Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG A (Mt 1, 18-24)


TẠI SAO NGƯỜI ĐẾN?

Phố phường Sài Thành đã rộn rã những ánh điện nhấp nháy, không khí giáng sinh theo gió đông ùa về khắp phố phường, như quấn quyện đất với trời. Giáng sinh bắt đầu trở lại, không khí hanh lạnh nhưng ấm áp, yêu thương, rịn réo người với người và với vạn vật.

Lễ hội Giáng sinh, không biết từ bao giờ đã trở thành lễ hội lớn của nhân loại. Người ta trao nhau những lời chúc chân thành, gửi đến những tấm thiệp với lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc. Cảm ơn giáng sinh, mà thế giới biết quan tâm đến nhau. Những quyên góp, chia sẻ quà giáng sinh ngày càng được lưu tâm, chăm chút. Nếu cứ biết sống sẻ chia, trao cho nhau niềm vui, tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc thì có lẽ cuộc đời đã vơi nhiều giọt nước mắt nhọc nhằn, đắng cay, đau khổ.

Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Hài nhi Giêsu bé nhỏ. Sự cho đi, tận hiến và sẻ chia của Ngài cao lớn quá. Nhân loại đến với nhau, nhưng không ai cho đi tất cả, hình như đó là bản năng tự nhiên của nhân loại, cái bản năng thiên phú - bảo tồn sự sống. Vì vậy, hiếm ai dám cho đi đến tận diệt, cho vô điều kiện. Trong cái cho của nhân loại luôn luôn bao hàm cái muốn được nhận lại. Cho dù việc nhận lại phụ thuộc vào ý muốn mỗi cá vị nhưng chúng đều có một điểm chung, là mong muốn có được một cái gì. Người làm phúc thì muốn được trời chúc lành, kẻ làm phúc thì muốn được ghi ơn... chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có khả năng yêu kẻ không hề yêu mình.

Càng nghĩ, càng thấy Thiên Chúa đáng thương, vì có ai thiệt thòi đến tận cùng như Ngài? Sự thật, Thiên Chúa không bao giờ đáng thương mà chỉ có con người mới đáng thương. Nhân loại đáng thương vì họ không có khả năng yêu thương vô tận, và càng thiếu thốn, họ càng cuống cuồng níu kéo đi tìm cho kỳ được tình yêu thương đó. Thực tế, trong nhân loại, ai có khả năng yêu vô tận bằng Thiên Chúa, có chăng họ đang cùng nhau tập sống yêu thương để trở nên giống Thiên Chúa.

Tạo dựng con người, hài lòng, hạnh phúc trong tác phẩm của mình bao nhiêu thì Thiên Chúa càng “đau khổ” bấy nhiêu khi phải chứng kiến con người lầm than, khốn khổ. Động lòng trước cái đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã hy sinh ước mơ, cuộc sống của mình để sống cuộc sống nhân loại. Ngài đón nhận mọi bất trắc đến với mình, mang lấy cả tội lỗi, bệnh tật của họ, không phải để họ không còn đau khổ mà đúng hơn là để dạy cho họ tập biết sống đón nhận và yêu thương. Ngài dư khả năng để xóa bỏ, giải cứu mọi nỗi thống khổ bất công, tiếng kêu gào thống thiết của nhân loại, nhưng Ngài không làm điều ấy, mà muốn nhân loại cùng với Ngài bước vào con đường thập giá, con đường tận diệt hầu tìm ra chân lý hạnh phúc.

Nếu chỉ thắp lên một ngọn nến để mà ước, có lẽ ai trên thế giới này cũng có thể làm được. Nhưng nếu chỉ ước là có ngay điều muốn ước, thì ước muốn ấy cũng tẻ nhạt và chóng tàn. Nhưng nếu tự mình biết thắp lên ước mơ, cái ước mơ ấy mới đáng trân trọng. Cùng với Thiên Chúa bước đi trên con đường thập giá, cùng trải nghiệm đớn đau, mất mát, khổ cực sẽ khiến cho con người dày dạn, trưởng thành và biết trân trọng những điều bình dị nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

Thật ra, không có gì là không quan trọng, từ những bước đi, cử chỉ đơn thường nhất trong cuộc sống, ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui, buồn… trong cái nhìn thần học, tất cả đều mang giá trị tích cực. Chỉ vì con người chạy theo xu hướng thực dụng, xem thường những điều nhỏ nhặt, đề cao những cái cốt yếu, quan trọng theo quan niệm bản thân để rồi bỏ qua biết bao cơ hội. Không vì vậy mà dân gian vẫn thường dạy bảo nhau: “Hạnh phúc ngay trong tầm tay, vụt mất rồi mới hay, để mà hối hận thì đã muộn”. Cơ hội chỉ có thể đến một lần, không chờ đợi con người bao giờ. Nó luôn đi qua và không bao giờ dừng lại, chỉ những ai biết nắm bắt cơ hội mới vẽ nên ước mơ thật sự của đời mình.

Thiên Chúa trọn vẹn hạnh phúc, không phải chỉ vì Ngài được nhân loại yêu thương, nhưng chính là Ngài biết sống yêu thương cho hạnh phúc của nhân loại. Hạnh phúc đích thực, hạnh phúc cao cả nhất, hạnh phúc đúng nghĩa chính là dám sống cho người mình yêu thương mà không cần đáp trả, vô điều kiện!

Khác với nhân loại, con người trao cho nhau hạnh phúc, nhưng sự trao đi luôn luôn đính kèm điều kiện. Ngài có thể yêu và tha thứ cho người không hề yêu mình, thậm chí còn phản bội, quay lưng lại với Ngài nữa. Tại sao vậy, tại vì Ngài luôn có, luôn dư dật và luôn muốn trao đi, ban phát. Nhân loại vì sao trong cái cho luôn tiềm ẩn cái muốn nhận lại, chính vì bản thân họ là kẻ giới hạn, biết cho sẽ mất và sẽ hết, cho nên cái khao khát, thèm muốn được nhận lại luôn giằng xéo tâm hồn họ. Nhìn sự thiếu thốn, bất toàn đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã đến để cho họ được sung mãn.

Thiên Chúa giàu có và hạnh phúc quá, con luôn là kẻ bất hạnh vì bao giờ con cũng thiếu thốn. Thiếu tình yêu, thiếu niềm tin. Dẫu biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài đã đặt con vào trong thế giới luôn luôn biến động, bất ổn khiến niềm tin con chao đảo, bất an. Ở tận đáy lòng, con luôn cảm ơn Thiên Chúa, ghi ơn tình thương cao cả của Ngài, chỉ vì con quá yếu đuối mỏng dòn, không có khả năng nắm giữ ân huệ Thiên Chúa, hết lần này đến lần khác, con đã buông bỏ biết bao đặc ân của Ngài. Xin tha thứ cho con, lạy Thiên Chúa. Cúi xin Ngài tha thứ cho con, cho con được sống trong lòng thương xót và ơn cứu độ. Chỉ cần con biết phụng thờ và tôn kính Ngài. Yêu thương, phục vụ tha nhân, cùng với tha nhân đi hết con đường Thiên Chúa muốn, với con là hạnh phúc. Chính tình yêu thương đã cho nhân loại những con đường để họ đến với nhau. Trên chính con đường này, Ngài đã đến với nhân loại, thì con không thể đi trên đường khác mà về với Thiên Chúa được. Ngài muốn con đến thế gian, hiện diện với nhân loại vì muốn con hạnh phúc. Con bất toàn không thể tận diệt cho Thiên Chúa, nhưng có thể tận diệt cho người mình yêu thương trong Thiên Chúa. Xin giúp con tin vững như vậy, để từ nay không còn mãi gạn hỏi: tại sao Người đến?

M. Hoàng Thị Thùy Trang.
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A (Mt 11, 2-11)


DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ
(Mt 11, 2-11)


Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy cảnh Gioan Tẩy Giả phải đối mặt với sự dữ, với bất công, với áp bức bóc lột, với cảnh giam cầm tù tội, với chết chóc. Nên ông nóng lòng mong đợi Đấng cứu thế đến để giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ, được sống trong tự do, thực thi công bình bác ái. Vì vậy, ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Gioan, bởi vì Chúa biết, tuy dân chúng đang tha thiết mong đợi Đấng cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban. Nhưng quan niệm của họ về Đấng cứu thế hoàn toàn ngược với ý định của Thiên Chúa. Họ mong đợi một Ðấng Cứu Thế uy quyền, sang trọng, oai phong lẫm liệt, có đầy đủ quân lính với vũ khí, đánh đông dẹp bắc để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang, làm cho đất nước họ độc lập về chính trị, giàu mạnh về kinh tế… Trước những quan niệm đó, nếu Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng cứu thế, thì dân chúng sẽ đòi hỏi Ngài hành động theo ý muốn của họ. Vì thế, Chúa Giêsu đã trả lời cách gián tiếp. Ngài yêu cầu các sứ giả thuật lại cho ông Gioan biết những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5).

