Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 13 MÙA THƯỜNG NIÊN B (Mc 5, 21-43)




CHỮA LÀNH 
Sưu tầm
Để thực hiện thành công một điều gì, chúng ta phải đặt vào đó một phần của chúng ta hoặc là đời sống hoặc là tâm hồn đến nỗi sau đó, chúng ta cảm thấy kiệt quệ. Điều này đặc biệt đúng đối với việc chữa trị.

Chữa trị có thể làm cho người chữa bệnh kiệt sức và đau đớn. Hành động chữa trị tự nó thường là một dịp để đau khổ. Chúng ta không thể cất đi sự đau đớn của một người mà không đi vào nỗi đau ấy một cách nào đó và ở một mức độ nào đó, dù chỉ là nỗ lực để hiểu người bệnh và làm cho người bệnh cởi mở với mình. Một cách nào đó, người chữa bệnh phải chịu đau khổ.

Một đôi khi, điều khiến người ta trở thành người chữa bệnh là một kinh nghiệm chính mình đã bị đau và đã được chữa lành. Người chữa bệnh cần ý thức về sự dễ bị tổn thương của mình. Chính họ dễ bị tổn thương và đó là một phần lý do khiến họ chữa bệnh. Đức Giêsu hoàn toàn dễ cảm thương cho người khác. Người nhận đau khổ của người khác cho mình: Người chịu đau khổ với mỗi người.

Dù khi ở giữa đám đông, nếu có người nào chạm vào Người và được chữa lành, Người biết ngay. Tại sao lại như thế? Bởi vì mỗi sự chữa lành đều lấy đi của Người một điều gì đó. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng: “năng lực từ Người thoát ra. Và Người cảm thấy năng lực ấy thoát ra”. Chính năng lực ấy và đức tin của người bệnh tạo ra sự chữa lành.

Thỉnh thoảng Đức Giêsu chữa lành một người và để người ấy lấy đi bớt năng lực của Người. Sự cao cả của Người là Người sẵn sàng trả giá cho việc chữa lành những người khác. Chúng ta theo bước chân của Người khi chúng ta hiến dâng chính mình để giúp đỡ những người khác.

Mỗi người chúng ta có thể làm công việc chữa lành nào đó nếu chúng ta cho phép mình trở nên công cụ của Người. Chúng ta có thể không có khả năng chữa trị, nhưng có khả năng chăm sóc. Và chăm sóc cũng thuộc phần việc chữa trị. Chúng ta băng bó vết thương, nhưng chính Thiên Chúa làm vết thương lành.

Tuy nhiên, mỗi hành động chăm sóc cũng đòi chúng ta phải trả giá. Năng lực thoát ra khỏi chúng ta. Nhưng chúng ta chớ để mình kiệt sức. Nếu chúng ta luôn tiếp xúc với Chúa năng lực trong chúng ta được phục hồi liên tục.

Có những người luôn giữ được niềm tự tin và tính lạc quan. Tính cách này trở thành một thứ thuốc bổ cho người bệnh. Năng lực thoát ra từ họ và đi vào những người khác. Họ sung sướng khi giúp đỡ những người khác, và giúp đỡ những người khác là chữa lành.

Ở một mức độ nào đó, chúng ta đều bệnh tật. Nhưng chúng ta có xu hướng che giấu bệnh tật và thương tích của chúng ta. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu mang bệnh nặng và trong trường hợp của bà, bệnh tật quá rõ ràng. Nhưng người ta có thể bị bệnh tật mà không xuất hiện ra bên ngoài. Họ mang những thương tật vô hình – cảm giác mình bị bỏ rơi, thất bại, không có phẩm giá, cô đơn, cay đắng, hờn giận… Vì thế, tất cả chúng ta cần được chữa lành.

