Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A (Mt 24, 37-44)


KHÁT VỌNG

Mỗi con người được sinh ra trên trần gian, đều có một khát vọng vô biên. Và nếu định nghĩa con người là một hữu thể gồm nửa cái “con” và nửa cái “người” thì nỗi khát vọng trong hai nửa ấy không chỉ đơn thuần là song song tiến bước, mà còn luôn luôn đối nghịch và mâu thuẫn : một bên là dục vọng và một bên là khát vọng chân chính.

Mùa Vọng không dừng lại cách tiêu cực ở một niềm hy vọng vụ lợi về mặt thiêng liêng, về ơn được cứu rỗi, mà là cơ hội để mỗi con người hướng cái khát vọng vô biên của mình đến chính Thiên Chúa. Thông Điệp của Đức Thánh Cha Benedict 16 có tên “Spe Salvi” và đã được dịch thật chuẩn là “Được Cứu Rỗi nhờ Hy Vọng”, chứ không phải là “hy vọng được cứu rỗi”, cũng cho thấy tầm quan trọng chủ động nơi chính con người phải hướng cái khát vọng vô biên đến Thiên Chúa .

Mùa Vọng cho các tín hữu cơ hội tuyệt đẹp để “tái khám phá ý nghĩa niềm hy vọng của mình”- không nhất thiết phải mảy may đặt một thỉnh cầu hay yêu sách nào đối với Thiên Chúa cả, khi đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Ngài. Vì đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Chúa, chính là đáp lại tình thương của Thiên Chúa đã ban cho con người lòng khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và đã tỏ mình cho ai thành tâm khát khao tìm kiếm.

Với tâm tình ấy, trong suốt mùa vọng, chúng ta có thể sốt sắng cất tiếng thân thưa lời Tv 24 : “Chúa là khát vọng, là ước mơ đời con. Hồn con hướng tới Ngài, hồn con cậy trông nơi Ngài. Hồn con vươn lên tới Chúa. Hồn con sướng vui trong Ngài”
(Tv 24, 1-3). Như thế, Mùa Vọng là một mùa vui, một mùa yêu, khi niềm hy vọng nỗi mong đợi người mình yêu đã có tín hiệu đến hẹn.

Vào Mùa Vọng với Lời Chúa CN thứ nhất, Tiên tri Isaia xuất hiện giữa lúc dân Thiên Chúa trong cảnh nô lệ khốn cùng, Ngài đã loan báo cho Dân Chúa – và cũng là cho chúng ta- một tin vui, đó là một con đường “lên”, “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường người chỉ vẽ…”
(Is 2,3). Con đường “lên Thiên Chúa”, không thể thực hiện được nếu không có một niềm tin tưởng, một khát vọng chân chính, khát vọng tìm đến Thiên Chúa; càng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vẫn đang mê mải chạy theo con đường dục vọng.

Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã bổ sung cho con đường lên của khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng lời khuyên cụ thể: “Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cải cọ ghen tương. Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”
(2Rm 13,12-14). Phải chiến đấu với các khuynh hướng bằng chính khát vọng vươn lên tới Thiên Chúa, nghiêng về phía Thiên Chúa hơn là nghiêng về phía những dục vọng; và để chiến thắng, cần phải mặc lấy Đức Kitô, là phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong đời sống. Tinh thần của Chúa Kitô chính là vũ khí của sự sáng mà Thánh Phaolô đề cập đến như phương thế để giúp chúng ta loại bỏ những lôi kéo chúng ta về phía tạo vật, thế tục.

Tình trạng linh hồn luôn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa có thể nói là tình trạng tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong trang tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng cho đến ngày ông No-ê vào tàu”.
(Mt 24,38).

Một toàn cảnh xã hội loài người đang sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên theo cách của con người, không nghe thấy tiếng lòng nhắc đến việc tìm kiếm điều gì vượt lên trên cái tự nhiên ấy, chỉ có mỗi ông No-e biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và điều hẳn nhiên đã xảy ra, chỉ có mỗi gia tộc No-e được cứu thoát. Sự cứu thoát mang hình dáng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô sau nầy.

