Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

THÚ CÀ PHÊ



Mỗi buổi sáng thức dậy hay mỗi đêm về, ta không thể không lang thang đây đó và ghé qua một quán cà phê bên đường, hay nằm sâu hun hút trong những con hẻm quen thuộc của người thân hay bạn bè...để thưởng thức một ly cà phê đầu ngày hay cuối ngày, phải không ? Vậy thì cái thú này cũng hay hay đấy chứ, nên người viết xin ...lạm bàn đôi chút với sở học sơ thiển, và hy vọng làm vui ...các bạn tí ti trong lúc đang nhâm nhi cà phê trên tay và lỡ đọc đôi hàng này...
Theo bách khoa t...à...n thư, cà phê là một cái thú có từ... rất lâu rồi ! Nhiều người cố định hình ra cái quán cà phê đầu tiên của Việt Nam nhưng vẫn chưa ngã ngũ ra sao ! Có lẽ, nhưng nhiều người vẫn đồng tình là nó đến từ khi Việt Nam du nhập cà phê và trồng nó tại các đồn điền ở Lâm Đồng, Di Linh, Đà Lạt...Nói chung là các vùng đất trồng nó phải cao, có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Và thú thưởng thức hương vị cà phê đầy hương xa này nhen nhúm từ những chủ nhân các đồn điền này, các bạn bè, và các người làm công cho họ...rồi sau đó lan ra các nơi như một thương phẩm ...kỳ lạ, đen đúa, đắng như thuốc bắc , nhưng sau khi cho chút đường hay sữa vào thì ngon diệu kỳ và đậm đà một hương vị khó tả đối với người Việt ta vào lúc đó... Thật ra, cà phê ngon là vì ngoài hương vị khác thường so với các thức uống bình dân của người Việt vao thời đó như : trà vối , trà tàu, nước dừa, nước rau má ra..., nó còn là một thức uống bình dân, rẻ tiền, làm tỉnh táo, phấn chấn mọi người sau một giấc ngủ dài còn bàng hoàng mộng mị hay cho những đêm phải canh thức đến sáng vì công việc... Điều này có thể thấy rõ nơi các nhà văn, nhà báo, và các nghệ sĩ của ta từ xưa...đến giờ và cũng được nhắc tới không ít trong các tác phẩm thơ nhạc như “ Cô hàng cà phê “ chẳng hạn...
Nói đến thức uống rẻ tiền mà được phổ biến đại chúng này, phải nhắc đến công của không ít quán cà phê bình lặng còn gọi là " quán cóc " nơi đầu một con hẻm hay một ngã tư nào đó của Sài Gòn hoa lệ, hay Hà Nội ba mươi sáu phố phường, hoặc bất kỳ một nơi thị tứ nào đó trong nước . . Đó là thứ cà phê giản dị mà không biết ở các nơi khác trên thế giới có thường làm như vậy hay không : Nó được lọc lấy các tinh chất một cách rất ư ...là tiết kiệm ( so với các hình thức khác như “ Phin ” chẳng hạn ) qua một cái lọc mà hình dáng y như là một chiếc vớ, cho nên người bình dân quen gọi nó là cà phê vớ. (... mà cũng không thấy là kỳ kỳ, hay lại nhăn mũi như một trí thức khó tính nào đó về một hình dung từ chỉ vật mang nặng tính chất ...gây mùi tổng hợp và phản cảm ..một cách ứ ư ...tả pín lù này ! ) Do vậy mà nó ...rẻ ...chăng ?!
Rồi với thời gian, nó trở thành một thức uống bình dân đến độ thiếu thì nhớ ...như nhớ...người yêu vậy ! Và rồi thú ghiền này lây lan qua đủ các thành phần như công nhân, thợ thuyền, binh lính, phụ nữ, hoc sinh khi học bài hay chuẩn bị thi cử ... chứ không chỉ giới hạn như giới chủ đồn điền trước kia...
Rồi người ta chế ra cac loại phin loc cho tiên dụng hơn và cho người dùng cảm giác an toàn và vệ sinh hơn khi thưởng thức. Đôi khi để tao tiện nghi hay thoải mái hơn cho khách là một số nhật báo phổ thông chuyên nhau đọc hay nhờ một người có giọng tốt hơn đọc lớn cho mọi người cùng nghe vì không chịu nổi việc chờ đến lượt mình để đọc. Vì như vậy tin sẽ ...nguội ...hơn cà phê sao ?! Một số chỗ không kém cạnh lại bày thêm vài món phụ là trà tàu và bánh ngọt , bánh qui lạt ...để mọi người thưởng thức thêm sau ly cà phê mà mới trông, sao nó có vẻ ít ỏi quá ! Chỉ cần làm một ngụm là trôi tuốt luốt vào bụng... Mà có mấy ai uống cà phê kiểu đó bao giờ nếu không muốn bị chê là phàm phu tuc tử ! Có người viện rằng đôi lúc ...chẳng đặng đừng ấy mà...Còn tuyệt nhiên là không ... nhất là khi không phải vội...Rồi từ từ bánh qui, bánh ngọt cũng mất đi vì tốn thêm tiền hay vì ăn không no hay ngon bằng những món bình dân khác mà người ta thường mua ở chỗ khác đem đến hay ở một cái sạp bán thức ăn nào gần đấy sống tầm gửi theo...Tuy nhiên trà vẫn còn lại là thức uống đệm cực kỳ hữu hiệu cho kẻ ghiền cà phê mặc dầu đôi khi nó nhạt thếch như nước lã pha màu ,hay đậm và chát vì là cặn của các loại trà ngon sót lại trong đáy hũ được pha thêm trà thường ( mà các Chú ... vẫn bán chạy như tôm mới chết chứ ! ) để bán lại cho các chủ quán cà phê có óc kinh doanh tiết kiệm ...thứ vừa ngon... mà lại vừa rẻ ! Thật đúng là Trà Quạu hay Thái Đức ...gì gì đó ! Mà nói thật dù bạn chê hay không, bạn cũng phải dùng nó cho một cuộc uống kéo dài... lê thê tâm sự với một bạn tri âm, tri kỷ nào đó lâu ngày gặp lại, hay chỉ để “ tám “ đôi chút về đủ loại chuyện cỡ ...chuyện hoà bình thế giới chẳng hạn; cho sướng ...cái ...miệng !
Ngày nay, hình thức có nhiều thay đổi hơn với các quán cà phê Trung Nguyên gắn máy lạnh, các quán cà phê đèn mờ, cà phê vườn , cà phê sân thượng, cà phê ghế bố, cà phê chạy ...( có tại các quảng trường, nơi chủ quán đặt bản quán trên xe hơi để kịp thời di tản khi gặp C.A... Cách bán cà phê là lấy tiền liền , và khách được cho ngay một ly cà phê đen hay đá và một tờ báo lót... mông ...rồi tuỳ nghi tìm chỗ ngồi ..để uống giữa khách sạn ...ngàn...sao ...Sau khi uống hết thì trả ly lại hay đem về nhà làm kỷ niệm vì tay chủ quán ...di động ...đã lặn mật tăm ...khi bị CA truy đuổi...
Và những ai đầu đã muối hay tiêu và nay...không còn thích nơi đông người nữa thì có thể thưởng thức vài loại cà phê đóng gói bán sẵn nhưng hương vị cũng tương đối... coi được để có thể mua về pha tại nhà; hay là loại được pha tai chỗ ngay trong ly, rồi đóng nắp mang đi một cách rất ư là h..i..ệ...n ...đ...a...ị, nhưng chất lượng thì chưa được cầu chứng ( ! ) và cũng chưa được xếp hạng với bất kỳ “ sao “ nào mà đang rộ lên vài nơi trên thành phố ...hiện nay ...( Hình ảnh lấy từ Google )