Và tất cả chúng ta có thể là những người chữa trị. Đời sống chúng ta luôn luôn xúc phạm đến đời sống của những người khác. Với một chút thiện cảm, chúng ta có thể chữa lành những tâm hồn mang thương tích. Với một chút chăm sóc, chúng ta có thể làm cho một tâm trí, bối rối được nhẹ nhõm. Với một chút thời gian, chúng ta có thể làm vơi nhẹ nỗi đau của một người cô độc. Thỉnh thoảng mỗi người chúng ta nên dừng lại và tự hỏi: “Điều gì thoát ra từ tôi qua công việc, hành vi, và những mối quan hệ – điều gây tổn thương hay điều giúp chữa lành?”.

Chữa lành không chỉ là nhiệm vụ dành cho cá nhân. Nếu chúng ta có thể tạo ra những cộng đoàn ở đó mọi người có thể qui tụ, cùng làm việc và nâng đỡ nhau, lúc đó sự chữa lành trở thành một phần của đời sống hàng ngày.
(tinmung.net)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ (Lc 1, 57-66.80)


Làm chứng Chúa bằng lời nói và việc làm tốt đẹp!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Đồng thời với Chúa Giêsu, có một người thật lạ lùng: lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà mẹ già đã quá tuổi sinh con; lạ lùng vì khi đang còn trong lòng mẹ, đã được sạch tội tổ tông; lạ lùng vì khi đang còn thanh niên, đã lên núi, sống cuộc đời tu trì khổ hạnh; lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi, xem như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến mà thôi; lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ luật Chúa. Đó là thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn chúng ta mừng lễ sinh nhựt trọng thể hôm nay.
 

Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng Chúa Cứu Thế bằng lời nói.
 
Trưóc khi Chúa Cứu Thế đến, thánh Gioan đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết và yêu mến Chúa Giêsu, và dọn lòng mọi người tiếp rước xứng đáng Chúa Giêsu. Thánh nhân nói: "Hãy triệt hạ các đồi núi”, nghĩa là: hãy sống khiêm nhượng và hiền lành; "Hãy sửa thẳng những đường quanh co”, nghĩa là: hãy có ý ngay lành vì Chúa trong mọi công việc mình làm; "Hãy san bằng những đường gập ghềnh”, nghĩa là: hãy lánh xa những trở ngại làm chúng ta xa Chúa, như chạy theo danh vọng, ham mê tiền bạc, mê dắm dục vọng; "Hãy lấp đầy những hố sâu”, nghĩa là: hãy sống thánh thiện để đưa mình lên ngang hàng với địa vị cao sang của người làm con Chúa.

Mặc dầu được dân chúng quý trọng và xem như Đấng Cứu Thế, thánh Gioan Tẩy Giả vẫn luôn khiêm nhượng, cho mình chỉ là tiếng kêu thúc giục mọi người dọn đàng cho Chúa Cứu Thế đến: "Tôi là tiếng kêu trong rừng ; hãy dọn đàng cho Chúa Cứu Thế đến”.

Thánh Gioan Tẩy Giả còn xem mình như người đầy tớ của Chúa Cứu Thế mà thôi: "Sau tôi, sẽ có một Đấng đã có trước tôi. Ngài cao trọng hơn tôi, đến đỗi dù cởi dây giày cho ngài, tôi cũng không xứng đáng ”.

Và khi thấy Chúa Cứu Thế đến, thánh Gioan Tẩy Giả hô to: "Đây Chiên của Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!”

Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng Chúa Cứu Thế bằng việc làm tốt đẹp.

Không những làm chứng Chúa Cứu Thế bằng lời nói, thánh Gioan Tẩy Giả còn làm chứng bằng việc làm, nghĩa là bằng đời sống đạo đức thánh thiện của mình và bằng chính máu mình đổ ra.

Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả rất thánh thiện, đến đổi dân chúng cho rằng chính ngài là Đấng Cứu Thế đang đến. Ngay cả những hạng biệt phái, luật sĩ, tư tế cũng ngạc nhiên, sai người đến hỏi ngài có phải là Đấng Cứu Thế không. 

Mặc dầu được mọi người kính trọng như một vị thánh, thánh Gioan Tẩy Giả vẫn luôn khiêm nhượng, áo thì mặc lông lạc đà, của ăn là châu chấu và mật ong rừng. Ngài tự xưng mình là tiếng kêu trên rừng, là kẻ đầy tớ hèn mọn nhất của Đấng Cứu Thế.

