Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A (Mt 16, 21-27)




MẤT VÀ ĐƯỢC

Sưu tầm
Có câu chuyện kể như sau:

Một cô gái sống cô đơn trong căn nhà gỗ cạnh khu rừng. Một hôm, giữa lúc dạo chơi, cô bỗng thấy hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một chạc cây. Cô vội đem về nuôi trong một cái lồng rất đẹp. Tình thương của cô đã làm cho hai chú chim non lớn nhanh và trổ mã. Mỗi sáng chúng cất líu lo chào đón cô.

Ngày kia, cô sơ ý để một chú chim sổ lồng. Không muốn tình yêu của cô bay mất, nên cô vội chộp lấy chú chim bé bỏng. Cô sung sướng giữ chặt nó trong tay. Nhưng khi nới lỏng tay ra cô mới bàng hoàng thấy con chim đã khép mắt lìa đời.


Cô thẫn thờ nhìn con chim lẻ bạn còn lại trong lồng. Có lẽ nó cần được tự do bay vút lên bầu trời trong xanh. Cô tiến đến chiếc lồng và nhẹ nhàng tung chú chim lên cao. Nó lượn trên vai cô, hót vang những giai điệu thánh thót mà cô chưa một lần được thưởng thức trong đời.


Qua tiếng hót mượt mà diệu kỳ ấy, cô chợt hiểu rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm giữ nó thật chặt. Trái lại, để giữ mãi sự yêu thương thì ta phải ân cần trao cho cuộc tình một đôi cánh tự do.


Cô gái chỉ được lại niềm vui khi cô bằng lòng chịu mất đi chú chim bé bỏng. Vì hạnh phúc của loài chim là được tung bay trên bầu trời, và niềm vui của con người là được nghe tiếng chim thánh thót.


Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cần phải mất đi để được lại.

Người Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc khi dám mất đi cái tạm bợ để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được lại cái trường tồn.

Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sẵn lòng mất đi của cải phù vân để được lại gia tài vĩnh cửu, mất đi sự sống hay chết để được lại sự sống đời đời.

Hiểu được cái gì phải mất đi và cái gì sẽ được lại đã không phải là dễ dàng, mà sống được điều đó lại càng khó khăn hơn.

Đâu phải dễ dàng từ bỏ những cái mình thân thiết nhất, yêu quí nhất; những cái mình dày công kiếm tìm, theo đuổi.

Đâu phải dễ dàng, để mất đi những thú vui, khoái lạc, thỏa mãn giác quan, đê mê thân xác.

Đâu phải dễ dàng triệt tiêu cái tôi cao ngạo, tự mãn, tự tôn đã từng được vuốt ve, nuông chiều.

Phải suy nghĩ cho thật nhiều, phải cầu nguyện cho thật lâu, để sáng suốt nhận định về cái được, cái mất, cũng là để khỏi phải hối tiếc khi đã quá muộn. Đây hẳn là câu mà Đức Giêsu đề nghị chúng ta suy nghĩ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Theo Thầy là phải từ bỏ chính mình hẳn là không dễ dàng. Theo Thầy là vác thập giá mình mà theo lại không dễ chịu chút nào. Nếu thế, thì đây là một đòi hỏi hết sức gắt gao, nghiêm túc không thể tùy hứng làm hay không làm. Vì ngay sau đó, Đức Giêsu đã cảnh báo: “Người (Chúa Cha) sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

Các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa nên đã được gấp trăm cả đời này lẫn đời sau.

Các vị tử đạo đã từ bỏ sự sống ngắn ngủi, để được lại sự sống muôn đời.

Thánh Têrêsa đã từ bỏ cả tuổi thanh xuân nương mình trong chốn viện tu, để được lại biết bao linh hồn nhờ lời cầu nguyện, hy sinh âm thầm.

Augustinô đã từ bỏ đời sống xa hoa trụy lạc, để được lại một vị thánh giám mục khôn ngoan thánh thiện lừng danh trong Giáo Hội.

Maximilien Kolbe đã từ bỏ chính mạng sống mình, chết thay cho người bạn tù, để được lại chính Chúa là nguồn sự sống.

Mỗi Kitô hữu đều có những cái để từ bỏ, nhưng cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, để được ngay từ bây giờ niềm vui, an bình và hạnh phúc.

Trên nỗi đau của từ bỏ chúng ta thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh. Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của thiên đàng. Baeteman nói: “Khi hy sinh dâng lên cao thì hồng ân đổ xuống nhiều”.