Tứ Duy

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

CA VIÊN Ở XA

Mai Anh và Tiến Quang cùng với bố mẹ đã đến Canada.
Hai cháu đã mail về báo tin, chúc Năm Mới và thăm ca đoàn.
Có kèm mấy tấm hình nơi các cháu ở, mời ACE xem

Click vào tấm hình để xem ở khổ lớn.

Anh Tuấn

NHẠC TỨ DUY

Xin giới thiệu với các ACE nhạc phẩm Sông Hoài, một trong những sáng tác của Anh Nguyễn Cung Tân dưới bút hiệu Tứ Duy


Anh Tuấn

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

NĂM DẦN, THỬ KỂ CHUYỆN CỌP





NĂM DẦN, THỬ NÓI CHUYỆN ...CỌP

Trong mọi con giáp thì quả thật Cọp là đáng nói đến nhất bởi chúng vừa oai như ...hổ tướng, vừa dữ như...hùm, vừa hiếm như ...cao hổ cốt, lại vừa bí ẩn như Ông Ba Mươi vậy !

1.ĐỘC CÔ CẦU ...BẠI

Trước hết, ai cũng công nhận Cọp là con vật đáng nể, đáng sợ trong số mười hai con giáp vì chỉ sau con Rồng. Nó vật đ và xơi tá…i hầu hết những con giáp còn lại một cach quá …ư dễ dàng ! Vì thế nó được coi là con vật xếp sòng chăng ?! ( Dù sao đi nữa, Rông tuy hơn hổ thật nhưng vẫn chỉ là một con vật huyền thoại, chỉ nghe đồn mà không thấy. Người ta nể trọng Rồng vì Rồng tượng trưng cho vua chúa với vị thế cao quí và có thể tàng ẩn như ...những gì bí mật đàng sau các cánh cổng hoàng thành xa xưa...) Vì thế mà cọp được xưng tụng là Chúa Sơn Lâm và là biểu tượng quyền uy của riêng giới quan lại, nhất là quan võ, như bạn thấy đấy : nào là hổ trướng, hổ phù ...v...v...

