Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY B (Mc 1, 12-15)



CÁM DỖ
 Sưu tầm
Để bắt đầu phần chia sẻ hôm nay, tôi xin kể lại trường hợp vượt ngục rất đặc biệt của một tù nhân. Đúng thế, ông ta bị nhốt trong một ngọn tháp thật cao và trong phòng thì lại không có một phương tiện nào để có thể leo xuống. Vậy ông ta đã làm gì?

Để vượt ngục, mỗi ngày ông ta chỉ nhổ có hai sợi tóc và xe lại với nhau. Sau một thời gian, ông ta đã làm được một sợi dây bằng tóc khá dài. Ông ta thả sợi dây tóc ấy xuống qua cửa sổ nhà tù. Ở dưới, một người bạn thân đã chờ sẵn. Người bạn này đã buộc một sợi chỉ dài vào đầu sợi dây tóc. Rồi cuối sợi chỉ, người ấy lại buộc thêm một sợi dây vải dài. Cuối sợi dây vải, người ấy buộc một dây thừng nhỏ và cuối sợi dây thừng nhỏ, người bạn ấy buộc một dây thừng to. Sau đó, tù nhân ở trên ngọn tháp cao bắt đầu kéo lên. Hết sợi dây tóc, thì nắm lấy sợi dây chỉ. Hết sợi dây chỉ thì nắm lấy sợi dây vải. Hết sợi dây vải, thì nắm lấy dây thừng nhỏ. Hết dây thừng nhỏ thì nắm lấy dây thừng lớn và ông ta đã dùng dây thừng lớn này để mà vượt ngục cách an toàn trong một đêm trời tối.

Kể lại câu chuyện này, tôi thấy đó cũng chính là đường lối ma quỉ vốn thường dùng để cám dỗ chúng ta. Thực vậy, rất ít khi ma quỉ cám đỗ chúng ta phạm tội trọng ngay từ lúc đầu. Nếu làm thế, ma quỉ sẽ khiến cho chúng ta sợ hãi. Nó cứ từ từ mà tiến. Lúc đầu nó chỉ cám dỗ chúng ta phạm một lỗi nhỏ, rồi sau đó một lỗi lớn hơn và cuối cùng nó mới dẫn chúng ta đến tội trọng.

Chẳng hạn một anh chàng ghiền sì ke. Đâu có phải chỉ trong một sớm một chều mà đã ghiền như dân chuyên nghiệp. Lúc đầu nó cám dỗ anh ta lân la với những người bạn xấu, rủ rê anh làm thử một điếu cho biết mùi đời. Sau một điếu, rồi hai điếu, rồi ba điếu, để cuối cùng trở thành dân ghiền lúc nào cũng không hay biết. Chợt tỉnh và hối tiếc thì cũng đã quá muộn: Trót vì tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây.

Ma quỉ cũng cứ từ từ mà tiến. Nó không bao giờ cám dỗ chúng ta làm hai điều xấu cùng một lúc. Trai lại, sau khi cám dỗ chúng ta làm điều này, nó vẫn còn đủ thời giờ cám dỗ chúng ta lài điều kia. Từ cám dỗ này, nó đưa chúng ta đến cám dỗ khác và những cám dỗ khác nữa. Cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta phạm tội trọng.

Chẳng hạn nó cám dỗ một người rơi vào vòng cờ bạc. Sau khi đã mê cờ bạc, thì về nhà sẽ đánh vợ chửi con, làm cho gia đình bị tan nát. Và nếu gia đình nghèo, không có tiền để tiếp tục cuộc chơi, thì sẽ sinh ra gian tham và trộm cắp.

Suy nghĩ về trường hợp của Chúa Giêsu, chúng ta thấy ma quỉ cũng áp dụng một chiến thuật như thế. Nó không cám dỗ Ngài quì xuống thờ lạy Satan ngay lúc đầu. Trái lại, cám dỗ thứ nhất nó bảo Ngài làm phép lạ khiến những hòn đá trở nên bánh, để khơi dậy những ước muốn về của cải vật chất. Cám đỗ thứ hai nó bảo Ngài gieo mình xuống khỏi nóc đền thờ, để khơi dậy những ước muốn về quyền hành. Và sau cùng nó mới bảo Ngài quì xuống thờ lạy nó, để khơi dậy sự chối bỏ Thiên Chúa.

Đối với chúng ta cũng vậy, nó không cám dỗ chúng ta ăn cắp một món tiền lờn, khi chưa đưa chúng ta vào thói quen ăn cắp lặt vặt, như tục ngữ đã bảo: Bé không vin, cả gẫy ngành. Bé ăn cắp một trái trứng, thì lớn lên sẽ ăn cắp một con bò.