(nguồn : timung.net)

 

Chúc Mừng Thánh Augustino Bổn Mạng anh Huy

A Huy (mặc áo thung Crocodile, tay đeo dồng hồ), solo ca đoàn Cecilia và có tiết mục trong "50 năm GX Thuận Phát" trong hình mọi người cười rất tươi.
Anh Mỹ, anh Út. Thánh Augustino biết Chúa trễ, Yêu Chúa nhiệt tình
Dù nhiều việc trang trí, kỹ thuật âm thanh...Solo Hải cũng đến chia vui cùng Solo Huy, cùng tham dự có cả Solo Nguyện.
MÙNG BỔN MẠNG AUGUSTIN MỌI NGƯỜI RẤT VUI


Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

CA HÁT


BÀN VỀ VIỆC CA HÁT NGỢI KHEN THIÊN CHÚA


Khánh Linh
Có lẽ ai cũng công nhận việc thờ lạy, ngợi khen Thiên Chúa qua lời ca tiếng hát là một điều cần thiết và rất đáng nên làm, nhất là trong các Thánh Lễ và nghi thức Phụng Vụ. Chúng ta vẫn thường nghe trích dẫn câu của Thánh Augustinô, “Hát là cầu nguyện hai lần.” Tuy nhiên, chúng ta cũng thường nghe than phiền về việc ca hát trong thánh đường: có khi là ca đoàn hát quá nhiều, hay quá yếu, không làm cho người ta cầm lòng cầm trí cầu nguyện, có khi thì ca đoàn than phiền không được sự hưởng ứng của cộng đoàn trong việc cùng nhau ngợi khen Thiên Chúa. Ở đây, chỉ xin đưa ra một vài nhận xét và mong các bậc thức giả, các ca trưởng, nhạc sĩ và những người thích hát ca, chúng ta chia sẻ và trình bày để có những nhận định để giúp cho việc thực hành trong lãnh vực ca hát của người Công Giáo Việt Nam càng lúc càng được nâng cao, và để việc thờ lạy Thiên Chúa của chúng ta tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Trước hết, phải nói ngay là việc trích dẫn câu của Thánh Augustinô thường không chính xác lắm, thánh nhân có ý nhắc nhở người ca hát Chúa phải cẩn trọng, vì “Hát hay mới là cầu nguyện hai lần” (Bene cantare, bis orare). Nếu hiểu đúng như trên, không phải lúc nào hát cũng là cầu nguyện hai lần đâu. Ở đây có người sẽ thắc mắc ngay, thế nào là hát hay, có phải cứ như ca sĩ chuyên nghiệp mới được? Nếu thế thì tôi đi nhà thờ xin cứ ngậm miệng là chắc ăn, vì giọng nói của tôi còn chưa dám nói là nghe được, huống chi đòi hát hay, lọt tai người khác. Nếu đúng như thế thì chắc đa số giáo hữu nên yên lặng, vì khi mở miệng ca hát thì sẽ mang tội kiêu ngạo, dám nghĩ mình hát hay. Nghệ thuật và thẩm mỹ âm nhạc hẳn còn nhiều điều để học hỏi và bàn thêm, nhưng thiển nghĩ việc hát hay trong nhà thờ không nhất thiết đòi hỏi chúng ta có chất giọng như các ca sĩ chuyên nghiệp.


Điều cần thiết và luôn được Giáo Hội khuyến khích là việc hát cộng đồng. Việc này cần một tinh thần chung: trước hết là mọi người trong cộng đồng dân Chúa cần được ý thức việc ca hát ngợi khen Thiên Chúa là bổn phận của mỗi tín hữu và cũng là lúc cộng đoàn đồng tâm nhất trí nâng tâm hồn lên cùng Chúa trong lời ca tiếng nhạc. Việc hát cộng đồng giúp chúng ta ý thức tinh thần hiệp nhất và tôn trọng nhau. Mọi người sẽ cùng yêu thích hát và nghe người khác hát, sao cho tiếng hát của chúng ta hòa quyện chung với nhau để các giọng hát đừng quá chênh lệch, lạc điệu, chạy tông. Nếu giọng ca của ta quá to, át tiếng người khác, hoặc ngược lại, quá nhỏ chỉ để như nhấp nháy đôi môi thì rõ ràng chúng ta chưa hát cộng đồng. Hơn nữa, việc hát này nhằm mục đích thờ lạy và ca tụng Thiên Chúa, tức là cầu nguyện, thì tâm hồn chúng ta trước tiên phải có một tinh thần cầu nguyện thưa cùng Thiên Chúa. Mà muốn được như thế, để có thói quen chuẩn bị chu đáo dâng thánh lễ sốt sắng, rất nên dành ra ít phút trước thánh lễ tập dợt lại các bài ca, đáp ca sẽ hát trong thánh lễ. Một số nhà thờ có thói quen rất tốt là dành ra chừng 5-10 phút trước thánh lễ để tập cho cộng đoàn hát chung, có nơi lại còn chuẩn bị các bài hát in sẵn, có khi có cả nốt nhạc đi kèm, hoặc chiếu trên màn hình, đặt bài hát trên giá cao để cộng đoàn đều nhìn rõ và hát theo. Rõ ràng bên cạnh việc chuẩn bị ca hát cho xứng đáng, linh mục quản xứ và ban Phụng Vụ đang giúp nâng cao trình độ của người giáo dân trong việc hiểu thêm về Phụng Vụ, ý thức trách nhiệm và bổn phận của người tín hữu trong việc cùng hiệp lòng thờ lạy ngợi khen Thiên Chúa qua lời ca tiếng hát, một việc làm rất quan trọng và đáng được cổ võ.