Mặc dầu bị các kẻ kiêu ngạo biệt phái, luật sĩ, tư tế từ chối không tin, thánh Gioan Tẩy Giả vẫn nêu cao luật Chúa và nói cho họ biết cơn giận của Chúa sẽ đến tiêu diệt họ như tiêu diệt những cành cây khô cằn cỗi.

Mặc dầu vua Erode đầy quyền uy cao sang, nhưng khi vua lỗi luật Chúa và làm gương xấu, thánh Gioan Tẩy Giả cũng vẫn lên án tội lỗi của vua, dù bị giam tù và phải chết thê thảm.

Bằng lời nói và bằng việc làm, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm tròn sứ mạng chứng nhân cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy noi theo gương thánh nhân để làm chứng Chúa bằng lời nói và bằng việc làm của mình.

Chúng ta hãy làm chứng Chúa bằng lời nói.

Lời nói là đặc biệt của con người, vì thế, con người được định nghĩa là con vật biết nói. 

Nhưng lời nói của chúng ta có thể tốt, cũng như có thể xấu. Khi chúng ta nói những lời tốt, chúng ta xây dựng, chúng ta đem lại sự vui vẻ cho kẻ khác, chúng ta đem lại sự hòa bình cho mọi người. Những khi đó, chúng ta làm chứng Chúa bằng lời nói. 

Trái lại, khi chúng ta nói những lời xấu, chúng ta phá đổ, chúng ta đem lại sự buồn phiền cho kẻ khác, chúng ta gây nên thù, nên oán cho người ta.

Để làm chứng Chúa bằng lời nói, chúng ta không nói những lời gây buồn phiền cho kẻ khác, nhưng chúng ta nói những lời đem lại sự vui vẻ cho mọi người. Chúng ta không nói những lời chỉ trích, phá đổ, nhưng chúng ta nói những lời yêu thương, xây dựng. Chúng ta không nói những lời tục tĩu nhớp nhúa, nhưng chúng ta nói những lời trong sạch, thanh cao. Chúng ta không nói những lời bi quan, lên án, nhưng chúng ta nói những lời cao thượng, những lời khuyến khích và an ủi.

Chúng ta hãy làm chứng Chúa bằng việc làm tốt đẹp.

Lời nói không có giá trị cho bằng việc làm. Lời nói qua đi, nhưng gương lành thì tồn tại. Lời nói không làm cho ai theo chúng ta. Chỉ có gương tốt mới lôi kéo kẻ khác theo chúng ta. Để làm chứng Chúa bằng việc làm, chúng ta hãy luôn luôn treo cao gương tốt.

Trước hết, chúng ta hãy làm gương tốt trong gia đình chúng ta. Cha mẹ làm gương tốt cho con cái, vợ chồng làm gương tốt cho nhau, anh chị làm gương tốt cho em út. Mọi người trong gia đình hãy thi đua sống thánh thiện, thi đua giữ luật Chúa, thi đua làm việc lành phước đức. Hạnh phúc thay cho những gia đình như vậy ! Gia đình họ được bằng an, vui vẻ. Gia đình họ được đầy ơn Chúa. Gia đình họ trở thành thiên đàng trên mặt đất nầy.

Rồi chúng ta hãy làm gương tốt cho mọi người xung quanh mình. Xung quanh chúng ta, có nhiều kẻ còn chưa biết Chúa. Xung quanh chúng ta, có những kẻ lơ đạo, bỏ đạo, nghịch đạo. Tất cả những người nầy sẽ được ảnh hưởng tốt khi thấy gương tốt của chúng ta. Quá trình của một cuộc trở lại, phần nhiều là: thấy trước, rồi tin sau. 