Như vậy khi cho rằng : Dần, Thân, Tị, Hợi tứ hành xung thì e rằng ... hơi thiếu, có vẻ lạc quẻ và không đúng my vì đâu chỉ ba con vật là khỉ, rắn, heo mới bị cọp v mà những con giáp còn lại, trừ Rồng ra, e rằng cũng dễ bị cọp vờn và xơi … tuốt !

2.CỌP ...CÔ CẦU...HIỀN

Các gia đình Việt Nam trước đây nói chung, nhất là những nhà có óc mê tín dị đoan nói riêng, hình như đều …sợ sanh con gái năm Dần cả ! Nếu sanh quí tử là con trai thì không sao, nhưng lỡ sanh con gái thì lo đến bạc cả đầu ...đôi chục năm về sau vì đường tinh duyên con gái mình e ra...sẽ sớm bị trắc trở ! Một số nhà ở thôn quê và thành thị trước đây thì dịch ngày sinh con gái lùi lại chút ít để thành tuổi Sửu trong khai sinh ( khi lỡ sinh vào thang 2,3,4 năm Dần... ) hay chờ them một hai tháng để khai sinh vào năm Mẹo ( khi sanh tháng 10,11,12 năm Dần …)và dĩ nhiên phải lo lót cho các ông chức sắc hộ tịch và cũng nhờ bà con hai họ giữ kín dùm kẻo sau này vô tình nói ra bể bạc … )Sau này khi đứa bé lớn lên, gặp chồng hiền, và được yêu chiều thì may ra mới thủ thỉ nói thật …dạ !!! Còn phần lớn các cô đều giữ kín suốt đời để cho yên bề gia thất … Đôi khi các cô cảm thấy ân hận va dằn vặt hoặc nửa tin, nửa ngờ điều mê tín trên liệu có thật khi chẳng may chồng mình lại chết …trẻ như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà nói cho cùng, mấy ai mà không biết cái chết đến bất kỳ lúc nào cho bất kỳ ai, và ở bất kỳ lứa tuổi nào chẳng cần thiết phải già hay trẻ … Bây giờ thanh niên và các gia đình có vẻ hiện đại và văn minh hơn rồi nên tình trạng này cũng bớt đi

