Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10, 46-52)


Mời xem videoclip>>

RÀO CẢN
Sưu tầm
Có một chi tiết nhỏ qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay đã làm cho tôi phải suy nghĩ và muốn được đem ra để chia sẻ. Đó là đang khi chàng hành khất kêu van cùng Chúa Giêsu: Lạy Con Vua Đavid xin thương xót tôi, thì nhiều người đã quát mắng và bảo anh hãy im đi, hãy câm miệng lại. Những người này đã trở thành một thứ rào cản, ngăn chặn không cho anh tiến đến cùng Chúa Giêsu. Đáng lẽ họ phải nắm lấy tay anh mà dẫn tới Chúa, thì họ lại túm cổ, lôi anh ra xa Ngài. Chẳng có một ai ngoài chính Chúa Giêsu đã giúp đỡ anh mà thôi.

Thực vậy, khi nghe dân chúng quát mắng anh, thì Ngài đã dừng lại, truyền dẫn anh đến với Ngài. Chỉ lúc đó, họ mới thay đổi thái độ. Chỉ lúc đó, họ mới chịu giúp đỡ con người bất hạnh kia.

Từ chi tiết nhỏ bé trên chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống, vì biết đâu, chính chúng ta đôi lúc cũng đã trở thành một thứ rào cản, ngăn chặn không cho Chúa đến với người khác, cũng như không cho người khác đến với Chúa. Vậy chúng ta đã trở nên một thứ rào cản như thế nào?

Tôi xin thưa: trước hết là bằng những ý nghĩ chủ quan đầy thiển kiến, những lời nói thiếu ý thức gây sứt mẻ và những cử chỉ mang tính cách ghen tị. Thực vậy, đứng trước một thanh niên rượu chè cờ bạc hay trộm cắp, mà nay muốn làm lại cuộc đời của mình để trở nên tốt lành hơn, thì phản ứng tự nhiên của chúng ta là nghi ngờ cái thiện chí của anh ta. Từ sự nghi này, chúng ta thường có thái độ cảnh giác, đề phòng bằng cách không liên hệ với anh ta. Và nếu có liên hệ thì cũng dè chừng, mắt trước mắt sau. Cũng vì sự nghi ngờ ấy, chúng ta thường có những lời nói vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn: ngựa quen đường cũ. Người như nó mà bỏ được tật xấu này, tật xấu kia thì tôi chỉ bé bằng con kiến.

Tất cả những ý nghĩ, lời nói và thái độ như thế sẽ vùi dập mất chút thiện chí vừa mới lóe sáng trong tâm hồn người thanh niên, để rồi anh ta sẽ chẳng thể nào trở về cùng Chúa. Thay vì kéo anh ta đến với Chúa, thì chúng ta đã trở nên một thứ rào cản, thậm chí còn đẩy anh ta xa lìa Ngài. Hiện thời, đời sống và cách cư xử của chúng ta đã là một thứ rào cản, hay đã là một nhịp cầu, trên đó Chúa đến với những người anh em chúng ta, cũng như trên đó họ sẽ đến cùng Chúa.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể trở nên một thứ rào cản bằng chính cuộc sống bê bối của chúng ta. Thực vậy, có những anh em lương dân đầy thiện chí, muốn tìm hiểu Kitô giáo cũng như sứ điệp Tin mừng, thế nhưng thiện chí này đã bị khựng lại khi họ nhìn vào đời sống cụ thể của chúng ta.

Thực vậy, khi nhìn vào đời sống, họ thấy chúng ta cũng gian tham và bất công, cũng độc ác và hà hiếp, cũng giận hờn và thù oán, cũng vợ nọ con kia, lem nhem trong lãnh vực tình cảm… để rồi có lúc họ đã phải thốt lên: Tôi tưởng người Kitô hữu tốt lành như thế nào. Không ngờ họ còn thua cả những người cộng sản, những người Hòa Hảo, những người Cao Đài.

Đáng lẽ ra đời sống của chúng ta phải là một bài giảng hùng hồn, có sức thuyết phục cuốn hút họ về với Đức Kitô, thì do những bê bối, đời sống của chúng ta đã trở thành một thứ thuốc nổ, phá hủy chút thiện chí còn đọng lại nơi họ, hay là đã trở thành một thứ rào cản không cho họ tiến đến cùng Chúa.  

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10, 17-30)



HẠNH PHÚC QUA VIỆC TRAO BAN

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có một câu chuyện rất ngắn kể rằng:

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.

Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

Cuộc sống không thiếu những người vong ân bội nghĩa. Họ có tiền. Họ có của nên quên bè bạn, quên anh em. Có khi còn phụ ân tình của cha mẹ, họ hàng. Họ là những người “ăn cháo đãi bát”. Cuộc đời của họ chỉ cần tiền. Họ không cần bạn bè, không cần người thân. Đối với họ tiền là “trên hết”.

Giữa cuộc sống hôm nay, ai cũng cần tiền. Không chỉ cần tiền để xài mà còn cần tiền, kiếm tiền để được giầu sang. Người ta đua nhau giầu có hơn người. Người ta tìm mọi cách để kiềm tiền hơn người. Xã hội hôm nay cũng đánh gía nhau dựa trên đồng tiền. Kẻ có tiền được trọng vọng, được xem là kẻ thành công, người quý phái. Kẻ không tiền bỉ rẻ rúng, xem thường. Kẻ có tiền luôn đúng. Người không tiền luôn thiệt thòi.

Người thanh niên trong đoạn tin mừng hôm nay là một người giầu có. Anh có tiền. Anh giầu sang. Anh được mọi người kính trọng. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy trống vắng. Anh vẫn khắc khoải một điều gì đó vượt lên đồng tiền. Đó chính là hạnh phúc. Đồng tiền anh chiếm hữu không mang lại hạnh phúc cho cuộc đời anh. Anh vẫn bất an và đi tìm hạnh phúc. Mặc dù anh đã sống đạo thật tốt. Anh tuân giữ mọi điều răn Chúa. Anh ăn ở ngay lành. Anh đã sống một cuộc đời chỉ mong hoàn thiện. Nhưng xem ra anh vẫn chưa toại nguyện về những gì mình đang có.

Chúa Giê-su hôm nay đã chỉ cho anh con đường đi tìm hạnh phúc. Con đường đó khởi đi từ sự trao ban. Khi trao ban ta tìm được hạnh phúc. Trao ban càng nhiều càng hạnh phúc nhiều. Kẻ chiếm hữu không có hạnh phúc. Vì luôn phải toan tính, luôn phải tranh giành. Kẻ trao ban mới có hạnh phúc. Hạnh phúc là khi nhìn thấy người mình thi ân được hạnh phúc, được ấm no. Tâm hồn người thanh niên chưa thanh thản vì anh vẫn còn cố giữ. Anh chưa dám trao ban. Anh chưa tìm được hạnh phúc đích thực qua sự trao ban.

Chúa Giê-su, Ngài đã sống một cuộc đời trao ban. Ngài trao ban cuộc đời như hạt lúa thối đi để sinh nhiều hoa trái. Ngài trao ban cuộc đời như tấm bánh được bẻ ra cho muôn người được hạnh phúc. Ngài trao ban cả mạng sống mình cho thế gian được sống và sống dồi dào. Ngài đã tìm niềm vui qua việc trao ban. Thế nên, Ngài đã tìm được hạnh phúc khi trở thành chiên gánh tội trần gian. Nhờ Ngài mà muôn người được nên một trong gia đình của Chúa, là con cái, là anh em con một Cha Trên Trời.

Tiếc thay, người thanh niên đã không dám trao ban. Anh tiếp tục lặng lẽ đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc trong tầm tay. Nhưng bàn tay anh chỉ nắm lại mà không bao giờ mở ra. Thế nên, tấm lòng của anh cũng đóng lại trong cô đơn và hoang vắng.

Ước gì cuộc đời chúng ta hãy biết trao ban. Hãy tìm niềm vui trong đời sống phục vụ. Mỗi người chúng ta đều lớn lên trong sự chăm sóc phục vụ của cha mẹ, thầy cô, bè bạn thì cũng hãy cúi mình phục vụ cho nhau. Xin cho bàn tay chúng ta luôn mở ra để nắm lấy đồng loại và cùng dìu nhau qua những thăm trầm cuộc đời. Xin Chúa là Đấng đã phục vụ xin giúp chúng ta cũng biết phục vụ như Ngài. Amen

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI


KINH MÂN CÔI
Sưu tầm
Có một ông trùm đã nói với cha sở như sau:

- Chỉ tại cái tivi mà gia đình con không còn lần hạt vào buổi tối nữa. Người ta thích quây quần bên nhau để giải trí, hơn là để cầu nguyện.

Cũng chính ông trùm ấy đã nói về cậu con trai của mình, khi được nhắc nhở là hãy vào nhà thờ sớm, trước thánh lễ, để cùng với mọi người đọc kinh, thì cậu ấy đã trì hoãn và trả lời:

- Nhà thờ chưa lần hạt xong.