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người biết một Đấng cứu thế đến trần gian cứu độ con người theo chương trình của Thiên Chúa. Một Đấng cứu thế bình dị, sống trong nghèo khó, không nhà cao cửa rộng. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”
(Mt 8, 20). Luôn khiêm nhu và âm thầm lao động. Một Đấng cứu thế thương yêu, đầy lòng từ bi nhân ái, Ngài đến để chữa trị bệnh tật phần hồn phần xác cho con người. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, giúp kẻ tội lỗi ăn năn sám hối, cho người nghèo khó được nghe giảng Tin mừng…

Đức Giêsu biết rằng, dân chúng không chấp nhận một Đấng cứu thế bình dị, nghèo hèn, âm thầm lao động, làm việc như mọi người. Nên Chúa Giêsu nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”
(Mt 11, 6). Quả thật, nhiều người đã thất vọng vì Chúa Giêsu không làm theo ý của họ, không đứng lên đánh đuổi quân thù để giải phóng cho dân tộc của họ, đem đến cho họ được tự do và cơm no áo ấm, làm cho đất nước họ được hùng mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị… Người đã không đáp ứng nhu cầu và những mong ước của dân chúng. Ngài không giải phóng dân chúng theo kiểu thế gian. Nên nhiều người đã vấp ngã vì Chúa, họ kinh bỉ, lên án, tố cáo, tra tấn và giết Người cách tàn nhẫn.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người cũng hỏi chúng ta ông (bà), anh (chị) có phải là Kitô hữu không? Là người Kitô hữu chúng ta không cần vỗ ngực tôi là “Kitô hữu” đây. Chúng ta hãy bằng chính đời sống, bằng việc làm của ta. Chúng ta hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người, noi theo cách sống, lời nói và việc làm của Người. Sống như Chúa sống bằng một cuộc đời giản dị, âm thầm, không tham tiền bạc, không háo danh. Làm như Chúa làm, làm để giúp đỡ mọi người, nhất là những người tàn tật, nghèo khó khổ đau. Nói như Chúa nói, nói những lời thân thương, những lời ủi an, động viên khích lệ. Yêu như Chúa yêu, yêu bằng cả con tim, yêu cả kẻ thù, yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Như vậy, Chúa cũng chúc phúc cho chúng ta vì đã không vấp ngã vì Người.

Có câu chuyện kể rằng: Một nhóm thương gia đi họp vào ngày cuối tuần. Ai cũng mong mỏi cuộc họp kết thúc sớm để về nhà ăn tối cùng gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài quá dự định. Tan họp, ai nấy chạy vội để kịp chuyến xe. Một người đã xô vào quầy bán táo của cậu bé mù, táo rơi tứ tung. Nhưng vì vội nên không ai giúp em nhặt số táo lăn ra đường. Mọi người đã lên xe và thở phào nhẹ nhõm. Duy có một người, dù ông không va vào quầy hàng của cậu bé, nhưng vẫn không được bình an, lương tâm cắn rứt. Xe chạy được một đoạn ngắn, ông đã làm hiệu cho lái xe dừng lại, ông xuống khỏi xe, quay trở lại quầy bán táo của cậu bé. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để nhặt lại. Thì ra cậu bị mù! Mọi người đi qua cũng phớt lờ không một ai tra tay giúp cậu. Ông kết luận mọi người đi qua đó đều “bị mù”. Ông quyết định làm “đôi mắt” cho cậu bé, ông cúi xuống nhặt lại từng quả táo cho đến hết. Một số quả bị giập, ông moi trong túi một số tiền và đặt vào tay cậu bé, chào tạm biệt cậu rồi ra về. Cậu bé ngỡ ngàng hỏi với theo: “Ông có phải là người Kitô hữu không?”. Ông không trả lời, nhưng qua việc ông làm, cậu bé đã nhận ra ông là người Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô.

Muốn nhận ra dung mạo của Đấng Messia, chúng ta hãy xem việc Người làm là: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11, 5). Đó là dấu chỉ chắc chắn để nhận biết Người. Mỗi Kitô hữu cũng hãy mặc lấy dung mạo của Đấng Cứu thế: làm đôi mắt của người mù, giúp họ được thấy; làm đôi chân cho người què, giúp họ đi được; làm thầy thuốc, giúp người cùi lành sạch; làm đôi tai cho người điếc, giúp họ được nghe; đem sự sống thần linh, giúp cho người đã chết về phần hồn được sống lại; làm ngôn sứ, giúp cho những người nghèo được nghe Tin Mừng nước Thiên Chúa… Như câu truyện trên, chúng ta không phô trương, không cần quảng cáo, qua những việc tốt đẹp chúng ta làm là mọi người sẽ nhận biết chúng ta là Kitô hữu và là môn đệ Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra dung mạo Đấng cứu thế nghèo hèn, bình dị, sống âm thầm. Để chúng con đón nhận Ngài với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, biết mặc lấy dung mạo của Đấng cứu thế, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, sống công bình bác ái, an ủi những người phiền muộn, đem niềm vui cho những người sầu khổ, mang Tin Mừng cho những người nghèo khó.


Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 08.12

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG



Các Chị
MARIA HUỲNH THỊ NGUYỆN
MARIA DOÃN THỊ ÁNH TUYẾT
MARIA TRẦN THỊ THU NGA
MARIA TRẦN THỊ THU HÂN

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A (Mt 3, 1-12)


ANH EM HÃY SÁM HỐI

Mt 3,1-12 : “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”

Mỗi lần mùa vọng đến, ta lại gặp hình ảnh của Gioan .

Một cuộc sinh ra thật kỳ lạ, một đời sống khác thường nơi hoang địa.Nhưng những lời giảng dạy của Ông thật thức thời và thực tế để kêu gọi mọi người phải cải thiện, phải đổi đời, phải nắn lại cách sống để có thể sẵn sàng đón nhận Tin Mừng cứu rỗi.

Gioan mời dân chúng sám hối, không thể tiếp tục sống như xưa nữa :

Có bao tính toan lệch lạc, có bao lối nghĩ quanh co, không trung thục cần phải nắn lại cho ngay thẳng.

Có bao lũng sâu của tham vọng, ích kỷ và bon chen…thiếu vắng ánh sáng tình yêu cần phải lấp đầy bằng những tâm hồn quảng đại và vô vị lợi .

Có những núi đồi của ngạo nghễ kiêu căng , tự mãn..cần phải san cho bằng với tâm hồn khiêm nhường và phục vụ…

Sám hối là dọn con đường của lòng mình.

Sám hối là tìm cách sống thật ý nghĩa để có một kết quả thật mỹ mãn.

Sám hối là tìm thực hiện những việc lành để đổi mới chính mình hầu xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa trao tặng.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, sám hối thật không dễ khi chúng con không đủ khiêm nhường và can đảm bắt đầu lại.

“Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây”, thời gian như thúc bách chúng con hãy sinh hoa trái tốt, để ngày Chúa đến thực sự là niềm vui và hạnh phúc của chúng con. Amen.

Lm Phan Kế Sự
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 03.12

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Anh PHANXICÔ XAVIÊ
VŨ VĂN MỸ

MỪNG THÔI NÔI

BLOG CA ĐOÀN CÉCILIA
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
HÂN HOAN MỪNG NGÀY THÔI NÔI
01.12.2009 - 01.12.2010


Nhân dịp Mừng Thôi Nôi
Blog Ca Đoàn Cécilia Giáo Xứ Thuận Phát
Xin Chân Thành Cám Ơn
Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ
Quý Anh Chị Em
và Quý Độc Giả Khắp Nơi
đã ghé thăm trang blog của Ca Đoàn
trong một năm vừa qua.


Do còn quá non trẻ trên trường mạng nên chắc chắn Blog Cécilia Thuận Phát chưa đáp lại được lòng kỳ vọng của Quý Cha, và Quý Vị. Kính xin Quý Cha và Quý Vị cầu nguyện cho chúng con ngày càng phát triển, phong phú hơn hầu có thể phần nào đáp lại sự ưu ái mà Quý Cha và Quý Vị đã dành cho chúng con.