Gương tốt của chúng ta ảnh hưởng trên kẻ khác, dẫu nhiều khi chúng ta không biết. Khi chúng ta nâng mình lên cao bằng đời sống gương tốt, chúng ta nâng mọi người lên theo, chúng ta nâng cả thế giới lên theo. Chúa dạy chúng ta là ánh sáng chiếu soi mọi người. Chúa dạy chúng ta là muối làm cho mặn mòi kẻ khác. Theo Đạo Chúa, không phải chỉ là Giữ Đạo, mà còn phải Sống Đạo và Truyền Đạo bằng đời sống gương tốt của mình.

Mọi người chúng ta hãy bắt chước gương thánh Gioan Tẩy Giả, làm chứng Chúa Giêsu bằng lời nói của mình, bằng việc làm của mình, bằng gương tốt của mình, để giới thiệu Chúa Giêsu cho kẻ khác, để đem Chúa Giêsu đến cho kẻ khác, để làm cho mọi người biết Chúa Giêsu và yêu mến ngài.

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 11 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 4, 26-34)


 GIEO LỜI YÊU THƯƠNG

Malcolm Dolkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương. Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.

Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn. Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện. Dolkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.

Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng. Đối với cậu, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là bốn chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!” Chỉ bốn chữ mà cũng đủ thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé. Trước khi nhận được bốn chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm. Còn sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào bàn và bắt đầu viết một câu chuyện ngắn, một câu chuyện về tất cả những điều cậu đã từng mơ tới và không bao giờ dám nghĩ mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ được một chuyện cậu lại mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét.

Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkoff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé tự ti ngày nào. Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là bốn chữ đầu tiên cô đã từng phê: “Em viết hay lắm!” bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người. Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lập lại lời chê trách đối với con. Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ luôn gieo vào tâm trí trẻ thơ những lời nói việc làm chất chứa đầy hiềm khích, bất công. Và ngược lại, biết bao con người đã bẻ gãy ổ khóa tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân. Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ vào gương lành của tha nhân đã gieo vào lòng họ những lời nói, những việc làm tốt. Những lời nói, những việc làm của ta tưởng như vô tình nhưng thực ra nó vẫn âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.

Cha ông ta vẫn thường nói “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình. Nhưng là lựa lời để nói. Nói để xây dựng con người. Nói để giúp họ thăng tiến. Đừng dùng lời nói làm đau lòng người khác, và cũng đừng dùng lời nói để kết án anh em. Một lời nói có thể thay đổi cả đời người. Hãy trao tặng cho anh em những lời nói thật chân tình và đầy ắp yêu thương. Lời nói không mất tiền mua, không phải để chúng ta phung phí bừa bãi, nhưng biết quý trọng từng lời. Lời nói thể hiện nét đẹp văn hóa nơi con người. Hãy biết chắt lọc ngôn ngữ. Hãy làm cho lời nói của ta có giá trị bằng cách biết dùng lời cho vừa lòng nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi lời Chúa. Gieo trong kiên trì. Dù đêm hay ngày. Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc. Cô giáo của Malcolm Dolkoff nếu không gieo vào lòng ông lòng tin và nghị lực thì không có một nhà văn tài ba. Người ky-tô không gieo lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?

“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Người ky-tô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn để lại dấu ấn của yêu thương và hy vọng cho nhân thế. Amen 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 
(tinmung.net)

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁC CA ĐOÀN LẦN I


Trong dịp Năm Thánh 50 Năm Thành Lập Giáo xứ, các ca đoàn Giáo xứ Thuận Phát đã nhận Thánh Antôn Pađôva là Bổn Mạng chung cho tất cả các ca đoàn trong giáo xứ và chọn ngày Mừng Lễ Bổn Mạng 13.6 hàng năm làm ngày truyền thống, bắt đầu từ năm 2012.

Năm nay vì nhà thờ đang trong thời gian xây mới nên Ngày Truyền Thống lần đầu tiên đã được tổ chức giản đơn với một Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Antôn và cầu nguyện cho các ca đoàn vào lúc 17g30 Thứ Tư 13.6.2012. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Nhứt, OP giảng và dâng lễ.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

MỪNG LỄ BỔN MẠNG

13.6.2012
HÂN HOAN MỪNG LỄ
THÁNH ANTÔN PAĐÔVA,
LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH


BỔN MẠNG GIÁO XỨ
BỔN MẠNG CÁC CA ĐOÀN
NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁC CA ĐOÀN
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ NĂM B (Mc 14, 12-16.22-26)



MÌNH MÁU THÁNH CHÚA


Con quỳ suy niệm trước nhan Ngài

Tình Ngài dâng hiến trọn cho ai?