Và ông trùm ấy đã phát biểu với nhiều tiếc xót:

- Vào thời chúng con, người ta chờ nhà thờ đông đủ rồi mới lần hạt, còn bây giờ thì khác, người ta lần hạt để chờ mọi người tới đông đủ.

Lời than thở đầy tiếc xót trên đây của ông trùm phản ảnh được phần nào thái độ hiện nay đối với việc đọc kinh Mân côi tại gia đình cũng như tại nhiều xứ đạo.

Để phục hồi lòng tôn sùng kính mến Mẹ qua việc đọc kinh Mân côi, thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại những hậu quả to lớn mà kinh Mân côi đã đem lại cho chúng ta.

Trước hết, với kinh Mân côi chúng ta cùng Mẹ sống lại những chặng đường quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu và đi sâu vào những mầu nhiệm chính yếu của lịch sử ơn cứu độ. Từ đó chúng ta sẽ nhận ra những tín hiệu Phúc âm cho những chặng đường của niềm tin hôm nay trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội cũng như Giáo hội.

Trong sinh hoạt của Giáo hội, kinh Mân côi luôn được cổ võ bởi vì lời kinh này đã đem lại cho chúng ta hình ảnh về Mẹ Maria, hình ảnh một người mẹ luôn gần gũi, gắn bó và mật thiết với chúng ta. Vậy chúng ta có đọc kinh Mân côi trong ý hướng ấy hay không?

Tiếp đến, với kinh Mân côi chúng ta sẽ được nhờ Mẹ mà đến cùng Chúa, Đấng Cứu độ của chúng ta. Tất nhiên, có nhiều con đường để đến cùng Chúa, nhưng con đường được Mẹ chỉ dạy sẽ là con đường chắc chắn nhất, bảo đảm nhất và an toàn nhất, bởi vì Mẹ là người gần gũi với Chúa hơn bất cứ tạo vật nào.

Vì thế, các nhà đạo đức vốn thường đưa ra một kinh nghiệm quí giá, đó là:

- Per Mariam, ad Jesum, nhờ Mẹ mà đến cùng Chúa.

Vậy chúng ta có lần hạt với cảm nghiệm đó không?

Và sau cùng, với kinh Mân côi chúng ta còn được Mẹ bầu cử trước mặt Chúa. Nhờ lời bầu cử của Mẹ, chúng ta sẽ lãnh nhận được những ơn lành hồn xác, như lòng mong ước.

Lời van xin của kinh Kính mừng: Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử…Đã gói ghém tất cả nỗi lòng của chúng ta qua mong ước được thánh hóa hôm nay và được cứu rỗi ngày mai.

Chiến thánh tại vịnh Lépante năm 1571 gắn liền với kinh Mân côi mà ngày lễ hôm nay là một nhắc nhở, cũng đã ghi sâu trong tâm trí chúng ta một hình ảnh khác nữa về Mẹ Maria, đó là Mẹ luôn che chở và cầu bầu cho chúng ta. Vậy chúng ta có lần hạt trong tâm tình này hay không?

Tạp chí “Kiến thức ngày nay” có một bài viết về những người phụ nữ giàu nhất thế giới,trong đó có nữ hoàng Elisabeth nước Anh. Tài sản của nữ hoàng trị giá hàng tỷ đô la. Thế nhưng, khi đọc bài báo ấy, chúng ta cảm thấy nó lạnh lùng, nó xa vắng bởi vì nó chẳng liên quan gì tới chúng ta.

Thế nhưng, khi thoáng nghe những bài hát về Mẹ, chúng ta bỗng cảm thấy nao nao con tim và ngọt ngào cả tâm hồn, bởi vì chúng ta thấy trước mặt mình tấm lòng của một người mẹ giàu tình thương và nhân ái.

Tuy nhiên, điều quan trọng đó là bản thân chúng ta có biết tìm đến với Mẹ và nhất là tìm đến với Mẹ qua lời kinh Mân côi, như Mẹ đã truyền dạy hay không?

