Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY B (Ga 12, 20-33)

   



TRAO BAN LÀ NHẬN LÃNH  

Lm.Inhaxiô Trần Ngà
Người đời thường nghĩ rằng: cho đi là mất. Họ tưởng rằng cho người khác một số tiền, một tài sản nào đó… thì họ sẽ bị mất mát, thiệt thòi. Thế nên lắm kẻ chủ trương rằng tốt nhất là đừng dại dột đem cho mà hãy khư khư giữ lấy cho mình. Tư duy nầy sẽ hình thành nơi ta một con người ích kỷ, chỉ chăm lo cho bản thân mà không quan tâm trợ giúp người khác.
Đây là một tư duy sai lầm, tai hại. Trái với chủ trương vị kỷ nầy, Chúa Giê-su dạy sống vị tha, biết xả thân cho người khác.  

Cho đi thì còn, giữ lại là mất; chính lúc trao ban là lúc nhận lãnh.
Để làm rõ sự thật nầy, Chúa Giê-su dạy: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Quả vậy. Hạt lúa nào cố tự bảo vệ sự nguyên vẹn của mình thì hạt lúa đó sẽ dần dần bị hư mốc, rốt cuộc chẳng còn gì; còn hạt lúa nào chấp nhận bị phân huỷ dưới bùn đất thì sẽ đâm mầm, mọc thành cây, nở thành bụi và sẽ trổ hoa kết hạt dồi dào: từ một hạt sẽ biến thành trăm hạt khác. 

Từ đó, Chúa Giê-su dạy rằng cuộc sống của con người ở đời nầy cũng như thế: “Ai yêu quý mạng sống mình (tự bảo toàn mình như hạt lúa trong kho) thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này (sống xả thân như hạt lúa chịu phân huỷ trong lòng đất) thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

Khi nói: “coi thường mạng sống mình ở đời nầy”, Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta coi rẻ mạng sống, nhưng là mời gọi chúng ta sẵn lòng chấp nhận xả thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Làm như thế không phải là thiệt thòi mất mát nhưng là cách để triển nở dồi dào phong phú.

Minh hoạ sau đây chứng tỏ sự thật nầy:
Tôi có hai cánh tay, hai cánh tay cùng thuộc về thân mình tôi nhưng mỗi cánh tay lại có một nếp sống khác nhau, một chủ trương khác nhau. Cánh tay trái của tôi theo chủ nghĩa vị kỷ, còn cánh tay phải theo chủ nghĩa vị tha.

Vì theo chủ nghĩa vị kỷ, luôn luôn quy về mình, nên tay trái của tôi rất ít tham gia vào công việc chung mà cứ để cho tay phải đảm đương mọi việc. Khi ăn cơm, tay trái dành cho tay phải cầm đũa. Khi viết bài, tay trái dành cho tay phải cầm bút. Khi cầm búa đóng đinh hay cầm cây kim may áo, nó chẳng chịu tham gia mà nhường cho tay phải làm hết.

Hậu quả của thói ích kỷ nầy là nó trở nên yếu đuối và thua kém tay phải trong mọi việc. Nếu tổ chức một cuộc thi giữa hai cánh tay thì khi thi viết, tay phải viết nhanh, viết đẹp, viết rõ ràng nên được điểm 10, còn tay trái viết chậm, nguệch ngoạc như mèo cào, như gà bới, nên không được điểm nào.

Khi thi đóng đinh thì tay phải đóng đinh nhanh gọn, chính xác; còn tay trái đóng trật lất. Khi thi may vá thêu thùa thì tay phải may nhanh, thêu đẹp; còn tay trái thì lóng ngóng chẳng làm được việc gì. Nói tóm lại, dù thi bất cứ môn gì, tay phải cũng dành được điểm mười còn tay trái chỉ được số không!