Trên đây nói về vai trò của cộng đoàn, bên cạnh đó chúng ta phải chú ý nhiều đến vai trò của ca đoàn, ban nhạc và người ca trưởng. Nếu ca đoàn tự phụ, nghĩ rằng chỉ có ta mới hát và phục vụ cộng đoàn (thì cũng là đúng chứ không sai), nhưng không mời gọi hoặc khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đoàn cùng ca hát thì vô hình chung, chính mình thì đang đi ngược lại hoặc thiếu sót với tinh thần phụng vụ của Giáo hội. Ban nhạc hay nhạc công chơi phong cầm, organ cũng cần chú ý vì không khéo thì việc đệm nhạc của chúng ta sẽ làm ngáng trở việc ca hát hơn là đệm để nâng cao tiếng hát. Cũng công nhận có nhiều nhạc công, ban nhạc sử dụng các nhạc khí, đệm đàn rất nhuần nhuyễn, và nếu như ca đoàn hay cộng đồng hát quá yếu thì chúng ta dễ bị cám dỗ, “thà nghe nhạc còn hơn”, nhưng nói là cám dỗ, vì nếu chiều theo ý thích cá nhân, thì vô tình chúng ta đã quên mất là mọi người chúng ta cùng đồng thanh để thờ lạy ca tụng Chúa, không chỉ nhạc công hay ban nhạc. Hiểu như thế thì chúng ta mới thấy việc thờ lạy Thiên Chúa bằng ca hát cộng đồng là quan trọng, nếu không thì cha sở chỉ cần thuê một ban nhạc hay một one-man band giúp trong thánh lễ, như là giúp vui cho tiệc cưới là được rồi. Ca trưởng cũng giữ một vai trò quan trọng. Nếu như linh mục phải chuẩn bị bài giảng, và tâm hồn dâng Thánh lễ cho xứng đáng và sốt sắng, thì người ca trưởng cũng phải chuẩn bị chu đáo để mang trong tâm hồn mình tinh thần cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa khi làm công việc của mình. Đây không phải chỉ là một việc làm thuần tuý có tính nghề nghiệp chuyên môn. Người ca trưởng cần phải là một người tín hữu chân thành, nếu không nói là còn phải ý thức sâu xa hơn những tín hữu chỉ đến nhà thờ dâng thánh lễ hàng tuần. Vì có trách nhiệm hướng dẫn và phục vụ cộng đồng dân Chúa trong lãnh vực thánh nhạc, y như là linh mục trong vai trò thiêng liêng và thay mặt Chúa Giêsu và cộng đồng dân Chúa để tế lễ. Việc ca hát hoà âm nhiều bè cũng phải chú ý sao cho đạt hiệu quả, và công việc này là của người ca trưởng. Tiếng Việt có dấu thanh, và việc đặt dấu thanh rất quan trọng trong việc giữ cho các bè được cân đối và hòa điệu. Lấy ví dụ như chữ “Thiên” trong Thiên Chúa, nếu phải hát nhiều bè, mà ca trưởng để cho một giọng nào trổi vượt không đúng chỗ thì thay vì “Thiên”, chúng ta có khi phải nghe “Thiền, Thiện, Thiển” hoặc tệ hơn là “Thiến.” Là người Việt, nghe quen nên đôi khi chúng ta không để ý, nhưng ai đã học ngoại ngữ, thường chú ý về thanh điệu, hay nghe người ngoại quốc phát âm như thế thì không thể phì cười. Mà trong tâm tình thờ lạy Thiên Chúa thì việc cười cợt như thế thật không nên có, nếu không nói là bất xứng.