(tinmung.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10, 2-16)



HÔN NHÂN
Sưu tầm
Bài Tin Mừng có hai phần: Phần thứ nhất là lập trường của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân. Phần thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu đối với các trẻ em. Phần thứ nhất chính là đoạn Tin Mừng thường được đọc trong thánh lễ hôn phối, chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

Đề tài của đoạn Tin Mừng này là vấn đề ly dị do những người Pharisêu đặt ra với ý đồ gài bẫy Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết: các kinh sư Do thái thường tranh luận với nhau về những lý do cho phép ly dị chứ không tranh luận về chính việc được phép ly dị hay không. Và luật Do thái chỉ cho phép đàn ông bỏ vợ chứ không cho phép đàn bà bỏ chồng. Như vậy, chuyện những người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Có được phép ly dị không?” quả là khúc mắc, tế nhị và phức tạp. Họ muốn Chúa phải xác định lập trường rõ ràng trước mặt dân chúng và trước mặt họ. Luật đã cho phép ly dị, nếu Ngài bảo không được, tức là Ngài chống lại luật. Ngược lại, nếu Ngài bảo được, thì họ sẽ chống lại Ngài. Cho nên, rõ ràng những người Pharisêu có ý gài bẫy Chúa. Chúa trả lời thế nào?

Chúa hỏi lại họ: “Ông Mô-sê truyền dạy thế nào?”. Thật sự trong Cựu ước không có một chỗ nào ghi một mệnh lệnh tổng quát phải ly dị hay không được ly dị, cũng chẳng có chỗ nào trực tiếp chỉ thị muốn ly dị thì phải làm gì. Vậy những người Pharisêu trả lời câu hỏi của Chúa thế nào? Họ trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, đoạn 24 câu 1 đến câu 4. Trong đoạn này, sách Đệ Nhị Luật cũng chỉ gián tiếp nói về việc làm giấy ly dị. Đó là trường hợp một người đàn bà đã bị chồng ly dị và có làm giấy ly dị đàng hoàng, nay đi lấy người khác, rồi lại bị ông chồng mới này ký giấy ly dị, thì người chồng thứ nhất, dù có vì tình xưa nghĩa cũ, muốn đoàn tụ với nàng, cũng không được phép. Vậy khoản luật này chỉ trực tiếp đề cập đến vấn đề người chồng cũ có quyền cưới lại người vợ mình đã ký giấy ly dị không? Luật trả lời không được. Nhân vấn đề đó mà sách này cho chúng ta biết: luật gia đình của người Do thái cho phép chồng ly dị vợ.

Chúa Giêsu đã trả lời cho những người Pharisêu: sở dĩ ông Mô-sê đã ra luật đó, “vì lòng các ông chai đá”, nên đó chỉ là điều nhân nhượng mà thôi, chứ từ ban đầu không có như vậy, và Chúa kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Như thế, Chúa Giêsu cho mọi người biết rõ lập trường của Ngài là không bao giờ được ly dị, nghĩa là một người nam và một người nữ đã kết hợp với nhau nên một trong hôn nhân theo luật của Chúa, thì họ không có quyền và cũng không ai có quyền phá vỡ cái nên một ấy.

Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rõ luật của Chúa và Giáo hội: sự nên một trong hôn nhân là một công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, nên những ai đang sống trong sự nên một ấy phải tôn trọng và giữ nó cho thật đẹp và thật bền, và phải làm cho nó trọn vẹn hơn mãi, không những một thân xác mà một tâm hồn, một cuộc sống, một hạnh phúc. Chính do sự nên một ấy mà đứa con xuất hiện như một đóa hoa, một trái ngọt ngào và được nên người. Thánh Phaolô đã nêu cao giá trị của sự nên một ấy khi đem đối chiếu với sự nên một giữa Chúa Kitô và Giáo hội.

Còn những người chuẩn bị đi vào cuộc sống hôn nhân phải thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để sự nên một ấy có thể được thành tựu tốt đẹp. Nếu Chúa đã an bài con người có nam có nữ để rồi nam nữ thành một, thì Chúa vẫn dành cho con người quyền tự do để lựa chọn. Chuyện hôn nhân là chuyện của hai người trong cuộc. Những người khác dù là cha mẹ, vẫn phải tôn trọng, giúp cho người liên hệ chọn lựa, chứ không có quyền áp đặt. Cần dứt khoát với hủ tục ép buộc con lấy người này người khác. Người ta đã coi đó là lễ giáo, nhưng chắc chắn nó không phù hợp tinh thần Tin Mừng. Vì thế, Giáo hội không bao giờ chấp nhận sự cưỡng ép trong vấn đề hôn nhân.

Xin Chúa cho những ai đang sống đời hôn nhân luôn trung thành với nhau; và những ai sắp bước vào đời hôn nhân, chuẩn bị cẩn thận để bảo đảm trung thành luôn mãi.