Vì thế, Ngài nói: “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Con Người trở lại với những tâm hồn tỉnh thức: tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, để cùng Người vui tiệc thiên thu. Thiết nghĩ, không chỉ có một Mùa Vọng trong lòng tín hữu, mà suốt đời là một Mùa Vọng; không chỉ có một lần chiến đấu loại trừ những dục vọng thấp hèn của cái “con” nơi con người, mà cả một đời chiến đấu; không chỉ một lần bước ra khỏi bóng tối của những đam mê thế gian mà còn phải thắp lên một ngọn đèn bằng chính sự rực cháy của lửa tình yêu mến Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Thiên Chúa đến với mỗi người, Ngài đang đến, và Ngài muốn cư ngụ giữa lòng con người. Tại sao chúng ta chỉ có thể khao khát tìm kiếm Chúa khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời như bệnh tật, nghèo túng, nợ nần, gặp tai ương hoạn nạn, trong khi chính Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và khao khát được chúng ta đón nhận, cả khi chúng ta ảo tưởng bình an hay bất hạnh theo cách nhìn của mình.

Thiên Chúa gõ cửa, còn chúng ta mở cửa. Thiên Chúa tỏ tình, và chúng ta đón nhận. Chúng ta chỉ có thể mở cửa cho Thiên Chúa, khi chúng ta thực sự khao khát Ngài. Tôi vẫn thấy những người chờ đợi người yêu đến, vẫn thường mở cửa, thấp thỏm... trước khi người yêu mình đến, và gõ cửa kia mà. Tôi vẫn thấy có người, trong khi chờ đợi người yêu mình đến, đã chắng làm gì khác ngoài việc viết cả ngàn lần tên người yêu mình trên bàn trên giấy. Sao ta không thể bày tỏ niềm tin, nỗi mong đợi và tình yêu của chúng ta một cách si tình như thế đối với một Thiên Chúa đang yêu ta, yêu tha thiết đến nỗi Ngài vẫn đang gõ cửa, đứng chờ trước cửa…

Như thế tỉnh thức còn là một biểu hiện của tình yêu, và Mùa Vọng, mùa trông đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng là mùa của tình yêu.

Giàu nghèo, sang hèn trên đời, ai cũng có những ước ao cả đời người mà chưa bao giờ thực hiện được, người càng sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, càng có nhiều ước ao hơn. Điều quan trọng đối với tín hữu là cần “ước ao những sự trên trời”. Ước ao một chút no đủ của những người kiếm sống qua ngày trên vỉa hè, nơi gánh cháo lòng, nơi lọn rau, bó chỗi, nơi thúng đậu phộng luộc, nơi tấm vé số… Những ước mơ đơn sơ, nhỏ bé lắm… mà ước ao cả đời, vì lòng yêu đã đặt trọn vào trong những cái qua ngày mà thực tế ấy... làm cho cả cuộc đời trở thành một “mùa vọng” vào những thực tại đáng vô vọng. Và nếu đổi hướng của tình yêu về phía Thiên Chúa, thì chắc chắn những thực tại trần gian kia sẽ không còn là những ước mơ đáng kể có thể làm nhũng nhiễu tâm hồn gây nên những xáo trộn, những bất an không đáng có. Bà bán cháo lòng có thể gặp Chúa ngay trong những người ăn cháo lòng của bà mỗi buổi sáng, vì bà có tình yêu và khao khát tìm Chúa trước khi tìm những đồng tiền lẻ gom được để chu toàn bổn phận với chồng con…

“Anh em hãy sắn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn sống trong lòng khao khát, mong đợi, yêu mến để phút bất ngờ Chúa đến, không còn là một nỗi lo sợ kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là phút tương phùng, giờ giao duyên của hai lòng yêu gặp gỡ.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng này, và suốt đời vọng của con, xin cho lòng con luôn khao khát được thuộc về Chúa khi còn sống trên đời này. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình an. Chúa là khát vọng của đời con, hồn con vươn lên tới Chúa, hồn con trông cậy nơi Chúa và hồn con sướng vui trong Ngài.