Nói đến cộng đoàn, ca đoàn, ca trưởng, nhạc công mà không nói đến nhạc sĩ sáng tác thì cũng có vẻ bất công, nên xin đóng góp vài nhận xét. Các nhạc sĩ Việt Nam chúng ta, ngoại trừ những vị có hiểu biết Thánh Kinh và được đào tạo đúng cách, phần lớn soạn nhạc theo ngẫu hứng, ít ai sử dụng Thánh Vịnh, Lời Chúa vào việc sáng tác âm nhạc. Đây là một điều đáng tiếc. Đành rằng không thiếu những bài hát ngẫu hứng không dựa vào Thánh Kinh cũng rất hay, nhưng phần lớn các bài này rơi vào những tình cảm ủy mị, ướt át hay lên gân, và thậm chí sai cả tín lý, đi ngược lại Lời Chúa. Có nhạc sĩ cho rằng lời Thánh Kinh quá quen thuộc, nhàm chán nên không có “hứng” sáng tác. Nói như vậy thật ra chỉ vì họ chưa thật sự dành thời gian để tiếp xúc với nội dung Thánh Kinh mà thôi. Ai có dịp đi nước ngoài, hay học hỏi âm nhạc của các Giáo Hội ngoại quốc, cộng đoàn như Taizé, thì đều thấy phần lớn những tác phẩm âm nhạc đều dựa vào Lời Chúa nhưng rất độc đáo, và khi hát lên thì sự rung cảm và tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội được nâng cao rất nhiều. Bạn cứ nghĩ, câu, lời tôi đang hát đây đã được toàn Giáo Hội, dù là Công Giáo hay Tin Lành, hay Chính Thống Giáo đã, đang, và sẽ cùng tôi hát ca tụng, thờ lạy, cầu nguyện cả ngàn năm rồi, mà bây giờ tôi cũng hát, dĩ nhiên bằng ngôn ngữ nước tôi, với cung điệu rất riêng biệt. Chỉ riêng nghĩ đến điều này cũng làm cho chúng tôi xúc động và chỉ biết dâng lời tạ ơn.


Một nhận xét nữa dành cho các nhạc sĩ sáng tác. Không biết các bạn có quá Tây, Mỹ khi viết những câu nhạc như, “Này Chúa hỡi, sao Ngài không đến viếng thăm con.” Những chữ như “hỡi”, “hãy” và “viếng thăm” theo thiển ý, chúng ta không thể dùng trong ngôn ngữ Việt Nam để nói với người lớn hơn. Cứ thử thay chữ “Chúa” trong câu trên bằng chữ “Cha, Mẹ, Anh, Chị” thì đều không nghe ổn, huống chi là nói với Chúa. Rất nhiều bài hát ca tụng Chúa, Đức Mẹ đầy những chữ “hãy” thật chẳng ra làm sao cả. Tôi thích bài hát “Đây là Chiên Thiên Chúa” trong bộ lễ Vào Đời của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm, nhưng phần đông một số ca đoàn không hát đúng điệu nhạc; thêm vào đó, khi nghe “Xin Ngài hãy thương chúng con” thì không khỏi tiêng tiếc thế nào ấy. Nếu có thể bỏ toàn bộ những chữ “hãy” trong bài, giữ nguyên điệu nhạc, thấy có lẽ “hay hơn”. Riêng cá nhân người viết, mỗi lần hát đến đó, là tự động im không hát những chữ “hãy”…bài hát vẫn chuyển tải được trong cùng điệu nhạc tâm tình khiêm tốn của người tín hữu cầu nguyện cùng Thiên Chúa.


Trình bày những thao thức và suy nghĩ trên đây xin nhằm mục đích chia sẻ, mong có thêm những bài viết đóng góp về việc liên quan đến các nghi thức cử hành phụng vụ, đặc biệt là trong nghệ thuật thánh nhạc, để cùng nhau đóng góp vào ngôn ngữ và âm nhạc nhà đạo cho mỗi ngày thêm phong phú, và nâng người tín hữu chúng ta lên trong tâm tình thờ lạy, ngợi ca và cảm tạ Thiên Chúa. Mong nhận được nhiều đóng góp, chỉ giáo, chia sẻ●
(nguồn : Maranatha VN)
 

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN A (Mt 16, 13-20)



SỐNG ĐỨC TIN
Sưu tầm
Trong câu chuyện trao đổi giữa Thầy và trò, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ:

- Người ta bảo Thầy là ai?