Cả hai cánh tay phải và trái đều thuộc về thân mình tôi, cùng được chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau, thế mà tay trái vì theo thói ích kỷ, chẳng bao giờ muốn hi sinh phục vụ toàn thân, chẳng dấn thân chăm lo cho người khác, nên nó trở nên yếu đuối và thua kém trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, vì tay phải theo chủ nghĩa vị tha, luôn chấp nhận đảm đương mọi công việc nặng nề khó nhọc, lúc nào cũng sẵn sàng hi sinh phục vụ toàn thân và phục vụ nhiều người … nên nó mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn, tài giỏi hơn, vượt xa tay trái về mọi mặt 

Nhờ tự huỷ mình đi như hạt lúa, Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha tôn vinh.
Cuộc đời của Đức Giê-su là một minh chứng cho chân lý nầy. Người là Một Hạt Lúa chấp nhận tự huỷ đi. Dù là Thiên Chúa thật đồng hàng với Chúa Cha nhưng Người đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa Cha, trái lại Người đã hủy mình ra không, mang lấy thân phận giòn mỏng của kiếp người, chấp nhận chết ô nhục trên thập giá, chịu mai táng trong lòng đất, để phục vụ và cứu rỗi muôn dân. Nhờ đó, Người được phục sinh vinh quang, được lên trời vinh hiển, được tôn vinh làm vua trên trời dưới đất (Philip 2, 6-8).

Thánh Phao-lô tóm lược cuộc đời tự huỷ của Chúa Giê-su như sau: Vì chấp nhận tự huỷ như thế, “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ và …tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Phi-líp-phê 2, 9-11) 

Đón nhận bài học của Chúa Giê-su
Một ngọn nến phải chấp nhận tiêu hao thì mới có thể toả sáng. Một máy bay phải tiêu hao nhiên liệu mới có thể cất cánh. Một vệ tinh, một tàu vũ trụ phải tiêu hao một số năng lượng khổng lồ mới có thể được phóng lên không gian...

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết khôn ngoan chấp nhận hi sinh, sẵn sàng tiêu hao thời giờ, sức khoẻ, trí tuệ, nghị lực để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, nhờ đó cuộc đời chúng con sẽ phát triển vạn lần tươi đẹp. 

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B (Ga 3, 14-21)


Mời xem videoclip>>

THÍCH GÌ
Sưu tầm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rất rõ ràng về bản chất của tội lỗi. Tội chính là chọn lựa bóng tối thay vì chọn ánh sáng là đời sống của Chúa Giêsu. Đây là một sự thật rất kinh khủng về tội. Tội là một cớ vấp phạm, không một suy tư nào có thể biện minh cho tội lỗi. Vì Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng những hành vi tội lỗi đều là sự dữ.

Điều chúng ta nên làm là thường xuyên phản tỉnh về những chọn lựa mà chúng ta đang làm, và phân biệt đó là sự chọn lựa bóng tối của tội lỗi hay chọn lựa ánh sáng sự thật của Chúa Giêsu Kitô.

Khi phản tỉnh về những điều sai trái của tôi, tôi cảm thấy bị vỡ mộng và khó chịu về sự bất lực không làm được những chọn lựa đúng của tôi. Cuộc sống của tôi dường như phản ánh cuộc chiến đấu của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đoạn 7. Trong đoạn này, thánh nhân nói điều mà mình biết là cần phải làm thì lại không làm được.

Trong thực tế, Giáo Hội khuyến khích chúng ta thực hành việc xét mình hàng ngày, vào ban tối trước khi đi ngủ. Vào lúc xét mình, chúng ta nhớ lại các sự việc đã xảy ra trong ngày và tạ ơn Chúa vì những phúc lành mà Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng nhớ lại các tội đã phạm và những điều chúng ta cần phải làm mà đã không làm và ăn năn thống hối tất cả các tội lỗi đã phạm. Nhờ ơn Chúa, qua việc xét mình này, chúng ta thấy rõ tâm hồn của mình, nhận biết các tội đã phạm, giúp chúng ta tỉnh thức hơn để canh phòng tâm trí của mình và sẵn sàng đón nhận những ơn soi sáng của Chúa.

Chúng ta cần nhận thức cuộc sống của chúng ta là một chiến trường giữa hai lực lượng thiện và ác. Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu vì chúng ta. Chúng ta chỉ chiến thắng khi khắc phục được tội lỗi và các cơn cám dỗ. Thiên Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta chịu thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta. Nhưng chúng ta phải cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, để nhờ đó, chúng ta luôn sống như con cái của ánh sáng và không trượt ngã vào trong vương quốc của tối tăm và tội lỗi.

Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh và can đảm để con chiến đấu với các đam mê tội lỗi và nết xấu của con.

(tinmung.net)

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

xin chia sẻ ...

Xin chia sẻ.

Giáo xứ Chí Hòa 
nơi Lòng Thương Xót Chúa tuôn đổ muôn ơn

VRNs (10.03.2012) – Sài Gòn – Mặc dù trời buổi trưa nắng gắt nhưng nơi đây có hàng ngàn con người đang chen chúc và sốt sắng cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Mọi người cầu cho được ơn chữa lành bệnh tật, cầu cho được công ăn việc làm, cầu cho được bình an thoát khỏi mọi hiểm nguy gian nan trong cuộc sống và làm chứng về những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban xuống cho mổi người sau những lần tới đây cầu nguyện.

Đến với giáo xứ Chí Hòa thuộc Phường 6, Quận Tân Bình, TP.Sài Gòn vào buổi trưa thứ Năm trong giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa chúng ta không thể không bàng hoàng trước sự đông đúc của đoàn con cái Chúa. Theo ước tính của phóng viên VRNs có không dưới mười ngàn người, gồm những người có đạo, những người chưa theo đạo và những người thuộc các tôn giáo khác từ khắp nơi từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền Tây và rất nhiều người từ nước ngoài như Úc, Mỹ, Nhật, Pháp đã về đây để cầu nguyện xin ơn và làm chứng cho những hồng ân mà họ đã lãnh nhận được.

Với sự chủ trì của cha Giuse Trần Đình Long cùng với cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa, mọi người bất kể thành phần tôn giáo hay quốc tịch nào đến đây đều được hiệp thông dâng lời cầu nguyện một cách sốt mến nhằm nguyện xin thiên Chúa đoái thương mà cất đi bao nỗi lo toan nhọc nhằn của cuộc sống, chữa lành các bệnh tật đang mang trong mình, hàn gắn các vết thương lòng, và cầu nguyện cho công ăn việc làm…

Qua lời kể của các nhân chứng hôm nay trong nguyện đường người ta thấy rõ ràng Chúa đã luôn đoái thương đến con cái Người, và càng khẳng định hơn về vai trò của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày, rõ ràng “đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể” khi lần lượt các nhân chứng cho biết:

- Một anh người Việt ở Úc đã về với giáo xứ Chí Hòa để cám ơn Cha và cộng đoàn đã cầu nguyện cho anh và anh đã được khỏi bệnh Ung Thư. Anh nói: hơn hai năm trước trong người anh nổi lên rất nhiều khối u và khi đi khám bác sĩ thì cho biết các khối u mà anh đang mang trong mình đều là u ác tính. Anh đã rất hoang mang và đau buồn mặc dù nền y học ở Úc khá hiện đại nhưng qua kết quả kiểm tra của hội đồng y khoa cho thấy khó chữa trị, anh đã sa sút nhiều. Tình thương của Chúa đã đến với anh khi có một người bạn giới thiệu với anh về cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Anh đã tìm đến qua phương tiện truyền thông và tham gia cầu nguyện và kết quả là anh đã được chữa lành.

- Một bà độ 70 tuổi ở Vũng Tàu bị bại liệt nửa người. Bà cho biết bà đã bị bại liệt rất lâu rồi, chân và tay của bà hoàn toàn không cử động được, nằm đau, đứng đau và ngồi cũng đau. Con gái bà đã đưa bà đi điều trị ở một số bệnh viện ở Mỹ và Việt Nam nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bà đã tuyệt vọng với bệnh của mình, và may cho bà là trong cơn tuyệt vọng đó có người đã nói cho bà nghe về cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, ngay tức thì bà nói lại với con của bà là “Mẹ sẽ đi cái này còn hơn đi bác sỹ”, và bà đã nhận được ơn chữa lành ngay ngày cầu nguyện đầu tiên ở nhà thờ Chí Hòa. Bản thân bà đã rất ngạc nhiên và đã tự hỏi “Chúa ơi, sao Chúa cho con nhanh như vậy?”