PM. Cao Huy Hoàng

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

LỄ CHÚA KITÔ VUA 21.11.2010

Mời các anh chị nghe 2 bài hát trong thánh lễ Chúa Nhật 34 Mùa Thường Niên Năm C - Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Bổn Mạng Giáo khu 4.

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 22.11

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG


Các Ca viên
CÉCILIA TRẦN THỊ THU THẢO
CÉCILIA TRẦN THỊ THANH TUYỀN

MỪNG LỄ BỔN MẠNG 2010

22.11.2010
HÂN HOAN MỪNG LỄ
THÁNH CÉCILIA
BỔN MẠNG CA ĐOÀN




CHƯƠNG TRÌNH

05g00

Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng
Cầu cho các linh hồn :
Bác ca trưởng Giuse Lê Trung Thiềng
Ca viên Phaolô Phạm Ngọc Thương
Ca viên Maria Trần Thị Ánh Tuyết

18g00

Liên Hoan



Thân ái mời
tất cả các cựu thành viên
của ca đoàn
ở khắp nơi cùng hiệp thông.





Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 34 TNC CHÚA KITÔ VUA (Lc 23, 35-43)

HOÀNG ĐẾ CỦA MUÔN VUA

Kitô Vua, Hoàng Đế của muôn vua
Thứ dân con tội lỗi chất ngang vừa
Đỉnh núi Tản, làm ngơ nhìn chẳng rõ
Nhưng mắt người hạt cỏ cũng tìm ra.

Ước ao chi Thần Khí mù loà
Trước tội lỗi kẻo sa vào cám dỗ
Chỉ thấy rành những chỗ vết chân thôi
Hoàng Thiên bước, thứ dân dò vết bước.

Để trọn đời ca tụng sáng Danh Cha
Từ lời nói thốt ra nhờ Thiên ý
Hành động đều hoàn mỹ cậy Ngôi Ba
Rọi ánh sáng chan hòa soi kế bỉ.

Thời chung thẩm khi mai Ngài tái thế
Ngập từng trời huyên náo tiếng loa vang
Các Thiên Thần triệu tập thảy trần gian
Người đã chết hồn hoàn về nhập xác.

Cùng kẻ sống sắp hàng chờ thưởng phạt
Thứ dân con cúi rạp tấu Hoàng Thiên
Khấu đầu van Bệ Hạ giáng lâm truyền:
Quỳ bên hữu, con liền vâng bái phục.

Để đời đời chúc tụng Chúa càn khôn,
Trong vinh quang, phúc hưởng sống trường tồn./.


Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 14.11.2010

Mời các anh chị nghe lại 2 bài hát trong Thánh Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm Chúa Nhật 14.11.2010.
Chúc hăng say và vui vẻ.

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C (Lc 21, 5-19)


TÂM SỰ VỚI THỜI GIAN

Đêm tĩnh mịch. Thi thoảng gió lùa qua cửa sổ phả vào khiến tôi thu mình lại như để né tránh. Vầng trăng khuyết e ấp từ xa nhìn hờ hững. Vạt sương bâng khuâng lờ lững giữa bao la. Tôi ngồi lặng thẫn thờ nghe xa vắng… Không dưng chợt thèm ngụm cà-phê. Khoảng lòng vời vợi. Tiếng côn trùng hòa tấu nhạc-khúc-bí-ẩn. Trang viết bất động và lạnh cóng như chiếc độc bình đứng lặng ở góc bàn phủ đầy bụi thời gian, thiếu vắng một cành hoa!

Đêm. Lạnh. Vắng. Lòng tôi vẫn từng đợt sóng xô mãi đến cõi vô biên. Sóng không tên. Nhớ và quên. Quên và nhớ. Tôi không thúc thủ mà vẫn khoanh tay. Hàm số buồn chưa tìm được ẩn số. Quỹ tích đam mê và lũy thừa gian truân vô cực. Số phận con người bọt bèo và khoảng trăm năm nghiệt ngã quá!