Nguyện xin Thiên Chúa ban dồi dào Hồng Ân trên Quý Cha và Quý vị.


ceciliathuanphat2009.blogspot.com

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A (Mt 24, 37-44)


KHÁT VỌNG

Mỗi con người được sinh ra trên trần gian, đều có một khát vọng vô biên. Và nếu định nghĩa con người là một hữu thể gồm nửa cái “con” và nửa cái “người” thì nỗi khát vọng trong hai nửa ấy không chỉ đơn thuần là song song tiến bước, mà còn luôn luôn đối nghịch và mâu thuẫn : một bên là dục vọng và một bên là khát vọng chân chính.

Mùa Vọng không dừng lại cách tiêu cực ở một niềm hy vọng vụ lợi về mặt thiêng liêng, về ơn được cứu rỗi, mà là cơ hội để mỗi con người hướng cái khát vọng vô biên của mình đến chính Thiên Chúa. Thông Điệp của Đức Thánh Cha Benedict 16 có tên “Spe Salvi” và đã được dịch thật chuẩn là “Được Cứu Rỗi nhờ Hy Vọng”, chứ không phải là “hy vọng được cứu rỗi”, cũng cho thấy tầm quan trọng chủ động nơi chính con người phải hướng cái khát vọng vô biên đến Thiên Chúa .

Mùa Vọng cho các tín hữu cơ hội tuyệt đẹp để “tái khám phá ý nghĩa niềm hy vọng của mình”- không nhất thiết phải mảy may đặt một thỉnh cầu hay yêu sách nào đối với Thiên Chúa cả, khi đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Ngài. Vì đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Chúa, chính là đáp lại tình thương của Thiên Chúa đã ban cho con người lòng khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và đã tỏ mình cho ai thành tâm khát khao tìm kiếm.

Với tâm tình ấy, trong suốt mùa vọng, chúng ta có thể sốt sắng cất tiếng thân thưa lời Tv 24 : “Chúa là khát vọng, là ước mơ đời con. Hồn con hướng tới Ngài, hồn con cậy trông nơi Ngài. Hồn con vươn lên tới Chúa. Hồn con sướng vui trong Ngài”
(Tv 24, 1-3). Như thế, Mùa Vọng là một mùa vui, một mùa yêu, khi niềm hy vọng nỗi mong đợi người mình yêu đã có tín hiệu đến hẹn.

Vào Mùa Vọng với Lời Chúa CN thứ nhất, Tiên tri Isaia xuất hiện giữa lúc dân Thiên Chúa trong cảnh nô lệ khốn cùng, Ngài đã loan báo cho Dân Chúa – và cũng là cho chúng ta- một tin vui, đó là một con đường “lên”, “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường người chỉ vẽ…”
(Is 2,3). Con đường “lên Thiên Chúa”, không thể thực hiện được nếu không có một niềm tin tưởng, một khát vọng chân chính, khát vọng tìm đến Thiên Chúa; càng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vẫn đang mê mải chạy theo con đường dục vọng.

Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã bổ sung cho con đường lên của khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng lời khuyên cụ thể: “Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cải cọ ghen tương. Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”
(2Rm 13,12-14). Phải chiến đấu với các khuynh hướng bằng chính khát vọng vươn lên tới Thiên Chúa, nghiêng về phía Thiên Chúa hơn là nghiêng về phía những dục vọng; và để chiến thắng, cần phải mặc lấy Đức Kitô, là phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong đời sống. Tinh thần của Chúa Kitô chính là vũ khí của sự sáng mà Thánh Phaolô đề cập đến như phương thế để giúp chúng ta loại bỏ những lôi kéo chúng ta về phía tạo vật, thế tục.

Tình trạng linh hồn luôn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa có thể nói là tình trạng tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong trang tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng cho đến ngày ông No-ê vào tàu”.
(Mt 24,38).

Một toàn cảnh xã hội loài người đang sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên theo cách của con người, không nghe thấy tiếng lòng nhắc đến việc tìm kiếm điều gì vượt lên trên cái tự nhiên ấy, chỉ có mỗi ông No-e biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và điều hẳn nhiên đã xảy ra, chỉ có mỗi gia tộc No-e được cứu thoát. Sự cứu thoát mang hình dáng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô sau nầy.

Vì thế, Ngài nói: “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Con Người trở lại với những tâm hồn tỉnh thức: tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, để cùng Người vui tiệc thiên thu. Thiết nghĩ, không chỉ có một Mùa Vọng trong lòng tín hữu, mà suốt đời là một Mùa Vọng; không chỉ có một lần chiến đấu loại trừ những dục vọng thấp hèn của cái “con” nơi con người, mà cả một đời chiến đấu; không chỉ một lần bước ra khỏi bóng tối của những đam mê thế gian mà còn phải thắp lên một ngọn đèn bằng chính sự rực cháy của lửa tình yêu mến Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Thiên Chúa đến với mỗi người, Ngài đang đến, và Ngài muốn cư ngụ giữa lòng con người. Tại sao chúng ta chỉ có thể khao khát tìm kiếm Chúa khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời như bệnh tật, nghèo túng, nợ nần, gặp tai ương hoạn nạn, trong khi chính Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và khao khát được chúng ta đón nhận, cả khi chúng ta ảo tưởng bình an hay bất hạnh theo cách nhìn của mình.

Thiên Chúa gõ cửa, còn chúng ta mở cửa. Thiên Chúa tỏ tình, và chúng ta đón nhận. Chúng ta chỉ có thể mở cửa cho Thiên Chúa, khi chúng ta thực sự khao khát Ngài. Tôi vẫn thấy những người chờ đợi người yêu đến, vẫn thường mở cửa, thấp thỏm... trước khi người yêu mình đến, và gõ cửa kia mà. Tôi vẫn thấy có người, trong khi chờ đợi người yêu mình đến, đã chắng làm gì khác ngoài việc viết cả ngàn lần tên người yêu mình trên bàn trên giấy. Sao ta không thể bày tỏ niềm tin, nỗi mong đợi và tình yêu của chúng ta một cách si tình như thế đối với một Thiên Chúa đang yêu ta, yêu tha thiết đến nỗi Ngài vẫn đang gõ cửa, đứng chờ trước cửa…

Như thế tỉnh thức còn là một biểu hiện của tình yêu, và Mùa Vọng, mùa trông đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng là mùa của tình yêu.

Giàu nghèo, sang hèn trên đời, ai cũng có những ước ao cả đời người mà chưa bao giờ thực hiện được, người càng sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, càng có nhiều ước ao hơn. Điều quan trọng đối với tín hữu là cần “ước ao những sự trên trời”. Ước ao một chút no đủ của những người kiếm sống qua ngày trên vỉa hè, nơi gánh cháo lòng, nơi lọn rau, bó chỗi, nơi thúng đậu phộng luộc, nơi tấm vé số… Những ước mơ đơn sơ, nhỏ bé lắm… mà ước ao cả đời, vì lòng yêu đã đặt trọn vào trong những cái qua ngày mà thực tế ấy... làm cho cả cuộc đời trở thành một “mùa vọng” vào những thực tại đáng vô vọng. Và nếu đổi hướng của tình yêu về phía Thiên Chúa, thì chắc chắn những thực tại trần gian kia sẽ không còn là những ước mơ đáng kể có thể làm nhũng nhiễu tâm hồn gây nên những xáo trộn, những bất an không đáng có. Bà bán cháo lòng có thể gặp Chúa ngay trong những người ăn cháo lòng của bà mỗi buổi sáng, vì bà có tình yêu và khao khát tìm Chúa trước khi tìm những đồng tiền lẻ gom được để chu toàn bổn phận với chồng con…

“Anh em hãy sắn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn sống trong lòng khao khát, mong đợi, yêu mến để phút bất ngờ Chúa đến, không còn là một nỗi lo sợ kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là phút tương phùng, giờ giao duyên của hai lòng yêu gặp gỡ.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng này, và suốt đời vọng của con, xin cho lòng con luôn khao khát được thuộc về Chúa khi còn sống trên đời này. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình an. Chúa là khát vọng của đời con, hồn con vươn lên tới Chúa, hồn con trông cậy nơi Chúa và hồn con sướng vui trong Ngài.

PM. Cao Huy Hoàng

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

LỄ CHÚA KITÔ VUA 21.11.2010

Mời các anh chị nghe 2 bài hát trong thánh lễ Chúa Nhật 34 Mùa Thường Niên Năm C - Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Bổn Mạng Giáo khu 4.