3. CỌP VÀ VIỆC TÉ …GIẾNG

Chúng ta thường hay nghe từ “té giếng” mà mọi người hay dùng để chỉ những người “có đầu óc vào loại không mấy … bình thường nhưng thật ra từ này người viết đã nghe cách đây hơn bốn mươi năm rồi. Chuyện như sau : Dạo ấy ở một xóm nhỏ trên đường Nguyễn Huỳnh Đức ( tức là Huỳnh Văn Bánh bây giờ ) vốn còn nhiều ngôi nhà lá ( nhà gạch rất ít ! ) nép mình sau các bụi tre làng... Mỗi xóm đều có một giếng nước cho mọi người trong xóm dùng chung. Giếng khá sâu, khoảng mươi thước gì đó với vách bằng gạch đỏ nâu, loại gạch người ta thường dung để cất lò hơn là làm nhà… Nó dầy và chắc, và thường …đóng rêu do ẩm thấp. Nước giếng thì hơi đục, có lẽ vì phèn ! Lúc đó, có một cậu thanh niên xứ Quảng, người trông chắc bè, khỏe mạnh, hiền lành - bởi ai nhờ gì cũng cặm cụi làm, còn không thì lang …thang xin ăn - nhưng tính tình cậu ta thì hơi tưng tửng, lúc nhớ lúc quên ! Khi cậu ta tỉnh táo và được … hỏi thăm, cậu ta thường hay kể về gia đình mình và nỗi đau mất mát người thân bởi chính ...cọp ! Vốn là làng cậu nằm dọc theo ven núi ở …tận Quảng Nam xa xôi. Dân làng sống bằng nghề nương rẩy và mót củi rừng đểsống... Một sáng nọ cọp về. Thật là một sự táo tợn vì là giữa ban ngày ban mặt và rủi thay…cha cậu là người đầu tiên và trơ ..trọi một mình đối mặt với Chúa Sơn Lâm bởi vì dân làng đang theo nhau lên núi kiếm củi…còn cha cậu bận chuyện riêng nên hôm ấy ở nhà. Phần có búa, phần chút hơi men …còn vướng lại đâu đó đêm qua, nên cha cậu và cọp quần nhau… mệt nghỉ ! Và kết cuộc, ồng nhận một cú tát như trời giáng vào mặt, người nông dân đáng thương đó ngã vật ra đất với khuôn mặt nát bét và đầm đìa máu...bởi các vuốt sắc của cọp. Sẵn hăng mồi, con thú rượt cả hai vợ con người nông dân – là mẹ cậu và chính cậu đang được bồng trên lưng - chạy lòng vòng quanh nhà. Bà mẹ sau đó hoảng quá nên khi chạy ngang qua giếng chẳng kịp nghĩ thêm điều gì, liền vội quăng con xuống giếng và tiếp tục chạy để rồi sau đó chết dưới vuốt hổ... Sau đó, dân làng trở về đổ xô lại nhà cậu để tiếp cứu nhưng đã trễ ! Cha mẹ cậu đều chết và họ vô tình nhìn thấy và kéo câu từ giếng lên. Cậu chẳng may va đầu vào thành giếng rồi bất tỉnh khị bị mẹ ném vội xuống, tuy nhiên giếng ấy đang vào mùa cạn và nước không nhiều để đến nỗi làm cậu chết đuối. Cậu được cứu sống nhưng dần dần trở nên nửa tỉnh nửa điên vì những gì cậu chứng kiến Cậu bé lớn lên nhờ sự đùm bọc của họ hàng và lối xóm nhưng có lẽ cảnh cũ gợi quá nhiều kỷ niệm nên cậu sống đời lang bạt xứ người rối lưu lạc đến nơi này hoặc có lẽ bởi vì không còn ai muốn nuôi cậu nữa khi cậu lớn vì họ đa số cũng nghèo ?! Chúng tôi thường thấy cậu hay lại gần thành giếng để ngồi, ngồi như ngồi bên một vết thương …lòng ! Lạ lùng là tay cậu thích mân mê những viên gạch cũ ló ra ở gần miệng giếng. Cậu cũng thích nhìn xuống giếng, nhưng lại một mực xin nước uống do người khác múc từ gàu lên, chứ không bao giờ chịu tự mình thả gàu xuống để múc nước … uống : một thứ việc thật dễ dàng mà ngay cả trẻ em trong xóm cũng đều có thể làm được... Có lẽ do ám ảnh về cái té giếng ngày xưa chăng ?! ...Không ai hiểu và cậu ta cũng không bao giờ đưa ra lời giải thích cho có đầu có đuôi ( vì cậu ta …vốn điên mà ) nhưng không ai nỡ quở trách cậu và đành… đoán mò …lý do thôi ! Cũng như khi cậu nhận làm cho người ta vào ngày hôm sau mà chờ hoài cậu hổng thèm tới ! Đi kiếm thì người ta thấy cậu ta đang ngồi bên thành giếng, mắt nhìn …xuống, tay …mân mê mấy miếng gạch nơi miệng giếng. Mấy cô gái trẻ đi kín nước, vốn nhát cáy, chỉ biết đứng xa xa …chỉ trỏ và bàn tán, chứ không dám lại gần…vì cậu ta lúc ấy trông thật dễ sợ…Có người đòi đuổi cậu ta đi, có người bênh vực và buông thỏng một câu như thói …quen cửa miệng: “ Thôi ! Trách nó làm gì ? Nó té …giếng mà ! “