- Chị Thỉnh là người buôn bán điện thoại ở Quận 1, TP.Sài Gòn bị bại một cánh tay trong 6 năm và 14 năm không biết về Chúa mặc dù chị là người theo đạo từ nhỏ: Chị cho biết chị đã rất khô khan nguội lạnh với Chúa trong suốt 14 năm qua, và chị đã bị bại một cánh tay trong suốt thời gian 6 năm mà không sao chữa trị được. Khi nghe nói về cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa chị đã tìm đến và được chữa lành cánh tay, ngoài ra điều quan trọng là chị đã lấy lại được niềm tin yêu trong Chúa, bây giờ chị cảm thấy rất bình an và luôn cầu nguyện cùng Chúa để xin ơn chữa lành cho những người ở quê hương của chị là tỉnh Nam Định.

- Còn nhiều chứng nhân khác, có dịp phóng viên sẽ nêu trong bài viết sau…

Diện tích của khuôn viên giáo xứ và nhà thờ hạn chế và với sự nô nức nườm nượp của đoàn người quá đông đảo nên để kiếm được dù chỉ một chỗ đứng trong sân nhà thờ là thật sự khó khăn cho ai đó nếu đến muộn, còn việc để vào được thánh đường thì càng khó khăn hơn nếu không đến trước 10h sáng mặc dù thánh lễ được cử hành lúc 12h trưa và cửa nhà thờ được mở cho mọi người vào lúc 11h30’. Khi đã có được chỗ đứng trong sân nhà thờ rồi thì dù đó chỉ là một góc khuất và dưới cái nắng chang chang thì cũng đành đứng yên tại chỗ mà thôi, vì không thể dịch chuyển hay dù có cố gắng dịch chuyển để tìm kiếm chỗ đứng khác tốt hơn thì rồi phải thất vọng vì chỗ cũ của mình đã có người khác vào đứng thế.

Chị Thảo đứng bên cạnh cho biết chị đã đến đây không dưới mười lần nhưng chị chỉ mới vào nhà thờ được có một lần, và để vào được nhà thờ chị đã phải chen chúc xếp hàng trước cửa từ lúc 8h sáng. Những lần còn lại và ngay cả lần này mặc dù hôm nay chị tới đây lúc 10h sáng nhưng đã phải ở ngoài, chị khuyên hãy đứng ở đây mặc dù trời có nắng chút nhưng dù sao vẫn còn có chỗ mà đứng,

Mọi người khi tới đây cầu nguyện xin ơn, được các bạn trẻ thuộc đội quân áo xanh phát cho tờ giấy để ghi lời nguyện xin và được hướng dẫn giúp đỡ nếu cần, rồi gửi để các bạn áo xanh chuyển tới cho cộng đoàn cầu nguyện. Các bạn áo xanh tích cực hướng dẫn bà con tìm chỗ ngồi hoặc đứng, tuy nhiên khi cả trong nhà thờ và ngoài sân đã chật ních, hết chỗ thì các bạn cũng đành bó tay.

Vợ chồng anh Hà ở giáo xứ Phú Thọ Hòa cho biết: Anh chị đến đây lần này là lần đầu tiên (theo sự giới thiệu của người em họ), chị Hòa (vợ anh Hà) đang mang bệnh nặng suốt bốn năm nay và bác sĩ ở bệnh viện Ung Bứu đã chê, mấy ngày qua gia đình anh rất buồn và hoang mang, chị khóc suốt vì anh chị năm nay mới ngoài bốn mươi tuổi, trên vai còn năm đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học mà kinh tế gia đình thì đang gặp nhiều khó khăn do nghề nghiệp của anh bấp bênh nên cả nhà đang sống nhờ xe đẩy bán trứng vịt lộn của chị với sự hỗ trợ của hai con gái lớn vào mổi buổi chiều tối.

Một điều lạ là khi gặp chị Hòa lúc 10h sáng, chị đang ngồi bên anh Hà trong lúc anh đang ghi lời khấn nguyện tôi thấy sắc mặt chị rất buồn, đôi mắt thất thần lộ rõ sự lo âu của người thất vọng. Nhưng vào cuối thánh lễ gặp lại chị khi cùng anh bước ra khỏi cổng nhà thờ thấy chị rất vui, vừa đi vừa cầm ly nước mía uống và tươi cười nói chuyện rôm rả với chồng chị. Chị Hòa cho biết chị sẽ trở lại cầu nguyện tiếp vào thứ năm tuần sau.