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 22.11

TOÀN THỂ CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG


Các Ca viên
CÉCILIA TRẦN THỊ THU THẢO
CÉCILIA TRẦN THỊ THANH TUYỀN

MỪNG LỄ BỔN MẠNG 2010

22.11.2010
HÂN HOAN MỪNG LỄ
THÁNH CÉCILIA
BỔN MẠNG CA ĐOÀN




CHƯƠNG TRÌNH

05g00

Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng
Cầu cho các linh hồn :
Bác ca trưởng Giuse Lê Trung Thiềng
Ca viên Phaolô Phạm Ngọc Thương
Ca viên Maria Trần Thị Ánh Tuyết

18g00

Liên Hoan



Thân ái mời
tất cả các cựu thành viên
của ca đoàn
ở khắp nơi cùng hiệp thông.





Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 34 TNC CHÚA KITÔ VUA (Lc 23, 35-43)

HOÀNG ĐẾ CỦA MUÔN VUA

Kitô Vua, Hoàng Đế của muôn vua
Thứ dân con tội lỗi chất ngang vừa
Đỉnh núi Tản, làm ngơ nhìn chẳng rõ
Nhưng mắt người hạt cỏ cũng tìm ra.

Ước ao chi Thần Khí mù loà
Trước tội lỗi kẻo sa vào cám dỗ
Chỉ thấy rành những chỗ vết chân thôi
Hoàng Thiên bước, thứ dân dò vết bước.

Để trọn đời ca tụng sáng Danh Cha
Từ lời nói thốt ra nhờ Thiên ý
Hành động đều hoàn mỹ cậy Ngôi Ba
Rọi ánh sáng chan hòa soi kế bỉ.

Thời chung thẩm khi mai Ngài tái thế
Ngập từng trời huyên náo tiếng loa vang
Các Thiên Thần triệu tập thảy trần gian
Người đã chết hồn hoàn về nhập xác.

Cùng kẻ sống sắp hàng chờ thưởng phạt
Thứ dân con cúi rạp tấu Hoàng Thiên
Khấu đầu van Bệ Hạ giáng lâm truyền:
Quỳ bên hữu, con liền vâng bái phục.

Để đời đời chúc tụng Chúa càn khôn,
Trong vinh quang, phúc hưởng sống trường tồn./.


Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 14.11.2010

Mời các anh chị nghe lại 2 bài hát trong Thánh Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm Chúa Nhật 14.11.2010.
Chúc hăng say và vui vẻ.

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C (Lc 21, 5-19)


TÂM SỰ VỚI THỜI GIAN

Đêm tĩnh mịch. Thi thoảng gió lùa qua cửa sổ phả vào khiến tôi thu mình lại như để né tránh. Vầng trăng khuyết e ấp từ xa nhìn hờ hững. Vạt sương bâng khuâng lờ lững giữa bao la. Tôi ngồi lặng thẫn thờ nghe xa vắng… Không dưng chợt thèm ngụm cà-phê. Khoảng lòng vời vợi. Tiếng côn trùng hòa tấu nhạc-khúc-bí-ẩn. Trang viết bất động và lạnh cóng như chiếc độc bình đứng lặng ở góc bàn phủ đầy bụi thời gian, thiếu vắng một cành hoa!

Đêm. Lạnh. Vắng. Lòng tôi vẫn từng đợt sóng xô mãi đến cõi vô biên. Sóng không tên. Nhớ và quên. Quên và nhớ. Tôi không thúc thủ mà vẫn khoanh tay. Hàm số buồn chưa tìm được ẩn số. Quỹ tích đam mê và lũy thừa gian truân vô cực. Số phận con người bọt bèo và khoảng trăm năm nghiệt ngã quá!

Tôi là ai mà còn trần tục quá? Phải chăng hạt-bụi-tôi kết tinh bằng tội lỗi và đam mê nên cứ đám chìm trong dòng lãng mạn? Tôi hoài vọng tìm thấy mình và nhận diện chính mình. Chưa gặp hay không nhận ra mình vì mù quáng? Giai điệu âm u nào đó cứ mênh mang, và vần điệu không tên nào đó cứ níu kéo tôi mãi mà không chịu buông tha. Người ta trẻ mãi, chỉ có thời gian mới già nua. Vâng, già đến nỗi quên cả chính mình, ngỡ mình là ai đó. Ai cũng có những lúc “điên”!

Ký ức và hoài niệm cứ giành với kỷ niệm. Nỗi nhớ vu vơ, đằng đẵng, nhức buốt, vút cao như ngọn tháp chót vót, vừa mầu nhiệm vừa hư ảo. Cuộc đời như kim tự tháp, càng muốn thoát ra càng lạc sâu vào mê cung. Vòng đời lẩn quẩn như tấm lưới, con cá giẫy giụa tìm lối thoát đến đuối sức. Không bi quan mà vẫn ôm nỗi sầu tưởng chừng vô vọng. Vết thời gian hóa thành trầm tích!

Một tờ lịch rơi xuống. Thời gian giảm bớt 24 giờ. Tiếng thời gian vẫn vô tình đều nhịp. Không giờ. Những cái mới đang khởi đầu mà những cái cũ chưa muốn chia tay. Bịn rịn và nuối tiếc những gì còn dang dở. Động từ khiếm khuyết và còn sử dụng ở thì tương lai xa…

Thời gian ơi! Đừng bao giờ nỡ vùi dập ước mơ tôi. Hãy cứ để tôi khát vọng không ngừng – dù có thể hy vọng tôi không viên mãn, thậm chí có thể không hiện thực, nhưng xin cho tôi cảm nhận và hiểu rằng thành công LÀ và TÙY vào mức độ vươn lên từ đống-xà-bần hoài bão, từ những gì chưa trọn vẹn, để khả dĩ ngay trong bất khả dĩ.

Tôi ơi! Dẫu thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng. Hãy giữ tâm hồn luôn thanh thản, bình an. Chưa viết xong trang đời nhưng đừng hạn hán hy vọng và thiện chí. Hãy SỐNG CHO, SỐNG VỚI và SỐNG VÌ… Dấn thân vô vị lợi, cảm thông và vị tha để có niềm hạnh phúc sống động. Vâng, “chỉ có cuộc sống luôn sống cho người khác mới đáng sống” (Einstein).

Viên-đá-cuội-tôi đã và đang lăn mòn trên những con dốc đời, đừng lo có lăn hết hay không, quan trọng là còn lăn hay không. Tôi muốn hoàn tất hồ-sơ-cuộc-đời dù nhiều trang chưa thể hoàn tất, đầy trăn trở, bao băn khoăn chất chồng. Cũng là một hệ lụy, một phạm trù riêng trong triết-lý-khổ-đau. Tôi muốn sử dụng nó có ý nghĩa bằng cách đi xuyên suốt nó dù đi một mình. Thiết tưởng, khổ đau là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì có khổ đau thì người ta mới cảm nhận thế nào là hạnh phúc và mức độ hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo nói: “Đừng khi nào cười kẻ đau khổ, và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười”.

Thời gian không thuộc quyền hạn con người, nhưng ai cũng được hưởng quỹ thời gian đồng đều – không thiếu một phút, không hụt một giây. Với quỹ thời gian đó, có người dùng làm điều ác, có người dùng làm điều thiện, có người dùng lãng phí, có người dùng làm sinh lợi, có người muốn “giết” thời gian, có người lại tranh thủ,… Mức độ và cách thức khác nhau. Phúc và họa là do chính mình sử dụng thời gian!

Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng
(Lc 17, 10). Xin dạy con biết yêu kẻ thù và sẵn sàng làm điều tốt cho người ghét mình (Lc 6, 27), biết vui với người vui, buồn với ngưới buồn (Rm 12, 14-18), biết nhiệt tâm phục vụ (Mt. 20,28), dù khổ ngày nào đủ cho ngày đó (Mt 6, 34), để con xứng đáng tận hưởng Hoa trái Thánh Thần (Gl 5, 22). Xin nâng đỡ, hướng dẫn và chở che, vì con rất yếu đuối. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

XIN CHO ĐỌC KINH

Ở hải ngoại này cũng như ở trong nước, các dịp lễ trọng thì ca đoàn đóng vai chính và bao sân. Ca đoàn hát từ đầu lễ đến cuối lễ. Giáo dân tham dự hoàn toàn thụ động. Thay vì cầu nguyện nói chuyện với Chúa thì giáo dân trở thành khán giả và thính giả ngồi nghe hát và xem hát. Tôi có hỏi nhiều người làm gì và nghĩ gì khi ca đoàn hát thì đại đa số đều trả lời là khi nhạc đoàn vừa thổi kèn đánh trống vừa hát thì giáo dân chia trí, trong đầu không hề hợp ý với lời hát của ca đoàn, trái lại trong đầu thường nghĩ tới nhiều thứ, như: chà, sao bè nữ ít người và hát nhỏ quá; chà, cô ca trưởng mặc áo dài đẹp qúa; chà, nhạc trưởng bắt nhịp đẹp qúa; chà, sao chỗ này kèn thổi lớn qúa, đàn đánh mạnh qúa. Đây mới là chia trí về ca đoàn. Nếu bắt kịp và hiểu lời ca, thì giáo dân lại chia trí: chẳng hạn: sao lại kêu Chúa là Ngài. Tiếng Ngài xa lạ và khách sáo. Chúng ta là con Chúa, trong tiếng Việt có bao giờ con cái gọi Cha Mẹ mình là NGÀI bao giờ đâu. Sao sai tiếng Việt qúa vậy.