"Cứu Nhân Thập Tự treo dâng hiến

Độ Thế Dọc Ngang gạch nối dài"

"Máu Thánh nuôi hồn tươi sự sống

Thần Lương bổ sức chẳng tàn phai"

Lạy Chúa! Giêsu trong Thánh Thể

Hồn con thờ kính suốt đêm ngày.


 

Trầm Hương Thơ 07.06.2012
Đại lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa  

(thanhlinh.net) 
 

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

MỘT CÂU CHUYỆN CÓ HẬU


Cuộc đời đẫm lệ của mẹ hoàng tử nhạc Pop Justin Bieber

Là mẹ của Justin Bieber, hoàng tử nhạc Pop người Canada và được liệt vào danh sách những người phụ nữ giàu có nhất trên thế giới, hiếm ai có thể ngờ rằng Pattie Mallette đã phải trải qua một thời tuổi thơ không êm đềm.

Từng bị cưỡng hiếp, nghiện rượu, ma túy, trộm cắp để kiếm sống và trở thành mẹ ở tuổi 18, nhưng nhờ có lòng tin và khao khát về một cuộc sống tươi đẹp, người mẹ ấy đã vượt qua tất cả mọi trở ngại để vươn lên và giúp con có được sự nghiệp thành công như hiện nay.


Người phụ nữ với tuổi thơ đầy bất hạnh

Là con thứ trong một gia đình nghèo có hai người con ở Canada, ngay từ khi ra đời, chưa một ngày nào Pattie được hưởng không khí gia đình đầm ấm với những bữa cơm ngon, những phút giây hạnh phúc bên bố mẹ, ngược lại, bà luôn phải sống trong nỗi phấp phỏng, lo âu, những nỗi đau tinh thần và thể xác dồn nén.

Cha mẹ bà vốn sống không hòa thuận, họ liên tục gây gổ, chửi mắng nhau, thậm chí, mẹ bà thường xuyên bị cha đánh đập và lạm dụng tình dục cho đến khi ông qua đời, năm đó Pattie tròn 3 tuổi. Không lâu sau, mẹ lại tái hôn.

Những tưởng cuộc sống của ba mẹ con sẽ được sung sướng, không ngờ, người cha dượng còn tồi tệ hơn nữa và đây cũng chính là địa ngục trần gian đã khiến cuộc đời của cô bé Pattie tội nghiệp rơi vào ngõ cụt.

Khi Pattie 5 tuổi, người chị gái qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khốc, cũng thời gian đó, cô bé đã bị cha dượng cưỡng hiếp. Sự việc này kéo dài trong 5 năm liền.

Ở tuổi đó, Pattie bé nhỏ không ý thức được chuyện gì đang xảy ra nhưng những nỗi đau đớn, sợ hãi trong tâm hồn cô bé cứ chất chồng lên theo năm tháng đã khiến cô ngày càng trở nên chai lỳ, sống bất cần đời và coi thường tất cả.

Ở trường, Pattie không chơi được với ai ngoài đám bạn hư hỏng thường tụ tập uống rượu, hít ma túy rồi trộm cắp.

14 tuổi, Pattie bỏ nhà theo đám bạn đầu đường xó chợ và sống chung với 4 nam thanh niên khác trong vài năm. Cuộc sống của cô lúc đó tiếp diễn theo một vòng luẩn quẩn – hành hung, cướp bóc để có tiền phục vụ nhu cầu rượu chè, ma túy và tình dục.