Tôi là ai mà còn trần tục quá? Phải chăng hạt-bụi-tôi kết tinh bằng tội lỗi và đam mê nên cứ đám chìm trong dòng lãng mạn? Tôi hoài vọng tìm thấy mình và nhận diện chính mình. Chưa gặp hay không nhận ra mình vì mù quáng? Giai điệu âm u nào đó cứ mênh mang, và vần điệu không tên nào đó cứ níu kéo tôi mãi mà không chịu buông tha. Người ta trẻ mãi, chỉ có thời gian mới già nua. Vâng, già đến nỗi quên cả chính mình, ngỡ mình là ai đó. Ai cũng có những lúc “điên”!

Ký ức và hoài niệm cứ giành với kỷ niệm. Nỗi nhớ vu vơ, đằng đẵng, nhức buốt, vút cao như ngọn tháp chót vót, vừa mầu nhiệm vừa hư ảo. Cuộc đời như kim tự tháp, càng muốn thoát ra càng lạc sâu vào mê cung. Vòng đời lẩn quẩn như tấm lưới, con cá giẫy giụa tìm lối thoát đến đuối sức. Không bi quan mà vẫn ôm nỗi sầu tưởng chừng vô vọng. Vết thời gian hóa thành trầm tích!

Một tờ lịch rơi xuống. Thời gian giảm bớt 24 giờ. Tiếng thời gian vẫn vô tình đều nhịp. Không giờ. Những cái mới đang khởi đầu mà những cái cũ chưa muốn chia tay. Bịn rịn và nuối tiếc những gì còn dang dở. Động từ khiếm khuyết và còn sử dụng ở thì tương lai xa…

Thời gian ơi! Đừng bao giờ nỡ vùi dập ước mơ tôi. Hãy cứ để tôi khát vọng không ngừng – dù có thể hy vọng tôi không viên mãn, thậm chí có thể không hiện thực, nhưng xin cho tôi cảm nhận và hiểu rằng thành công LÀ và TÙY vào mức độ vươn lên từ đống-xà-bần hoài bão, từ những gì chưa trọn vẹn, để khả dĩ ngay trong bất khả dĩ.

Tôi ơi! Dẫu thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng. Hãy giữ tâm hồn luôn thanh thản, bình an. Chưa viết xong trang đời nhưng đừng hạn hán hy vọng và thiện chí. Hãy SỐNG CHO, SỐNG VỚI và SỐNG VÌ… Dấn thân vô vị lợi, cảm thông và vị tha để có niềm hạnh phúc sống động. Vâng, “chỉ có cuộc sống luôn sống cho người khác mới đáng sống” (Einstein).

Viên-đá-cuội-tôi đã và đang lăn mòn trên những con dốc đời, đừng lo có lăn hết hay không, quan trọng là còn lăn hay không. Tôi muốn hoàn tất hồ-sơ-cuộc-đời dù nhiều trang chưa thể hoàn tất, đầy trăn trở, bao băn khoăn chất chồng. Cũng là một hệ lụy, một phạm trù riêng trong triết-lý-khổ-đau. Tôi muốn sử dụng nó có ý nghĩa bằng cách đi xuyên suốt nó dù đi một mình. Thiết tưởng, khổ đau là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì có khổ đau thì người ta mới cảm nhận thế nào là hạnh phúc và mức độ hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo nói: “Đừng khi nào cười kẻ đau khổ, và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười”.

Thời gian không thuộc quyền hạn con người, nhưng ai cũng được hưởng quỹ thời gian đồng đều – không thiếu một phút, không hụt một giây. Với quỹ thời gian đó, có người dùng làm điều ác, có người dùng làm điều thiện, có người dùng lãng phí, có người dùng làm sinh lợi, có người muốn “giết” thời gian, có người lại tranh thủ,… Mức độ và cách thức khác nhau. Phúc và họa là do chính mình sử dụng thời gian!

Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng
(Lc 17, 10). Xin dạy con biết yêu kẻ thù và sẵn sàng làm điều tốt cho người ghét mình (Lc 6, 27), biết vui với người vui, buồn với ngưới buồn (Rm 12, 14-18), biết nhiệt tâm phục vụ (Mt. 20,28), dù khổ ngày nào đủ cho ngày đó (Mt 6, 34), để con xứng đáng tận hưởng Hoa trái Thánh Thần (Gl 5, 22). Xin nâng đỡ, hướng dẫn và chở che, vì con rất yếu đuối. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

XIN CHO ĐỌC KINH

Ở hải ngoại này cũng như ở trong nước, các dịp lễ trọng thì ca đoàn đóng vai chính và bao sân. Ca đoàn hát từ đầu lễ đến cuối lễ. Giáo dân tham dự hoàn toàn thụ động. Thay vì cầu nguyện nói chuyện với Chúa thì giáo dân trở thành khán giả và thính giả ngồi nghe hát và xem hát. Tôi có hỏi nhiều người làm gì và nghĩ gì khi ca đoàn hát thì đại đa số đều trả lời là khi nhạc đoàn vừa thổi kèn đánh trống vừa hát thì giáo dân chia trí, trong đầu không hề hợp ý với lời hát của ca đoàn, trái lại trong đầu thường nghĩ tới nhiều thứ, như: chà, sao bè nữ ít người và hát nhỏ quá; chà, cô ca trưởng mặc áo dài đẹp qúa; chà, nhạc trưởng bắt nhịp đẹp qúa; chà, sao chỗ này kèn thổi lớn qúa, đàn đánh mạnh qúa. Đây mới là chia trí về ca đoàn. Nếu bắt kịp và hiểu lời ca, thì giáo dân lại chia trí: chẳng hạn: sao lại kêu Chúa là Ngài. Tiếng Ngài xa lạ và khách sáo. Chúng ta là con Chúa, trong tiếng Việt có bao giờ con cái gọi Cha Mẹ mình là NGÀI bao giờ đâu. Sao sai tiếng Việt qúa vậy.

Có lần tôi đem vấn đề ‘xưng hô với Chúa là Ngài trong các bài hát ở nhà thờ’ hỏi một vị có thẩm quyền thì được vị này trả lời: Tiếng ‘Ngài’ đã được dùng quen rồi. Đa số các bài ca đều kêu Chúa là Ngài, và vì quen quá rồi, nên bây giờ không sửa được.

Theo tôi nghĩ thì dù là quen bao lâu đi nữa, nếu ngôn ngữ trong phụng vụ dùng sai thì vẫn phải sửa. Ta không thể vịn vào lý do ‘đã quen’ mà tiếp tục dùng sai mãi. Có một điều khá đặc biệt là tiếng Ngài chỉ năng dùng trong các bài hát, còn trong các bài kinh thì may qúa ta vẫn thưa với Chúa, vẫn kêu Chúa là Chúa, là Cha, không thấy dùng tiếng Ngài bao giờ.

Xin trở về đề tài chính là việc đọc kinh. Nhiều người cứ vịn vào câu ‘ Hát là cầu nguyện hai lần’ để hát nhiều, hát hết cả buổi lễ. Tôi xin những ai hay trích dẫn câu này nên xét lại ý nghĩa thực sự của nó. Không phải bài hát nào cũng là lời cầu nguyện sốt sắng. Rất nhiều bài hát có điệu nhạc tầm thường, nhiều lời ca nhạt nhẽo, khuôn sáo, vô duyên, vô nghĩa. Rồi không phải hát bất cứ chỗ nào, hát bất cứ lúc nào cũng là cầu nguyện hai lần.

Quý vị cứ để ý mà xem, càng lễ trọng thì càng hát nhiều. Nhiều cha xứ và nhiều giáo dân đã quen như vậy rồi. Giáo dân hoàn toàn thụ động. Trong thánh lễ có Kinh Cáo Mình và Kinh Tin Kính là những lời không phải ta nói trực tiếp với Chúa, mà là ta nói trực tiếp với người chung quanh, ta nói với cộng đoàn, rằng ta công khai nhận mình đầy tội lỗi, rằng ta công khai tuyên xưng các điều mình tin trong đạo. Trong các kinh khác thì ta xưng là CON, chủ từ là Con, còn 2 kinh này, chủ từ là TÔI rõ ràng. Bởi vậy phải để cho tôi tuyên xưng, tôi nói ra, chứ không phải để tôi ca hát. Xưa nay Kinh Tin Kính thường được ca đoàn hát rất trọng thể, nhiều bè, còn cộng đoàn thường ngồi thụ động để nghe hát.