Có lần tôi đem vấn đề ‘xưng hô với Chúa là Ngài trong các bài hát ở nhà thờ’ hỏi một vị có thẩm quyền thì được vị này trả lời: Tiếng ‘Ngài’ đã được dùng quen rồi. Đa số các bài ca đều kêu Chúa là Ngài, và vì quen quá rồi, nên bây giờ không sửa được.

Theo tôi nghĩ thì dù là quen bao lâu đi nữa, nếu ngôn ngữ trong phụng vụ dùng sai thì vẫn phải sửa. Ta không thể vịn vào lý do ‘đã quen’ mà tiếp tục dùng sai mãi. Có một điều khá đặc biệt là tiếng Ngài chỉ năng dùng trong các bài hát, còn trong các bài kinh thì may qúa ta vẫn thưa với Chúa, vẫn kêu Chúa là Chúa, là Cha, không thấy dùng tiếng Ngài bao giờ.

Xin trở về đề tài chính là việc đọc kinh. Nhiều người cứ vịn vào câu ‘ Hát là cầu nguyện hai lần’ để hát nhiều, hát hết cả buổi lễ. Tôi xin những ai hay trích dẫn câu này nên xét lại ý nghĩa thực sự của nó. Không phải bài hát nào cũng là lời cầu nguyện sốt sắng. Rất nhiều bài hát có điệu nhạc tầm thường, nhiều lời ca nhạt nhẽo, khuôn sáo, vô duyên, vô nghĩa. Rồi không phải hát bất cứ chỗ nào, hát bất cứ lúc nào cũng là cầu nguyện hai lần.

Quý vị cứ để ý mà xem, càng lễ trọng thì càng hát nhiều. Nhiều cha xứ và nhiều giáo dân đã quen như vậy rồi. Giáo dân hoàn toàn thụ động. Trong thánh lễ có Kinh Cáo Mình và Kinh Tin Kính là những lời không phải ta nói trực tiếp với Chúa, mà là ta nói trực tiếp với người chung quanh, ta nói với cộng đoàn, rằng ta công khai nhận mình đầy tội lỗi, rằng ta công khai tuyên xưng các điều mình tin trong đạo. Trong các kinh khác thì ta xưng là CON, chủ từ là Con, còn 2 kinh này, chủ từ là TÔI rõ ràng. Bởi vậy phải để cho tôi tuyên xưng, tôi nói ra, chứ không phải để tôi ca hát. Xưa nay Kinh Tin Kính thường được ca đoàn hát rất trọng thể, nhiều bè, còn cộng đoàn thường ngồi thụ động để nghe hát.

Trong các lễ trọng, ca đoàn thường hát suốt buổi lễ, giáo dân im lặng hoàn toàn. Tôi có xem DVD lễ Khai Mạc Năm Thánh ở VN, giáo dân dự lễ đông đến mấy trăm ngàn người, và thấy đám đông vĩ đại này đã im lặng và thụ động từ đầu lễ đến cuối lễ. Giá mà nửa triệu người có mặt này mà được cất tiếng đọc chung một lời kinh Cáo Mình, Kinh Thương Xót, Kin Tin Kính, Kinh Lạy Cha, thì sự sốt sắng sẽ lớn biết là chừng nào. Nó sẽ đánh động lòng mọi người. Chúa nghe lời cầu xin lớn tiếng của gần nửa triệu người con mà cầm lòng được sao.

Tôi thường nhận được nhiều DVD và hình ảnh các đại lễ của cộng đoàn CGVN. Nơi nào cũng cờ quạt kèn trống rình rang, thật lình đình hoành tráng, ca đoàn hát lễ từ đầu đến cuối. Tôi coi đây là những buổi trình diễn văn nghệ, nhiều tính cách khoa trương, không giúp giáo dân cầu nguyện. Giáo dân đông nghẹt nhưng phải thụ động. Nhiều người có vẻ như đến dự buổi văn nghệ. Thấy những hình ảnh đại lễ như vậy, xin thú thực là lòng tôi không thấy xúc động chút nào. Tôi có tìm đọc những tài liệu nói về những lý do làm cho các tân tòng theo đạo Công Giáo. Qua những tài liệu này, tôi không hề thấy có lý do nhập đạo vì đã đi nhà thờ dự các đại lễ có đàn hát trọng thể, mà đa số theo đạo là vì gương mấy linh mục, mấy bà sơ, mấy giáo hữu, lặn lội đi thăm viếng và giúp đỡ lớp người nghèo khổ bệnh tật ở các vùng xa vùng sâu.

Tôi viết những dòng này không hề có ý xúc phạm tới ai mà chỉ để bày tỏ lòng ao ước : Trong các lễ trọng, xin cho giáo dân được đọc kinh, được cùng nhau mở miệng chung lời cầu nguyện. Xin cho giáo dân được đọc Kinh Cáo Mình, Kinh Xin Chúa Thương Xót, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha. Xin ca đoàn bớt hát, bớt tấu nhạc, bớt độc diễn. Có như vậy thì giáo dân đi nhà thờ mới đích thực là ‘cùng dâng lễ’ với chủ tế, cùng cầu nguyện với cộng đoàn.

Toronto, Trọng Đông Canh Dần
Peter Trần Trung Lương

(nguồn : vietcatholic.net)

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN C (Lc 20, 27-38)


SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Hầu hết các tôn giáo đều dạy rằng chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết được đưa sang một thế giới khác hoặc được dẫn đến một chỗ khác để tiếp tục sống. Thế nên mới có câu “thác là phế thách, còn là tinh anh”. Tức là người ta chỉ chết về phần thể xác; nhưng linh hồn con người sẽ còn mãi và sống mãi, hoặc để hưởng hạnh phúc nếu khi còn sống người ta đã ăn ngay ở lành, hoặc để chịu phạt, nếu người ta đã ăn ở gian ác.

Niềm tin đó đã bắt nguồn từ Thánh Kinh khi “ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại”
(2Mcb 12, 43). Sách Macabê còn cho ta thấy sức mạnh của lòng tin, niềm hy vọng vào sự sống lại mà Thiên Chúa đã hứa cho con người. “hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ” (2 Mcb 7, 1) dưới thời vua Antiôkhô. Họ đã có tất cả sức mạnh chiến thắng tử thần nhờ “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2 Mcb 7, 14). Bao nhiêu cực hình đã không chiến thắng nổi niềm tin vững chắc và quả cảm đó. Nếu “luật pháp của cha ông” (2 Mcb 7, 8) đã làm cho họ có sức mạnh lớn lao đến thế, thì “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Niềm tin đó đang trổ sinh những hoa trái thiêng liêng là các linh hồn lành thánh, biết đặt niềm hy vọng và sự sống của mình nơi bàn tay uy quyền của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tường thuật lại việc nhóm Xađốc “chủ trương không có sự sống lại”
(Lc 20, 27). Biết Ðức Giêsu giảng dạy đạo lý về việc phục sinh sau này, họ hỏi để thử và giễu cợt Người, nếu có sự sống lại thì sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai? Theo luật Do Thái thì người ấy là vợ của bảy người; nhưng điều này chỉ có ở thế gian vì lần lượt xảy ra; chứ ở đời sau thì không có như vậy. Rõ ràng chỉ có óc tư tế thiên về luận lý mới nghĩ ra những "nố" luật như vậy, để gây lúng túng nhằm bắt bẻ và phi bác lời dạy của Chúa Giêsu.