Vì đông đúc, mọi người đến đây hầu như cả ngày nên giáo xứ đã chuẩn bị khá chu đáo, từ bảng hướng dẫn nơi rước lễ, phân vùng ngồi, lối đi, khu vực phục vụ nước uống, nhà ăn, khu vực y tế, khu vực vệ sinh,… nhưng với số lượng người đổ về đây như hôm nay theo quan sát cho thấy tất cả đều quá tải. Với tâm tình con cái chúa, bản thân phóng viên tôi không biết làm gì hơn ngoài việc cầu mong Thiên Chúa giúp cho giáo xứ Chí Hòa sớm có giải pháp cơi nới mở rộng diện tích để còn tiếp đón nhiều hơn nữa con cái của Người đến với Lòng Thương Xót Chúa.

Các bác mặc đồng phục dân phòng cũng rất tích cực tham gia công tác dẹp trật tự và chắc chắn hình ảnh của các bác sẽ còn đẹp hơn nếu các bác không văng tục chửi thề trước cổng của chốn linh liêng và hăng hái hơn nữa trong việc ngăn chặn gánh hàng rong và những người bán vé số đã trà trộn chen lấn trong đoàn người tới đây cầu nguyện.

Antôn Lê
TDuy đăng lại

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY B (Ga 2, 13-25)



XÂY LẠI NHÀ THIÊN CHÚA


PM. Cao Huy Hoàng 
“Sống cái nhà, già cái mồ”. Ông bà ta thật chí lý. Ai cũng cần có căn nhà để sống. Thương thay! Cũng có người cả một đời không dựng nổi cho mình một căn nhà cho đàng hoàng. Có khi nhà là một căn lều mục tử nay đây mai đó. Có khi nhà là ghe, là thuyền, là thúng lênh đênh. Có khi nhà là xe, là tàu trên đường gập ghềnh vạn dặm…

Nhà cửa của mỗi người có khác nhau do hoàn cảnh, số phận vẫn nhưng có một điểm chung là ai cũng yêu quí căn nhà của mình và làm cho căn nhà ấy trở nên xinh đẹp, sạch sẽ, sáng sủa, mát mẻ và nhất là trở nên mái ấm hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, nhưng Ngài cũng có những căn nhà hữu hình thật đặc biệt vì “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân người” (Tv 149, 4a). Căn nhà của Thiên Chúa không chỉ là Đền Thờ được xây dựng bằng vật chất để con người bước vào gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa mà còn là mỗi con người với cả linh hồn và thân xác.

Nếu nhà của Thiên Chúa được tiên tri Malakia cho biết “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56, 7), thì con người ta, linh hồn và thân xác ta cũng đã được hiến thánh để trở nên “Nhà của Thiên Chúa” nên “nhà cầu nguyện” cho mỗi người, nên “nơi Thiên Chúa ngự trị”.

Quả thực, vì những căn nhà là “thân xác con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” đã bị hư đi do tội lỗi, nên mới có chuyện Con Một Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm và nhờ bửu huyết của chính xác phàm Thiên Chúa ấy mà tẩy sạch mọi tội lỗi nhơ uế nơi căn nhà của Thiên Chúa ban đầu thưở tạo dựng.

Chúa Giêsu trở nên Đền Thờ mới của Thiên Chúa, và Ngài cũng đã ước muốn cho mọi người nhờ Ngài, mà xây dựng lại cho Thiên Chúa một ngôi nhà xứng đáng. 
Hôm nay, Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ, làm ô uế đền thờ, Ngài muốn cho mỗi chúng ta cũng phải tấy uế tâm hồn mình, để xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị.

Thiết tưởng, mỗi người chúng ta khi đón nhận lời Chúa hôm nay, hẳn phải biết xấu hổ vì trong khi ta yêu chuộng, gìn giữ sự sạch sẽ cho căn nhà trần gian của mình, thì ta vẫn thản nhiên để cho căn nhà của Thiên Chúa nơi tâm hồn mình hỗn độn.