4.CỌP VÀ NGUỒN GỐC VÕ NGHỆ

Ngày xưa, để đấu tranh lại với thiên nhiên, con người đã biết quan sát sự đấu tranh của cầm thú trong việc chúng tự bảo vệ mình trước các loài thú hung dữ hơn chúng, hay chỉ đơn thuần là theo dõi bản năng trong cách thức kiếm mồi của chúng. Nhìn các thế chiến đấu ấy của voi, hổ, gấu hay đại bàng, khỉ , ngựa, chó, v…v… mà con người tổng hợp và phân tích để làm mạnh hơn sức manh vốn có của con người với những đòn thế ngày càng tinh xảo và hung hiểm hơn ! Nhưng ấn tượng của con người về hổ bao giờ cũng mạnh …hơn cả vì chúng gần gũi với con người về khoảng cách địa lý giữa nơi sinh sống của hổ ( rừng rú, nơi rậm rạp… ) và con người ( làng mạc hay thị tứ …) là một khoảng cách tương đối …hẹp của thời xa xưa …so với ngày nay. Nếu con người vô rừng tìm cây, đốn củi thì rất dễ dàng …gặp chúng và khi chúng mò về làng bắt trâu bò heo thì cũng dễ dang …đụng phải người ! Do đó mà hình thành thế xung khắc giữa người và hổ . Hai bên đều nghiên cứu về nhau rất rõ. Con người nắm được những tập tánh và thói quen săn mồi của hổ. Những con hổ già hay những con bị thương ở chân thường không thể chạy nhanh hơn con mồi để săn và chắc ăn là bắt được nó nên chúng phải mò vào làng kiếm những con vật hiền ngoan và dễ thương hơn ( tội nghiệp khi phải nói điều này ! ) như trâu, bò , heo, gà…để ăn ! Và con người cũng biết rõ là khi nào hổ sẽ …vồ, cách nó sẽ bắt mồi như thế nào và khi ăn không hết sẽ đào hố chôn và đánh dấu ra sao để sau đó có thể quay lại đào lên để ăn tiếp ! Ngược lại, hổ cũng biết khi nào mới phải tấn công con người, cách thức để rình …mò mà không bị phát hiện, cách ra đòn bất ngờ, và cả cách đào tẫu khi bị con người bao vây và đuổi nà… Và ngay cả khi cần, nó có thể cắn bỏ một chân để tẩu thoát khi bị dính bẫy… Trong dân gian không thiếu gì những chuyện còn truyền lại về các con hổ thọt tinh khôn và hung hiểm như vậy …

5.CỌP, THIẾU LÂM TỰ VÀ THIỀN TRƯỢNG

Tương truyền Đạt Ma sư tổ, một trong sáu vị thiền sư đầu tiên truyền đạo Phật vào trung Hoa qua ngã Tây Trúc – Ấn Độ - mà vào nước Tàu… Ông cũng là người thiết lập ra chùa Thiếu Lâm nổi tiếng Trung Hoa với nhiều môn đồ thành danh sau đó ... Trên đường thiên lý diệu vợi mà ta có thể hình dung được qua truyện kể về hành trình của Đường Tam Tang vài trăm năm sau đó với hướng đi ngược lại từ Tàu qua Tây Trúc... Để chống lại thú dữ và phòng thân, ông đã dùng thiền trượng bằng gỗ dài hơn thân người ... Khi gặp thú, ông dung nó để xua đuổi hay đánh lại chúng. Và theo giai thoại, chiêu ông thường dùng nhất là đập mạnh gậy xuống đất ( Một cách mà người ta cho rằng làm cọp …sợ ! ) rồi ông nhìn nghiêm vào nét mặt chúng. Khi chúng còn thủ thế và e dè chưa dám xông vô thì bất thình lình ông hét lên một tiếng ( mà trong giới nhà võ gọi nôm na là Sư Tử Hống ), thế là con vật hoảng hồn chạy …mất !!! ( Bạn không thấy rằng khi người ta bỏ chạy thì chó hay rượt nà sao vì nó đánh hơi là họ … sợ nó đấy ! Ngoài ra , bạn cũng không thấy là khi chiến đấu và ngay chính trong các môn võ cũng vậy, người ta cũng phải học công phu và thực hành việc hét lên để trấn áp tinh thần của đối phương hay sao, và sau này sự la hét ấy còn lan …sang cả các môn thể thao qua tiếng reo hò hoan hô hay la ó phản đối nữa …)

6.BA THẾ …CỌP ?