Trong các lễ trọng, ca đoàn thường hát suốt buổi lễ, giáo dân im lặng hoàn toàn. Tôi có xem DVD lễ Khai Mạc Năm Thánh ở VN, giáo dân dự lễ đông đến mấy trăm ngàn người, và thấy đám đông vĩ đại này đã im lặng và thụ động từ đầu lễ đến cuối lễ. Giá mà nửa triệu người có mặt này mà được cất tiếng đọc chung một lời kinh Cáo Mình, Kinh Thương Xót, Kin Tin Kính, Kinh Lạy Cha, thì sự sốt sắng sẽ lớn biết là chừng nào. Nó sẽ đánh động lòng mọi người. Chúa nghe lời cầu xin lớn tiếng của gần nửa triệu người con mà cầm lòng được sao.

Tôi thường nhận được nhiều DVD và hình ảnh các đại lễ của cộng đoàn CGVN. Nơi nào cũng cờ quạt kèn trống rình rang, thật lình đình hoành tráng, ca đoàn hát lễ từ đầu đến cuối. Tôi coi đây là những buổi trình diễn văn nghệ, nhiều tính cách khoa trương, không giúp giáo dân cầu nguyện. Giáo dân đông nghẹt nhưng phải thụ động. Nhiều người có vẻ như đến dự buổi văn nghệ. Thấy những hình ảnh đại lễ như vậy, xin thú thực là lòng tôi không thấy xúc động chút nào. Tôi có tìm đọc những tài liệu nói về những lý do làm cho các tân tòng theo đạo Công Giáo. Qua những tài liệu này, tôi không hề thấy có lý do nhập đạo vì đã đi nhà thờ dự các đại lễ có đàn hát trọng thể, mà đa số theo đạo là vì gương mấy linh mục, mấy bà sơ, mấy giáo hữu, lặn lội đi thăm viếng và giúp đỡ lớp người nghèo khổ bệnh tật ở các vùng xa vùng sâu.

Tôi viết những dòng này không hề có ý xúc phạm tới ai mà chỉ để bày tỏ lòng ao ước : Trong các lễ trọng, xin cho giáo dân được đọc kinh, được cùng nhau mở miệng chung lời cầu nguyện. Xin cho giáo dân được đọc Kinh Cáo Mình, Kinh Xin Chúa Thương Xót, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha. Xin ca đoàn bớt hát, bớt tấu nhạc, bớt độc diễn. Có như vậy thì giáo dân đi nhà thờ mới đích thực là ‘cùng dâng lễ’ với chủ tế, cùng cầu nguyện với cộng đoàn.

Toronto, Trọng Đông Canh Dần
Peter Trần Trung Lương

(nguồn : vietcatholic.net)

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN C (Lc 20, 27-38)


SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Hầu hết các tôn giáo đều dạy rằng chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết được đưa sang một thế giới khác hoặc được dẫn đến một chỗ khác để tiếp tục sống. Thế nên mới có câu “thác là phế thách, còn là tinh anh”. Tức là người ta chỉ chết về phần thể xác; nhưng linh hồn con người sẽ còn mãi và sống mãi, hoặc để hưởng hạnh phúc nếu khi còn sống người ta đã ăn ngay ở lành, hoặc để chịu phạt, nếu người ta đã ăn ở gian ác.