-Hỗn độn vì tham lam những đồng tiền, vì mê muội tôn thờ đồng tiền như cứu cánh, vì tất bật quay cuồng kiếm cho có được nhiều tiền mà không ngại lỗi phép công bằng, lỗi đức bác ái.

-Hỗn độn vì những dục tình, vì tự tôn vinh sức khỏe sắc đẹp của mình tưởng như không bao giờ mai một, vì ảo tưởng chút hạnh phúc phù du như cùng đích cuộc đời.

-Hỗn độn vì lòng hơn thua chiếm lấy một ngôi vị, một chỗ đứng, một khẳng định cho một vinh danh hão huyền chóng mất.

-Hỗn độn vì bao đam mê vật chất phù du chiếm trọn trái tim, linh hồn, thân xác con người chúng ta.

Và trong tình trạng hỗn độn ấy, tâm hồn, thân xác con người không là “nơi cho Thiên Chúa ngự trị”, không còn “là nhà cầu nguyện cho mình và cho muôn dân”, không còn là căn nhà xinh đẹp của Thiên Chúa, dành cho Thiên Chúa.

“Tôi tin xác loài người sẽ sống lại” cũng đồng nghĩa với “tôi tin thân xác tôi là đền thờ của Thiên Chúa” là “nhà cầu nguyện”. Như thế, hẳn tôi sẽ không thể chiều theo ý hướng hạ của thân xác tôi, vì nếu cứ để cho tội lỗi đột nhập vào tâm hồn tôi qua con đường thân xác, thì hẳn là, tôi đã không giữ gìn căn nhà của Thiên Chúa cho tinh tuyền, cho xinh đẹp sạch sẽ, cho xứng đáng để Thiên Chúa “vui thích ở lại trong tôi”.

Thời nay, có quá nhiều trang phục đẹp, có quá nhiều cách thể dục, thẩm mỹ làm cho thân xác ra trẻ trung xinh đẹp. Cả bạn và tôi, và cả nhiều người trong chúng ta đang rất khỏe, trẻ, đẹp, nhưng hãy hỏi lại lòng mình xem có xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị hay không.

Chắc chắn vì những tội lỗi thầm kín bên trong ta mà ta không dám trả lời rằng “thân xác con xứng đáng để Chúa ngự trị”.

Thời gian đã qua gần một nửa mùa chay thánh. Cơ hội thuận tiện đã trở nên thuận tiện hơn. Lời Chúa trở nên thúc bách hơn: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Chúa Giêsu đang muốn mời gọi chúng ta kết hiệp với Ngài để ơn cứu rỗi cho chính mình thành hiện thực. Như vậy, Ngài cũng mời gọi ta hãy để cho thân xác ta cũng kết hiệp với thân xác đau thương của Ngài, thân xác lễ tế của Ngài, để thân xác ta được tẩy sạch tinh tuyền xứng đáng là nhà của Thiên Chúa.

Người đã đến để xây dựng lại Nhà của Thiên Chúa.

Mỗi chúng ta, cùng xây dựng lại đời sống con người gồm tâm hồn và thân xác cho mới mẻ, cho sạch sẽ, sáng láng, xứng đáng là nhà của Thiên Chúa ngự trị.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhất quyết vứt bỏ những thứ hỗn độn ra khỏi con người con, để lòng con nên tinh tuyền sạch sẽ xứng đáng nơi thờ phượng Chúa, nơi Chúa ngự trị mà đón nhận ơn cứu độ của Chúa. A men

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY B (Mc 9, 2-10)



BIẾN HÌNH
Sưu tầm
Trong Mùa Chay, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta những mầu nhiệm có vẻ rất tương phản nhau: một bên là Chúa Kitô đau khổ và chịu đóng đinh, một bên là Chúa Kitô vinh quang và Phục sinh, để chúng ta suy niệm và khám phá ra hai chân lý hay hai thực tại khác không kém phần tương phản, đó là tội lỗi trầm trọng của nhân loại và lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, hiểu được hai thực tại này thì chúng ta sẽ hiểu được phần nào hai mầu nhiệm đau khổ và vinh quang. Cũng chính trong ý hướng đó Chúa Giêsu đã chuẩn bị tinh thần và củng cố niềm tin cho các môn đệ bằng việc Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào vinh quang của Ngài mà chúng ta gọi là Chúa biến hình.