Các môn đệ liền đúc kết các dư luận quần chúng:


- Người thì bảo Thầy là Êlia, là Giêrêmia, là Gioan Tiền hô hay là một tiên tri nào đó.


Có lẽ lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã nhìn các ông và đưa ra một câu hỏi cân não:


- Còn các con, các con bảo Thầy là ai?


Giữa lúc các bạn còn lúng túng, phân vân, suy nghĩ, thì Phêrô đã mạnh dạn thưa:


- Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.


Lời tuyên xưng của Phêrô thật đáng ca ngợi. Thế nhưng, nguyên một lời tuyên xưng mà thôi, thì chưa đủ để bảo đảm phẩm chất của một đức tin, bởi vì còn phải đợi xem đức tin ấy sẽ trải qua những thử thách nào và được tôi luyện trong thực tế ra làm sao? Khi tuyên xưng đức tin, hẳn Phêrô chưa thấy hết được những khó khăn sẽ gặp phải trên con đường tin sau này.


Thực vậy, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới của Ngài, thì Phêrô đã phản ứng một cách dữ dội, ông đã quyết liệt can ngăn Ngài. Thử thách đức tin lớn nhất Phêrô đã trải qua chính là cuộc thương khó. Tại vườn Cây Dầu, ông đã hung hăng chém đứt tai người lính để bảo vệ Thầy, nhưng rồi sau đó, ông cũng đã chạy trốn. Tiếp đến, khi bị người tớ gái nhận mặt và chất vấn, ông đã chối Thầy tới ba lần. Rồi khi được tin báo Chúa Giêsu đã sống lại, thì cũng như các tông đồ khác, Phêrô vẫn chưa chịu tin ngay.


Chỉ khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, đức tin của Phêrô mới thực sự trưởng thành và trở nên kiên vững. Lúc đó đức tin biến thành một xác tín và người tin trở thành một chứng nhân, tuyên xưng niềm tin của mình không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm, bằng chính cuộc sống của mình.


Con đường Phêrô đã đi qua cho chúng ta thấy: Từ chỗ chấp nhận chân lý đức tin đến chỗ sống đức tin của mình là cả một chặng đường dài, đầy cam go. Con đường dài này là một cuộc thử lửa, một cuộc kiểm tra chất lượng.


Như một sản phẩm, trước khi được tung ra thị trường, cần phải được đưa qua khâu kiểm tra chất lượng để đo độ bền, độ cứng, độ dẻo, sức chịu nhiệt, chịu ẩm… Cũng vậy, chất lượng đức tin của chúng ta cũng cần phải được kiểm tra. Chính cuộc sống mỗi ngày sẽ kiểm tra chất lượng và định đoạt số phận đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta sống hợp với điều chúng ta tin, nếu trong gian nan thử thách lòng tin của chúng ta vẫn không bị nao núng, nếu vì đức tin mà dám chịu thiệt thòi… thì quả thực đức tin đó đã được tôi luyện và đã trưởng thành. Đức tin đó không chỉ còn là một thái độ của trí tuệ mà đã trở thành một nếp sống.


Ban đầu đức tin của Phêrô còn non nớt, bởi vì Phêrô mới chỉ tuyên xưng bằng lời nói. Dần dần qua những khó khăn, những thất bại, những cố gắng, những phấn đấu, đức tin đó đã lớn lên và được tuyên xưng bằng chính cuộc sống. Và đó là một sự trưởng thành cần thiết.

Hãy cầu xin cho đức tin của mỗi người chúng ta cũng lớn lên, cũng trưởng thành theo nhịp độ của cuộc sống, giữa những gian nguy thử thách chúng ta gặp phải.


(nguồn : tinmung.net)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

MỘT ĐÓA CẦM THƯƠNG - TỨ DUY nhạc , MINH QUYỀN biểu diễn



Khi một vì sao chợt băng qua bầu trời, ta hẵn biết rằng một người thân quen nào đó vừa đã ra đi và để lại nhiều hoài niệm và tưởng tiếc cho riêng ta ... When a shooting star suddenly going far away, We must know some acquaintance has just passed away and left to us memories and commmemorations ...