Nhóm Xađốc đã suy nghĩ dựa trên cuộc sống hiện tại để đưa ra những lý lẽ theo nhãn quan trần thế. Họ hoàn toàn căn cứ vào tương quan hôn nhân để phi bác cả một thế giới thiêng liêng, nơi con người “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần”
(Lc 20, 35). Chỉ trong thế giới vật chất này, con người mới cần đến hôn nhân để duy trì sự sống “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng” (Lc 20, 35). Còn trong cõi vĩnh hằng con người sẽ tồn tại mãi mãi, không cần phải cưới vợ lấy chồng. Hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể dựa trên cùng một nền tảng. Hơn nữa đạo lý Chúa Giêsu dạy cao siêu vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nên lập luận của nhóm Xađốc dựa theo qui luật của thế giới vật chất và cái nhìn của con mắt xác thịt, không phải là ý muốn và chương trình của Thiên Chúa.

Nhân dịp đó Đức Giêsu mạc khải cho họ biết về vấn đề kẻ chết sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Người cho thấy cuộc sống ấy không giống như ở đời này, không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, không bị chi phối bởi những thứ tình cảm mau qua. Trái lại cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần. “Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng; còn những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa”
(Lc 20, 34-36).


Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu nói đến cuộc sống đời sau như: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó (x. Lc 16, 19-31); dụ ngôn về cuộc phán xét chung (x. Mt 25, 31-46); dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30; 36-43)…

Chúa Giêsu phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (
Ga 11, 25-26). Thiên Chúa làm chủ sự sống. Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống”. Chúa là Thiên Chúa của tôi nếu tôi đang sống, nghĩa là nếu tôi còn đang ở trong tương quan mật thiết với Ngài. “Thiên Chúa của kẻ sống” có nghĩa là “đối với Người, tất cả đều đang sống”. Vậy nếu tôi cắt đứt tương quan với Người tức là tôi đã chết và như thế Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa của tôi nữa.

Muốn được sống đời sống ấy trong ngày sau hết, mỗi kitô hữu cần phải đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Sống tương quan mật thiết với Chúa, thực thi lời Chúa dạy, sống công bình bác ái và hãy loại bỏ những hành vi gian ác, lối sống sa hoa, những lời nói gian tà, những tình cảm bất chính, những đam mê trần tục, không chiều theo cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Lạy Chúa, chính Chúa là sự sống lại và là sự sống, xin cho chúng con biết đi trên đường lối của Chúa, biết tin tưởng phó thác nơi lòng thương xót của Chúa để chúng con cũng được sống lại ngày sau hết, được nên giống các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa.

Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

KỶ NIỆM/ ĐƯỜNG CON ĐI BẤY GIỜ - TỨ DUY & BẠCH HƯỜNG


Viết tặng chị XINH, chị NGUYỆN, anh MỸ và các con - những người tôi biết - và những ai trong giáo xứ chẳng may không còn MẸ, như một mất mát lớn trong đời, nhân ngày lễ CẦU CHO CÁC LINH HỒN 2/11 năm nay ... Tứ Duy

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Thưa anh chị em,
chúng tôi vừa nhận được tin :


Bà Bác MARIA NGUYỄN NGỌC HOA
Sinh năm 1926

Thân mẫu chị Maria Huỳnh Thị Nguyện
Thư Ký Ca Đoàn

đã an nghỉ trong Chúa lúc 14giờ45,
ngày Thứ Năm 28.10.2010,
tại tư gia : 253/40 Trần Xuân Soạn
Phường Tân Kiểng, Qưận, TP.HCM
hưởng thọ 85 tuổi.
  • Nghi thức tẩn liệm
    lúc 20giờ30 ngày Thứ Năm 28.10.2010.
  • Thánh lễ Cầu Hồn tại tư gia
    lúc 05g45
    ngày Thứ Sáu 29.10.2010.
  • Thánh lễ an táng tại tại tư gia
    lúc 19giờ00, ngày Thứ Bảy 30.10.2010.
  • Nghi Thức Động Quan
    lúc 06g30 ngày Chúa Nhật 31.10.2010

Sau đó di quan đi hoả táng tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.

Xin Quý Anh Chị hiệp ý cầu nguyện cho Bà Bác Maria sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Ca đoàn sẽ phụ trách hát trong tất cả các nghi thức (tại tư gia và nơi hoả táng) theo chương trình tang lễ.

Ban Điều Hành
Ca Đoàn Cécilia
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C (Lc 18, 9-14)


TÌM LẠI ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO

(Chúa Nhật Truyền Giáo)

Giáo Hội Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối của Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Tông tòa và 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm. Thật ra công cuộc truyền giáo đã bắt đầu trước đó hơn 100 năm, từ năm 1553. Hạt giống Lời được gieo vào lòng đất mẹ gần 500 năm. Hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào làm chứng và bảo vệ đức tin tinh tuyền.

Theo kết quả của cuộc điều tra dân số mới đây (01/04/2009), Việt Nam có 86.024.600 người, trong đó có gần 6 triệu là Công Giáo, chiếm 7,06% dân số.


Khi làm mục vụ hôn nhân, phải đối diện với tình trạng quá nhiều người xin làm đám cưới với thể thức chuẩn khác đạo, tôi thường khó chịu và hay chất vấn họ rằng tại sao không tìm người có đạo kết hôn, mà cứ đi lấy người ngoại giáo? Có một cặp đã nói lại với tôi rằng con gái vừa tốt, vừa đẹp lại vừa có đạo quá ít. Người con ưng ý, nhưng chưa kịp hỏi tới thì đã lên xe hoa với người khác rồi. Nghe vậy tối thấy mình khó chịu với họ là không đúng, bởi đúng như anh thanh niên đó nói. Trong 100 cô gái, chỉ có 7 cô gái Công Giáo, hoặc trong 100 anh thanh niên, chỉ có 7 anh có đạo. Quả là họ có quá ít lựa chọn theo ý của Giáo Hội.


Từ đây câu hỏi lớn đặt ra với Giáo Hội rằng tại sao đã gần 500 năm rồi, mà Công Giáo vẫn chỉ là một cộng đồng thiểu số trên quê hương mình?

1. Giáo Hội đang ưu tiên cho việc gì?


Trong tác phẩm Chuyện Làng Hồ, kể về quá trình khai phá và hình thành miền truyền giáo Tây Nguyên. Trong đó có đoạn nói đến việc sẽ chuyển giao công cuộc truyền giáo lại cho người Việt thì các thừa sai MEP tỏ ra không tin tưởng người Việt có thể giúp các sắc tộc khác đón nhận đức tin cách tinh tuyền, trừ một vài người như thầy Sáu Do.

Biết điều đó, nhiều thừa sai người Việt tự ái và cho rằng các thừa sai phương Tây đã quá tự tin ở mình và coi thường người bản địa. Sự khó chịu đó rất đáng được cảm thông, nhưng nếu can đảm nén giận để nhìn rõ vào sự thật thì chúng ta thấy những hồ nghi của các nhà truyền giáo ngoại quốc không phải là không có căn cứ.

Giáo Hội Việt Nam đã và đang đầu tư vào những gì?

Chúng ta xây nhà thờ, xây các trung tâm mục vụ hoành tráng, xây các tu viện thật lớn, xây đền đài, xây các trung tâm hành hương thật lớn. Ai sẽ được hưởng lợi từ cho các công trình này? Câu trả lời thật đơn giản: Người Công Giáo, và chỉ người Công Giáo. Rất hiếm khi người ngoại giáo đến nhà thờ, họa hoằn lắm mới có ai ngoại giáo đến các trung tâm mục vụ. Chỉ cần đọc các chương trình hoạt động của chúng ta hàng tháng, hàng tuần và mỗi ngày tại các nhà thờ, tu viện, các trung tâm mục vụ và hành hương, chúng ta sẽ thấy ngay. Không hề có một chương trình hay một phần chương trình nào đó cho người ngoại giáo.

Chúng ta đang đầu tư cho chính mình mà thôi !

Nhìn sang các anh chị em Tin Lành, chúng ta xem họ đầu tư như thế nào?

Họ góp 1/10 thu nhập để thờ phượng Chúa và xin Chúa sử dụng nó cho hiệu quả. Chúng ta thấy họ sẵn sàng đầu tư dịch và in Thánh Kinh để biếu, để tặng rất nhiều. Khi làm việc cho các anh chị em thuộc các sắc tộc thiểu số, các thừa sai Công Giáo phần nhiều phải dùng các sách Thánh Kinh do anh chị em Tin Lành dịch để rao giảng Lời Chúa cho các sắc tộc đó. Tại sao? Vì anh chị em Tin Lành đã đầu tư dịch Thánh Kinh ra hầu hết các tiếng của các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong khi đó, bên Công Giáo chỉ mới dịch được sách Tân Ước ra các tiếng Bahnar, Jarai, và K'Ho. Khi giúp cho người Êđê, người Bru Vân Kiều, chúng tôi phải dùng sách của anh chị em Tin Lành. Ngoài ra, họ cũng đầu tư mạnh cho các phương tiện truyền thông khác.