Đến năm 17 tuổi, Pattie đã nếm trải đủ các hương vị đắng cay nhất của cuộc đời: Cô đơn, mất mát, bị xa lánh, khinh bỉ,…

Những lúc say thuốc, say rượu, cô gái không cảm nhận được nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhưng nhiều đêm không ngủ, đối diện với những ký ức tuổi thơ rồi viễn cảnh tương lai mờ mịt, cô bé luôn tự dằn vặt bản thân mình.

Pattie không biết tương lai của mình sẽ đi về đâu khi trong tay không có nghề nghiệp gì. Nhìn quanh, cô chẳng có lấy nổi một người bạn tử tế. Rồi đây, ai sẽ có đủ can đảm để gắn bó cuộc đời với một cô gái giang hồ?

Càng nghĩ, Pattie càng cảm thấy thất vọng về bản thân mình. Một chiều lang thang trên đường phố đông đúc nhìn dòng người qua lại, Pattie bỗng cảm thấy lạc lõng và cô khóc. “Mình sống vì ai, vì cái gì? Có ai cần mình không?”, Pattie nghĩ.

Và ngay lúc đó, cô muốn được chết. Chặn đầu chiếc xe tải đang trờ tới, những tưởng cuộc đời cô bé tội nghiệp đã chấm dứt nhưng may mắn là tài xế lái chiếc xe tải đó đã phanh gấp kịp thời và điều khiển chiếc xe lao vào thanh chắn đường.

Mở mắt ra, Pattie thấy mình đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu của một bệnh viện địa phương, không ai chăm sóc.

Tìm được mục đích sống nhờ lòng tin

Nằm trong bệnh viện, Pattie mới thấm thía nỗi cô đơn hơn bao giờ hết. Xung quanh cô toàn những người xa lạ nhưng họ luôn có người thân hoặc bạn bè ở bên.

Còn cô, ngay từ lúc được đưa vào bệnh viện này - “Chắc cũng được mấy ngày” - cô nghĩ thầm – “Chẳng có một ai đến thăm nom”. Cô gái gan lỳ là vậy lúc này bỗng trở nên mềm yếu. Những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài.

Trong một lần đến thăm bệnh viện, một linh mục tốt bụng đã biết câu chuyện cô gái trẻ tự tử. Từ đó, ông thường xuyên đến thăm Pattie. Mỗi lần ghé thăm, ông lại mang theo rất nhiều thức ăn ngon và một bông hoa hồng, ông nói đó là đóa hoa Chúa muốn gửi cho Pattie.

“Con muốn tự tử vì không muốn sống nữa? Con thực sự không muốn có mặt trên cõi đời này nhưng con có biết rằng Chúa đã tạo ra con với một mục đích và Ngài có một kế hoạch dành cho con.

Tại sao con không tiếp tục sống và cho Chúa một cơ hội để hoàn thành kế hoạch của Ngài và chờ xem những gì Ngài ban thưởng cho con? Hãy tin tưởng vào Chúa và mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con, ta hứa” - Pattie nhớ như in những lời vị mục sư nọ nói.

Đầu tiên khi nghe những lời đó, Pattie cảm thấy không thoải mái và đôi mắt cô nhìn lơ đãng lên trần nhà. Trong sâu thẳm trái tim, cô đã nghĩ rằng ông ta nói về Chúa quá nhiều.


Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, những lời nói của vị mục sư nọ như ngấm vào từng mạch máu đang chảy trong huyết quản của cô, khiến cô hoàn toàn thay đổi suy nghĩ và Pattie nhận ra rằng, cuộc đời này vẫn còn đáng sống và đẹp biết bao.

Ra khỏi bệnh viện, Pattie xin vào tá túc trong một nhà thờ. Cô không tìm đến những người bạn giang hồ nữa, thay vào đó, hàng ngày, cô tìm sự thanh thản trong nhà nguyện.

Nhưng 8 tháng sau, cuộc sống của Pattie lại tiếp tục bị đảo lộn bởi cô phát hiện mình đã mang thai sau một lần đi quá giới hạn với Jeremy Bieber, một người thợ mộc 19 tuổi có lý lịch không mấy sáng sủa.