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

LINH MỤC PHÁT MINH NGÔN NGỮ MÁY TÍNH VỪA QUA ĐỜI

Người phát minh ngôn ngữ máy tính và tạo ra “Bản chỉ mục Thomas”
(Index Thomisticus) đồ sộ, đã qua đời
T7, 13/08/2011 – 11:05
 
Cha Roberto Busa
 “Hỡi bạn đọc, hãy ngừng lại, cha Busa đã qua đời. Nếu bạn lướt Internet, bạn mắc nợ ngài. Nếu bạn sử dụng máy tính để viết email và các văn bản, bạn mắc nợ ngài. Và nếu bạn đọc được bài viết này, bạn mắc nợ ngài. Chúng ta mắc nợ ngài”.

Hiếm khi xảy ra – thực tế là chẳng bao giờ xảy ra – việc một nhà báo được hẹn gặp lần sau ở Thiên đàng khi kết thúc cuộc phỏng vấn. Nhưng điều đó đã xảy ra với tôi ngày 28 tháng 9 năm ngoái. “Cha nghĩ Thiên đàng giống như điều gì?” là câu hỏi cuối cùng tôi hỏi cha Roberto Busa, Dòng Tên, người phát minh ra ngôn ngữ máy tính. Cha trả lời: “Giống như trái tim của Thiên Chúa: thật bao la”. Sau đó, ngài nói thêm: “Này, tôi sẽ đợi ông ở Thiên đàng”. Rồi cha quay sang nhiếp ảnh gia Maurizio Don: “Ông cũng vậy, Nếu ông đến sau, tôi hy vọng thế, ông sẽ thấy tôi ngồi ở cổng, như thế này”, cha nắm chặt hai bàn tay và xoay xoay hai ngón tay cái, “Liệu mấy anh chàng ấy có đến không nhỉ?….”

Lúc 10g tối thứ Ba, 09 tháng Tám 2011, cha Busa đã có mặt ở cổng Thiên đàng chờ chúng ta. Hẳn ngài sẽ nói, “Đừng vội” với phong cách niềm nở của người Venezia. Ngài sinh ở Vicenza, cha mẹ ngài từ Lusiana, Asiago đến và cụ thể là từ khu Busa, do đó mới có tên họ là Busa. Một học giả lỗi lạc, người biên soạn Bản chỉ mục thánh Thomas đã chết vì tuổi già tại Aloisianum, Viện Gallarate (Varese), nơi cha đã sống từ những năm 60 cùng với các vị Viện trưởng của Dòng Tên, trong đó có Hồng y Maria Martini, người bạn đàm đạo của cha. Cha Busa là giáo sư trong nhiều năm tại Đại học Giáo hoàng Gregorian, và Cattolica, cũng như tại Đại học Bách khoa Milan từ 1995-2000, nơi cha dạy các khóa học về trí thông minh nhân tạo và robot. Nghiên cứu của cha dẫn đến việc thành lập giải thưởng Roberto Busa, danh dự cao nhất trong lĩnh vực này. Vào ngày 28 tháng Mười Một sắp tới cha sẽ tròn 98 tuổi.


Khi Alexander Fleming, người phát hiện ra penicillin, qua đời vào năm 1955, một tờ nhật báo ở Milan đã chạy dòng tít “Hỡi bạn đọc, hãy ngừng lại! Fleming đã chết. Có thể bạn cũng mắc nợ ông về cuộc sống”. Ngày nay cũng có thể nói một câu tương tự như thế với những ai đang ngồi trước máy tính. Nếu như có một sự thánh thiện kỹ thuật, tôi tin rằng tôi đã hân hạnh được gặp: sự thánh thiện ấy mang khuôn mặt của cha Busa. Vậy, là người đọc, bạn hãy quỳ xuống trước di hài của vị linh mục già này, vừa là nhà triết học, nhà ngôn ngữ học và là chuyên gia máy tính. Nếu bạn lướt internet, đó là nhờ ngài. Nếu bạn nhảy từ trang web này sang trang khác, bằng cách nhấp vào các liên kết được đánh dấu màu xanh, đó là nhờ ngài. Nếu bạn sử dụng một máy tính để viết email và các văn bản, đó là nhờ ngài. Nếu bạn đọc được bài viết này, đó là nhờ ngài.