Bởi đó, đừng khinh thường những sai lỗi nhỏ mọn. Rất có thể vì những sai lỗi nhỏ mọn hôm nay mà ngay mai chúng ta sẽ quay phản bội cùng Chúa.

(tinmung.net)


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B (Mc 2, 1-12)



NIỀM VUI ĐƯỢC GIẢI THOÁT

Sưu Tầm
Trong quyển sách “Tên buôn lậu của Thiên Chúa” mà tác giả là một vị linh mục thừa sai người Hà Lan, có thuật câu chuyện về một chú khỉ như sau: Ngày nọ, vị thừa sai đang đi truyền giáo ở Inđônêxia có mua được một con khỉ rất dễ thương từ một người bản xứ. Nhưng sau đó ông nhận thấy chú khỉ này thường nhăn mặt và kêu lên đau đớn mỗi lần ông chạm phải thắt lưng chú ta. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, ông khám phá ra có một vết sưng ngang hông vòng quanh người chú khỉ. Ông liền đè chú khỉ ra, vén lớp lông phủ quanh vết sưng để tìm nguyên nhân. À thì ra từ khi chú khỉ còn bé xíu, người chủ cũ đã dùng một sợi dây thép buộc ngang hông để làm chỗ cột dây và cho tới nay sợi dây thép đó vẫn chưa được tháo ra.

Khi chú khỉ này ngày càng lớn lên, thì sợi dây càng lặn sâu thêm vào da thịt chú. Chiều hôm đó, vị thừa sai quyết định giải thoát cho chú bằng cách dùng một lưỡi lam cạo sạch vùng lông bao quanh sợi dây, rồi cắt sợi dây thép và từ từ kéo ra khỏi da thịt con vật tội nghiệp. Trong thời gian làm việc này, chú khỉ kiên nhẫn nhắm mắt và im lặng chịu đau. Rồi đến khi vị thừa sai lấy được sợi thép ra thì chú ta mừng quá nhảy tới nhảy lui rồi ôm chặt lấy vai vị thừa sai. Thế là chú khỉ đã được giải thoát khỏi sợi dây kẽm gây bao đau đớn mà chú phải chịu đựng bấy lâu. Chú ta tỏ ra rất vui mừng vì được tự do và bày tỏ lòng biết ơn đối với người vừa giải thoát cho mình.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Khi Đức Giêsu nói với người lại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi”, và nhất là sau lời Ngài tuyên bố: “Ta truyền cho con hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con và đi về nhà!” anh ta vừa được tha tội vừa được giải thoát khỏi chứng bệnh tê liệt, vốn là hậu quả của tội, ắt hẳn anh ta cũng cảm thấy vui mừng hân hoan. Anh ta đã lập tức vác chõng ra về, vừa đi vừa dâng lời ca tụng ngợi khen Thiên Chúa.

Có người nào trong chúng ta nhiều năm sống lạc xa Chúa, ngụp lặn trong đam mê tội lỗi bất chính và tâm hồn luôn phiền muộn bất an. Thế rồi một ngày kia, được ơn Chúa trợ giúp, người ấy quyết tâm giải thoát mình khỏi tình trạng tội lỗi ấy bằng cách dọn mình đi xưng tội. Nhờ thành tâm sám hối, người ấy đã xưng thú mọi tội lỗi và cảm nhận được một niềm vui lớn lao trong tâm hồn sau khi ra khỏi toà giải tội. Vậy điều quan trọng nhất để được tha tội là gì? Đó là phải “sám hối ăn năn” vì lòng sám hối ăn năn chính là một thứ tiền để mua lấy ơn tha thứ, chính là những bước chân đầu tiên trên con đường trở về cùng Chúa, chính là sự cộng tác nhỏ bé, nhưng lại rất cần thiết của chúng ta với ơn Chúa tha thứ. Vì như lời thánh Augustino đa viết: Để tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Người, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu chuộc chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn. 

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B (Mc 1, 40-45)



THIÊN CHÚA MUỐN… 
THẾ GIỚI ĐƯỢC SẠCH!

Trong các câu chuyện về quyền năng, sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua các phép lạ, có lẽ câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về niềm tin của người thụ ân.

Cần phải kể đến trước hết chính là thái độ khao khát tìm kiếm. Khi đã nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, người phong hủi đã đứng lên, ra khỏi chính mình, bước đi và tìm gặp Đức Giêsu. Đây chính là điều kiện cần để có được ơn cứu độ. Nó biểu hiện thái độ và niềm tin tưởng của anh vào Đấng mà anh nài xin.

Hành động quì xuống và cất lời kêu xin, cũng chính là cử chỉ đẹp của một tâm hồn thuộc về Thiên Chúa. Hành động quì xuống, biểu hiện sự thành khẩn, van nài, cầu xin. Thế nhưng, ngôn từ xem chừng có vẻ thách thức như ra điều kiện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40).