Đó là lý do chính về phía con người lý giải cho việc tăng nhanh nhân số các Cơ đốc nhân thuộc Liên hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, từ 500 ngàn năm 1975 tăng lên hơn 2 triệu vào đầu những năm 2000. Chỉ sau hơn 30 năm, nhân số họ tăng gấp bốn lần.

Nhiều người có cái nhìn tiêu cực về anh chị em Tin Lành thì cho rằng họ đã dùng tiền hay vật chất để chiêu dụ tín đồ. Ai nói như thế là chưa tìm hiểu kỹ. Thực tế, mọi Cơ đốc nhân dù giàu hay nghèo, họ đều dâng hiến 1/10 hoa lợi cho việc thờ phượng Chúa. Họ ý thức việc dâng hiến là việc làm quan trọng để khẳng định với Chúa rằng mình đã thụ lãnh ơn bởi Người và còn tiếp tục cầu mong ơn Người ban cho. Do đó, ngay các anh chị em Cơ đốc nhân bị bệnh phong, chỉ trồng được ít cụm khoai mì thì họ cũng mang khoai mì đến như hoa lợi mà chính tay họ thu hoạch được để dâng hiến cho Chúa. Công bằng mà nói. Anh chị em Tin Lành khi đã theo Chúa thì họ không từ nan để sống thờ phượng Chúa và sứ sụ.

Một cha giáo dạy truyền giáo của tôi đã kể một hôm trên đường phố Saigon, có một bà cụ xin phép ngài dành cho bà năm phút để thưa chuyện. Theo bà, đây là chuyện quan trọng, nếu không nói ra, bà sẽ không an tâm. Cha giáo tôi lắng nghe và nhận ra câu chuyện bà tha thiết muốn kể là câu chuyện về Chúa Yêsu, Đấng cứu độ. Bà ấy là người Công Giáo? Không, bà là một người Tin Lành.

Người Công Giáo có vẻ xa lạ với việc thực hành sứ vụ truyền giáo. Nhiều người còn cho rằng đó là một đặc quyền hay là một ơn riêng Chúa chỉ ban cho một số người, chứ không ban cho mình, và như thế họ đang mất dần căn tính Công Giáo của mình.

2. Thông chia sứ vụ của Chúa Giêsu

Đoạn cuối Tin Mừng Marcô viết: Chúa Yêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo … Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe… Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 15-20).

Đoạn Thánh Kinh này xác nhận sứ vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát của mọi thành phần Giáo Hội. Người tin là người truyền giáo thì cũng là người được Chúa ủy thác các hành vi cứu độ (trừ quỷ, giải độ, chữa lành). Do đó một người nhận mình tin Chúa mà xa lạ với những việc quyền năng Chúa làm thì có nghĩa họ đã không thi hành sứ mạng Chúa trao phó, và vì thế họ cũng ở trong tình trạng xa lạ với ơn cứu độ. Còn những ai tin và sống nhờ đức tin thì dù chưa là Kitô hữu theo nghĩa chặt cũng có thể trở nên cơ hội thông ơn cứu độ cho người khác rồi.

Một nhóm thanh niên ở làng Bon Pan, xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai tham dự tuần lễ tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo. Trong khóa tĩnh tâm, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phán, CSsR nhấn mạnh với họ về hoạt động của Chúa Yêsu nơi những người tin. Sau những ngày tĩnh tâm, họ trở về làng. Làng họ có một thanh niên chưa theo đạo đang trong tình trạng “lui asơi” – bỏ cơm – tức là sắp chết. Họ lên nhà người hấp hối này và xin người mẹ - bà chủ nhà - cho phép họ đặt tay cầu nguyện cho chàng thanh niên này. Chủ nhà đồng ý. Các anh dự tòng quỳ gối chung quanh người bệnh dang tay cầu nguyện, rồi đặt tay trên người bệnh. Sau đó họ trở về nhà mà chẳng bận tâm gì cả. Ba ngày sau, khi họ đi rừng, trong nhóm họ có mặt cả người thanh niên đã hấp hối được họ đặt tay cầu nguyện.

Những người chưa được rửa tội, nhưng tin Chúa thì Chúa cũng dùng để thực hiện hành vi cứu độ cho người khác là thế.

Những người càng giữ đạo lâu năm, càng trở nên cứng lòng, khó đón nhận ơn Chúa cứu. Rồi họ cũng dễ dàng lên án người tội lỗi. Nhưng đối với Chúa, ngay người tội lỗi mà tin Chúa thì Chúa cũng có thể biến họ thành công cụ của Người.

Anh Ama H’ Nguyên - ba của con Nguyên - là người ở xã Ia Hru, lấy vợ và về nhà vợ ở làng Pleiwueng, xã Hbông, huyện Chưsê, tỉnh Gia Lai. Hai vợ chồng sống được ít lâu thì anh đổ đốn, rượu chè, đánh đập vợ con nhiều đến mức làng phải xứ bằng cách trục xuất anh ra khỏi nhà vợ, đuổi về làng cũ. Về lại Ia Hru, anh được tuyển làm angten cho công an, chuyên chỉ điểm để công an bắt các nhóm cầu nguyện. Anh đã lập được nhiều thành tích với công an, nhưng một hôm, anh đang canh me để bắt một nhóm cầu nguyện lớn, trong lúc đợi cho đông người rồi báo công an ập vô. Anh nghe người ta hát những bài hát vừa lạ vừa quen. Lạ vì không phải những bài hát ca ngợi ông Hồ hay đảng cộng sản, quen vì đó là những bài hát bằng tiếng Jarai, tiếng mẹ đẻ của anh. Anh mon men lại nghe, rồi lần bò lên nhà. Mọi người đang tề tựu cầu nguyện gặp anh thì sợ, nhưng anh ra dấu cho họ đừng sợ, hôm nay anh muốn nghe họ hát họ đọc kinh và cầu nguyện.

Sau buổi đó, anh giã từ không làm angten cho công an nữa, mà bắt đầu theo đạo. Học đạo được hai năm, anh được rửa tội, cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, sai anh trở về với làng của vợ anh. Vợ con anh tha thứ, đón nhận anh vào lại nhà.

Những người hàng xóm ngạc nhiên từ ngày anh trở về nhà vợ, tối tối không còn nghe cãi nhau, đánh nhau và tiếng kêu gào, chửi bới nữa, mà nghe tiếng hát và tiếng cười rất vui. Họ đến xem thì thấy anh mở sách hát dạy vợ con hát, rồi mở sách Tân Ước tiếng Jarai ra đọc cho vợ con nghe, rồi cầu nguyện. Những người hàng xóm đến nhà anh cũng muốn được anh giúp họ như anh đang giúp vợ con anh. Số người đông dần. Từ đó, Pleiwueng trở thành một cộng đoàn.

Năm 2002, khi tôi đến Tây Nguyên, anh Ama H’ Nguyên cho biết, Peiwueng và các làng xung quanh đã có hơn 1.500 người tin theo Chúa. Sau 10 năm, từ một anh chàng hư đốn, Chúa đã làm cho vùng đất đó thành một cộng đoàn Công Giáo.

Những người đó, nhóm thanh niên dự tòng Bon Pan hay anh Ama H’ Nguyên có phải là những người truyền giáo không?

Xét theo thói quen của chúng ta thì không phài, nhưng xét theo tác động cứu độ thì họ là những người truyền giáo. Truyền giáo đối với họ không phải là đi dạy một giáo lý về Chúa Yêsu, mà đơn giản là để cho Chúa Yêsu chữa lành người bệnh, và kể lại việc Chúa đã làm trên cuộc đời mình.

