ta. (trở lại đón) (Phil 3,20-21).

Lai lịch của bạn ở cõi đời đời và quê hương của bạn là Thiên đàng. Khi bạn nắm bắt được lẽ thật này, bạn sẽ không còn lo lắng về chuyện có đủ mọi thứ trên trần gian này- Chúa rất thẳng thắn nói về mối hiểm họa của lối sống chỉ biết có trước mắt. Khi bạn đùa giỡn với những cám dỗ của thế gian này, Chúa gọi là tội ngoại tình tâm linh, tâm hồn.

Kinh Thánh chép: “Anh em giống như kẻ ngoại tình, amh em không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa.” (Giacôbê 4,4)

Khách tha hương & Kẻ lưu lạc: Nhiều Tín hữu đã phản bội Vua của họ và Vương Quốc của Ngài. Họ đã dại dột kết luận rằng: vì họ sống trên đất, nên đây là nhà của họ. KHÔNG. Lời Chúa nói rất rõ: “Anh chị em yêu dấu, là khách tha hương và kẻ lưu lạc trong trần gian, chớ để dục vọng xác thịt lôi cuốn lôi cuốn, vì nó chống nghịch với linh hồn anh em. (1 Ph 2, 11).

Chúa muốn cánh báo bạn đừng để mình quá gắn bó với nhưng điều chung quanh chúng ta vì chúng thảy đều tạm bợ như sau: “Kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng, vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1 Cor 7 31)

Điều không thấy thì vĩnh cửu: Cuộc đời không phải là theo đuổi hạnh phúc trần gian. Chỉ khi nào bạn thấy cuộc đời là một cuộc thử nghiệm, một nhiệm vụ tam thời, thì bạn sẽ thoát được vui thú thế tục: “đừng chú tâm đến những vật hữu hình. Những điều trước mắt là những điều nay còn mai mất; những điều chúng ta không thấy mới trường tồn.” (x. 2 Cor 4, 18)

Không phải là nhà cuối cùng: Con cá không vui sống trên đất, chim đại bàng chỉ mong tung cánh. Bạn không thỏa lòng khi ở trần gian, bạn cónhững giây phút ở đây, nhưng không thể so sánh với điều Chúa sẽ dành cho bạn. Phaolô là con người trung tín, nhưng cuối cùng vào tù, Gioan Tiền hô là người can đảm làm chứng, ông bị chặt đầu. Hàng triệu người khác đã chết vì đạo, hoặc mất tất cả vì ai? Nhưng kết thúc không phải hết. Tóm kết: Chỉ cần 2 giây bước vào Thiên đàng, là bạn sẽ thốt lên: “Tại sao trước đây tôi lại quá chú trọng vào những điều tạm bợ? Tôi lãng phí quá nhiều thì giờ tiền bạc cho những cái chóng qua? Khi cuộc sống trở nên khó khăn, bạn chìm ngập trong nỗi nghi ngờ. Hãy nhớ rằng bạn chưa về nhà. Khi cái chết đến, đó không phải là lúc bạn rời nhà ra đi – Đó là lúc bạn sẽ đi về nhà. 

(tinmung.net)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 01.11 (Mt 5, 1-12a)


Các thánh là…!

Các thánh sống hiền lành

Thực hành Lời Chúa dạy
Không chạy theo của cải
Không mê mải thế gian
Không miên man danh vọng
Không mong muốn hưởng thụ
Không thù oán một ai
Không cậy tài vênh vang
Không vội vàng kết án
Không chán ngán tiêu cực
Không tức tối làm càn
Không gian tham tục tĩu
Không lưu luyến dục tình
Không toan tính thiệt hơn
Không dỗi hờn ghen ghét
Không lép sép điêu ngoa
Không lu loa lấn át
Không bắt nạt người bé
Không tránh né đổ thừa
Không làm bừa sai luật
Không lật lọng hại người
Không chề cười kẻ khác
Không dùng mác giả hình
Không cho mình là phải
Không cãi vã đôi co
Không phải lo nịnh hót
Không lo lót hối lộ
Không cậy ô làm láo
Không báo cáo lấy công
Không thông đồng tội lỗi
Không nói dối nói gian
Không vu oan giáng họa
Không theo hòa bạn xấu
Không đấu đá thiệt hơn
Cậy trông ơn Chúa liên
Sống triền miên theo Chúa
Dẫu tàn úa cuộc đời
Vẫn nói lời tin tưởng
Luôn luôn hướng về Chúa
Luôn luôn xua ma quỷ
Lòng hân hỷ bước đi
Chẳng ngại chi gian khổ
Miệng tung hô Chúa Trời.

Jos. Hồng Ân

(thanhlinh.net)