Anh này thường xuyên uống rượu say xỉn rồi gây sự với những người xung quanh và đã nhẵn mặt với các trạm công an địa phương.

18 tuổi, Pattie sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Justin. Dù còn trẻ nhưng vì con, cả Pattie và Jeremy đều mong muốn sẽ cùng xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Tuy nhiên, cũng như bao cặp đôi trẻ tuổi khác, họ không bao giờ nhường nhịn nhau, những cuộc tranh cãi nảy lửa thường xuyên xảy ra và họ đều nhận ra một điều: Họ chưa sẵn sàng với cuộc sống gia đình. Pattie và Jeremy chia tay vào tháng 4/1995 khi Justin mới được 13 tháng tuổi.

Người mẹ đơn thân nổi tiếng nhất thế giới

Sinh con ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, không người thân, không họ hàng, không nghề nghiệp, Pattie phải là một người phụ nữ cực kỳ bản lĩnh mới dám một mình gánh trách nhiệm nuôi con. Sau những ngày dài khóc ròng, Pattie đã có được suy nghĩ tích cực hơn.

Chúa đã ban cho cô một món quà vô cùng quý giá, đó là cậu con trai Justin, vậy tại sao cô không sống vui vẻ và trân trọng những gì mình có. Cuối cùng, cô cũng nhận ra rằng Justin chính là mục đích sống duy nhất của cuộc đời cô và cô quyết tâm sẽ nuôi dưỡng bé nên người.

Tuy nhiên, để nuôi được một đứa trẻ không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là với một cô gái trước đó chỉ biết ăn chơi lêu lổng, nghiện rượu, ma túy và không có việc làm như Pattie. “Thậm chí lúc đó tôi không biết bồng bế và cho con ăn như thế nào” - bà Pattie nhớ lại. Khó khăn cứ thế chồng chất khó khăn.

Nhờ sự giúp đỡ từ phía nhà thờ, Pattie thuê một căn hộ nằm trong một khu nhà cao tầng cũ cho hai mẹ con. Nói là căn hộ nhưng thực ra đó chỉ là một căn phòng tồi tàn và chật hẹp, chật đến nỗi Justin phải cất chiếc xe đạp vào trong phòng bếp vì phòng khách không còn đủ chỗ.

Thậm chí hai mẹ con cũng không có nổi một chiếc giường để nằm và trong phòng lúc nào cũng đầy chuột, tủ lạnh thường xuyên không có thức ăn.

Lúc này đây, không có đủ tài chính để chi trả cho cuộc sống, người mẹ trẻ đã quyết tâm bỏ thói quen dùng rượu và thuốc. Thời gian đầu thật khó khăn đối với Pattie bởi không dễ gì người ta có thể từ bỏ những thói quen thường xuyên diễn ra trong một thời gian dài.

Nhưng hàng ngày nhìn con khóc ngằn ngặt vì đói, bé cũng không có nổi một món đồ chơi, lòng người mẹ trẻ đau thắt lại và cô càng có quyết tâm hơn.

Sau rất nhiều nỗ lực tưởng không thể vượt qua, Pattie đã bỏ được rượu và thuốc. Cô cũng tìm được việc một công việc làm ca đêm trong một tòa cao ốc. Với đồng lương ít ỏi, cô không dám chi tiêu bất cứ thứ gì cho mình mà luôn dành dụm từng đồng một cho Justin.

Có những thời điểm, cô phải làm cùng một lúc 2 công việc để có thể vừa chi trả tiền nhà, vừa nuôi con. Cuộc sống dù khổ cực nhưng Pattie luôn nghĩ tới tương lai phía trước rằng con cô sẽ có một cuộc sống tốt hơn nhiều với cuộc sống mà cô đã trả qua.

Tháng 2/1997, 3 tuần sau sinh nhật lần thứ 3 của Justin, Jeremy bất ngờ tìm đến đòi quyền thăm con. Anh ta đã hứa bỏ rượu và không dùng thuốc khi ở cùng cậu bé.