Nhiều người tự hỏi : Vậy chứ cọp tấn công con người và các con thú khác bằng mấy thế võ ? Nếu bạn đã từng đọc “Thuyết Đường” bạn sẽ không quên nhân vật Trình Giảo Kim đời Đường bên Tàu. Ông ta thành danh và làm tướng chỉ nhờ … ba thế búa. Khi tướng địch đánh nà tới và ba thế búa thi triển xong mà địch thủ chẳng nhằm nhò gì, ông ta liền quay đầu chạy để dung chiêu cuối cùng là Hồi Mã cước, dùng búa chém ngược lại đàng sau nhân lúc xuất kỳ bất ý để triệt hạ đối thủ. Nếu kẻ thù khinh địch thì mất …mạng dễ như chơi vì đòn khổ nhục kế này ! Theo giai thoại thì con cọp cũng …vậy ! Nếu tấn công con người sau ba thế mà không thắng thì chính nó cũng tự động bỏ đi nếu con người không lấy thế ..làm điều và truy …đuổi hay dồn nó vào bước …đường cùng để nó quay lại chiến đấu tới …chết ! Dĩ nhiên điều này khó kiểm chứng vì đánh nhau với hổ phải là người có võ nghệ siêu quần nhưng mấy ai trong những vị hảo hán ấy lại không ngán mười cái vuốt sắc của hai bàn chân trước giống như mười mũi dao, nhọn hoắc khi phóng tới để …vồ mồi và khi chụp… hụt thì mười vuốt sau lại trờ tới như cú vuốt tiếp theo của đòn thế bén như những cựa …gà vậy ! Đã thế lại còn hàm răng bén nhọn đang lăm le đòi lột vỏ …dừa ( thủ cấp ) của địch thủ nữa chứ ! Nếu bạn đọc Thủy Hử, bạn cũng thấy anh hùng đả hổ là Võ Tòng cũng phải uống cho đến say mèm mới dám đánh nhau với hổ hay sao ! Và để tránh chiêu sát thương của hai mươi lưỡi đao và cái hàm bén ngót ấy, tay bợm nhậu này chỉ còn nước nhảy lên thân hổ, vừa bóp hầu ngay động mạch chủ để làm con vật ngạt thở và không thể xoay cổ để cắn hay vận dụng vuốt để chụp, rồi tay này cứ đánh nà vào hai bên thái dương ( màng tang ) vốn là tử huyệt của người lẫn động vật, chứ đâu có đánh xìu xìu ểnh ểnh như trong phim Thủy Hử mà chúng ta xem chiếu lại trên tivi những năm trước ! Và những ai lỡ đánh nhau với nó cũng đều “ Tiên hạ thủ vi cường “ , chứ mấy ai vừa đánh vừa học hỏi các đòn thế tinh tế của nó để biết đó là một, ba, sáu hay bao nhiêu ngón đòn như vậy ! Còn nói là nhìn nó chiến đấu với các con vật khác thì biết …liền chứ gì. Điều đó cũng có thể, nhưng không mấy chắc ! Bạn đã từng xem các pha đuổi con mồi của cọp và sư tử trong chương trình “ Thế giới Đông Vật “ hay “ Discovery “, bạn cũng thấy kết cuộc dễ dàng của cuộc rượt đuổi đó, con vật chạy theo con mồi rồi phóng lên lưng, tát hay ngoạm ngay cổ con mồi. Con vật đáng thương lịm dần đi, chạy chậm lại và rồi khuỵu … xuống ! Cuộc chiến đấu thật bình thường và không cân sức. .. Trong khi với con người võ nghệ, những chiêu thức và mưu trí đấu tranh sinh tồn trước cọp chắc là hay …hơn nhiều !

7.THỦ THẾ KHI GẶP …CỌP.

Theo một số người đã kinh qua việc gặp cọp thì cọp không bao giờ tấn công con người mà không dò xét trước. Một trong những cách phòng thủ là cầm một cây gậy lớn, như thiền trượng chẳng hạn, như là trong phần nói về Đạt Ma sư tổ ở trên. Miễn là cây gậy phải chắc mập, và tương đối cao hơn đầu người… Khi có vũ khí phòng thân thì con người thường tự tin hơn rất nhiều và do đó làm con thú e dè trước khi tấn công. Tuy nhiên, đừng bao giờ ném cây gậy đi, nhất là vào ngay con thú mà biết chắc rằng không làm cho nó bị thương ! Vì sau đó là đến lượt nó tấn công ta liền khi thấy ta không còn …vũ khí. Cách hay nhất là vẫn gườm gườm nhìn cọp không chớp mắt và lùi lại đến chỗ có cây cao to, có cành thấp nhất tương đối với tới, sao cho chỉ vài lần phóng là ở xa tầm với của cọp vì cọp không thể leo được…Có chuyện kể rằng, ngày nọ, có một người đàn bà khi nhìn thấy cọp thì sợ đến cứng cả người… Sau nhiều lần lùi lại trong khi vẫn trừng trừng nhìn cọp thì đụng phải gốc cây to đến nỗi không còn chỗ để lùi. Bà ta sợ quá đến chết điếng tại chỗ vì …sợ và cũng vì thất vọng… May thay, sau khi chờ một lúc lâu mà không thấy người đàn bà động tĩnh gì, cọp liền bỏ đi vì cho rằng có lẽ người đàn bà không sợ nó, và đấu tranh với một người không sợ mình thì quả là đáng … sợ thật ! Khi mọi người đến cứu và lay qua lay lại nhiều lần, người đàn bà kia mới tỉnh lại …Hú hồn !