Thật ra, đây là lời tuyên tín hết sức mạnh mẽ, thể hiện một sự thấu hiểu rất tường tận. Chỉ cần Thiên Chúa muốn, chỉ cần Thiên Chúa ưng thuận ra tay, thì căn bệnh nan y hiểm nghèo của anh đều biến mất. Không phải thử thách Thiên Chúa nhưng chính là tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Ngài. Và chính niềm tin mãnh liệt ấy đã khơi động lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Làm sao Ngài có thể không muốn? Làm sao Ngài có thể cam lòng nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của con cái nhân loại? Làm sao Ngài có thể bỏ rơi tạo vật mà Ngài đã tác tạo và đang dùng cả cuộc đời, cả mạng sống cứu chuộc.

“Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1, 41). Vâng! Thiên Chúa muốn chứ, Ngài có bao giờ dựng nên sự dữ, Ngài có bao giờ muốn sự ác tàn sát con người. Ngài chỉ muốn cho cái mình được sống và sống dồi dào, đó là ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn mất một ai, bỏ rơi một người nào. Tình thương của Thiên Chúa vô bờ bến, lòng kiên nhẫn, bao dung, quảng đại của Ngài cao cả, khôn lường.

Hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, chúng ta mới có thể đặt niềm tin vào nhân loại. Học nơi Chúa bài học kiên nhẫn, bao dung, chúng ta mới có thể tha thứ, chờ đợi tha nhân hối cải. Thế giới ngày nay, có biết bao căn bệnh nan y tâm hồn, những con người cao ngạo, coi thường Thiên Chúa, xem rẻ nhân phẩm, lương tri, đánh mất lòng tự trọng về bản thân cũng như tha nhân, để rồi gây ra biết bao điều đồi bại, gieo rắc muôn vàn sự dữ vào cuộc sống. Nếu chỉ nhìn vào những tiêu cực, thế giới sẽ đánh mất niềm tin vào tương lai. Nhưng đặt niềm tin vào con người, bản thân sẽ gặt nhiều thất vọng. Thế nên, chỉ còn Thiên Chúa mà thôi, chỉ còn biết tín thác và trông cậy vào một mình Ngài, là vua vũ trụ, là chủ tâm hồn, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thay đổi bộ mặt thế giới.

Càng tin vào Thiên Chúa, càng xác tín vào quyền năng Thiên Chúa bao nhiêu, người thụ ân càng mạnh dạn tuyên tín bấy nhiêu. Nhận được sức mạnh của Ngài, người phong hủi đã mạnh mẽ rao truyền, mặc cho lời căn dặn, nghiêm cấm của Đức Giêsu: Người nghiêm giọng và đuổi anh đi ngay…(x.Mc 1, 43); cũng như Thiên Chúa, Ngài không thể không yêu thương, vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, thì kẻ thụ ân, không thể không rao truyền tin vui cứu độ. Bất kỳ tín hữu Kytô nào, cũng đều là người thụ ân, nhưng trong đời sống, trong tư tưởng, hành động, không có sự hiện diện của Thiên Chúa, đều trở nên kẻ vô ơn!

        Giàu sang, tài năng, hay danh phận… không quyết định vận mạng con người, nhưng chính hành động sống là biểu chứng hùng hồn cho một con người có thuộc về Thiên Chúa hay không, có mang danh Thiên Chúa hay không, có mặc áo cưới nước trời hay không?

Lạy Chúa, có bao giờ Ngài không muốn cho con được sạch? Có bao giờ Ngài muốn cho sự dữ tràn ngập thế gian? Vậy mà hàng ngày, mỗi ngày không biết  bao nhiêu kẻ phong hủi tâm hồn đang sa lầy vào hố sâu tội lỗi, ngoan cố không nhìn nhận quyền năng và sức mạnh Thiên Chúa, khiến cho xã hội, Giáo hội què quặt vì lây nhiễm thói hư tật xấu. Xin Ngài giúp con biết nhìn lại mình, khiêm nhượng cậy nhờ ơn thánh sủng biến đổi con nên trong sạch trước nhan Thiên Chúa. Chớ gì, hành trình trần thế chính là con đường Ngài muốn con đi, loan báo tin vui cứu độ bằng chính hành động sống của mình, trong niềm tín thác hân hoan: Thiên Chúa muốn… thế giới được sạch!

M. Hoàng Thị Thùy Trang.
(thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B (Mc 1, 29-39)



DÀNH THÌ GIỜ
Sưu tầm
Lần kia, có một người đàn ông đang cưỡi một con ngựa. Khi con ngựa và người cưỡi ngựa ầm ầm phóng qua, một người nông dân già đang đứng ở cổng cất tiếng hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?”