Lm. AN THANH, CSsR

(nguồn :dcctvn.net)

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 01.10

TOÀN THỂ ANH CHỊ EM CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

CÁC CHỊ, CÁC EM, CÁC CHÁU :

TÊRÊSA PHẠM THỤY TÂM ANH

TÊRÊSA NGUYỄN THỊ MAI
TÊRÊSA VŨ THỊ NGA
TÊRÊSA PHẠM THỊ XUÂN PHƯƠNG
TÊRÊSA NGUYỄN THỊ QUY
TÊRÊSA BÙI THỊ THANH THẢO

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 29.9 & 30.9

TOÀN THỂ ANH CHỊ EM CA ĐOÀN

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Bác RAPHAEL PHẠM THẾ THƯỢNG
Anh GIÊRÔNIMÔ TRẦN VĂN VIỆT

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C (Lc 16, 19-31)


LÒNG ÍCH KỶ

Ích kỷ là loại bệnh nan y, khó có thể chữa trị được bởi vì: người ích kỷ có bao giờ biết mình ích kỷ. Cái gì cũng nghĩ về mình, lo cho mình, vơ vào mình, họ không chỉ vơ vật chất, mà còn vơ cả phần chân lý về mình nữa. Thực chất người ích kỷ còn là người "bảo thủ", toan tính thiển cận, thấy cái lợi trước mắt là lao vào như con thiêu thân để giành giật. Ích kỷ còn là nguồn gốc của mọi giống tội khác như: tham lam, kiêu căng, lật lọng, tráo trở, độc đoán, khinh bỉ, coi thường người khác…

Một trong muôn vàn tật xấu của người ích kỷ, là không bao giờ biết quan tâm đến người khác. Dụ ngôn “nhà phú hộ và người hành khất Ladarô” Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng hôm nay, cho ta thấy cảnh đau lòng đó: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no” (Lc 16, 19-21). Ở đây, chúng ta thấy có một nghịch cảnh ngay trong cuộc sống trần gian: Ông nhà giàu xử dụng một gia tài kếch xù. Ông ăn mặc sang trọng với gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Còn Ladarô nghèo khó thì sống trong tình trạng cùng cực, là một người ăn mày, một tên hành khất kém may mắn. Ladarô chỉ có một ước mơ rất đơn giản là được ăn những gì rơi rớt từ bàn ăn của người giàu kia mà chẳng được. Sức khoẻ của Ladarô thật là tồi tệ, đời sống thật mong manh, không có gì ăn, nên không đủ sức đề kháng, ung nhọt phát triển, bệnh tật gia tăng.

Tuy nhiên, còn có một điểm chung, đó là cả người giàu và người nghèo đều phải chết. “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22).

Sau đời sống tại thế của kẻ giàu và người nghèo, Tin Mừng nói đến cuộc sống của họ bên kia thế giới. Sau khi từ trần, hai người lại tiếp tục đối nghịch, nhưng đảo ngược hoàn toàn. Lần này người giàu ở chỗ tối tăm, đau khổ khốn cùng, thay vì chỗ sang trọng nơi bàn tiệc. Người nghèo ngồi chỗ nhất, được hạnh phúc bên tổ phụ Abraham.

Người giàu ở trần gian, thì ngày ngày yến tiệc linh đình, nay phải xin một giọt nước. Người nghèo thay vì ngồi lê lết trước cửa ông nhà giàu để ăn mày, nay được ngồi nơi mát mẻ, thanh nhàn vui vẻ hạnh phúc.

Tội của người giàu trong Tin mừng không phải vì ông ta đánh đuổi, lăng mạ người nghèo. Ông ta không trộm cắp, không cướp của giết người, không tham ô hối lộ, không bóc lột người nghèo, cũng không buôn gian bán lận… Nhưng là tội ích kỷ chỉ lo cho bản thân, hưởng thụ của cải mình, mà chẳng màng chi đến anh em nghèo đói xung quanh, thờ ơ lãnh đạm trước nỗi khổ của đồng loại. Người giàu tự khép kín trong thế giới của riêng ông để hưởng thụ. Ông đã trở nên mù quáng trước lề luật của Thiên Chúa và trước sự hiện diện của người nghèo khổ. Có lẽ, mấy con chó còn tử tế với
Ladarô hơn ông nhà giàu (x. Lc 16, 21). Vì ích kỷ nên nhà phú hộ đã hoàn toàn xa cách với Ladarô. Ông tự tạo cho mình một vực thẳm khổng lồ, ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Vực thẳm đó ngăn cách cuộc sống của hai người ngay tại trần gian và kéo dài mãi đến tận thế giới bên kia, như lời tổ Phụ Abraham nói: “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16, 26).

Người giàu có nhiều của cải nên cảm thấy mình được bảo đảm, không cần trông cậy vào niềm an ủi của Thiên Chúa (x. Rm 15, 4). Ông đã giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Của cải và cuộc sống xung túc đã làm ông đui mù tâm trí. Ông đã trở nên mù đối với Thiên Chúa và lề luật của Người, đối với người nghèo và cuộc sống đời sau. Nên Chúa Giêsu đã phải thốt lên “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18, 24); (Mt 19, 23); (Mc10, 17).
Ladarô là đại diện của những người nghèo khổ biết đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa, đã giữ lời khuyên của Chúa Giêsu “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3), nên được nhận vào bàn tiệc của Vương Quốc Thiên Chúa.

Thế giới ngày nay cũng không thiếu những Ladarô nghèo khổ đang lê lết trước cổng nhà ta, chờ được chúng ta bố thí chút cơm thừa canh cặn. Vậy mà nhiều khi chúng ta vẫn giả điếc làm ngơ, vẫn bưng tai bịt mắt, ung dung vui hưởng những của cải mà Chúa đã ban cho ta, không màng chi đến nỗi thống khổ của đồng loại. Phải chăng chúng ta cũng đang tạo cho mình một vực thẳm ngăn cách giữa giàu và nghèo, giữa sang và hèn, giữa nông thôn và thành thị. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1979, ĐTC Gioan-Phaolô II đã nói: “Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải mà Chúa ban cho chúng ta, nếu bất cứ ở vùng nào đó người hành khất “Ladarô” của thế kỷ vẫn còn đang đứng chờ chúng ta ở cửa…. Ông nhà giàu và Ladaro nghèo khổ, cả hai đều là người, đều được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, đều được Đức Kitô cứu chuộc bằng giá rất đắt là giá máu quý báu mà Ngài đã đổ ra…. Chúng ta đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc”.

Mẹ Têrêxa thì nói: “Cái xấu lớn nhất trong thế giới ngày nay là thiếu vắng tình yêu, sự thờ ơ khủng khiếp đối với người lân cận ngày càng phổ biến”.

Mỗi người trong chúng ta hãy đứng lên ra khỏi bàn tiệc, cởi bỏ những trang phục quá sang trọng, không cần thiết, vì nó làm cho ta xa cách Chúa và xa lạ với những người nghèo. Chúng ta hãy nhìn ra cổng để thấy và đến gần những “Ladarô” của thời đại, đang ngồi lê trước cổng nhà ta. Chúng ta hãy đưa tay ra chia sẻ, giúp đỡ để xoa dịu nỗi đau của đồng loại, thu nhỏ vực thẳm ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Để chúng ta không phải chịu cực hình trong âm phủ, không phải ngửa tay xin một giọt nước để làm mát. Thiên Chúa rất vui lòng khi thấy con cái của Ngài sống tình liên đới, biết chia sẻ những hồng ân đã lãnh nhận từ nơi Ngài như thế, để Ngài thưởng công cho họ. Vì khi chúng ta chia sẻ cho anh em nghèo khổ, là chúng ta làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25, 40).

Của cải là mối nguy hiểm lớn cho con người ở mọi thời và mọi nơi. Vì của cải là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng thì của cải là đầy tớ tốt phục vụ cho chính mình cùng đồng loại ở đời này và là phương tiện đưa ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Còn không biết sử dụng thì của cải là ông chủ tồi, đời này huỷ hoại cuộc sống ta trong những cuộc chè chén say sưa, ăn chơi vô độ, bán rẻ lương tâm, huỷ hoại nhân cách, xa tránh anh em. Nó còn ngăn cản chúng ta trên đường tiến về Nước Trời để vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu với Chúa.

Lạy Chúa, chúng con là những con người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, nghĩ về mình, vơ vào mình để hưởng thụ, mà không màng chi đến nỗi thống khổ của anh em con. Chúng con cũng đang tự xây cho mình một vực thẳm khổng lồ, ngăn cách giữa giàu và nghèo. Làm cho chúng con xa cách, không thể đến được với Thiên Chúa và tha nhân. Xin Chúa thương trợ giúp, để chúng con biết lấp đi vực thẳm ngăn cách đó, cho chúng con đến được gần Chúa và gần anh em nghèo khổ. Làm cho cuộc sống mai sau chúng con cũng được vào nơi mát mẻ bên cạnh tổ Phụ Abraham và trước nhan Thiên Chúa.

Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)