8.HỔ ĐẤU

Trong chúng ta, ai mà không một lần nghe qua vài câu trong bài “ Nhớ Rừng “ của Thế Lữ :

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua …

Hoặc :

Với khi thét khúc trường ca dữ dội

Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng …

Quả thật bài thơ đầy bi tráng này làm ta cảm thấy xót thương cho chính con cọp và chính một dân tộc bị trị nằm đàng sau ẩn ý đó. Có người còn ngâm ngợi rằng “ Hổ lạc đồng bằng, chó dễ ngươi “ Quả thật đúng vậy ! Khi rời bỏ rừng xanh về đồng bằng, cọp không còn chỗ ẩn thân và thức ăn dồi dào như trước. Nó phải tranh đấu để sinh tồn và liều mạng với con người để tìm nguồn vật nuôi do người làm ra là trâu, bò heo, gà …và chẳng lâu sau tự tìm lấy cái chết bởi sập bẫy hay bị người săn bắt… Cũng không lấy làm lạ là lộ trình bị truy đuổi ấy trải từ các tỉnh phía Bắc hay từ Thượng Lào dài dài thiên di về Nam tới Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai và đến chỗ cùng tận là mũi Cà Mau xa xôi …( Nơi mà những người lưu dân còn truyền miệng cho nhau nghe về việc ông cha họ đã từng gặp và còn đánh nhau với cọp hà rầm nữa ! ) Có người còn cho rằng Đồng Nai trước đây thì cọp và nai nhiều vô kể nên phải gọi là Đồng Cọp mới đúng nhưng vì địa danh ấy nghe dữ quá nên người ta chọn Đồng Nai để nghe cho có vẻ thơ mộng và hiên hòa hơn để nhớ về những lưu dân đã từng khai hoang lập ấp ... Về đấu tranh giữa hổ với người thì ta đã rõ khi so với tỉ lệ tồn vong của giống loài này trên mặt đất đến giờ. Một con số nhỏ bé – khoảng một hai ngàn đổ lại - đến nổi chúng đã được đưa vào “ sách đỏ “ để nhân loại cùng quan tâm và giữ gìn… Với các con thú khác, cuộc song đấu của chúng với những con thú khác ấy thì như thế nào ? Theo Osmond P. Breland, một nhà động vật học Mỹ nổi tiếng, từng viết trong tác phẩm “ Animal Life and Lore “ : Nếu hai con sư tử và hổ có cùng trọng lượng thì khi giao đấu, chắc chắn rằng hổ sẽ thắng. Ông lập luận rằng : Khi đánh nhau, sư tử chỉ dung có một chân trước. Ngược lại, hổ thiện sử dụng cả hai chân. Như vậy thì hổ phải ưu thế hơn, ra nhiều đòn hơn và đương nhiên phải thắng !!! Tuy nhiên có một số người trong bàn nhậu khi nghe lại phản bác rằng : Chưa chắc kẻ dùng hai tay và ra đòn nhiều hơn sẽ thắng nếu như các đòn đó không đủ mạnh và hiểm để có thể hạ gục con mồi . Họ lấy ví dụ rằng một tay võ xoàng có dung hai tay đi nữa chưa chắc đã thắng một vị quyền sư danh trấn giang hồ hay võ công cao cường với một tay…Cũng theo Breland, đôi khi người ta vẫn chứng kiến cảnh ngựa, bò ,heo rừng , nhím và ngay cả cừu đực cũng từng đấu tay đôi với hổ và dĩ nhiên, phần thắng nghiêng chắc về chúa sơn lâm, mặc dầu nó cũng trầy vi tróc vẩy nhưng kết cuộc không bi đát như những con thú kia… Ngựa thì chỉ biết đá giò lái mà trúng trực diện mới nguy hiểm nên hổ hóa giải dễ dàng bằng cách phóng lên lưng, tát và cắn đứt vòm họng. Bò và cừu đực cũng thế. Heo rừng thì hất ngược sừng. Tác dụng cũng không bao nhiêu nếu không thắng ngay trong chiêu đầu … Còn nhím thì xù lông - vốn chỉ gây khó khăn cho các bàn chân cọp sau đó, khi chúng bị sưng tấy và nhiểm trùng, làm khó cho việc di chuyên nhanh để bắt mồi hiệu quả vê sau thôi – còn tức thời là thúc thủ, thua ngay và làm mồi cho cọp chẳng lâu hơn sau đó…