Ban đầu máy tính được chế tạo chỉ để tính toán, do đó nó được gọi là máy tính. Nhưng cha Busa đã đưa các từ ngữ vào máy tính. Đó là năm 1949. Vị linh mục Dòng Tên đã nghĩ đến việc dùng máy tính để phân tích toàn bộ công trình của Thánh Thomas: một triệu rưỡi dòng, 9 triệu từ (so với chỉ 100.000 của Divine Comedy – Thần khúc, kiệt tác của thi hào Dante). Cha đã biên soạn 10.000 tấm thẻ chỉ mục bằng tay, chỉ dành cho việc kiểm kê giới từ “trong” – mà cha cho là quan trọng theo quan điểm triết học. Cha tìm cách kết nối các đoạn tư tưởng rời của Aquinas với các nguồn khác.

Trong một chuyến đi đến Hoa Kỳ, cha Busa xin gặp Thomas Watson, người sáng lập IBM. “Ông trùm” tiếp cha trong văn phòng của ông ở New York. Lắng nghe yêu cầu của vị linh mục người Ý, Watson lắc đầu: “Không thể chế tạo được chiếc máy tính làm được điều cha yêu cầu đâu. Cha còn “người Mỹ” hơn cả chúng tôi!” Thế là cha Busa rút tấm danh thiếp trong túi ra, tấm danh thiếp mà cha thấy ở trên bàn giấy có ghi phương châm của IBM, “Hãy suy nghĩ”. Và câu này: “Điều khó chúng ta có thể làm được ngay, điều không thể thì lâu hơn một chút”. Cha thất vọng trả lại tấm danh thiếp cho Watson. Cha đã làm cho ông ta chạm tự ái, và chủ tịch của IBM trả lời: “Được, thưa cha. Chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng với một điều kiện: cha phải hứa không đổi tên IBM, International Business Machines, thành International Busa Machines!”

Thách thức này giữa hai thiên tài đã khai sinh “siêu văn bản” – cấu trúc thông tin cho phép kết nối động giữa các văn bản với một cú nhấp chuột. Thuật ngữ “siêu văn bản” do Ted Nelson sáng chế vào năm 1965, để chỉ phần mềm có khả năng ghi nhớ lịch sử các thao tác của người dùng. Tuy nhiên, như tác giả của Literary Machines (tức Ted Nelson) thừa nhận, ý tưởng này đã có trước khi phát minh ra máy tính. Và như Antonio Zoppetti, chuyên gia về ngữ học và máy tính, minh chứng, chính cha Busa mới thực sự là người nghiên cứu về siêu văn bản ít nhất 15 năm trước Nelson.

Giữa Pisa, Boulder bang Colorado và Venezia, linh mục dòng Tên này đã cống hiến cuộc đời với một nỗ lực phi thường kéo dài gần nửa thế kỷ, đầu tư 1.800.000 giờ, khoảng thời gian làm việc bình thường của một người trong 1.000 năm. Ngày nay, các kết quả có sẵn trên đĩa CD và trong 56 quyển sách với tổng cộng 70.000 trang. Từ quyển đầu tiên xuất bản năm 1951, cha Busa đã lập danh mục tất cả các từ trong 118 cuốn sách của Thánh Thomas và 61 tác giả khác.

(Stefano Lorenzetto, Osservatore Romano, 11-08-2011)
Minh Đức

(nguồn : exlurosg.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A (Mt 15, 21-18)



NHỮNG ÂN TÌNH ĐỜI THƯỜNG

Phải vào đạo Công Giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công Giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công Giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.
 
Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.
 
Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng nhưng không do Chúa ban tặng. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x.Tim 2, 3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56, 6-7).
 
Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).
 
Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15, 27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “ Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8, 8).
 
Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.
 
Trong thời gian rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x.Ga 6, 35; 9, 35). Ngay đêm Tiệc ly, sau khi cử hành “Lễ tạ ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14, 1).
 
Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2, 15-16 ).
 
Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng Tin Mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.

Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8, 11-12).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(nguồn : thanhlinh.net)

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN A (Mt 14, 22-33)



CON TƯỞNG !
 