Biến hình là thế nào? Có phải là một chuyện thần thoại không? Cách đây khá lâu, trên nhiều đài truyền hình, chúng ta rất thích thú được xem các trò biến hình của Tôn Ngộ Không, một kẻ có 72 phép thần thông biến hóa, chỉ cần một cái lắc mình, họ Tôn có thể biến thành một con vật, một cô thiếu nữ hay một trái bí… đó là những chuyện thần thoại, không có thực, còn việc Chúa Giêsu biến hình, không phải là một chuyện thần thoại mà là một chuyện có thực.

Biến hình, theo nghĩa thông thường người ta thường hiểu là thay đổi một hình dạng khác với hình dạng bình thường. Các môn đệ đã sống với Chúa Giêsu ba năm rồi, các ông thấy Chúa chỉ là một người có xương có thịt, có hình dạng như mọi người, dù các ông đã được nghe những lời giảng dạy hay ho, cao siêu của Chúa, dù các ông đã được chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng các ông chưa thấy chân tướng đích thực của Ngài, bây giờ Chúa biến hình cho các ông thấy, Ngài thay đổi hình dạng “con người” cho các ông thấy hình dạng “Thiên Chúa” của Ngài.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu biến hình là Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết thân thế đích thực của Ngài: Ngài chính là Con yêu dấu của Chúa Cha, Ngài là Đấng làm đẹp lòng Chúa Cha và là Đấng mà người ta phải nghe lời. Nhưng làm sao có thể nhận ra thần tính trên khuôn mặt nhân tính của Chúa? Đó là thắc mắc lớn của các môn đệ trên đường theo Chúa, và cũng là mối bận tâm của Chúa trong công cuộc giáo huấn của Ngài, thế nên mới có biến hình, đó cũng là mục đích của việc Chúa biến hình.

Ngoài mục đích bày tỏ, bộc lộ chân tướng đích thực là Con Thiên Chúa của mình, Chúa Giêsu còn nhằm một mục đích khác nữa, Ngài muốn khích lệ, động viên các môn đệ để các ông vững lòng trước mầu nhiệm thập giá, nghĩa là sau khi loan báo về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải trải qua, làm các ông khiếp sợ, Chúa lật cho các ông thấy đàng sau cây thập giá có gì, đó là sự phục sinh vinh quang, giống như Ngài biến hình trước mắt các ông lúc này. Qua đó, Chúa cũng muốn nhắn nhủ các ông: cuộc đời của các ông cũng thế, sẽ phải trải qua đau khổ rồi mới bước vào chốn vinh quang, vì vậy, hãy tin tưởng, can đảm và kiên nhẫn chịu đựng, Chúa luôn ở bên để hỗ trợ các ông.

Có một câu chuyện kể rằng: một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh, trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà, tuyệt nhiên bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà bấy lâu nay, quà tặng duy nhất mà bà để lại cho cô là một thánh giá làm bằng thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng đầy cay đắng buồn phiền, cô tự nghĩ: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì, không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt đắng cay, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném mạnh trên nền nhà, cây thập giá vỡ tung, và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh. Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà. Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá, sự sần sùi và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm chúng ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta, bởi vì tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc cao cả hơn.

Quả thực, ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá, đã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá. Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ, Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề, trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá, và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống, mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy tình yêu mạnh hơn sự chết, mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng. Tóm lại, không chối bỏ thực tại của đau khổ, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt, bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự sống, bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: đàng sau mọi gian nan thử thách, đàng sau mọi đau khổ của cuộc đời, luôn có Thiên Chúa hiện diện để bảo vệ và nâng đỡ, để an ủi và khích lệ, và nếu chúng ta chẳng nhận được gì ở đời này, chúng ta vẫn tin rằng: Thiên Chúa sẽ thưởng công cho chúng ta ở đời sau.

(tinmung.net)