9.HỌA HỔ, HỌA BÌ NAN HỌA CỐT…

Trong truyên “ Lộc Đỉnh Ký “ của Kim Dung có nói về anh chàng tiểu thái giám Vi Tiểu Bảo – cũng là thái giám giả , chỉ dung tiến và mưu kế để không bị hoạn và được cho vào làm thái giám trong cung để mưu cầu lợi lộc cá nhân. Trong tác phẩm trào lộng này , ông muốn nhấn mạnh đến loại người không biết liêm sỉ là gì, chỉ nhờ môi mép, may mắn và gặp thời mà làm điên đảo cả triều cung. Khi được Khang Hy sai đi dò thám động tỉnh của Ngô Tam Quế ( một vị tướng phản Minh, giúp Thanh vào chiếm Trung Hoa )vì nghe phong phanh ông này đang chiêu mộ quân và liên kết với các tướng bất mãn khác để làm phản vì không được tin dùng. Khi được vào hổ trướng của Ngô Tam Quế va thấy bức hình hổ họa trên tường trông thật giống, xung quanh lại là một số bàn ghế và đồ dùng được bọc bằng da … hổ. Vi Tiểu Bảo đã nửa đùa nửa thật đoc hai câu thơ cổ “ Họa hổ, họa bì , nan họa cốt – Tri âm, tri diện, bất tri tâm “ nhằm ám chỉ rằng họ Ngô có phải là đang muốn mưu phản hay không ?! Có tật giật mình, nên khi Tiểu Bảo hồi triều, họ Ngô đã khởi binh sớm hơn dự định trong lúc còn chưa đủ quân số, lương thực, và lòng người cũng chưa theo, nên cuối cùng họ Ngô thua trận… đúng với ý đồ của vua Khang Hy là muốn họ Ngô bộc lộ dã tâm sớm và làm mất thời cơ và thế thương phong trong việc cầm quân mà người ta thường tóm tắt trong câu “ Thiên thời, địa lợi, nhân hòa “

10.CỌP DÊ

Trong từ ngữ việt hóa từ các từ được vay mượn nước ngoài, từ này xuất phát từ “ copier “ trong tiếng Pháp. Từ này diễn tả việc sao chép cái gì nhưng với tiếng việt, nó còn ám chỉ một hành động sao chép mang tính gian lận trong các kỳ thi và dĩ nhiên hàm ý tiêu cực… Sở dĩ nói đến nó trong bài này vì nó làm ta liên tưởng đến cọp do trùng âm mà ra . Quả thật cái thái độ làm bất cứ cái gì có thể để sao chép người khác một cách dễ dàng không phải là bản tính hung hăng của cọp hay sao từ việc chụp, giật, liếc , gườm …? Và người kia, nếu riu ríu làm theo vì lòng thương hại hay sợ sệt thì sao lại không giống hình ảnh của một con dê đáng thương trước miệng hổ hay sao ?! ( Cho nên hình ảnh đối lập này rất hay trong việc Việt hóa một từ nước ngoài nhưng ngày nay nó ít được sử dụng hơn so với trước đây…) Tuy nhiên, không phải người bị sao chép nào cũng làm như thế cho dù gương mặt của người sao chép gian lận và hùng hổ như thế nào đi nữa và như vậy về một mặt nào đó, từ này cũng có mặt hơi yếu về hình ảnh truyên đạt theo ngữ nghĩa …

11.MA TRÀNH

Liên quan đến hổ, trong tác phẩm “ Ai hát giữa rừng khuya “ của minh, nhà thơ Tchya Đái Đức Tuấn ( bạn bè quen thường gọi ông là Tẩy Xìa ) đã kể về một câu chuyện đường rừng như sau : Những người bị chết oan bởi bị …cọp vồ đã biến thành những con ma …trành. Chúng tìm cách quyên rũ người khác sao cho bị cọp …vồ để thế mạng cho mình và để được đi đầu thai sau đó, nếu không thì cứ vất vưởng hoài làm con ma … đói nơi trần thế ! Nghe ra thì cách hại người ấy hơi …ác nhưng câu chuyện vẫn có chút ý …vị nào đó khi được đọc về ban đêm, và với sự thêm thắt và trí tưởng tượng của người xem… trong khung cảnh một mình những đêm ba mươi như thế này chẳng hạn, và nếu như bạn không … sợ “xui “ cả năm…

Tóm lại, đây chỉ là những câu chuyên mua …vui một vài trống canh trước đêm giao thừa chờ đón năm mới, mong đừng ai áp dụng để chui vào chuồng cọp ở Sở thú Sài Gòn hay công viên Đại Nam ở Bình Dương để “ vuốt râu cọp “ hay “ xỉa răng cọp “ như vậy thì tội nghiệp cho người ấy lắm lắm …Hãy “ Kính nhi viễn chi “ và bảo vệ một loài động vật quí hiếm đáng …để ngắm nhìn không chỉ trong năm “ cọp “ mà thôi …( Ảnh lấy từ Google ! )

Sài Gòn, đêm 27 – 28 cuối năm Sửu, bước qua năm Dần.

Tứ Duy

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

CHÚC MỪNG NĂM MỚI CANH DẦN


Trước Thềm Năm Mới
Thân Ái Cầu Chúc
các Anh Chị Em và Gia Quyến
cùng Quý Độc Giả Bốn Phương

NĂM MỚI CANH DẦN 2010
THÁNH ĐỨC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG
MAY MẮN - THÀNH ĐẠT
HẠNH PHÚC - VUI TƯƠI
VÀ NHIỀU ƠN THÁNH CHÚA