Đầu năm 1998, anh này đòi tăng số lần thăm Justin và được ngủ qua đêm cùng cậu bé nhưng Pattie không đồng ý bởi cô nhận thấy Jeremy vẫn thường xuyên có những hành động bạo lực, vẫn uống rượu và dùng thuốc ngay cả khi ở cùng Justin.

Cuộc chiến tranh giành quyền giám hộ của họ phải nhờ tới sự can thiệp của tòa án. Cuối cùng, vì lòng thương con vô bờ bến và sự đấu tranh không mệt mỏi vì sự an toàn của con, Pattie thắng kiện.

Năm Justin lên 4 tuổi, Pattie nhận ra cậu bé rất có năng khiếu về âm nhạc. Cô đã thu âm một bản nhạc do Justin hát rồi đẩy lên các trang mạng xã hội. Thật không ngờ, bài hát đó đã nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng và nhận được những phản hồi tích cực.

Pattie lại dành dụm tiền để cho con theo học một lớp thanh nhạc. Đây cũng chính là tiền đề giúp Justin trở thành sao “bự” như hiện nay.

Năm Justin lên 5 tuổi, thời điểm khó khăn nhất của Pattie khi cô không có khả năng tài chính và chẳng có ai thân thích để chia sẻ thì may mắn thay, hai mẹ con được một gia đình người Anh tốt giúp đỡ. Họ nhận Justin làm con nuôi.

Cha mẹ nuôi của Justin đối xử với cậu bé không khác gì con ruột. Ở với họ, cậu bé được cho đi học và giáo dục nghiêm khắc. Cuộc sống của hai mẹ con Justin đã tốt đẹp hơn nhờ đó.

Khi Justin 14 tuổi, các video ca nhạc của cậu được mẹ tải lên youtube được nhiều người biết đến và ngay lập tức, cậu bé trở thành hiện tượng của làng âm nhạc thế giới. Hiện tại, Pattie Mallette, được mệnh danh là bà mẹ đơn thân nổi tiếng nhất thế giới luôn sát cánh bên con trai mọi lúc mọi nơi.

Bà ủng hộ con trong tất cả các đêm diễn, thức đêm chuẩn bị đồ cho con trong những chuyến lưu diễn dài ngày, kiểm soát lịch làm việc cũng như thói quen sinh hoạt và việc học hành của con.

Pattie cũng vừa xuất bản một quyển sách có tựa đề “Nowhere but Up” kể về những năm tháng tuổi thơ cơ cực, những khó khăn trong việc làm mẹ và nuôi dạy Justin.

“Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi một thông điệp đến các bạn đã và đang rơi vào hoàn cảnh tương tự một thông điệp rằng dù bạn có bị nhấn chìm trong những hoàn cảnh éo le nhất của cuộc đời thì cũng đừng vội tuyệt vọng. Hãy hy vọng và luôn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn” - bà Pattie, hiện đã 36 tuổi chia sẻ.
 
(bài do 1 người bạn gởi cho chị Tâm)
 

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI NĂM B (Mt 28, 16-20)



HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Từ ngày cắp sách vào lớp một, mỗi học sinh đều được học bài toán: 1+1+1 = 3 và nếu làm đúng như vậy thì lúc nào cũng được điểm tối đa. Trái lại, nếu có em nào làm phép tính: 1 + 1 + 1 = 1 thì sẽ bị cô giáo cho điểm O và bị phê là ngu xuẩn.

Thế nhưng trong một gia đình đầm ấm yêu thương thì 1 + 1 + 1 không còn là 3, mà chỉ là 1.

Hiệp thông trong gia đình

Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.

Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.

Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.”

Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mat-thêu 19, 5-6)

Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!

Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.

Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.

Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một. Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.

Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6)

Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vì tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, trong khi tình yêu của các ngôi vị trong gia đình chỉ bằng giọt nước; và vì mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với mức độ yêu thương, nên sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là vô cùng mật thiết so với sự hiệp thông còn quá mong manh giữa các thành viên trong gia đình.

Chúa Giê-su mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi

Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)

Và hôm nay, Chúa Giê-su hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
Rồi Người cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội Thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.

Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

(tinmung.net)