Bài hát “Con tưởng rằng con vững tin…” của Linh Mục nhạc sĩ Nguyễn Duy quả là suy niệm thật thích hợp cho chủ đề Lời Chúa của tuần 19 thường niên năm A. Câu chuyện “Chúa đi trên mặt biển” và sự kiện “chìm nghỉm” của Phêrô đã nói lên thực tại thân phận con người khi phải đối diện với những sức ép của mãnh lực thiên nhiên, thế lực trần gian  và cả chính sự yếu đuối tự thân của mỗi người. “Con tưởng rằng con vững tin, khi đời sống toàn những hoa hồng”. Nhiều khi, chúng ta tưởng rằng mình đã đủ lớn, lớn cả thể xác, lớn cả chức vị nhưng thực ra chúng ta cũng chỉ là một tạo vật thật tầm thường, bé nhỏ và yếu đuối giữa biển đời mênh mông, đầy bão tố.
  • Sức ép của những cơn gió ngược đến từ thiên nhiên. Những đợt sóng dữ, dồn dập vỗ tứ bề, con thuyền thì chòng chành sắp chìm, bầu trời phủ một màu đen tối, chẳng thấy đâu là bến bờ. Tất cả làm nên sức mạnh của thiên nhiên khiến cho con người phải hoảng sợ và mất hết phương hướng, mặc cho những kinh nghiệm từng trải của đời ngư phủ. Sức ép về tâm lý đã làm cho các môn đệ cảm thấy chới với, mệt mỏi và buông xuôi, hoảng hốt bảo nhau “Ma đấy !” Mất hết niềm tin !

  • Sức ép của những cơn gió ngược đến từ con người. Những cơn bão tố đến từ quyền lực, trù dập, phe cánh xem ra thời nào cũng tràn ngập xã hội và cả ngay trong lòng Giáo Hội, làm mất “lửa tông đồ” và gây tác hại mất cả niềm tin. Biết đâu là chân lý, còn đâu là tình anh em huynh đệ hay chỉ là chập chùng thử thách và đêm tối. Chẳng còn ai có nhuệ khí mà chống chèo, chẳng còn ai nhiệt tâm phục vụ, trước những cơn bão quyền lực, hay cái tôi nội bộ làm thui chột tính chiến đấu. Hoảng hốt và sợ hãi là tâm trạng chung của các tông đồ ngày xưa và cả ngày nay trước sức ép ngược gió đến từ con người! Mất hết niềm tin!

    • Sức ép của những cơn gió ngược đến từ chính bản thân : Bệnh tật, yếu đuối và cả những cơn “cám dỗ ngọt ngào” của xác thịt, quyền lực, tình cảm đang làm cho mọi người ngày càng mất hết phương hướng giữa chợ đời đầy dẫy những cạm bẫy. Gía trị của con người đang bị đảo lộn bởi những thách thức của nếp sống văn minh hưởng thụ, bởi trào lưu chạy theo thành tích bề ngòai, “yêu cuồng sống vội đầy thác loạn”. Con người cứ luôn phải đối diện với những “cơn sóng ngược” khi sống niềm tin của mình. Mất hết niềm tin !
    Không có Chúa trên thuyền cùng đồng hành, các môn đệ một mình đương đầu với những cơn sóng dữ. Cảm giác bị bỏ rơi và cô độc, lẻ loi sẽ mãi là những cơ hội làm cho các tông đồ cảm thấy hoảng hốt, sợ hãi và đánh mất hết phương hướng .Con người đang dần dần tự đánh mất hết niềm tin vào những giá trị tôn gíao và chỉ cần những thử thách nho nhỏ, những khó khăn hay những đòi hỏi hy sinh, con người sẽ bị chao đảo, và chìm nghỉm trong vực thẳm của đam mê dục vọng .
    • “Sao con lại hoài nghi”. Chúa đang tra hỏi từng người chúng ta về sự tín thác, tin cậy vào Ngài. Trong mọi nơi mọi lúc, Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn ở bên cạnh, đồng hành với kiếp người, bởi Ngài hiểu rất rõ thân phận con người thật mong manh và yếu hèn của chúng ta. Chúa đã từng trấn an Phêrô “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ” nhưng rồi “ông vẫn sợ” 

    • “Sao con lại hoài nghi”. Đó chính là thực tại của con người chúng ta hôm nay khi mà trước mắt bầy ra biết bao cơn “cám dỗ ngọt ngào” khiến chúng ta không còn vững tin vào Chúa. Tiền bạc, dục vọng, quyền lực đang ngày càng làm lu mờ con mắt đức tin của chúng ta.
    Lời cầu nguyện:
    “Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chết mất”. Mang thân phận con người với sự giới hạn vì “gió ngược”, niềm tin của chúng con dễ chòng chành giữa biển đời với biết bao thử thách. Xin Chúa hãy là “núi đá” là “điểm tựa” để chúng con cậy trông và tín thác.

    “Thưa Thầy, xin cứu con với”
    …..“Vì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay

    Con luôn cần đến Chúa từng phút giây, khi an vui cũng như khi sầu đầy”….  Amen.
     Lm Gioan Bt. Phan Kế Sự
    (nguồn : thanhlinh.net)