Niềm tin đó đã bắt nguồn từ Thánh Kinh khi “ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại”
(2Mcb 12, 43). Sách Macabê còn cho ta thấy sức mạnh của lòng tin, niềm hy vọng vào sự sống lại mà Thiên Chúa đã hứa cho con người. “hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ” (2 Mcb 7, 1) dưới thời vua Antiôkhô. Họ đã có tất cả sức mạnh chiến thắng tử thần nhờ “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2 Mcb 7, 14). Bao nhiêu cực hình đã không chiến thắng nổi niềm tin vững chắc và quả cảm đó. Nếu “luật pháp của cha ông” (2 Mcb 7, 8) đã làm cho họ có sức mạnh lớn lao đến thế, thì “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Niềm tin đó đang trổ sinh những hoa trái thiêng liêng là các linh hồn lành thánh, biết đặt niềm hy vọng và sự sống của mình nơi bàn tay uy quyền của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tường thuật lại việc nhóm Xađốc “chủ trương không có sự sống lại”
(Lc 20, 27). Biết Ðức Giêsu giảng dạy đạo lý về việc phục sinh sau này, họ hỏi để thử và giễu cợt Người, nếu có sự sống lại thì sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai? Theo luật Do Thái thì người ấy là vợ của bảy người; nhưng điều này chỉ có ở thế gian vì lần lượt xảy ra; chứ ở đời sau thì không có như vậy. Rõ ràng chỉ có óc tư tế thiên về luận lý mới nghĩ ra những "nố" luật như vậy, để gây lúng túng nhằm bắt bẻ và phi bác lời dạy của Chúa Giêsu.

Nhóm Xađốc đã suy nghĩ dựa trên cuộc sống hiện tại để đưa ra những lý lẽ theo nhãn quan trần thế. Họ hoàn toàn căn cứ vào tương quan hôn nhân để phi bác cả một thế giới thiêng liêng, nơi con người “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần”
(Lc 20, 35). Chỉ trong thế giới vật chất này, con người mới cần đến hôn nhân để duy trì sự sống “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng” (Lc 20, 35). Còn trong cõi vĩnh hằng con người sẽ tồn tại mãi mãi, không cần phải cưới vợ lấy chồng. Hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể dựa trên cùng một nền tảng. Hơn nữa đạo lý Chúa Giêsu dạy cao siêu vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nên lập luận của nhóm Xađốc dựa theo qui luật của thế giới vật chất và cái nhìn của con mắt xác thịt, không phải là ý muốn và chương trình của Thiên Chúa.

Nhân dịp đó Đức Giêsu mạc khải cho họ biết về vấn đề kẻ chết sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Người cho thấy cuộc sống ấy không giống như ở đời này, không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, không bị chi phối bởi những thứ tình cảm mau qua. Trái lại cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần. “Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng; còn những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa”
(Lc 20, 34-36).


Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu nói đến cuộc sống đời sau như: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó (x. Lc 16, 19-31); dụ ngôn về cuộc phán xét chung (x. Mt 25, 31-46); dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30; 36-43)…

Chúa Giêsu phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (
Ga 11, 25-26). Thiên Chúa làm chủ sự sống. Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống”. Chúa là Thiên Chúa của tôi nếu tôi đang sống, nghĩa là nếu tôi còn đang ở trong tương quan mật thiết với Ngài. “Thiên Chúa của kẻ sống” có nghĩa là “đối với Người, tất cả đều đang sống”. Vậy nếu tôi cắt đứt tương quan với Người tức là tôi đã chết và như thế Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa của tôi nữa.

Muốn được sống đời sống ấy trong ngày sau hết, mỗi kitô hữu cần phải đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Sống tương quan mật thiết với Chúa, thực thi lời Chúa dạy, sống công bình bác ái và hãy loại bỏ những hành vi gian ác, lối sống sa hoa, những lời nói gian tà, những tình cảm bất chính, những đam mê trần tục, không chiều theo cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Lạy Chúa, chính Chúa là sự sống lại và là sự sống, xin cho chúng con biết đi trên đường lối của Chúa, biết tin tưởng phó thác nơi lòng thương xót của Chúa để chúng con cũng được sống lại ngày sau hết, được nên giống các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa.

Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

KỶ NIỆM/ ĐƯỜNG CON ĐI BẤY GIỜ - TỨ DUY & BẠCH HƯỜNG


Viết tặng chị XINH, chị NGUYỆN, anh MỸ và các con - những người tôi biết - và những ai trong giáo xứ chẳng may không còn MẸ, như một mất mát lớn trong đời, nhân ngày lễ CẦU CHO CÁC LINH HỒN 2/11 năm nay ... Tứ Duy