Người đàn ông la lớn trong khi phóng vụt qua “Đừng hỏi tôi, hãy hỏi con ngựa ấy”.

Người đàn ông cưỡi ngựa tiêu biểu cho người có cuộc sống với cách sinh hoạt hối hả không ngừng. Người đó không hề có tự do; anh bị nô lệ cho công việc của mình. Nhưng vấn đề của anh ta còn sâu xa hơn. Anh ta không kiểm soát được cuộc sống của mình. Dường như có một sức mạnh nào đó đã nhập vào anh ta, đang dẫn dắt anh đi. Đây không phải là một lối sống hay ho gì.

Người ta có thể quá muộn để bắt kịp công việc, đến nỗi họ không dành ra được lấy một phút nào cho bản thân mình. Hoạt động có thể trở thành một thứ bệnh tật. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Có thể người ta phải chịu đựng sự hủy hoại và suy sụp. So với những kẻ ích kỷ, thì những người quảng đại dễ gặp rủi ro này hơn. Chúng ta phải biết chăm sóc bản thân mình. Đây không thể là cung cấp, và cũng không phải là thu nạp vào tất cả. Chỉ bằng cách chú tâm cẩn thận đến những nhu cầu thể lý, tình cảm, tâm trí, và tinh thần của bản thân, thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục luôn là những người vui vẻ cống hiến.

Như chúng ta nhận thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngay cả Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình. Những kẻ đau yếu về thể xác và tâm trí luôn vây quanh Người. Tất cả mọi người đều đang kêu la với Đức Giêsu. Người đang có nguy cơ bị hao mòn. Tuy nhiên, giữa bối cảnh cuồng nhiệt đó, chúng ta vẫn đọc được rằng “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng, và cầu nguyện ở đó”. Đức Giêsu cầu nguyện không chỉ vì bổn phận, mà còn vì nhu cầu nữa.

Nơi hoang vắng làm được gì cho Người? Nơi đó tạo cho Người khả năng để phục hồi năng lực đã bị mất đi, giúp cho Người tiếp tục tập trung. Nhưng nhất là trong suốt những giây phút cô tịch này, Người duy trì và củng cố được một điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Người – mối tương quan với Chúa Cha. Đây là bí quyết cho sự thành công trong sứ vụ của Người.

Lời cầu nguyện hữu ích nhất, chính là có được sự hiện diện của Thiên Chúa mà không cần phải nói hoặc làm bất cứ việc gì. Chỉ khi được ngồi với sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ta có thể được ngồi bên cạnh lò lửa nồng ấm. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trong thực hành, quả thật rất khó khăn. Bởi vì ngay khi dừng chân lại, thì chúng ta liền cảm thấy trống rỗng, thậm chí có lẽ còn cho rằng đó là giây phút vô dụng nữa. Hầu hết người ta đều cho rằng bản thân mình có giá trị qua công việc. Họ cho rằng giá trị của con người tùy thuộc vào ích lợi của người đó. Họ không biết cách đương đầu với sự nhàn rỗi và tĩnh mịch. hậu quả là cuộc sống của họ có thể bị nông cạn và hời hợt. Mặt khác, khi nhận chìm mình vào sự thinh lặng và tĩnh mịch với sự hiện diện của Thiên Chúa, thì những kế hoạch của chúng ta mất đi sức mạnh nơi bản thân mình, và chúng ta cảm nhận được giá trị đích thực của mình, không hệ tại ở sự làm việc, mà ở sự hiện diện.

Cách thế quan trọng nhất để yêu mến Thiên Chúa, chỉ đơn giản là sống với sự hiện diện của Người, để chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà thôi. Rất nhiều người có khuynh hướng cho là lòng yêu mến Thiên Chúa ngang hàng với công tác xã hội. Tất nhiên, lời cầu nguyện có thể trở thành một điều ích kỷ, tránh né và trốn tránh. Nhưng lời cầu nguyện cũng có thể có tác dụng. Công việc có thể là một cách tránh né khỏi phải cầu nguyện, khỏi phải tìm kiếm Thiên Chúa. Và nếu không có lời cầu nguyện, thì người ta có thể dễ dàng trở thành người hoàn toàn qui hướng về bản thân mình, tự mình hành động, hơn là trông cậy vào Thiên Chúa.

Chúng ta có thể đánh mất chính mình trong khi làm việc. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công việc. Đây là lý do tại sao trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi yên tĩnh. Chúng ta cần phải học hỏi từ gương mẫu của Đức Giêsu, về cách kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Ra đi cầu nguyện không phải là cách thế trốn thoát, nhưng điều này đưa đến sự tái cam kết. Cần có thời gian để cống hiến, và cần có thời gian để tiếp nhận. Để có được một cuộc sống lành mạnh, chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai lối sống trên.

(tinmung.net)